Viêm xoang sàng: Triệu chứng, Chẩn đoán, Điều trị
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm xoang sàng xuất hiện khi niêm mạc xoang sàng bị viêm nhiễm. Bệnh hình thành, làm ứ đọng và bít tắc dịch mủ đồng thời gây áp lực lên xoang sàng. Để hiểu hơn về bệnh lý này, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Viêm xoang sàng là gì?
Xoang sàng nằm phía dưới trán, trên hốc mũi, giữa 2 bên mắt, bao gồm 4 khoang rỗng thông nhau. Viêm xoang sàng là tình trạng niêm mạc xoang này trở nên viêm nhiễm sau khi bị tác nhân bên ngoài (nấm, virus, vi khuẩn…) tấn công, từ đó dịch mủ xuất hiện, ứ đọng theo thời gian, gây bít tắc và tạo áp lực lên xoang sàng.
Là một trong 5 loại viêm xoang phổ biến nhất hiện nay, viêm xoang sàng sản sinh ra dịch mủ có mùi hôi thối cùng những cơn đau âm ỉ nơi đỉnh đầu và sau gáy của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ở mắt và đường hô hấp, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phân loại viêm xoang sàng
Có 2 cách để phân loại viêm xoang sàng như sau:
Theo mức độ: viêm xoang sàng cấp tính và viêm xoang sàng mạn tính
Theo vị trí viêm:
- Viêm xoang sàng trước là tình trạng dịch nhầy ứ vướng tại hốc mũi, gây tắc nghẽn, đau nhức. Bệnh này thường kéo dài và có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Viêm xoang sàng sau là tình trạng dịch nhầy ứ đọng nơi vòm họng, hình thành cảm giác vướng víu khiến người bệnh phải ho khạc để loại bỏ chúng. Khi bước sang giai đoạn nặng, bệnh có thể tạo ra nhiều cơn đau nhức từ đỉnh đầu xuống vai, mắt đỏ, chảy ghèn, suy giảm thị lực.
- Viêm xoang sàng 2 bên là tình trạng cả xoang sàng trước và sau đều viêm nhiễm, tắc nghẽn. Vì vậy, bệnh nhân sẽ bị nghẹt mũi, chảy nhiều nước mũi, có đờm nơi cổ họng…
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sau:
- Virus, vi khuẩn xâm nhập: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Những người bị viêm mũi hoặc đang mắc các bệnh về hô hấp thường có nguy cơ bị bệnh viêm xoang sàng cao hơn.
- Bít tắc vùng thông của mũi và xoang: Điều này xảy ra khi cấu trúc mũi của bệnh nhân có một số đặc điểm bất thường như polyp mũi, dị dạng cuống mũi, dị hình vách ngăn… Tình trạng này khiến dịch mũi bị ứ đọng, gây ra viêm nhiễm niêm mạc của vùng xoang.
- Dị ứng: Cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng hoặc mắc sẵn bệnh nền viêm mũi dị ứng cũng là những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang sàng.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh nhân tiểu đường, béo phì, HIV/AIDS, người nghiện thuốc lá… rất dễ mắc viêm xoang sàng. Trong các trường hợp này, bệnh thường diễn biến phức tạp, dai dẳng, khó lường và hay tái phát.
- Chấn thương: Các tai nạn gây ra chấn thương vùng mặt chính là một trong những tác nhân gây bệnh viêm xoang sàng.
- Yếu tố nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, ô nhiễm, khói bụi như nhà xưởng gỗ, nhà máy dệt, xí nghiệp xay xát ngũ cốc… thường bị viêm xoang hoặc các bệnh đường hô hấp khác.
Triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng thường được biểu hiện thông qua những triệu chứng cụ thể sau đây:
- Đau đầu: Những cơn đau đầu âm ỉ của bệnh lý này sẽ xuất hiện 2 bên thái dương, ở khu vực đỉnh đầu, 2 khóe mắt bên dưới trán, phía trên sống mũi và vùng sau gáy.
- Hôi miệng: Tình trạng viêm nhiễm sẽ sản sinh nhiều dịch nhầy. Lúc chảy xuống cổ họng, chúng bốc mùi và gây hôi miệng. Triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân ít uống nước và không vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Ho nhiều vào ban đêm: Khi mắc bệnh, dịch nhầy không thoát ra qua đường mũi mà chảy thẳng xuống cổ họng. Theo thời gian, người bệnh sẽ bị viêm nhiễm vùng họng, dẫn đến những cơn ho dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm.
- Vướng víu nơi cổ họng: Khi dịch đờm chảy xuống cổ họng, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, vướng víu tại cổ họng và khò khè, khó thở khi ngủ.
- Mờ mắt, suy giảm thị lực: Các xoang sàng bị viêm nhiễm có thể gây suy giảm thị lực. Thậm chí, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ bị mất thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn.
- Nặng 2 bên tai: Cảm giác choáng váng, ù tai cũng có thể xảy ra khi bạn mắc viêm xoang sàng.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm xoang sàng
Bệnh viêm xoang sàng nói riêng và bệnh viêm xoang nói chung hoàn toàn có thể được đẩy lùi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng.
- Triệu chứng lâm sàng là căn cứ đầu tiên giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý này. Sau khi nắm vững tiền sử bệnh lý cũng như các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ khám thực thể tai – mũi – họng rồi đưa ra kết luận ban đầu.
- Chụp MRI hoặc chụp CT xoang được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm xoang do nấm hay khối u.
- Chụp X-quang thường được tiến hành song song với việc khai thác bệnh sử nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm xoang sàng
Vì vị trí của xoang sàng nằm gần mắt và sọ não nên nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:
- Biến chứng ở mắt: sưng mắt, đỏ mắt, viêm mí mắt, áp xe mí mắt, viêm túi lệ, viêm tấy ổ mắt, viêm thần kinh thị giác, mờ mắt (thậm chí mù lòa)…
- Biến chứng đường hô hấp: Vì bệnh lý này gây chảy mủ, bít tắc lỗ thông xoang nên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đường thở, gây nghẹt mũi, sổ mũi, viêm amidan, viêm họng có mủ, viêm họng hạt, áp xe họng…
- Biến chứng gây viêm tai: Khi lan đến tai, viêm xoang sàng có thể làm tích mủ bên trong tai, dẫn đến chứng viêm tai giữa. Nếu không được chữa trị kịp thời, theo thời gian, mủ tích tụ và tạo nên áp lực ở màng nhĩ, khiến người bệnh bị điếc (do màng nhĩ bị thủng).
- Biến chứng gây viêm màng não mủ: Tình trạng tích tụ mủ trong tai quá nghiêm trọng có thể kéo theo bệnh viêm màng não mủ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
- Biến chứng gây viêm tắc tĩnh mạch hang: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của viêm xoang sàng. Khi các ổ xoang viêm nhiễm quá nặng, tĩnh mạch hang sẽ bị viêm tắc. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
Trước hàng loạt biến chứng phức tạp và khó lường trên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Cách điều trị bệnh viêm xoang sàng
Dựa vào nguyên nhân, mức độ bệnh lý và đặc điểm cơ địa, trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ 3 phương pháp chữa bệnh sau đây:
1. Phương pháp Tây y
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp được ưu tiên chỉ định trong các trường hợp bệnh nhẹ ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng chưa trở nên nghiêm trọng. Người mắc bệnh viêm xoang sàng cấp tính thường sử dụng thuốc Tây.
Để cải thiện bệnh lý, các loại thuốc chữa viêm xoang sàng cần được đưa vào bên trong của xoang. Tại đây, chúng sẽ phát huy tác dụng tiêu diệt nấm, virus, vi khuẩn mạnh mẽ đồng thời làm giảm dịch mủ ứ đọng bên trong xoang. Ngoài ra, thuốc cũng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Những loại thuốc thường được sử dụng để đẩy lùi viêm xoang sàng gồm:
- Thuốc kháng sinh (Cephalexin, Amoxicilin, Cefuroxim…) dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn.
- Các loại thuốc xịt mũi corticosteroid hoặc thuốc kháng histamin có tác dụng giảm sưng viêm, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân bị polyp mũi.
- Thuốc giảm đau chứa Paracetamol như Efferalgan, Panadol, Aspirin, Acetaminophen, Ibuprofen…
Những loại thuốc Tây trên đều ít nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, người bệnh cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, liều lượng và thời gian điều trị.
Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng các mẹo hỗ trợ điều trị viêm xoang sàng sau:
- Ăn các thực phẩm có đặc tính kháng viêm như gừng, tỏi, hành, nghệ, mật ong… nhằm hạn chế triệu chứng viêm xoang cũng như phòng ngừa một số bệnh đường hô hấp khác như cảm cúm, cảm lạnh…
- Xông mũi bằng tinh dầu (sả, oải hương, bạc hà, hương thảo…) để làm loãng dịch nhầy, giúp mũi thông thoáng, dễ chịu
- Rửa mũi với nước muối sinh lý khoảng 1 – 2 lần/ngày nhằm làm sạch khoang mũi, diệt khuẩn, chống viêm và ngăn ngừa mầm bệnh
Điều trị ngoại khoa
Nếu điều trị nội khoa (dùng thuốc) không thành công, bệnh nhân sẽ phải tiến hành điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Đây là phương pháp chỉ được cân nhắc sử dụng khi bệnh tình trầm trọng và có nguy cơ gây ra biến chứng.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS) là cách chữa bệnh viêm xoang sàng mạn tính phổ biến nhất nhờ vào tác dụng phục hồi chức năng lưu thông và dẫn lưu khí của mũi xoang vô cùng nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, người có hệ miễn dịch yếu hoặc cơ địa dị ứng sẽ đối mặt với nguy cơ tái phát cao hơn.
2. Phương pháp Đông y
Quan niệm Đông y cho rằng viêm xoang sàng là một trong những bệnh lý thuộc chứng Tỵ Uyên, Tỵ Lậu, Não Lậu. Thận âm hư, gan hỏa gây phế nguyệt làm mất cân bằng âm dương, từ đó chính khí hao tổn, ngoại tà xâm nhập chính là nguyên nhân của bệnh.
Nắm vững điểm mấu chốt này, Đông y sẽ chữa bệnh triệt để bằng phương pháp tập trung cân bằng âm dương không xâm lấn, nhằm giúp hỏa tự yên vị, chính khí vững vàng, đẩy lùi tà khí đồng thời nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân.
Với cách điều trị viêm xoang trên, người bệnh sẽ dùng các loại thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính để cải thiện triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý, đặc điểm cơ địa và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, thuốc sẽ phát huy tác dụng nhanh – chậm khác nhau. Đây là lý do vì sao khi áp dụng phương pháp Đông y, bạn cần kiên trì tuân theo sự hướng dẫn của các thầy thuốc.
3. Mẹo dân gian tại nhà
Bên cạnh phương pháp Đông y và Tây y, ở giai đoạn đầu, khi bệnh vẫn còn ở mức độ nhẹ, nhiều người chọn cách tự điều trị tại nhà với các bài thuốc dân gian đơn giản, hiệu nghiệm sau:
- Gừng có đặc tính kháng viêm, giảm đau, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương do viêm xoang gây ra. Người bệnh có thể nhai gừng sống, bổ sung gừng vào bữa ăn hoặc uống trà gừng mỗi ngày.
- Nghệ chứa hoạt chất Curcumin dồi dào với tác dụng chống viêm, giảm sưng, chống oxy hóa hiệu quả. Bệnh nhân có thể trộn nghệ tươi với mật ong nguyên chất theo tỷ lệ 1:1, sau đó ngậm ½ muỗng cà phê hỗn hợp trong vòng 15 phút rồi nuốt, thực hiện đều đặn 4 – 5 lần/ngày để bệnh nhanh khỏi.
- Giấm táo giúp diệt khuẩn, kháng viêm đồng thời ngăn ngừa quá trình hình thành dịch nhầy (nhờ vào tác dụng của Kali). Do đó, bạn có thể pha giấm táo với nước lọc theo tỷ lệ 1:1, đun nóng để xông mũi mỗi ngày.
Ưu điểm của 3 bài thuốc dân gian này là tiết kiệm và an toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo thực hiện đúng cách để thu được kết quả mong muốn. Hơn nữa, dược tính và mức độ hiệu quả của những cách làm trên vẫn chưa được chuyên gia kiểm chứng. Do đó, bạn cần hết sức cân nhắc nếu lựa chọn phương pháp này.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang sàng
Vì viêm xoang sàng là bệnh lý rất dễ mắc và có thể gây ra những hậu quả khó lường về mặt sức khỏe nên chúng ta cần chủ động, tích cực phòng tránh ngay từ hôm nay bằng những cách sau:
- Vệ sinh mũi sạch sẽ với nước muối sinh lý thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây hại
- Chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột
- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh về đường hô hấp hoặc đi đến môi trường độc hại, khói bụi, ô nhiễm
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng mát
- Những người có cơ địa mẫn cảm nên tránh xa lông thú, phấn hoa, nước hoa và các thực phẩm dễ gây kích ứng như trứng, thịt gà, hải sản…
- Luyện tập thể dục điều độ
- Xây dựng lịch trình làm việc – nghỉ ngơi khoa học, hợp lý
- Uống nhiều nước lọc, sinh tố, trà thảo mộc
- Hạn chế dùng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào thực đơn ăn uống hàng ngày
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, tái khám tai – mũi – họng theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Hy vọng những thông tin tổng quan về bệnh viêm xoang sàng trên sẽ giúp người bệnh biết cách phòng tránh cũng như đẩy lùi bệnh lý này một cách an toàn, hiệu quả. Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường về đường hô hấp, độc giả cần nhanh chóng đi thăm khám chuyên khoa để được chữa bệnh đúng hướng và kịp thời. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không được mua thuốc tự điều trị tại nhà nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!