Viêm mũi vận mạch là gì? Có chữa được không?
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm mũi vận mạch là bệnh lý tương đối xa lạ đối với chúng ta. Triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi của tình trạng này rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác về đường tiêu hóa. Mời độc giả theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị – chăm sóc của bệnh viêm mũi vận mạch.
Bệnh viêm mũi vận mạch là gì?
Viêm mũi vận mạch (viêm mũi vô căn) xuất hiện khi hệ thần kinh đối giao cảm của niêm mạc mũi phản ứng thái quá trước các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài như: vi nấm, vi khuẩn, mùi lạ, phấn hoa, thời tiết…
Khi thường xuyên tiếp xúc với những yếu tố dị nguyên này, lớp màng bên trong khoang mũi sẽ bị kích ứng và viêm nhiễm kéo dài. Với các triệu chứng tương tự viêm mũi dị ứng, bệnh lý này thường tự khỏi nếu bệnh nhân tránh xa nguyên nhân gây bệnh.
Viêm mũi vận mạch có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em và những người từ 20 tuổi trở lên. Các thống kê cho thấy, nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ cao gấp đôi đàn ông và khoảng 20% vận động viên gặp phải những triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch khi đang tập luyện.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi vận mạch
Các chuyên gia cho biết, sinh bệnh học của bệnh lý này khá phức tạp và chưa được hiểu biết cặn kẽ. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ trạng thái mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ (tức sự tăng cường tín hiệu của hệ thần kinh phó giao cảm và suy giảm tín hiệu ở hệ thần kinh giao cảm tại vùng niêm mạc mũi).
Tình trạng này khiến hệ thống mạch máu mũi giãn nở quá mức, dẫn đến hiện tượng nghẹt mũi và phù nề niêm mạc. Lúc này, niêm mạc mũi sẽ bị ứ đọng nhiều máu và dịch nhầy.
Tác nhân kích thích đến từ môi trường bên ngoài như: virus, bụi bặm, khói thuốc lá, không khí lạnh, mùi mạnh, rượu bia, thức ăn cay nóng, sự thay đổi độ ẩm hay một số loại thuốc (ibuprofen, aspirin, thuốc xịt thông mũi, thuốc huyết áp cao, thuốc chẹn beta) chính là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm mũi vận mạch.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc tránh thai hoặc sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc lúc mang thai là nguyên nhân gây bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này, đó là:
- Hội chứng mệt mỏi mạn tính
- Tư thế ngủ ngửa
- Triệu chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
- Tinh thần căng thẳng, áp lực
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm mũi vận mạch
Thông thường, các triệu chứng viêm mũi vận mạch có xu hướng kéo dài quanh năm. Tuy nhiên, một số biểu hiện chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt, những đợt nặng thường diễn ra theo mùa, khi sự thay đổi nhiệt độ, áp suất và độ ẩm thay đổi rõ rệt.
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi vận mạch là ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, cổ họng có đờm… Khác với viêm mũi dị ứng, bệnh lý này không gây ra hiện tượng ngứa ngáy ở mắt, mũi hoặc cổ họng.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi:
- Những triệu chứng trên trở nên nghiêm trọng
- Thuốc Tây theo toa và phương pháp tự chăm sóc tại nhà không phát huy hiệu quả
- Bệnh nhân gặp phải một số tác dụng không mong muốn từ thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn
Bệnh viêm mũi vận mạch có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện từ sớm và can thiệp kịp thời, bệnh viêm mũi vận mạch sẽ diễn tiến rất nhanh. Do đó, người bệnh phải đối mặt với các biến chứng phức tạp như:
- Polyp mũi: Polyp mũi là sự tăng trưởng – phát triển của các mô mềm lành tính bên trong niêm mạc mũi xoang. Vấn đề này bắt nguồn từ tình trạng sưng viêm mạn tính. Các polyp nhỏ thường không gây ra vấn đề đáng kể. Tuy nhiên, những polyp lớn có thể cản trở luồng không khí lưu thông qua mũi và gây ra triệu chứng khó thở.
- Nhiễm trùng, viêm xoang và viêm màng niêm mạc xoang: Những vấn đề này hình thành khi người bệnh bị nghẹt mũi liên tục vì viêm mũi vận mạch trong một khoảng thời gian dài.
- Nhiễm trùng tai giữa: Vì tai – mũi – họng liên quan chặt chẽ với nhau nên khi bệnh nhân nghẹt mũi và chảy nước mũi thường xuyên, vùng tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, các triệu chứng phiền toái của bệnh viêm mũi vận mạch còn khiến bạn cảm thấy khó chịu và mất tập trung. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của nhiều người bệnh.
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm mũi vận mạch
Các dấu hiệu nhận biết lâm sàng của bệnh lý này tương đối mơ hồ và khó chẩn đoán chính xác. Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm/thủ thuật chuyên biệt như:
- Xét nghiệm máu nhằm đo lường mức độ nhạy cảm của hệ miễn dịch đối với những tác nhân gây dị ứng thường gặp.
- Xét nghiệm tế bào học mũi cung cấp dữ liệu về những loại tế bào cấu thành niêm mạc mũi, từ đó tìm kiếm sự hiện diện của các yếu tố viêm nhiễm.
- Thử nghiệm kích ứng mũi được thực hiện bằng cách cho người bệnh lần lượt tiếp xúc với một số chất gây dị ứng, sau đó ghi nhận phản ứng của họ nhờ vào phương pháp đo sóng âm mũi hoặc khí áp mũi.
- Kiểm tra da thông qua việc để da tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây kích ứng có trong không khí. Khi xuất hiện phản ứng, vùng da được thử nghiệm sẽ nổi đỏ hoặc phát ban.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu nghi ngờ triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi liên quan đến khối u vùng đầu – mặt – cổ.
- Chụp cắt lớp vi tính (CTscan) có thể chẩn đoán loại trừ bệnh viêm xoang thông qua những hình ảnh xoang mũi.
- Nội soi mũi xoang giúp bác sĩ quan sát bên trong khoang mũi để dự đoán một số nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mũi.
Phương pháp điều trị bệnh lý
Sử dụng thuốc Tây, phẫu thuật can thiệp, áp dụng bài thuốc Đông y và tự chăm sóc tại nhà chính là bốn cách chữa bệnh viêm mũi vận mạch phổ biến nhất nay.
Sử dụng thuốc Tây
Các loại thuốc Tây điều trị bệnh lý này đều có khả năng thu hẹp mạch máu và cải thiện tình trạng nghẹt mũi, cụ thể
- Thuốc xịt mũi kháng histamin như: azelastine (astelin, astepro) và olopatadine hydrochloride (patanase) có thể kiểm soát nhiều triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch.
- Thuốc xịt mũi corticosteroid (flnomasone và triamcinolone) thường được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi. Tuy loại thuốc này có thể điều trị và phòng ngừa bệnh viêm mũi vận mạch nhưng bạn cần sử dụng thận trọng, nhằm hạn chế một số tác dụng phụ như: khô mũi, nhức đầu, khô họng, chảy máu mũi…
- Thuốc xịt mũi chống cholinergic giúp khắc phục tình trạng chảy nước mũi. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên lưu ý liều lượng để phòng tránh khô mũi và chảy máu cam.
- Thuốc thông mũi có khả năng thu hẹp mạch máu và kiểm soát triệu chứng nghẹt mũi. Phenylephrine (neo-synephrine, afrin) và thuốc chứa pseudoephedrine (sudafed) là những loại thuốc thông mũi phổ biến nhất hiện nay. Tác dụng phụ của chúng là gây bồn chồn, đánh trống ngực và tăng huyết áp.
- Dung dịch nước muối sinh lý có thể làm dịu niêm mạc mũi, làm sạch và làm loãng dịch mũi, sau đó tống đẩy cặn bã ra ngoài, đồng thời ức chế sự phát triển của nấm, virus, vi khuẩn và cản trở quá trình lây lan của các phản ứng viêm.
Lưu ý, những loại thuốc kháng histamin không theo toa như: cetirizine (zyrtec), diphenhydramine (benadryl), fexofenadine (allegra) và loratadine (claritin) không thể cải thiện bệnh viêm mũi vận mạch.
Phẫu thuật
Phẫu thuật can thiệp thường được áp dụng trong các trường hợp không đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa. Phương pháp này giúp đẩy lùi triệu chứng nghẹt mũi (sung huyết) nhưng không thể khắc phục chứng chảy nước mũi.
- Kỹ thuật chích corticoid dưới niêm mạc mũi có thể gây ra biến chứng suy giảm hoặc mất hẳn thị lực (do tinh thể thuốc làm tắc nghẽn mạch máu tại võng mạc).
- Kỹ thuật đốt điện lưỡng cực hoặc đơn cực dưới niêm mạc cuốn mũi tuy mang đến hiệu quả cao trong việc làm giảm khối lượng cuốn mũi dưới nhưng không cải thiện triệu chứng chảy nước mũi một cách rõ rệt.
- Kỹ thuật đốt niêm mạc mũi bằng các hóa chất như: phenol, nitrat bạc, các chất làm xơ hóa hay kỹ thuật đốt nhiệt có khả năng làm teo niêm mạc mũi. Thế nhưng, những cách làm này vừa không mang lại hiệu quả lâu dài vừa có thể hình thành những vết sẹo xơ dính.
- Kỹ thuật đốt lạnh sợi thần kinh hậu hạch đối giao cảm và đốt lạnh cuốn mũi dưới có tỷ lệ thành công khoảng 70 – 88%.
- Kỹ thuật cắt bỏ cuốn mũi dưới một phần hoặc toàn bộ cho kết quả ban đầu rất tốt nhưng không duy trì mãi mãi. Cách làm này đi kèm rủi ro chảy máu mũi và viêm mũi teo. Hơn nữa, thời gian phục hồi sau phẫu thuật thường kéo dài nhiều tuần và vảy mũi có thể tồn tại đến vài tháng sau ca mổ.
- Kỹ thuật hủy thần kinh vidian tuy chữa được bệnh viêm mũi vận mạch nhưng có thể gây ra hiện tượng đau mắt, dị cảm mặt và giảm tiết nước mắt.
- Kỹ thuật cuốn mũi dưới bằng laser nổi bật với ưu điểm cầm máu tốt và góp phần giảm thiểu biến chứng chảy máu mũi. Thế nhưng, sau khi ca mổ kết thúc, vảy mũi sẽ hiện diện lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân phải vệ sinh vùng mũi thường xuyên trong khoảng 4 – 8 tuần.
Không chỉ gây suy giảm sức đề kháng đáng kể, phương pháp can thiệp ngoại khoa còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được phẫu thuật thành an toàn, thành công.
Áp dụng bài thuốc Đông y
Theo quan niệm của ngành y học cổ truyền, bệnh viêm mũi vận mạch xuất hiện khi chúng ta mắc phải chứng thực và chứng hư.
Lúc này, phế khí hư, tỳ khí hư, thận dương hư khiến cơ thể mất đi trạng thái cân bằng âm dương, sức đề kháng suy giảm đáng kể. Đây chính là điều kiện thuận lợi để yếu tố phong nhiệt, phong hàn tấn công và gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Hai bài thuốc Bắc chữa bệnh viêm mũi vận mạch hiệu nghiệm mà bạn có thể tham khảo là:
Bài thuốc số 1 giúp chống tiết, tiêu viêm, giảm sưng phù và thông đường huyết.
- Chuẩn bị 2g giáo xuyên sơn, 4g sinh khương, 6g vỏ quế, 10g tế tân, 10g trần bì, 10h bán hạ chế, 10g xuyên khung, 10g bạch chỉ, 12g huyền sâm, 12g xạ can, 12g dương bồ, 12g đinh lăng (củ), 12g đương quy và 16g sa sâm
- Rửa sạch tất cả dược liệu, để ráo
- Sắc kỹ toàn bộ vị thuốc với một lượng nước vừa đủ trên lửa nhỏ
- Chia thành 3 phần bằng nhau
- Kiên trì dùng thuốc cho đến khi các triệu chứng được cải thiện
Bài thuốc số 2 giúp giảm đau, chống viêm, giảm tiết và thông phế đạo
- Chuẩn bị 2g xuyên sơn giáp, 10 tế tân, 10g hoàng kỳ, 10g bối mẫu, 10g bán hạ chế, 10g tang ký sinh, 12g cát cánh, 12g sa sâm, 12g nam tục đoạn, 12g nam hoàng bá, 16g câu ngũ sắc, 16g đinh lăng (củ), 16g thương nhĩ và16g rễ xương sông
- Rửa sạch tất cả dược liệu, để ráo
- Sắc kỹ toàn bộ vị thuốc với một lượng nước vừa đủ trên lửa nhỏ
- Chia thành 3 phần bằng nhau
- Kiên trì dùng thuốc cho đến khi các triệu chứng được cải thiện
Trong khi đó, nhiều bài thuốc Nam chữa bệnh viêm mũi vận mạch đã được dân gian đúc kết và lưu truyền rộng rãi trong hàng trăm năm qua. Những loại dược liệu như: cây giao, ké đầu ngựa, hoa ngũ sắc… rất dân dã, bình dị và quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Các loại thảo mộc an toàn, lành tính này có khả năng điều trị triệu chứng triệt để, loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh và ngăn ngừa tái phát vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, những bài thuốc Nam còn hỗ trợ bồi bổ cơ thể, thúc đẩy quá trình hồi phục chức năng phủ tạng và không dẫn đến tác dụng phụ.
Chữa bệnh viêm mũi vận mạch tại nhà
Các bệnh nhân phát hiện bệnh viêm mũi vận mạch từ sớm có thể chủ động xử lý triệu chứng tại nhà bằng hai cách thức đơn giản sau:
Chữa viêm mũi vận mạch bằng tinh dầu: Mẹo đơn giản này giúp tống đẩy toàn bộ chất nhầy ra ngoài, đồng thời loại bỏ nguyên nhân hình thành hiện tượng kích ứng bên trong hốc mũi, từ đó đẩy lùi tình trạng đau họng, hắt xì và chảy nước mũi.
- Nấu sôi 2 lít nước sạch rồi đổ vào tô lớn
- Nhỏ 3 – 4 giọt tinh dầu thiên nhiên bất kỳ (bạc hà, trà xanh, hương thảo)
- Xông hơi khoảng 5 – 10 phút với dung dịch vừa chuẩn bị, sau đó hỉ mũi để tống dịch nhầy ra ngoài
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng được đẩy lùi
Trị viêm mũi vận mạch bằng tỏi: Với nhiều hoạt chất kháng histamin, củ tỏi sở hữu khả năng chống viêm, kháng khuẩn, kháng sinh vô cùng mạnh mẽ. Nhờ đó, loại gia vị này có thể tăng cường hệ miễn dịch và đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương.
- Cách 1: Rửa sạch tỏi tươi, để ráo, ngâm tỏi với rượu trắng cho đến khi rượu ngả màu vàng. Khi sử dụng, bạn hòa rượu tỏi vào trong nước ấm, uống 2 – 3 lần/ngày.
- Cách 2: Rửa sạch tỏi tươi, ép lấy nước cốt, sau đó trộn chung tinh chất này với mật ong nguyên chất để tạo thành hỗn hợp sánh mịn, thấm hút dung dịch bằng tăm bông rồi áp nhẹ lên mũi khoảng 5 – 10 phút.
Hai mẹo đơn giản trên chỉ phù hợp với những trường hợp nhẹ, khi bệnh chưa phát sinh biến chứng. Tuy là giải pháp hỗ trợ điều trị an toàn, hiệu quả nhưng cách làm này không thể thay thế thuốc Tây đặc trị.
Nếu bệnh nhân lạm dụng phương pháp chữa bệnh tại nhà, viêm mũi vận mạch có thể tái phát thường xuyên và chuyển dần sang giai đoạn mạn tính. Lúc này, quá trình điều trị sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.
Cách chăm sóc và phòng tránh viêm mũi vận mạch
Các chuyên gia sức khỏe hàng đầu đánh giá cao vai trò của chế độ ăn uống cân bằng và lối sống khoa học trong công tác điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh viêm mũi vận mạch. Để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình thân yêu, độc giả cần:
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh
Muốn nhanh chóng chữa khỏi bệnh lý này, người bệnh nên kết hợp linh hoạt các biện pháp điều trị y khoa với chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất bằng cách tăng cường bổ sung:
- Nhóm thực phẩm giàu quercetin (một loại polyphenol có khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất histamin bên trong cơ thể) như: táo, hành tây đỏ, cải xoăn, đậu bắp, khoai lang, măng tây, trà xanh, bông cải xanh, các loại đậu và các loại quả mọng…
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin C (khóm, xoài, kiwi, cam, ổi, bưởi, táo, đu đủ, dưa lưới, chanh leo, dâu tây, bông cải xanh, ớt chuông, cải xoăn, bắp cải…) giúp hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch.
- Nhóm thực phẩm giàu omega-3 như: hàu, cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá cơm, dầu gan cá tuyết, trứng cá muối, hạt lanh, hạt chia, đậu nành… có thể kháng viêm và cải thiện triệu chứng viêm mũi vận mạch.
- Nhóm thực phẩm giàu men vi sinh như: sữa chua, súp rong biển miso, nấm sữa kefir, phô mai lên men, tempeh đậu nành, kim chi, dưa muối, trà nấm thủy sâm, tương natto… góp phần tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi và tiêu diệt vi khuẩn gây hại bên trong đường ruột.
Mặt khác, để ngăn chặn diễn tiến của bệnh viêm mũi vận mạch, bạn cần kiêng cữ một số loại thực phẩm sau:
- Đồ ăn – thức uống lạnh sẽ gây co thắt đường thở hoặc kích thích co thắt phế quản, từ đó dẫn đến những cơn ho chứa đờm và tăng cường hiện tượng tiết dịch nhầy ở đường hô hấp.
- Đồ uống có chất kích thích (cà phê, bia rượu) cung cấp hàm lượng histamin cao.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể khiến lượng đờm tăng nhanh.
- Một số loại hạt (hạt điều, óc chó, hạnh nhân, đậu phộng…) có nhiều histamin.
- Đồ ngọt và món ăn giàu chất béo chứa nhiều calo, ít chất chống oxy hóa, có thể thúc đẩy sản xuất chất nhầy và dẫn đến tình trạng nghẹt mũi.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc dùng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt bằng cách:
- Luyện tập thể dục – thể thao điều độ
- Thường xuyên vệ sinh khoang mũi sạch sẽ với các dụng cụ chuyên dụng như: chậu neti, chai nước muối, ống tiêm bóng đèn
- Xì mũi nhẹ nhàng và cẩn thận
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để thanh lọc và làm ẩm không khí
- Khi tắm, có thể hít hơi nước ấm của vòi sen để làm loãng dịch nhầy của mũi
- Cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (nước lọc, trà thảo mộc hoặc nước ép trái cây)
- Tuyệt đối không lạm dụng thuốc thông mũi
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh như: phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại, rượu bia, đồ ăn cay nóng…
- Ăn ngủ đúng giờ, nghỉ ngơi hợp lý
- Suy nghĩ lạc quan, tích cực, sống chan hòa, vui vẻ
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vào thời khắc giao mùa
- Tuân thủ triệt để mọi hướng dẫn dùng thuốc và chăm sóc tại nhà của bác sĩ chuyên khoa
Nhìn chung, viêm mũi vận mạch không phải là bệnh lý nghiêm trọng và nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan, vấn đề này có thể diễn biến phức tạp và dẫn đến một số biến chứng khó lường. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường trên, bạn cần thăm khám bác sĩ trực tiếp để được chẩn đoán kịp thời và chữa bệnh dứt điểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!