Viêm mũi dị ứng có lây không? Làm sao phòng ngừa?
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý về hô hấp thường gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em do hệ miễn dịch còn yếu kém. Bệnh gây ra các triệu chứng hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi. Vậy viêm mũi dị ứng có lây không, nên phòng ngừa thế nào, tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Viêm mũi dị ứng có lây không
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý về hô hấp biểu hiện thông qua các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi nên không ít người lo lắng rằng đây là một căn bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua đường hô hấp. Nhưng thực chất đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng là cơ thể tiếp xúc với các tác nhân dị ứng bên ngoài chứ không phải do vi khuẩn, virus nên bệnh không hề có tính chất lây nhiễm. Nói rõ hơn thì các tác nhân gây bệnh có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như phấn hoa, lông động vật hay bụi bẩn khiến cơ thể phóng thích quá mức histamin, gây sưng viêm, phù nề niêm mạc và gây ra các triệu chứng kèm theo như ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.
Như vậy để trả lời câu hỏi ” viêm mũi dị ứng có lây không” thì câu trả lời chắc chắn là không. Tuy không lây nhiễm nhưng viêm mũi dị ứng lại có tính di truyền. Tức nếu cha hoặc mẹ mắc các bệnh về hô hấp thì con khi sinh ra cũng có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng rất cao.
Nếu người bệnh chỉ bị viêm mũi dị ứng vào thời điểm nào đó trong năm thì đó là viêm mũi theo mùa còn nếu các triệu chứng bệnh xuất hiện liên tục, không có tính chu kỳ thì đó là viêm mũi quanh năm. Viêm mũi dị ứng có tính tái phát rất cao, nhất là với những người có hệ miễn dịch yếu kém thì càng dễ mắc bệnh và tái phát khi gặp các dị nguyên và có thể chuyển biến sang mãn tính gây ra các bệnh về hệ hô hấp vô cùng nguy hiểm. Vì vậy cần phải có các biện pháp phòng tránh bệnh này thật hiệu quả.
Phòng tránh viêm mũi dị ứng
Thực tế các phản ứng phóng ra histamin của cơ thể là các phản ứng tốt hoàn toàn tự nhiên nhằm giúp các dị nguyên không thể xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Tuy nhiên do hệ miễn dịch của người bệnh còn yếu nên mới gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, một số người có cơ địa dễ bị dị ứng cũng có nguy cơ mắc bệnh này rất cao. Chính vì thế, biện pháp phòng tránh bệnh này tốt nhất chính là bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng cũng như hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên có thể gây bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên
Có rất nhiều dị nguyên có thể xâm nhập và gây viêm mũi dị ứng cho người bệnh như bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật hay hít phải không khí ô nhiễm. Đôi khi nó có thể là một tác nhân rất nhỏ là chúng ta không thể nhận biết được. Ví dụ với người bị viêm mũi dị ứng theo mùa các tác nhân gây bệnh có thể là phấn hoa chẳng hạn trong khi với người bị viêm mũi dị ứng quanh năm thì nấm mốc cũng có thể là nguyên nhân làm người bệnh hắt hơi sổ mũi liên tục.
Chính vì thế cách để hạn chế sự tiếp xúc với các dị nguyên này tốt nhất chính là đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường. Đeo khẩu trang không chỉ giúp bạn giảm tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị ứng mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh hô hấp, bảo vệ cổ họng cực hiệu quả.
Ngoài ra, với những người có cơ địa dễ dị ứng hay trong gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi động vật như chó mèo hay hạn chế trồng hoa hay cắm hoa để loại bỏ một phần các tác nhân dễ gây bệnh. Một số người có thể bị dị ứng do môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều hoa chất hay ô nhiễm cũng nên đổi việc để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ
Bụi bẩn, nấm mốc đều là những dị nguyên có thể kích thích sự phóng thích quá mức histamin của niêm mạc mũi. Chính vì vậy hãy đảm bảo không gian sống của bạn luôn được sạch sẽ và thoáng mát, loại bỏ mầm bệnh. Chăn ga, gối nệm cũng là các vật dụng cần tăng cường giặt giũ thường xuyên vì đây cũng là moi trường mà các bụi bẩn hay nấm mốc có thể bám vào và tiếp xúc trực tiếp với mũi, miệng có thể khiến viêm mũi dị ứng xuất hiện.
Ngoài ra, bạn có thể để thêm trong phòng một máy làm ẩm không khí, nhất là trong những phòng ngủ, phòng sử dụng máy lạnh. Không khí hanh khô có thể gây ra các triệu chứng dị ứng ở mũi, khiến niêm mạc mũi bị khô và dễ kích thích hơn. Dùng máy làm ẩm không khí vừa giúp mũi dễ chịu hơn lại vừa có khả năng hạn chế sự phát triển của nấm mốc, loại bỏ mầm bệnh và bụi bẩn.
Ngoài ra cũng nên hạn chế trải thảm trong nhà vì dễ tạo điều kiện cho các bụi bẩn bám vào. Hoặc nếu có thì nên thường xuyên vệ sinh các đồ vật này. Khăn trải bàn, rèm cửa, nệm ghế sofa cũng là các vật dụng bạn cần làm sạch để phòng tránh viêm mũi dị ứng tốt nhất.
Giữ ấm cơ thể
Sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến cơ thể không kịp phản ứng lại cũng là nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi dị ứng thời tiết ở cả trẻ em và người lớn. Vì vậy để phòng tránh trường hợp này bạn hãy luôn đảm bảo giữ ấm cơ thể khi ra ngoài bằng cách mặc ấm đầy đủ trước khi ra ngoài. Tốt nhất là luôn chuẩn bị sẵn một áo khoác mỏng khi ra ngoài cùng với khẩu trang sẽ giúp bạn bảo vệ cơ thể tốt nhất.
Có chế độ ăn uống khoa học
Hải sản, sữa hay đậu phộng đều là các thực phẩm có khả năng gây dị ứng với một số cơ địa và làm sản sinh ra histamin quá mức. Vì thế những người có cơ địa dễ bị dị ứng nên hạn chế ăn các thực phẩm này.
Thay vào đó, rau củ, trái cây nhiều chất xơ và vitamin là những món ăn nên tăng cường nếu muốn phòng tránh viêm mũi dị ứng hiệu quả. Đạm, chất béo, tinh bột từ thịt, cơm, bún cũng là những chất nên bổ sung để tăng sức đề kháng tối ưu, hạn chế mắc các bệnh về hô hấp. Các nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C, Selen, Kẽm có trong rau xanh, trái cây, và một số loại thuốc bổ sung cũng có tác dụng tốt cho hệ miễn dịch.
Bên cạnh các thực phẩm này, bạn có thể tăng cường sử dụng các loại gia vị có chứa “kháng sinh kháng histamin tự nhiên” để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tốt hơn. Các gia vị bạn nên dùng thường hơn như tỏi, gừng, nghệ vàng… Dùng các gia trị này trong chế biến thức ăn vừa tăng thêm hương vị lại rất tốt cho sức khỏe.
Nước đá, đồ lạnh, đồ uống có cồn, chất kích thích đều là các thực phẩm có hại khiến hệ miễn dịch suy yếu và ccs các dị nguyên dễ xâm nhập và gây bệnh hơn nên bạn cũng cần hạn chế sử dụng.
Dùng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý và dung dịch làm sạch an toàn và có thể dùng cho mọi đối tượng kể cả phụ nữ có thai hay trẻ sơ sinh. Bạn có thể dùng nước muối súc miệng mỗi ngày để sát khuẩn cổ họng rất tốt. Hoặc nếu vừa đi xa về bạn có thể dùng vài giọt nước muối sinh lý làm sạch chất nhầy và dị nguyên trong mũi sẽ giúp phòng tránh bệnh này hiệu quả.
Uống đủ nước
Uống đủ nước chính là cách giúp bạn có thể p-hòng tránh rất nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh viêm mũi dị ứng. Có thể người lớn cần uống từ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày, còn trẻ con thì ít hơn. Ngoài ra, bạn có thể thay thế bằng nước ép trái cây hay rau củ để tăng cường vitamin và chất xơ tốt cho cơ thể.
Phòng tránh viêm mũi dị ứng không hề khó khăn, chỉ cần mỗi người thay đổi một chút về chế độ sinh hoạt thì hoàn toàn có thể phòng bệnh này. Viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh mệt mỏi và tạo điều kiện cho nhiều bệnh khác phát triển hơn, chính vì vậy cần nâng cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc viêm mũi dị ứng có lây không.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!