Viêm da cơ địa quanh miệng: Cách điều trị và phòng tránh
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm da cơ địa quanh miệng đi kèm với các biểu hiện như da bong vảy, khô ráp, phát ban và nổi mụn nước. Các triệu chứng của bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ mà còn khiến người bệnh đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Với những trường hợp nặng có thể gây bội nhiễm, mưng mủ.
Cách nhận biết bệnh viêm da cơ địa quanh miệng
Các triệu chứng viêm da cơ địa quanh miệng thường xuất hiện dạng phát ban, nổi các mụn đỏ li ti xung quanh vùng miệng, có vảy, các mụn đỏ đôi khi còn xuất hiện ở mí mắt và mũi.
Lúc này vùng da quanh miệng có hiện tượng khô ráp, bong tróc, tổn thương da có màu đỏ hoặc đỏ sẫm. Bệnh viêm da cơ địa quanh miệng thường khởi phát ở nữ giới có độ tuổi từ 16 – 45. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh lý cũng có thể bùng phát ở trẻ em.
Để nhận định chính xác bệnh viêm da cơ địa quanh miệng, bác sĩ tiến hành các chẩn đoán lâm sàng và tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm nuôi cấy da để loại trừ khả năng bội nhiễm và nhiễm trùng.
Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mảng da nhỏ ở khu vực da xung quanh miệng bị tổn thương, sau đó dùng các thiết bị y khoa để kiểm tra mô da xem người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn hay nhiễm nấm hay không, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Đối với các trường hợp không đáp ứng các biện pháp điều trị thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thực hiện sinh thiết da để chẩn đoán chính xác bệnh viêm da cơ địa quanh miệng.
Nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa quanh miệng
Có rất nhiều yếu tố gây bùng phát các triệu chứng viêm da cơ địa quanh miệng. Dưới đây là một số tác nhân có mối liên hệ mật thiết với bệnh lý:
- Da khô ráp
- Các loại mỹ phẩm dùng bôi lên miệng và xung quanh miệng
- Các chất tẩy rửa mạnh, xà phòng, nước
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Khí hậu lạnh, khô
- Phấn hoa
- Khói thuốc lá
- Dung nạp các thực phẩm gây dị ứng
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Rối loạn nội tiết tố ở nữ giới
Y học hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm viêm da cơ địa, bao gồm viêm da cơ địa quanh miệng. Các biện pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh lý hiệu quả, ức chế bệnh bùng phát mạnh, đồng thời phòng ngừa tái phát sau khi các triệu chứng thuyên giảm.
Điều trị viêm da cơ địa quanh miệng
Dựa vào mức độ tổn thương do bệnh viêm da cơ địa gây ra và độ tuổi mà bác sĩ da liễu sẽ áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp nhất. Với trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc da tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ mà không cần dùng thuốc điều trị.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Viêm da cơ địa quanh miệng thường khiến vùng da bị tổn thương bị nứt nẻ, khô ráp. Do đó, việc cung cấp độ ẩm cần thiết cho da là điều cần thiết. Người bệnh có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, không chất tạo mùi, tạo màu, dịu nhẹ như Aquaphor, Eucerin,…
Để làm giảm tình trạng khô da, bong tróc ngứa ngáy ở quanh miệng. Trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và hướng dẫn lựa chọn phù hợp với tình trạng da hiện tại. Tránh tình trạng dùng kem dưỡng ẩm quá liều sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, để cải thiện các triệu chứng viêm da cơ địa quanh miệng, người bệnh nên thay đổi các sản phẩm chăm sóc da như nước tẩy trang hay sữa rửa mặt nếu có các thành phần tẩy rửa cao. Thường các sản phẩm này sẽ làm tăng khả năng kích ứng da, làm khô da và khiến các triệu chứng viêm da cơ địa quanh miệng trở nên tồi tệ hơn.
Để làm giảm tình trạng ngứa ngáy, bạn có thể rửa mặt với bột yến mạch. Các dưỡng chất có trong bột sẽ làm dịu da, mềm da, cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, đồng thời thúc đẩy đẩy quá trình tái tạo các tế bào và giúp sáng da.
Để rửa mặt với bột yến mạch, bạn chuẩn bị một lượng yến mạch vừa đủ hòa với nước lọc hoặc sữa tươi không đường để hỗn hợp sệt lại. Áp hỗn hợp lên mặt vè kết hợp massage nhẹ nhàng theo cấu trúc của da mặt trong vòng 15 phút. Các thực hiện này sẽ giúp các dưỡng chất nhanh chóng thấm sâu vào trong da, tăng hiệu quả điều trị tốt hơn. Sau đó bạn dùng nước sạch rửa mặt và dùng khăn bông sạch lau khô.
Sử dụng thuốc điều trị
Trường hợp bị viêm da cơ địa quanh miệng ở mức độ nặng, các biện pháp tại nhà không thể đáp ứng điều trị, lúc này bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh lý và ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa sử dụng điều trị viêm da cơ địa:
Các loại thuốc bôi chữa viêm da cơ địa hoặc kem Steroid: Để kiểm soát tổn thương da hiệu quả, bác sĩ có thể chỉnh định các loại thuốc bôi tại chỗ và kem Steroid. Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng ngứa ngáy, bong tróc, nứt nẻ da. Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bạn nên sử dụng thuốc bôi theo đúng liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ. Tiến hành bôi thuốc sau khi vệ sinh sạch vùng da bị tổn thương và tay.
Các loại thuốc kháng sinh tại chỗ: Đối với các trường hợp viêm da cơ địa quanh môi có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc bị viêm nhiễm sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi kháng sinh dạng thuốc mỡ hoặc kem bôi. Thuốc có công dụng giúp kiểm soát các triệu chứng ngứa ngáy dữ dội, tình trạng vỡ mụn nước và kèm theo các biểu hiện như sốt nhẹ, mụn mủ,…
Thuốc kháng histamin thế hệ I: Khi viêm da cơ địa quanh miệng kèm theo triệu chứng ngứa ngáy dữ dội, bác sĩ có thể kết hợp các loại thuốc kháng histamin thế hệ I, thuốc có tác dụng giảm nhanh tình trạng ngứa ngáy, chống viêm, cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh, nhất là ở trẻ em.
Các loại thuốc uống kháng sinh: Một số loại thuốc uống thuộc nhóm kháng sinh như Minocycline, Doxycycline, Isotretinoin, Tetracycline,…Có tác dụng làm giảm các chịu chứng đau rát, viêm nhiễm, tiêu diệt các vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó bác sĩ sẽ cân nhắc trước khi áp dụng cho những trường viêm da cơ địa ở giai đoạn nặng.
Các loại thuốc điều trị trên có tác dụng kiểm soát tình trạng bệnh viêm da cơ địa quanh miệng hiệu quả, làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy, bong tróc nứt nẻ.
Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý khi sử dụng thuốc, chỉ dùng thuốc điều trị khi có chỉ định của bác sĩ da liễu và uống đúng liều lượng và thời gian. Việc tự ý dùng thuốc điều trị có thể gây ra các rủi ro như teo da, giãn mao mạch, dày sừng, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Các biện pháp kiểm soát viêm da cơ địa quanh miệng
Song song với việc áp dụng các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh viêm da cơ địa quanh miệng nên có các biện pháp chăm sóc da hợp lý để hỗ trợ kiểm soát bệnh lý tốt hơn, đồng thời ngăn ngừa bệnh tái phát.
Dưới đây là một số cách giúp kiểm soát tình trạng viêm da cơ địa quanh miệng được áp dụng phổ biến:
- Tránh sử dụng các mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có chứa hóa chất, chất tẩy rửa và thành phần kích ứng cao. Nếu nghi ngờ sản phẩm gây bùng phát các triệu chứng viêm da cơ địa, bạn nên ngưng dùng sản phẩm và nhờ bác sĩ tư vấn để lựa chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng da.
- Trong thời gian điều trị bệnh, bạn nên sử dụng các sản phẩm như sữa rửa mặt có mùi thơm, nước tẩy tẩy trang, kem chống nắng, các loại mỹ phẩm…Thay vào đó, bạn nên rửa mặt với nước ấm hoặc nước muối sinh lý để hạn chế kích ứng da và khiến các triệu chứng bùng phát dữ dội hơn.
- Vệ sinh không gian sống và vật dụng cá nhân thường xuyên như chăn, gối, nệm, quần áo,…Sau khi giặt sạch, bạn có thể ngâm với nước nóng và phơi ở những nơi có ánh sáng mặt trời để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân có nguy cơ gây kích ứng như hóa mỹ phẩm, phấn hoa, mủ nhựa thực vật, kim loại, lông động vật, thực phẩm gây dị ứng,…
- Hạn chế ăn thức ăn quá cay hay quá mặn, vì các thực phẩm này có thể tác động và gây kích thích vùng da xung quanh miệng, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ phục hồi các vùng da bị tổn thương do viêm da cơ địa gây ra. Uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, ngăn ngừa tình trạng da ở quanh miệng bị khô ráp và bong tróc.
- Hãy che chắn kĩ trước khi ra đường, hạn chế đến những nơi khói bụi ô nhiễm, những nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
Bệnh viêm da cơ địa quanh miệng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên nếu không có các biện pháp điều trị và chăm sóc da hợp lý có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn gây mưng mủ và bội nhiễm. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường ở vùng da quanh miệng, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!