Thiếu Ngủ Gây Đau Nhức Đầu Và Các Biện Pháp Xử Lý Hiệu Quả
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thiếu ngủ thường gây đau đầu, nhức đầu do cơ thể không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau một ngày dài. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nếu không được khắc phục sớm.
Vì sao thiếu ngủ thường gây đau, nhức đầu?
Thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ muộn,… là một số vấn đề thường gặp ở người trưởng thành. Có thể nói, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngủ đủ giấc giúp phục hồi tất cả các cơ quan, mang lại nguồn năng lượng dồi dào và giữ cho tâm lý luôn trong trạng thái ổn định.
Những người duy trì giấc ngủ từ 7 – 9 giờ/ ngày thường có khả năng sáng tạo cao, làm việc hiệu quả, ít mắc các vấn đề sức khỏe và tốc độ lão hóa chậm hơn so với những người ngủ ít hơn 6 giờ/ ngày. Trong khi đó, người bị thiếu ngủ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, thường gặp nhất là đau đầu và nhức đầu. Tình trạng kéo dài có thể đi kèm với một số biểu hiện nghiêm trọng hơn như ù tai, choáng váng, giảm trí nhớ, sụt cân, đau dạ dày,…
Nếu không ngủ đủ giấc, các tế bào thần kinh sẽ có đủ thời gian để phục hồi và tái tạo. Do đó khi thức dậy, tinh thần sẽ không ở trạng thái tốt nhất. Hơn nữa khi ngủ không đủ 7 – 9 giờ, gốc tự do sẽ được sản sinh liên tục gây viêm mãn tính ở các dây thần kinh ở não bộ. Từ đó khiến cho lòng mạch máu não thu hẹp, giảm lượng máu tuần hoàn máu lên não dẫn đến nhức đầu, choáng váng và giảm khả năng tập trung khi học tập, làm việc.
Thiếu ngủ khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Trong đó, đau đầu, nhức đầu và mệt mỏi sẽ là những triệu chứng nhận thấy đầu tiên. Mặc dù cơ chế tương đối phức tạp nhưng nhìn chung, tình trạng này thường xảy ra do 2 nguyên nhân chính là giảm tuần hoàn máu lên não và sự suy giảm hoạt động của các tế bào thần kinh trung ương.
Đau đầu do thiếu ngủ có ảnh hưởng gì không?
Ngay sau 1 – 2 ngày thiếu ngủ, bạn sẽ gặp phải tình trạng đau đầu, choáng váng, mệt mỏi,… Nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, thiếu ngủ chỉ gây mệt mỏi, đau đầu và giảm khả năng tập trung tạm thời. Tuy nhiên trong trường hợp kéo dài, tình trạng thiếu ngủ còn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
Tác hại đầu tiên của thiếu ngủ gây đau đầu, nhức đầu là giảm hiệu suất lao động và học tập. Trong trường hợp thiếu ngủ, mất ngủ kéo dài, mức độ đau đầu sẽ tăng dần theo thời gian. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến đau nửa đầu, rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ,…
Với những người có sẵn các bệnh lý thể chất và rối loạn tâm thần, thiếu ngủ làm gia tăng mức độ triệu chứng và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực. Chính vì vậy khi gặp phải tình trạng đau đầu do thiếu ngủ, bạn cần thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Các biện pháp khắc phục thiếu ngủ gây đau, nhức đầu
Thiếu ngủ gây đau đầu, nhức đầu ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ là các biện pháp được thực hiện nhằm cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ. Những biện pháp này chủ yếu được thực hiện để loại bỏ các yếu tố tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ giúp cải thiện tình trạng đau đầu, nhức đầu do thiếu ngủ:
- Lên giường ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định. Thói quen này sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học, từ đó có thể cải thiện chất lượng và thời gian ngủ.
- Nếu tâm lý không được thoải mái (căng thẳng, tức giận, suy nghĩ nhiều,…), nên thực hiện các liệu pháp thư giãn trước khi đi ngủ. Bởi đi ngủ với tâm thế gượng ép có thể gây trằn trọc, khó ngủ và cuối cùng là dẫn đến ngủ không đủ giấc.
- Không ngủ nướng quá 30 phút và không nên ngủ vào ban ngày (kể cả ngủ trưa). Điều này sẽ giúp cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ vào buổi tối, từ đó có thể hạn chế tình trạng thiếu ngủ và mất ngủ. Khi giấc ngủ đã ổn định, bạn có thể ngủ trưa từ 15 – 30 phút.
- Không sử dụng đồ uống chứa caffeine, cồn và tránh hút thuốc lá. Nếu dùng đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, ca cao,… bạn nên dùng vào buổi sáng để cải thiện khả năng tập trung và gia tăng sự tỉnh táo, minh mẫn.
- Vào buổi tối, nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử – nhất là sau 22:00. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này không chỉ có hại cho mắt mà còn khiến não bộ bị “đánh lừa” chưa đến thời gian ngủ. Sử dụng các thiết bị điện tử vào ban đêm khiến lượng hormone melatonin giảm thấp, từ đó khiến cơ thể khó chìm vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc.
- Tạo không gian ngủ thoải mái bằng cách đóng các cửa sổ, điều chỉnh nhiệt độ phòng mát mẻ, giảm ánh sáng, vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, thay ga mền, tạo hương thơm bằng tinh dầu, nến thơm,…
- Có thể tạo cảm giác buồn ngủ bằng cách tập thể dục vào buổi chiều tối (khoảng 17:00 giờ). Hoạt động thể chất vào thời điểm này giúp giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác mệt mỏi và dễ ngủ hơn vào ban đêm.
Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ và một số rối loạn giấc ngủ thường gặp khác. Tuy nhiên, các biện pháp này không đem lại kết quả trong thời gian ngắn mà bắt buộc phải duy trì liên tục trong nhiều ngày.
2. Áp dụng biện pháp tại nhà
Đau đầu, nhức đầu gây ra cảm giác vô cùng khó chịu. Để cải thiện tình trạng này, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:
- Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp giảm đau đầu khá đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà. Biện pháp này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, thư giãn đầu óc, qua đó có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ và nhức đầu. Nên xoa bóp bấm huyệt vào mỗi buổi tối để có thể giải tỏa căng thẳng và thư giãn, thoải mái hơn khi bước vào giấc ngủ.
- Ngâm chân với nước ấm: Ngâm chân với nước ấm cùng với muối biển hoặc các loại thảo dược như bạc hà, hoa cúc, vỏ quế, tía tô,… là biện pháp giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Khi ngâm chân, mạch máu ở chân sẽ bị giãn nở, từ đó giúp hạ huyết áp và giảm áp lực ở mạch máu não. Ngâm chân với nước ấm vào buổi tối có thể giảm nhức đầu và mang đến giấc ngủ sâu hơn.
- Chườm ấm: Đau đầu, nhức đầu do thiếu ngủ thường đi kèm với căng cơ và đau mỏi vai gáy. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn có thể chườm ấm xung quanh cổ để thư giãn cơ và giảm áp lực lên mạch máu não. Chườm ấm xung quanh cổ và vai trong 15 phút có thể giảm đau đầu, nhức đầu rõ rệt.
- Dùng trà thảo mộc: Sử dụng một số loại trà có tác dụng an thần có thể giải tỏa căng thẳng và mang đến giấc ngủ sâu, ngon hơn. Nếu thường xuyên bị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, bạn nên dùng các loại trà không chứa caffeine như trà hoa cúc, trà mật ong, trà hoa nhài, trà vỏ quế, trà cam, trà nghệ,…
Áp dụng các biện pháp tại nhà có thể giảm đau đầu, nhức đầu và một số vấn đề sức khỏe do thiếu ngủ gây ra. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp nhẹ. Nếu bị đau đầu nhiều, bạn nên kết hợp thêm với sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng triệt để.
3. Sử dụng thuốc không kê toa
Một số loại thuốc không kê toa có thể cải thiện tình trạng đau đầu, thiếu ngủ,… Nếu tình trạng không thuyên giảm hoàn toàn khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa sau:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Nếu tình trạng đau đầu do thiếu ngủ không thuyên giảm khi áp dụng các mẹo tại nhà, bạn có thể dùng loại thuốc này để cải thiện. Mặc dù có thể sử dụng mà không cần kê toa nhưng để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi kỹ với dược sĩ trước khi dùng.
- Các loại thuốc bổ thần kinh: Các loại thuốc bổ thần kinh như Piracetam, Cinnarizin, Cerebrolysin,… có thể được sử dụng trong trường hợp đau đầu, nhức đầu do thiếu ngủ đi kèm với hoa mắt, choáng mặt. Các loại thuốc này có tác dụng cải thiện cấu tạo và chức năng của các tế bào thần kinh, từ đó giảm mất ngủ, thiếu ngủ và mang lại tinh thần sảng khoái hơn. Tuy nhiên, đa phần các loại thuốc bổ thần kinh đều chỉ mang lại hiệu quả khi sử dụng lâu dài.
- Viên uống, TPCN: Ngoài sử dụng thuốc, bạn cũng có thể dùng một số viên uống và TPCN chứa chiết xuất lá bạch quả, cây nữ lang, cây bình vôi,… để giảm mất ngủ, khó ngủ và đau đầu. Các sản phẩm này thường chứa thành phần tự nhiên có tác dụng an thần, giảm căng thẳng và tăng cường tuần hoàn máu lên não. Vì chỉ là TPCN nên hiệu quả của viên uống thường chậm và hạn chế hơn so với thuốc.
Các loại thuốc không kê toa có thể sử dụng mà không cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi kỹ với dược sĩ để nắm rõ cách dùng và liều lượng. Ngoài ra, nên chú ý những biểu hiện bất thường trong thời gian sử dụng để kịp thời ngưng thuốc và đến bệnh viện khi cần thiết.
4. Khám và điều trị y tế
Thiếu ngủ gây đau đầu cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe như stress, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình,… Những trường hợp này thường gây ra triệu chứng có mức độ nặng và kéo dài. Do đó nếu nhận thấy đau đầu do thiếu ngủ không thuyên giảm sau một thời gian, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phải kết hợp với trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu. Ngoài ra để có thể kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng này, cần thực hiện song song với lối sống khoa học và lành mạnh.
Thiếu ngủ gây đau đầu, nhức đầu ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc đã tìm được biện pháp xử lý an toàn và hiệu quả. Ngoài những biện pháp tại nhà và điều trị y tế, cần xây dựng lối sống phù hợp để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!