Bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân là do đâu? Làm sao hết?
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân có thể là biểu hiện của một số bệnh ngoài da như bệnh mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, bệnh tổ đỉa. Ngoài ra, dấu hiệu này cũng có thể liên quan đến bệnh ghẻ, nấm da hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn như lupus ban đỏ, xơ gan,…
Bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân là do đâu?
Theo lương y Đỗ Minh Tuấn bị nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân là hiện tượng phổ biến. Tùy thuộc và yếu tố cơ địa và nguyên nhân gây bệnh mà tổn thương có hình thái, kích thước khác nhau. Thông thường tình trạng nổi mẩn ngứa bàn tay, bàn chân có thể thuyên giảm vài giờ, vài ngày mà không cần đến sự can thiệp y khoa.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiện tượng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý mãn tính, các triệu chứng thường kéo dài dai dẳng. Tình trạng nổi mẩn ngứa lòng bàn tay, bàn chân thường liên quan đến một số bệnh lý dưới đây:
1. Nổi mề đay mẩn ngứa
Nổi mề đay là bệnh ngoài da phổ biến, bệnh khởi phát ở dạng cấp tính và mãn tính. Các triệu chứng điển hình khi bị nổi mề đay mẩn ngứa như nổi các mẩn ngứa có màu hồng, đỏ hay trắng trên da gây ngứa ngáy dữ dội.
Trường hợp xuất hiện mẩn ngứa ở lòng bàn chân, bàn tay, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như hóa chất, mỹ phẩm, côn trùng, mủ nhựa thực vật, mặc quần áo bó sát, mang giày chật.
Các triệu chứng bệnh mề đay mẩn ngứa thường sẽ thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, các tổn thương tái đi tái lại và kéo dài hơn 6 tuần sẽ trở thành mề đay mãn tính.
XEM THÊM: Bệnh nổi mề đay: Dấu hiệu và cách điều trị dứt điểm
2. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính, các triệu chứng của bệnh thường khởi phát ở những người có cơ địa nhạy cảm và dễ bị dị ứng. Hiện nay, y học vẫn chưa xác định căn nguyên gây ra bệnh lý này.
Viêm da cơ địa điển hình bởi tổn thương da xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Ở giai đoạn cấp tính, vùng da bị tổn phát ban, sau đó sẽ mọc các mụn nước nhỏ trên da gây ngứa ngáy, đau rát khó chịu. Các mụn nước khi vỡ ra sẽ tiết dịch, khi các dịch tiết khô lại sẽ đóng thành vảy tiết và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Trường hợp viêm da cơ địa ở giai đoạn mãn tính sẽ có các biểu hiện nhận biết như vùng da bị tổn thương có dấu hiệu dày sừng, khô ráp, thâm sạm và xuất hiện các vết nứt.
3. Bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa là một trường hợp của bệnh chàm thường gặp nhất. Bệnh khởi phát đi kèm với các triệu chứng nổi mụn nước tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân gây ngứa ngáy dữ dội. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh chàm tổ đỉa:
- Xuất hiện các mẩn đỏ, ngứa ngáy âm ỉ ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Các mụn nước nhỏ nổi sâu trong da gây ngứa ngáy dữ dội.
- Có mụn nước này có xu hướng vỡ ra là tiết dịch do tác động chà xát, cào gãi mạnh.
- Vùng da tiết dịch bắt đầu hình thành các vảy tiết, dày sừng, khô ráp và xuất hiện vết nứt.
Tương tự với bệnh viêm da cơ địa, bệnh chàm và chàm tổ đỉa hiện vẫn chưa được xác định nguyên nhân chính xác gây bùng phát các triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh thường có xu hướng xuất hiện khi bị tác động bởi các yếu tố kích thích khi tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, kim loại, chân tay quá khô hay quá ẩm, căng thẳng thần kinh.
4. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là một trong những bệnh ngoài da có khả năng gây nổi mẩn ngứa ở lòng bàn chân, bàn tay. Các tổn thương do bệnh lý này thường xuất hiện ở những vùng da có tần suất tiếp xúc cao như bàn chân và bàn tay.
Các triệu chứng viêm da tiếp xúc thường tập trung ở khu vực da tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Bệnh có dấu hiệu nhận biết đặc trưng bởi tổn thương da có màu hồng hoặc đỏ, lúc mới khởi phát sẽ gây nóng rát, châm chích sau đó chuyển sang ngứa ngáy dữ dội.
Sau vài giờ, vùng da tổn thương sẽ nổi các mụn nước có kích thước đa dạng gây ngứa ngáy, khi cào gãi hay chà xát mạnh sẽ khiến chúng vỡ ra tiết dịch và đóng vảy tiết.
5. Bệnh ghẻ
Nguyên nhân chính gây ra bệnh ghẻ là do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Các triệu chứng của bệnh thường khu trú ở lòng bàn chân, kẽ chân, lòng bàn tay, kẽ tay, mu bàn tay, mông và các vùng da khác.
Khi ký sinh trùng này tấn công vào dưới da sẽ sinh sản và gây ngứa ngáy dữ dội kèm theo nổi các mụn nước hoặc mẩn đỏ. Những cơn ngứa ngáy do bệnh ghẻ thường bùng phát dữ dội vào ban đêm vì đây là thời gian loại ký sinh này hoạt động và tiết dịch gây ngứa.
6. Nấm da tay, da chân
Nấm da tay, da chân hay nấm kẽ, bệnh khởi phát với 3 thể bao gồm: Thể mụn nước, thể viêm kẽ và thể bong tróc vảy. Cũng giống với mề đay mẩn ngứa, nấm kẽ có hình thái tổn thương đa dạng. Do đó, mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân có thể do bệnh nấm gây ra.
7. Các nguyên nhân khác
Trường hợp bị nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên còn có thể do một số nguyên nhân như:
- Bệnh vảy nến: Các triệu chứng của bệnh kéo dài dai dẳng và có xu hướng tái phát nhiều lần trở thành bệnh mãn tính. Khi khởi phát trên da sẽ xuất hiện các ban màu hồng đỏ trên da, kế đến vùng da bị tổn thương được bao phủ bởi các vảy da trắng bạc hoặc khô. Tổn thương do bệnh vảy nến thường đi kèm với biểu hiện ngứa ngáy và nóng rát ở mức độ nhẹ.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trên cơ thể, thông thường sẽ khởi phát các triệu chứng đầu tiên ở là da. Do đó, tình trạng lòng bàn chân, bàn tay nổi mẩn ngứa có thể là dấu hiệu nhận biết của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
- Xơ mật tiên phát: Bệnh có thể gây nổi sẩn đỏ và ngứa ngáy ở lòng bàn tay, bàn chân do axit mật bài tiết vào máu. Các triệu chứng của bệnh thường bùng phát dữ dội hơn khi trời chuyển lạnh và vào buổi tối.
Bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân là biểu hiện của các bệnh da liễu như nấm kẽ, nổi mẩn ngứa mề đay, viêm da tiếp xúc, bệnh ghẻ. Theo thống kê, có khoảng 5% trường hợp khởi phát do mắc các bệnh da liễu mãn tính như vảy nến, chàm tổ đỉa và viêm da cơ địa.
Thường các bệnh ngoài da không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chủ yếu chỉ gây ra các tổn thương ngoài da. Tuy nhiên, tổn thương da đi kèm với tình trạng ngứa ngáy từ âm ỉ đến dữ dội, châm chích, nóng rát da sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt.
Tình trạng nổi mẩn ngứa kéo dài nếu không có các biện pháp kiểm soát sẽ gây ra thâm sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn trở nên tự ti, ngại giao tiếp và tăng nguy cơ bội nhiễm, chàm hóa,…
Theo các chuyên gia, rất ít trường hợp bị mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân khởi phát do những bệnh lý nguy hiểm như lupus ban đỏ hệ thống, xơ mật tiên phát. Nếu do các bệnh lý này gây ra, triệu chứng sẽ có mức độ nặng hơn so với những bệnh ngoài da thông thường.
Do đó, khi xuất hiện tổn thương da kéo dài và đi cùng với một số triệu chứng bất thường, lúc này bẹn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Cải thiện tình trạng bị mẩn ngứa ở bàn tay, bàn chân
Bị mẩn ngứa ở bàn tay, bàn chân là tình trạng phổ biến, rất nhiều người mắc phải và nguyên nhân gây bệnh cũng rất đa dạng. Do đó, người bệnh nên nhận biết các dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện để được tiến hành thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy ở chân, tay bạn có thể khảo:
Các biện chăm sóc tại nhà
Khi khởi phát triệu chứng nổi mẩn ngứa ở bàn tay, bàn chân, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để hạn chế tổn thương da.
Chườm lạnh: Trường hợp nổi mẩn ngứa kèm theo nóng rát, sưng viêm, bạn có thể áp dụng chườm lạnh để làm cải thiện triệu chứng tạm thời. Bạn sử dụng túi lạnh áp vào bàn tay, bàn chân khu vực bị da bị ngứa ngáy và để yên từ 10 – 15 phút sẽ thấy hiệu quả.
Ngâm nước muối: Nước muối có tác dụng sát khuẩn, giảm ngứa nhẹ, ngăn ngừa bội nhiễm. Do đó, để làm giảm tình trạng nổi mẩn ngứa ở bàn tay, bàn chân, bạn có thể pha nước muối ấm để ngâm chân và tay khoảng 15 phút để giảm ngứa ngáy và giảm viêm.
Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên: Sử dụng kem dưỡng sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, tăng cường hàng rào bảo vệ da, giúp giảm ngứa ngáy, khô rát, sưng nóng. Bên cạnh đó, dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên còn thúc đẩy phục hồi các tế bào bị tổn thương, đồng thời ngăn ngừa sẹo thâm sau điều trị.
Mang bao tay, mang vớ: Da chân, da tay có thể bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy do da khô hoặc tiếp xúc với các dị nguyên. Vì vậy, bạn nên mang vớ, bao tay thường xuyên, nhất là khi thời tiết khô, lạnh để hạn chế tình trạng mất nước dẫn đến khô da, đồng thời bảo vệ da tránh các yếu kích thích như hóa chất, mỹ phẩm, mủ nhựa thực vật, kim loại,…
Uống trà hoa cúc, trà xanh: Đây là những loại trà có chứa các hoạt chất giúp an thần, từ đó làm giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, giúp não bộ thư giãn tốt hơn.
Dùng thuốc Tây theo chỉ định
Trường hợp bị mẩn ngứa lòng bàn tay, bàn chân không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nha, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên chẩn đoán và tìm ra căn nguyên để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Nếu do các bệnh ngoài da, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc bôi giảm ngứa, kháng viêm, kháng nấm, thuốc chống dị ứng và tăng cường sức đề kháng.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp nổi mẩn ngứa ở lòng ban tay, bàn chân do bệnh lý tiềm ẩn gây ra, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm trước khi chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Khi bệnh lý được kiểm soát, triệu chứng nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay, chân cũng sẽ có dấu hiệu thuyên giảm dần.
Cách phòng ngừa mẩn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân
Tình trạng nổi mẩn đỏ ở lòng bàn bàn chân, bàn tay có xu hướng bùng phát nhiều lần nếu bạn tiếp xúc với các dị nguyên thường xuyên hoặc không điều trị bệnh lý nguyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Những tổn thương da tái lại nhiều lần không chỉ gây ngứa ngáy dữ dội mà còn tăng nguy cơ bội nhiễm và để lại thâm sẹo trên da.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa tình trạng nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân:
- Hạn chế để da tay, da chân tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, mỹ phẩm có nguy cơ gây kích ứng, côn trùng có nọc độc, mủ nhựa thực vật và kim loại. Trường hợp phải tiếp xúc, bạn nên chuẩn bị đồ bảo hộ, mang bao tay, mang ủng để tránh bùng phát triệu chứng.
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là chuyển lạnh, bạn nên giữ ấm cơ thể và thực hiện dưỡng ẩm da tay, da chân thường xuyên để tránh da bị khô ráp, bong tróc và gây ngứa ngáy, nổi mẩn.
- Thường xuyên vệ sinh tay, chân với xà phòng để diệt khuẩn, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm nấm và ghẻ. Ngoài ra, bạn cũng hạn chế mang giày quá chật hay bít chân trong thời gian dài vì có thể gây ma sát và nổi mẩn ngứa.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, bạn nên uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để cung cấp độ ẩm tự nhiên cho da, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố tốt hơn.
- Nghiêm túc điều trị bệnh lý nguyên nhân theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, nếu có các dấu hiệu bất thường hoặc dùng thuốc không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ để được theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
Trên đây là một số bệnh lý có nguy cơ gây nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân, cũng như các biện pháp cải thiện và phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tổn thương kéo dài hơn 3 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!