Nấm linh chi: Tác dụng và liều lượng sử dụng tốt cho sức khỏe
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nấm linh chi là một loại dược liệu quý có tính hàn, vị hơi đắng. Theo ghi nhận của Y học cổ truyền, vị thuốc có công dụng dưỡng tâm, an thần, thanh nhiệt, bổ khí, giải độc, chỉ khái và bình suyễn. Trong khi một số nghiên cứu của Y học hiện đại cũng chỉ ra, nấm linh chi có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống oxy hóa và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
- Tên khoa học: Ganoderma lucidum
- Tên gọi khác: Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung, Bất lão thảo,…
- Họ: Ganodermataceae – Nấm lim
Một số thông tin về nấm linh chi
1. Đặc điểm
Nấm linh chi thuộc loại nấm hóa gỗ thường chỉ sống được một năm, tuy nhiên có một số loại có tuổi thọ cao. Nấm linh chi thường sinh trưởng và phát triển trên thân cây đã chế hoặc còn sống ở những loại cây lá kim, lá rộng đến cây cau, cây nho, trúc, tre,… Loại nấm này có thể mọc thành từng cụm hoặc đơn lẻ, có màu nâu, phần thịt xốp và có xu hướng hóa gỗ theo thời gian.
Mũ của nấm có 2 vách và giữa hai vách sẽ hình thành bào tử. Đặc điểm cấu tạo này chỉ có ở nấm linh chi dùng để phân biệt với những loại nấm khác. Mủ nấm khi trưởng thành có hình giống quả thận/ cánh quạt hoặc bán nguyệt và có độ dày khoảng 0.5 – 2cm, dài từ 3 – 30cm và rộng từ 2 – 25cm. Khi quan sát sẽ thấy mũ của nấm linh chi có hình lượng sóng, vân tán xạ, màu nâu nâu đỏ sáng bóng. Những ống nhỏ có chứa bào tử màu nâu nhạt xuất hiện ở mặt dưới mũ nấm.
Cuống của nấm có màu nâu bóng, hình trụ tròn, chiều dài từ 15 – 20 cm và đường kính khoảng 1 – 1.5 cm. Bào tử của dược liệu có hình thuẫn, kích thước nhỏ, màu nâu, một đầu tròn nhỏ và một đầu tròn lớn.
Nấm linh chi được chia thành nhiều loại với những công dụng khác nhau, trong đó có những loại được sử dụng phổ biến như:
- Bạch chi (nấm linh chi có màu trắng)
- Thanh chi (nấm linh chi có màu xanh)
- Hắc chi (nấm linh chi có màu đen)
- Hoàng chi (nấm linh chi có màu vàng)
- Hồng chi (nấm linh chi có màu đỏ)
- Tử chi (nấm linh chi có màu tím)
2. Một số hình ảnh nhận biết
3. Sinh thái
Nấm linh chi sinh trưởng bằng cách hoại sinh hoặc ký sinh trên thân của nhiều nhóm thực vật, chủ yếu sống ở rừng kín xanh. Do đặc điểm sinh sản bằng bào tử ở mặt dưới của mũ nấm nên loại nấm này phát triển mạnh ở những vùng đất mềm xốp, ẩm và mục.
4. Phân bố
Nấm linh chi thường phân bố nhiều ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc. Ở nước ta, nấm mọc tự nhiên dọc theo vùng núi từ Lào Cai đến Lâm Đồng và sinh trưởng mạnh ở lâm trường Hương Sơn thuộc Hà Tĩnh, Vườn Quốc gia Bên En thuộc tỉnh Thanh Hóa, Tam Đảo (Vĩnh Phúc),…
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân có xu hướng tăng nhanh như hiện nay, loại nấm này đã được đưa vào nuôi trồng với quy mô lớn ở nhiều địa phương.
5. Bộ phận sử dụng
Cuống và mũ của nấm linh chi được người dân thu hái để làm thuốc chữa bệnh.
6. Thu hoạch
Nấm linh chi sau khi trưởng thành sẽ được thu hoạch bằng cách cắt gần gốc, mang đi rửa sạch sử dụng tươi hoặc phơi khô dự trữ để dùng dần.
7. Thành phần hóa học
Nấm linh cho là vị thuốc quý bởi các thành phần hoạt chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như canxi, vitamin B, C, kẽm, acid béo thiết yếu, kali, các acid amin, polysaccharides, triterpenes, coumarin, manitol, riboblavin, chất xơ,…
8. Bảo quản
Đối với nấm tươi, bạn nên sử dụng trong thời gian ngắn tránh tình trạng bị ẩm mốc và hư hại. Nếu muốn dự trữ để dùng dần, nên sơ chế sạch rồi tiến hành sấy khô hoặc phơi khô. Bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc dùng giấy báo bọc lại và để ở nơi thoát mát, khô ráo.
Vị thuốc nấm linh chi
1. Tính vị
Nấm linh chi có tính hàn, vị hơi đắng
2. Quy kinh
Quy kinh Can, Thận, Tâm và Phế
3. Công dụng chữa bệnh
Nấm linh chi được xem là một trong những dược liệu quý mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Công dụng chữa bệnh của vị thuốc không chỉ được lưu truyền trong dân gian mà còn được kiểm chứng trên cơ sở khoa học.
Theo Y học cổ truyền
Theo ghi nhận của YHCT, dược liệu có tính hàn, vị hơi đắng, có công dụng an thần, thanh nhiệt, chỉ khái, bổ khí, bình suyễn, giải độc và dưỡng huyết. Ở những loại nấm linh chi khác nhau sẽ có công dụng và dược tính riêng. Cụ thể:
- Hoàng chi: Giải phóng căng thẳng, giảm mệt mỏi, an thần, bổ tỳ và ích khí
- Tử chi: Làm đẹp da, lợi tinh, cường kiện gân cốt, ức chế quá trình lão hóa sớm
- Hắc chi: Bổ thận, lợi khí, giúp não bộ trở nên minh mẫn, tăng cường trí nhớ, tinh thần thoải mái, sảng khoái
- Bạch chi: Giúp cải thiện trí nhớ, bổ phế và lợi khí
- Thanh chi: Có công dụng an thần, giúp mắt sáng, giảm căng thẳng thần kinh
- Xích chi: Kích thích vị giác, cải thiện trí não, bổ khí và ích tâm
Theo Y học hiện đại
Nấm linh chi là một trong những vị thuốc Đông y được Y học hiện đại nghiên chứu chuyên sâu về tác dụng cũng như hiệu quả chữa bệnh.
Dưới đây là một số tác dụng chữa bệnh của dược liệu này:
Tăng cường sức khỏe của tim mạch và tuần hoàn máu: Các nghiên cứu đã chỉ ra, những thành phần hoạt chất có trong nấm linh cho có khả năng cân bằng nồng độ cholesterol trong máu, giảm lượng mỡ thừa, tăng cường hoạt đồng tuần hoàn máu, tăng tần số và biên độ co tim, làm giãn mạch vành, chống ngưng tập tiểu cầu và điều hòa huyết áp, đồng thời giảm lượng đường trong máu.
Tăng lượng oxy cho tim và não bộ: Hoạt chất germanium được tìm thấy trong dược liệu có tác dụng cung cấp các tế bào cho cơ thể tốt hơn, nhất là ở tim và não bộ. Với tác dụng này, nấm linh được người dùng sử dụng nhằm cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh và thiếu máu não, điển hình là chứng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, điều hòa huyết áp, hoa mắt,…
Ức chế vi khuẩn và virus: Trong nấm linh chi có chứa hoạt chất G. lucidum có khả năng ức chế hoạt động và phát triển của các loại virus, vi khuẩn gây ra các bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, polysaccharide và triterpenoid trong dược liệu còn giúp ngăn ngừa quá trình nhân lên ở một số loại virus như HIV, virus Herpes, virus gây ra bệnh viêm gan B,…
Tăng cường hệ thống miễn dịch: Nấm linh chi có khả năng kích thích tế bào miễn dịch. Bên cạnh đó, một số hoạt chất còn có tác dụng ức chế hoạt động giải phóng histamin nên thường được dùng trong chữa trị bệnh viêm da cơ địa, viêm phế quản dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…
Hỗ trợ kiểm soát tốt tế bào ung thư: Trong các nghiên cứu đều nhận thấy khả năng ức chế quá trình phát triển của những khối u ác tính ở nấm linh chi. Hiện nay, loại nấm này đang được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh ung thư nhờ vào khả năng kiểm soát các tế bào ung thư hiệu quả. Bên cạnh đó, dược liệu còn mang lại hiệu quả trong phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội, giảm đau, chống viêm, hạn chế phát ính tác dụng phụ của nhóm thuốc điều trị và tăng cường sức đề kháng.
Chống oxy hóa: Hoạt chất Polysaccharide và Triterpenoid được tìm thấy trong dược liệu có khả năng chống oxy hóa mạng, góp phần tiêu diệt các gốc tự do, đồng thời ngăn ngừa một số bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, trung niên. Nhờ vào tác dụng chống oxy hóa nên nấm linh chi còn mang lại hiệu quả trong việc dưỡng da, chống lão hóa sớm,…
Một số công dụng khác: Ngoài các công dụng trên, nấm linh cho còn hỗ trợ an thần, bảo vệ gan, giảm đau, cải thiện chức năng não bộ, hỗ trợ quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng diễn ra tốt hơn, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ thần kinh,…
4. Liều lượng và cách dùng
Nấm linh chi không chứa độc tính, bạn có thể sử dụng theo các cách khác nhau tùy vào mục đích. Dưới đây là một vài cách dùng nấm linh chi được áp dụng phổ biến:
- Sắc uống
- Hãm trà uống
- Ngâm rượu
- Nghiền thành bột
- Chế biến thành các món ăn
Một số bài thuốc chữa bệnh từ nấm linh chi
1. Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh và mất ngủ
Bài thuốc 1: Chuẩn bị nấm linh chi, lá vông nem, lạc tiên, lá sen và cúc hoa mỗi dược liệu từ 6 – 8 gam. Các vị thuốc sau khi rửa sạch thì cho vào ấm chuyên dụng và hãm với nước sôi uống như trà. Hoặc bạn có thể sắc với lượng nước vừa đủ và dùng hết trong ngày.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị nấm linh chi, long nhãn và quả dâu mỗi vị thuốc 10 gam. Sau khi rửa sạch thì cho vào ấm sắc với lượng nước vừa đủ và uống hết trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang sẽ giúp cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và chứng mất ngủ.
Bài thuốc 3: Nấm linh chi tán thành bột mịn, sau đó vò thành viên, mỗi viên có trọng lượng khoảng 1gam. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần uống 3 viên. Áp dụng đến khi các triệu chứng dần cải thiện hẳn.
2. Bài thuốc chữa viêm phế quản mãn tính
- Chuẩn bị: Dùng nấm linh chi ở dạng siro
- Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 1 muỗng siro khoảng 3 gam dược liệu
3. Bài thuốc chữa viêm gan và viêm phế quản mãn tính
- Chuẩn bị: Nấm linh chi mang đi tán thành bột mịn
- Mỗi ngày dùng từ 2 – 3 lần, mỗi lần sử dụng khoảng 4 gam bột uống cùng với 1 cốc nước ấm
4. Chữa xơ cứng mạch máu, tăng huyết áp, đau thắt ngực và ngăn ngừa tai biến mạch máu não
Chuẩn bị:
- Linh chi: 9 gam
- Hoàng tinh, đỗ trọng, mẫu đơn bì, cẩu tích mỗi vị thuốc 12 gam
- Thạch xương bồ và thỏ ty tử mỗi vị thuốc 6 gam
Hướng dẫn thực hiện:
- Các dược liệu mang đi rửa sạch với nước rồi để ráo
- Cho tất cả vào ấm chuyên dụng sắc với lượng nước vừa đủ
- Chia phần nước thuốc thành 3 phần uống trước khi ăn ít nhất 1 giờ
- Mỗi ngày sắc uống 1 thang đến khi các triệu chứng bệnh lý thuyên giảm hẳn
5. Trà nấm linh chi giúp giải nhiệt, tăng cường thể lực và bồi bổ sức khỏe
Chuẩn bị: Nấm linh chi thái lát khoảng 30 gam
Hướng dẫn thực hiện:
- Dược liệu sau khi rửa sạch cho vào ấm đun với 500ml nước lọc, đến khi sôi khoảng 3 phút thì tắt bếp
- Ngâm khoảng 10 phút rồi đun với lửa nhỏ khoảng 30 phút đến khi nước sắc lại còn 300ml thì tắt bếp
- Lọc lấy phần nước, dùng kéo cắt nhỏ nấm linh chi và đun tiếp tục với lượng nước như trên lấy đến nước thứ 2, thứ 3
- Hòa 3 lần nước đã sắc với nhau rồi bảo quản ở ngăn lạnh. Bạn có thể thêm đường phèn, mật ong vào giúp dễ uống
- Chia nước trà thành nhiều lần và uống hết trong ngày, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn nên sử dụng lúc bụng đói
6. Bài thuốc chữa huyết áp thấp
- Chuẩn bị: Nấm linh chi 10 gam và nhân sâm 5 gam
- Tất cả dược liệu mang đi tán thành bột mịn rồi trộn đều hỗn hợp và quản quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy. Mỗi lần sử dụng lấy 3 gam bột uống cùng với nước ấm, mỗi ngày sử dụng 2 lần
- Lưu ý: Không áp dụng bài thuốc này đối với người bị cao huyết áp
7. Bài thuốc chữa xơ vữa động mạch và cao huyết áp
- Chuẩn bị: Linh chi 9 gam và tam thất 6 gam
- Các dược liệu trên sau khi rửa sạch thì cho vào ấm sắc với lượng nước vừa đủ. Mỗi ngày uống 1 tháng đến khi các triệu chứng bệnh lý dần thuyên giảm hẳn
8. Bài thuốc chữa viêm phế quản và suy nhược cơ thể
- Chuẩn bị: Linh chi và ngân nhĩ với liều lượng bằng nhau
- Các dược liệu trên mang đi tán thành bột mịn rồi trộn đều hỗn hợp với nhau, bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. Mỗi lần sử dụng lấy khoảng 10 gam bột hãm với nước sôi khoảng 30 phút rồi uống.
9. Bài thuốc dưỡng nhan, mát gan và chữa rối loạn giấc ngủ
- Chuẩn bị: Linh chi 6 gam, cam thảo 2 gam và hồng táo 4 gam
- Các dược liệu trên sau khi rửa sạch thì cho vào ấm hãm với nước sôi dùng như trà. Áp dụng đều đặn mỗi ngày sẽ cảm nhận được hiệu quả điều trị rõ rệt
10. Bài thuốc chữa hen suyễn, ho gà và viêm khí quản
- Chuẩn bị: Linh chi và bách hợp mỗi vị 10 gam, trần bì 8 gam
- Các vị thuốc trên mang đi sắc với lượng nước vừa đủ, chia thành nhiều lần uống hết trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang đến khi các triệu chứng bệnh lý dần thuyên giảm hẳn
11. Nấm linh chi hầm với thịt gà giúp an thần, dưỡng tâm, chống lão hóa, ngừa lú lẫn ở người lớn tuổi
Chuẩn bị:
- Đảng sâm và linh chi mỗi vị thuốc 15 gam
- Hạt sen: 20 gam
- Nhãn nhục: 24 gam
- Thịt gà 100 gam
Hướng dẫn thực hiện:
- Thịt gà mang đi rửa sạch với nước rồi cắt thành từng miếng vừa ăn và để vào bát riêng
- Các dược liệu trên mang đi rửa sạch rồi để ráo nước
- Cho tất cả vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ
- Đun đến khi sôi khoảng vài phút thì giảm lửa nhỏ và hầm khoảng 2 tiếng đồng hồ
- Nêm gia vị sao cho vừa ăn và tắt bếp. Dùng món ăn lúc còn nóng giúp giữ được hương vị cũng như tác dụng điều trị
12. Món ăn từ linh cải thiện lượng sữa và suy nhược sau sinh
- Chuẩn bị: Nấm linh chi 15 gam đã được nghiền nhỏ và 1 con gà ác
- Gà ác sau khi làm sạch thì cho phần nấm linh chi nghiền nhỏ vào bụng gà. Mang đi chưng cách thủy cho mềm. Nêm gia vị sao cho vừa ăn và dùng món ăn lúc còn nóng
13. Hỗ trợ điều trị viêm gan cấp, mãn tính và men gan tăng cao
- Chuẩn bị: Nấm linh chi được sấy khô
- Mang dược liệu tán thành bột mịn và bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy. Mỗi lần sử dụng lấy khoảng 3 gam chiêu cùng với trà hoa cúc
14. Rượu nấm linh chi chữa mất ngủ, cải thiện trí nhớ và kích thích tiêu hóa
- Chuẩn bị: Nấm linh chi 100 gam và rượu trắng 500ml
- Nấm linh chi mang đi rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng để ráo nước. Cho dược liệu vào bình thủy tinh có nắp đậy rồi đổ rượu trắng vào. Ngâm trong 7 ngày có thể sử dụng. Mỗi ngày dùng 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần uống khoảng 15ml rượu nấm linh chi
15. Rượu nấm linh chi kết hợp với hoài sơn chữa di tính, phế thận âm hư và ra mồ hôi trộm
Chuẩn bị: Nấm linh chi, hoài sơn, ngô thù du, ngũ vị tử mỗi vị thuốc 15 gam, rượu trắng 1.5 lít
Hướng dẫn thực hiện:
- Tất cả các dược liệu sau khi rửa sạch với nước thì mang đi thái nhỏ rồi cho vào một túi vải mỏng sạch.
- Cho túi vải vào bình thủy tinh rồi đổ rượu trắng vào. Đặp kín nắp vào bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo.
- Mỗi ngày lắc đều bình rượu 1 lần, ngâm khoảng 30 ngày thì có thể dùng.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng khoảng 10ml rượu thuốc. Thực hiện liên tục trong thời gian dài sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh lý hiệu quả
16. Canh nấm linh chi giúp tăng cường trí nhớ, bổ não
Chuẩn bị:
- Nấm linh cho 20 gam
- Lòng đỏ của 2 quả trứng gà
- Tủy heo 25 gam
- 1 bộ óc heo
- Rượu đế 15ml
- Gia vị vừa đủ
Hướng dẫn thực hiện:
- Nấm linh chi sau khi rửa sạch thì thái thành tửng lát mỏng và cho vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ, sắc trên lửa nhỏ lấy 2 nước
- Lòng đỏ trứng đánh đều, óc heo cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi cho vào trứng với rượu đế, tủy heo và cho thêm ít gia vị
- Chiên đến khi chín đều thì cho phần nước sắc nấm linh chi vào rồi đun sôi khoảng 5 phút
- Nêm gia vị sao cho vừa miệng rồi chia món ăn thành 2 phần dùng lúc còn nóng
17. Rượu linh chi kết hợp với đan sâm chữa bệnh mạch vành và thiếu máu não
- Chuẩn bị: Linh chi 30 gam, đan sâm và tam thất mỗi vị thuốc 5 gam, rượu trắng 500ml
- Hướng dẫn thực hiện: Các vị thuốc trên sau khi rửa sạch thì thái thành từng lát nhỏ và cho vào bình thủy tinh cùng với rượu trắng. Đậy kín nắp bình và bảo quản ở nơi thoát mát khoảng 2 tuần thì có thể sử dụng. Mỗi lần uống khoảng 20ml, mỗi ngày uống 2 lần.
18. Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối
- Chuẩn bị: Nấm linh chi 10 gam, hà thủ ô (chế) khoảng 20 gam
- Các dược liệu trên sau khi rửa sạch cho vào ấm chuyên dụng sắc 2 lần, mỗi lần sắc khoảng 1 giờ. Hòa 2 nước đã sắc lại với nhau, chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và tối. Áp dụng thực hiện liên tục trong 1 tháng sẽ cải thiện các triệu chứng
19. Canh nấm linh chi với gừng tươi chữa ớn lạnh, cơ thể mất sức và hấp thu kém
- Chuẩn bị: Nấm linh chi và hoàn kỳ mỗi dược liệu 15 gam, thịt heo nạc 200 gam, rượu đế và gia vị vừa đủ
- Hướng dẫn thực hiện: Thịt heo mang đi rửa sạch rồi cắt thành từng miếng cho vừa ăn và cho vào nồi. Linh chi và gừng tươi sau khi rửa sạch thì thái thành lát mỏng. Cho tất cả vào nồi thịt cùng với lượng nước vừa đủ hầm đến khi sôi thì giảm nhỏ lửa, tiếp tục hầm đến khi thịt mềm. Nêm gia vị vừa ăn và dùng khi còn nóng.
Một số lưu ý khi sử dụng nấm linh chi
Nấm linh chi là một loại dược liệu quý không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn có tác dụng trong điều trị một số bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên, nếu sử dụng vị thuốc này không đúng cách và liều lượng có thể phát sinh tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, trước khi áp dụng các bài thuốc hoặc các món ăn chữa bệnh, tăng cường sức khỏe từ nấm linh chi, bạ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không sử dụng dược liệu khi bị nóng sốt và cảm cúm mới khởi phát
- Những trường hợp bị rối loạn huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên khi áp dụng các bài thuốc với nấm linh chi nhằm tránh tình trạng huyết áp giảm hoặc tăng quá mức
- Trong thời gian sử dụng nấm linh chi nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường như nổi mề đay mẩn ngứa, tiêu chảy, đau bụng,… Bạn cần ngưng sử dụng. Trong trường hợp cần thiết hãy thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách
- Với những đối tượng phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ em, người bị rối loạn tuyến giáp,… Cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng dược liệu
- Không sử dụng dược liệu trước và sau khi thực hiện phẫu thuật. Bởi thành phần hoạt chất có trong nấm linh chi có thể gây chống ngưng tập ở tiểu cầu gây ra biến chứng chảy máu liên tục hoặc mất máu
- Tránh tự ý kết hợp nấm linh chỉ với những nhóm thuốc điều trị khác, nhất là các loại thuốc chống đông má. Để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả điều trị, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể
- Cần chọn mua nấm linh chi có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng mới mang lại hiệu quả điều trị cũng như tăng cường sức khỏe tốt nhất. Việc sử dụng nấm kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe ngườ dùng.
Trên đây là những thông tin chi tiết về nấm linh chi và một số bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh cũng như một số lưu ý trong quá trình sử dụng. Bạn đọc có nhu cầu sử dụng dược liệu nên tham vấn chuyên khoa để được hướng dẫn liều lượng, cách dùng và dự phòng phát sinh tác dụng phụ hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!