Hoa ngũ sắc: Tác dụng chữa bệnh và các bài thuốc hay
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Cây hoa ngũ sắc còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây hoa cứt lợn, cây bông ổi,… Đây là loại cây thân thảo, thường mọc hoang nhiều ở những vùng đất bỏ hoang, sườn núi, ven biển. Với màu sắc sặc sỡ của hoa, cây hoa ngũ sắc không chỉ được sử dụng để làm cảnh mà còn được dùng để bào chế thành thuốc chữa một số bệnh lý như: rắn cắn, da nổi mẩn ngứa, bệnh tiểu đường, đau nhức xương khớp,…
Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Cây bông ổi, Hoa tứ quý, Thơm ổi, Cây cứt lợn, Cây mã anh đơn, Cây trâm ổi,…
- Danh pháp khoa học: Lantana camara L
- Họ: Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)
Đặc điểm sinh thái
– Mô tả cây hoa ngũ sắc
Cây hoa ngũ sắc là dạng cây thân thảo, dạng cây nhỏ, mọc thành từng bụi. Chiều cao trung bình của cây từ 1,5 – 2m. Thân cây hình vuông, có lớp lông tơ mỏng bao phủ, kèm theo đó những gai nhỏ mọc quặp xuống dưới. Toàn thân của cây ngũ sắc có mùi hăng đặc trưng.
Lá cây hoa ngũ sắc có màu lục đậm, mọc đối, thường có hình trái xoan thuôn dài với đầu lá nhọn và tròn dần ở dưới gốc. Mép lá có hình dạng răng cưa đều nhau.
Hoa ngũ sắc mọc thành từng cụm ở đầu cành hoặc đâm ra từ những kẽ lá. Mỗi một chùm hoa có nhiều hoa nhỏ nhưng lại mang nhiều màu sắc khác nhau như: đỏ, hồng cánh sen, hồng phấn, vàng, cam. Chính vì sự đa dạng về màu sắc mà loài hoa này được dân gian gọi là cây hoa ngũ sắc.
Quả cây hoa ngũ sắc hình bầu dục, có màu xanh và chuyển dần sang màu đen khi chín. Bên trong quả có chứa 1 – 2 hạt nhỏ có vỏ cứng. Quả hoa ngũ sắc khá mềm và có thể ăn được khi chín. Thời điểm cây ra quả thường vào tháng 4 đến tháng 9 hằng năm.
– Cây ngũ sắc được phân bố nhiều ở đâu?
Cây hoa ngũ sắc là loại cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được di thực vào nước ta từ khá sớm. Loại cây này có khả năng phát tán rất mạnh nhờ một số loài chim mang hạt rải đi khắp nơi. Theo một số tài liệu ghi nhận được, ở nước Nouvelle Calédonie, chính phủ ra lệnh người dân diệt loại cây này bởi sự sinh sôi quá nhanh khiến cho môi trường sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở nước ta, cây hoa ngũ sắc thường mọc hoang ở các bãi đất trống, sườn núi hoặc ven bờ biển. Loại cây có thể phát triển tốt trên mọi loại đất khác nhau nên dễ dàng tìm thấy ở khắp nước ta. Ngoài ra, cây hoa ngũ sắc còn được trồng nhiều để làm cảnh vì cây có hoa đẹp và màu sắc sặc sỡ.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
– Bộ phận dùng: Dùng phần cành, lá, hoa và cả rễ của cây hoa ngũ sắc để làm thuốc.
– Thu hái: Thu hái quanh năm.
– Chế biến: Dược liệu sau khi được thu hái đem về rửa sạch và có thể dùng ngay ở dạng tươi. Nếu dùng ở dạng khô thì đem phơi nắng hoặc sấy khô.
– Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu đã khô trong bọc kín và đem cất trữ ở nơi thoáng mát để sử dụng được lâu ngày. Đối với dược liệu khô, nên sử dụng hết sau khi được thu hoạch.
Thành phần hóa học của hoa ngũ sắc
Mỗi bộ phận của cây hoa ngũ sắc đều có chứa các thành phần hóa học riêng, cụ thể hơn:
- Lá: Đối với lá cây hoa ngũ sắc chưa phát triển chứa 0,2% tinh dầu. Lúc cây ra hoa, lá còn chứa thêm một số thành phần khác như: lantaden, lantaden (0,31 – 0,68%)
- Vỏ cây: Chứa 0,08% thành phần lantanin (một dạng của alcaloid)
- Hoa ngũ sắc khô: Chứa 0.07% tinh dầu, 8% terpen bicyclic và 10 – 12% L-a-phanlandren
- Cây hoa ngũ sắc của Ấn Độ chứa lượng tinh dầu khá lớn, chủ yếu là các thành phần như: cameren, isocameren,…
Tác dụng dược lý của cây hoa ngũ sắc
– Theo nghiên cứu của dược lý hiện đại
- Thành phần hoạt chất lantanin trong vỏ cây có tác dụng giảm nhiệt, giảm khả năng tuần hoàn;
- Tiêm dịch chiết xuất polysaccharit trong nụ hoa khi được tiến nghiệm trên cơ thể chuột được cấy ghép khối u sarcoma 180, sau một thời gian cho thấy khả năng ức chế và làm chậm sự phát triển của khối u;
- Tiêm dịch chiết xuất từ đài hoa trên cơ thể mèo và phát hiện công dụng làm giảm huyết áp ở mèo. Bên cạnh đó, chất này còn có khả năng ngăn chặn sự co thắt cơ trơn, thông tiểu, nhuận tràng và hoạt động như một chất kháng sinh, giúp giảm ho, trị viêm họng;
- Chiết xuất tinh dầu từ hạt có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh nhờ có đặc tính kháng sinh. Ngoài ra, chiết xuất tinh dầu từ hạt còn có tác dụng làm giảm khả năng hoạt động của một số vi nấm có hại, trong đó có nấm trychophyton.
– Theo sự ghi nhận của y học cổ truyền
- Lá cây hoa ngũ sắc có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị da bị viêm, chàm, nổi ghẻ lở, trị đau nhức xương khớp do thấp khớp, vết thương chảy máu,…
- Hoa ngũ sắc có tác dụng chữa chứng ho ra máu, bệnh lao phổi, cao huyết áp,…
- Rễ cây hoa ngũ sắc có tác dụng giảm sốt, giảm nhiệt, trừ thấp, khu phong, tiêu thũng, hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp, sốt kéo dài nhiều ngày, quai bị, vết thương bị bầm tím hoặc chảy máu do bị chấn thương.
Tính vị – Quy kinh của dược liệu hoa ngũ sắc
– Tính vị: Trong Đông y, mỗi bộ phận của cây hoa ngũ sắc đều có tính vị riêng, cụ thể hơn:
- Hoa ngũ sắc: Có vị ngọt, tính mát
- Lá: Có vị đắng, tính mát, mùi hôi
- Rễ: Có vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh
– Quy kinh: Chưa có tài liệu nào ghi nhận về vấn đề này.
Cách dùng và liều lượng sử dụng hoa ngũ sắc
– Cách dùng: Dùng cây hoa ngũ sắc ở dạng thuốc uống, tán bột hoặc giã nhuyễn đắp ngoài da.
– Liều dùng: Liều lượng sử dụng có thể bị thay đổi tùy vào đối tượng sử dụng hoặc tình trạng bệnh lý đang mắc phải.
Những bài thuốc hay từ cây hoa ngũ sắc
Tham khảo một số bài thuốc từ hoa ngũ sắc được ghi nhận trong một số tài liệu của y học cổ truyền:
1. Bài thuốc điều trị ho ra máu
- Nguyên liệu: 15 – 20gr hoa ngũ sắc tươi hoặc 6 – 10gr ở dạng khô.
- Cách thực hiện: Đem nguyên liệu sắc cùng với 200ml nước lọc. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn 50ml. Chắt lọc lấy phần nước để uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ áp dụng 1 lần. Nếu uống chưa quen, có thể thêm một ít đường.
2. Bài thuốc chữa viêm da, bệnh chàm, da nổi mẩn ngứa
- Nguyên liệu: Dùng càng và lá tươi cây hoa ngũ sắc.
- Cách thực hiện: Làm sạch nguyên liệu được chuẩn bị bằng nước muối pha loãng rồi đem sắc lấy nước để ngâm rửa vùng da bị chàm, nổi mẩn ngứa mỗi ngày 2 – 3 lần.
3. Bài thuốc giúp cầm máu, sát trùng và hàn vết thương
Cách số 1:
- Nguyên liệu: Một nắm lá cây ngũ sắc tươi.
- Cách thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu bằng nước muối pha loãng. Vớt ra để ráo rồi giã nát. Đắp một lượng vừa đủ trực tiếp lên vết thương
Cách số 2:
- Nguyên liệu: 3gr lá và hoa cây ngũ sắc cùng với 10gr gừng tươi.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu rồi đem phơi khô. Sau đó, tán nhỏ thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng một ít hỗn hợp bột để đắp lên vết thương và dùng băng gạc cố định lại. Thực hiện mỗi ngày 1 lần.
4. Bài thuốc chữa rắn cắn
- Nguyên liệu: Rễ cây hoa ngũ sắc, dây tơ hồng và rễ bạch hoa xả mỗi vị 20gr cùng với 10gr dây thần thỏng.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị rửa qua nhiều lần với nước sạch rồi thái thành từng đoạn nhỏ và đem phơi khô. Dùng dược liệu đã khô để sắc lấy nước dùng. Chia nhỏ phần nước sắc được thành nhiều lần khác nhau để uống trong ngày.
5. Bài thuốc chữa chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường
- Nguyên liệu: 40gr cành, lá và hoa cây hoa ngũ sắc khô.
- Cách thực hiện: Sắc cùng với 500ml nước, tiến hành đun còn khoảng 150ml là dược. Dùng nước sắc thay cho nước trà. Có thể kết hợp ăn cháo nấu từ củ mài và củ súng để tăng công dụng.
6. Bài thuốc chữa bệnh thấp khớp
Cách số 1:
- Nguyên liệu: 25gr rễ cây hoa ngũ sắc khô hoặc 40gr rễ tươi.
- Cách thực hiện: Làm sạch nguyên liệu rồi đem ngâm cùng với rượu trắng. Sau 5 – 7 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng một lượng vừa đủ để thoa trực tiếp lên vùng đau nhức do bị thấp khớp.
Cách số 2:
- Nguyên liệu: 3 – 4 lá cây hoa ngũ sắc tươi.
- Cách thực hiện: Lá cây hoa ngũ sắc sau khi được làm sạch, đem hơ trên ngọn lửa nóng rồi đem chườm lên vị trí đau nhức. Chườm cho đến khi lá nguội hẳn rồi lại đem hơ nóng và tiếp tục chườm thêm vài lần.
7. Bài thuốc chữa cảm cúm, sốt, quai bị
- Nguyên liệu: 30 – 50gr rễ cây hoa ngũ sắc khô.
- Cách thực hiện: Rửa sạch rồi đem sắc lấy nước dùng. Chia phần nước sắc được thành 3 phần nhỏ để uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ sử dụng một thang.
Dùng hoa ngũ sắc cần lưu ý những gì?
Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ hoa ngũ sắc, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau để phòng ngừa một số rủi ro có thể xảy ra:
- Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu hoa ngũ sắc tuyệt đối không nên áp dụng;
- Tuyệt đối không sử dụng hoa ngũ sắc cho phụ nữ đang mang thai hoặc có dấu hiệu đang mang thai;
- Cần phân biệt rõ ràng cây hoa ngũ sắc với một loại cây cũng có tên gọi là cây ngũ sắc (tên khoa học là Ageratum conyzoides). Bởi hai loại cây này có cùng lên gọi nhưng lại có công dụng không mấy giống nhau;
- Theo sự ghi nhận của các nhà khoa học, trong lá cây hoa ngũ sắc có chứa nhiều độc tố như: Lantanin alkaloid, Lantadene A,… Những độc tố này có thể làm bỏng rát dạ dày, rối loạn tuần hoàn máu không sử dụng ở liều cao;
- Nếu cảm thấy bản thân xuất hiện một số triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng, bạn cần nên tạm ngưng sử dụng và tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến hoa ngũ sắc cũng như một số bài thuốc hay từ loại dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin vừa được chia sẻ trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo và không có tác dụng thay thế các loại thuốc đặc trị. Chính vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên hoa hoặc lương y trước khi sử dụng để phòng ngừa một số rủi ro làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có thể bạn đọc chưa biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!