Hà thủ ô đỏ: Dược liệu quý có tác dụng chữa nhiều bệnh
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng và giải độc. Vị thuốc này thường được dùng trong các bài thuốc chữa chứng huyết hư khiến râu tóc bạc sớm, sức khỏe suy nhược, thiếu máu, táo bón, tính tình buồn bực và mất ngủ kéo dài.
Hà thủ ô đỏ là thảo dược gì?
Hà thủ ô đỏ thực chất là hà thủ ô, nhưng một số nơi gọi đầy đủ để phân biệt với hà thủ ô trắng (còn được gọi là dây sữa bò). Đây là vị thuốc quý dạng dây leo, sống nhiều năm có tên khoa học – Fallopia multiflora, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Vị thuốc này còn được gọi là dạ hợp, giao đằng, địa tinh, thủ ô, khua lình, mằn nắng ón,… Hà thủ ô đỏ là vị thuốc bổ huyết rất tốt nên thường được dùng trong trường hợp huyết hư khiến cơ thể suy nhược, đau nhức và râu tóc bạc sớm.
Hà thủ ô đỏ đã được khoa học nghiên cứu cụ thể về lợi ích đối với sức khỏe và bắt đầu được ứng dụng phổ biến trên lâm sàng. Hiện nay, dược liệu này chủ yếu được dùng để sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh lý.
Mô tả dược liệu hà thủ ô đỏ
1. Đặc điểm cây hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô đỏ là cây thân thảo dạng leo, mọc quấn, sống lâu năm. Thân có màu xanh tía, có vân và bề mặt nhẵn. Phần thân rễ phát triển thành củ (phần này được sử dụng để làm thuốc). Lá mọc so le, cuống dài, phiến lá có hình tim, mép nguyên hoặc hơi gợn sóng nhẹ, đầu nhọn, rộng 2 – 5cm, dài 4 – 8cm và nhẵn cả 2 mặt. Bẹ chìa mỏng, ôm sát lấy thân và có màu nâu nhạt.
Hoa mọc thành chùm ở ngọn hoặc nách lá, hoa có màu trắng, nhỏ, đường kính 3mm, bầu hoa có 3 cạnh và 3 vòi ngắn nằm rời nhau. Quả đựng trong bao hoa còn lại, nhẵn bóng, có 3 góc màu đen.
2. Phân bố
Hà thủ ô đỏ là cây có nguồn gốc từ Châu Á và mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi của Trung Quốc như Quảng Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam, Quý Châu,… Ở nước ta, cây mọc hoang ở rừng tại các tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình, Lang Sơn và Tây Nguyên.
3. Bộ phận dùng
Rễ củ của cây được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra, thân và lá cũng được dùng (gọi là dạ giao đằng) nhưng ít phổ biến hơn.
4. Thu hái – sơ chế
Dược liệu hà thủ ô đỏ được thu hái vào mùa thu khi lá của cây úa vàng. Lúc này, dùng xẻng đào sâu dưới đất để lấy rễ củ. Sau đó rửa sạch đất cát, cắt bỏ 1 đầu, củ nhỏ để nguyên, củ to đem bổ ra và phơi/ sấy khô.
Sau khi sơ chế, dược liệu hà thủ ô đỏ được bào chế theo một số cách khác như:
- Cách 1: Đem ngâm với nước vo gạo trong 24 giờ đồng hồ, sau đó rửa lại và cho dược liệu vào nồi. Thêm đỗ đen và nước vào (cứ 10kg dược liệu thì dùng 2 lít nước và 100g đỗ đen). Đem nấu cho cạn nước, đảo chín đều. Lấy củ ra, bỏ lõi và bảo quản dùng dần.
- Cách 2: Đem đỗ đen giã nát ngâm cùng với hà thủ ô đỏ đã thái miếng. Ngâm trong 1 đêm và đem phơi vào sáng hôm sau. Tiếp tục ngâm và phơi liên tục trong 9 lần là được (cửu chưng cửu sái).
5. Thành phần hóa học
Rễ củ hà thủ ô đỏ chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm rhein, emodin, 1.7% anthraglycoside, anthraquinon, tannin, chrysophanol, tinh bột, chất vô cơ,…
6. Bảo quản
Bảo quản ở nơi thoáng gió, nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp.
Dược tính của hà thủ ô đỏ theo Đông y
1. Tính vị – Quy kinh
- Vị ngọt đắng, hơi chát, tính ôn
- Quy vào kinh Can và Thận
2. Tác dụng dược lý của hà thủ ô đỏ
Tác dụng dưỡng huyết, giải độc, bổ can thận, nhuận tràng, thông tiện và bổ âm. Dược liệu này thường được dùng để điều trị các chứng bệnh như:
- Sốt rét mãn tính
- Táo bón do khô ruột
- Thiếu máu
- Lao hạch
- Can thận âm hư, huyết hư
- Râu tóc bạc sớm
- Di tinh, huyết trắng
3. Liều lượng sử dụng
Hà thủ ô đỏ được khuyến cáo dùng từ 12 – 60g/ ngày. Nếu dùng lá và thân (dạ giao đằng) thì dùng 12 – 30g/ ngày.
Tác dụng của hà thủ ô đỏ theo y học hiện đại
Hà thủ ô đã được khoa học nghiên cứu và công nhận về nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Một số tác dụng của hà thủ ô đỏ đã được y học hiện đại công nhận:
1. Tác dụng kháng khuẩn
Các chất chống oxy hóa như tannin, emodin,.. trong hà thủ ô đỏ được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn và giảm viêm. Nghiên cứu cho thấy, dược liệu có khả năng ức chế virus cúm, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn lao,…
2. Hà thủ ô đỏ có tác dụng hạ áp
Từ lâu, hà thủ ô đỏ đã được sử dụng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến mạch máu và tim. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, dược liệu này có hiệu quả trong việc hạ huyết áp, giảm đường huyết, ngăn ngừa xơ cứng động mạch và mang lại nhiều lợi ích đối với hệ thống tim mạch.
Thực nghiệm trên thỏ nhà nhận thấy, hà thủ ô đỏ có tác dụng hạ cholesterol, từ đó giúp phòng ngừa và giảm nhẹ tình trạng xơ cứng động mạch. Khi nghiên cứu cụ thể, các nhà khoa học cho rằng Lecithin trong hà thủ ô chính là thành phần có khả năng giảm xơ cứng mạch máu.
3. Tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa
Hoạt oxy methyl anthraquinone trong hà thủ ô đỏ có tác dụng tăng nhu động ruột, từ đó cải thiện tình trạng táo bón và ăn uống khó tiêu. Thực nghiệm cho thất, tác dụng nhuận tràng của hà thủ ô sống mạnh hơn so với hà thủ ô chế.
4. Thải độc và bảo vệ gan
Hà thủ ô đỏ là một trong những loại thảo dược có tác dụng thanh thải độc tố và bảo vệ tế bào gan. Các hoạt chất sinh học như tannin, polysacrit, anthrquinone,… trong dược liệu có khả năng chống thoái hóa tế bào gan, thanh nhiệt và thải độc.
5. Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Hà thủ ô đỏ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa Flavonol cao. Ngoài tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, thành phần này còn giúp điều hòa lượng đường trong máu, từ đó hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường.
6. Triển vọng trong điều trị ung thư
Emodin trong hà thủ ô có khả năng ức chế sự phân chia của các tế bào ác tính. Do đó hiện nay, thảo dược này đang được nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị các bệnh ung bướu.
Cách dùng hà thủ ô đỏ chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe
Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý có tác dụng bổ máu, bổ can thận và nhuận tràng. Dược liệu này thường được dùng để chế biến món ăn bồi bổ sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh hoặc dùng để ngâm rượu.
Dùng các món ăn từ hà thủ ô đỏ
1. Cháo kê hà thủ ô trị chứng sa dạ dày, trực tràng, sa tử cung
- Chuẩn bị: Hà thủ ô 30g và kê 50g.
- Thực hiện: Đem nấu thành cháo, khi chín thì bỏ bã thuốc. Sau đó thêm 1 quả trứng gà, khuấy đều và nêm thêm đường ăn hằng ngày. Nên ăn khi đói để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2. Cháo đậu đen hà thủ ô thích hợp với người bị táo bón lâu ngày, râu tóc bạc sớm, thiểu năng mạch vành khiến ngực đau thắt thường xuyên
- Chuẩn bị: Đậu đen 100g và hà thủ ô 60g.
- Thực hiện: Đem nấu nhừ với nước, sau khi chín thì vớt bỏ hà thủ ô. Nêm thêm đường hoặc muối và chia thành 2 – 3 lần ăn trong ngày.
3. Gà hầm hà thủ ô trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, râu tóc bạc sớm
- Chuẩn bị: Hà thủ ô 30g và gà mái 1 con.
- Thực hiện: Rửa sạch gà (không dùng ruột), sau đó cho hà thủ ô vào túi vải và đặt trong bụng gà. Đặt gà vào nòi và hầm cách thủy. Khi gà chín, bỏ bã thuốc, nêm thêm gia vị và cho gừng, hành vào. Dùng ăn khi nóng, chia thành 2 lần ăn hết trong ngày.
Sử dụng bài thuốc từ hà thủ ô đỏ
1. Bài thuốc chữa huyết hư máu nóng khiến tai ù, lưng gối mỏi rủ, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, tóc khô và bạc sớm
- Chuẩn bị: Huyền sâm, sinh địa, hà thủ ô đỏ (chế) mỗi thứ 20.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Dùng đều đặn cho đến khi khí huyết ổn định trở lại.
2. Bài thuốc trị chứng hiếm muộn ở nam giới, người già cao bị cao huyết áp, mạch máu xơ cứng
- Chuẩn bị: Ngưu tất, kỷ tử và tầm gửi dâu (tang ký sinh) mỗi thứ 16g, hà thủ ô 20g.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, đổ nước và sắc đặc. Mỗi ngày dùng 1 thang, chia nước sắc thành 2 – 3 lần dùng hết trong ngày.
3. Bài thuốc giúp mạnh gân cốt và bồi bổ khí huyết
- Chuẩn bị: Hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem ngâm với nước vo gạo trong vòng 3 đêm. Sau đó đem sao khô, tán nhỏ và trộn với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày dùng 50 viên uống với rượu khi đói, có thể dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần dùng.
4. Bài thuốc trị chứng tiểu ra máu, tiểu buốt (bệnh lao lâm)
- Chuẩn bị: Lá huyết dụ và lá hà thủ ô bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem sắc đặc, sau đó hòa thêm mật vào và uống khi thuốc còn ấm.
5. Bài thuốc điều kinh bổ huyết thích hợp với nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu
- Chuẩn bị: Đậu đen 500g, hà thủ ô (rễ và lá) 1 rổ lớn.
- Thực hiện: Đem 2 nguyên liệu giã nát, sau đó đổ ngập nước và nấu cho mềm nhừ. Dùng vải lọc bỏ bã, lấy nước nấu thành cao. Sau đó thêm 0.5 lít mật ong vào chế thành cao, để nguội và bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng 1 thìa canh, ngày dùng 2 – 3 lần. Theo kinh nghiệm dân gian, bài thuốc này phải dùng trong thời gian dài mới nhận thấy công hiệu rõ rệt.
6. Bài thuốc chữa chứng gan thận hư yếu khiến thắt lưng, đầu gối đau nhức, nam giới bị di tinh, nữ giới khí hư
- Chuẩn bị: Phá cố chỉ, thỏ ty tử, đương quy, bạch linh và ngưu tất mỗi thứ 12g, hà thủ ô đỏ 20g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong luyện thành hoàn. Mỗi lần dùng 12g uống với nước muối loãng, ngày dùng 2 lần.
7. Bài thuốc chữa chứng tinh trùng loãng và yếu
- Chuẩn bị: Hà thủ ô đỏ.
- Thực hiện: Đem sắc loãng uống hằng ngày để cải thiện sức khỏe và chức năng sinh lý. Bên cạnh đó, nam giới nên ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên để đạt được hiệu quả tối ưu.
8. Bài thuốc chữa chứng huyết khô, âm hư gây mất ngủ, râu tóc bạc sớm
- Chuẩn bị: Bắc sa sâm, bạch thược, long cốt, hà thủ ô chế và quy bản mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
9. Bài thuốc trị chứng sốt rét lâu ngày không khỏi, sốt li bì triền miên
- Bài thuốc 1: Dùng đậu đen 20g, hà thủ ô sống 60g và sài hồ 12g. Đem tất cả dược liệu sắc lấy nước, sau đó đem phơi sương 1 đêm và sáng hôm sau hâm lại cho ấm rồi uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi khỏi.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị gừng nước, đương quy, trần bì và đẳng sâm mỗi thứ 12g, hà thủ ô chế 16g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
10. Bài thuốc thông tiện, nhuận tràng thích hợp với các chứng tân dịch khô, huyết hư gây đại tiện bí
- Chuẩn bị: Hà thủ ô tươi 30 – 60g.
- Thực hiện: Sắc uống dùng hằng ngày. Nên kiên trì dùng cho đến khi đại tiện thuận lợi thì ngưng.
11. Bài thuốc trị chứng mất ngủ, mộng mị, tính tình buồn bực
- Chuẩn bị: Dạ giao đằng (lá và dây leo của hà thủ ô đỏ) 12g, trân châu mẫu 60g, đan sâm 12g.
- Thực hiện: Cho ấm sắc lấy nước, ngày dùng đều đặn 1 thang.
12. Bài thuốc trị chứng thiếu máu, chân tay tê cứng, mắt hoa, đầu váng
- Chuẩn bị: Sinh địa, bạch thược, sa uyển tật lê, tang ký sinh, ngưu tất, hy thiêm thảo, hạn liên thảo, huyền sâm và hà thủ ô (chế) mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống đều đặn ngày dùng 1 thang.
13. Bài thuốc trị chứng ho gà
- Chuẩn bị: Cam thảo 1.5 – 3g và hà thủ ô đỏ 6 – 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 4 – 6 lần uống và dùng hết trong ngày.
14. Bài thuốc chữa chứng suy nhược
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị ngưu tất (thái mỏng) 600g và hà thủ ô 1800g. Trộn đều 2 vị, sau đó đem đồ chín cùng với đậu đen đãi sạch. Sau đó, đem tất cả tán thành bột mịn làm thành viên, mỗi viên 0.5g. Mỗi lần uống 30 viên, ngày dùng 3 lần uống cùng với rượu hâm nóng.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị sinh khương 3g, cam thảo 2g, trần bì 3g, thanh bì 2g, hà thủ ô đỏ 10g và đại táo 5g. Đem sắc với 600ml nước, sau đó chắt lấy nước và chia thành 3 lần dùng hết trong ngày.
15. Bài thuốc chữa bệnh giang mai
- Chuẩn bị: Vỏ núc nác và ké đầu ngựa mỗi thứ 10g, gai bồ kết (sao tồn tính) 8g, hà thủ ô đỏ 20g và thổ phục linh 40g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
16. Bài thuốc trị bạch biến, lang ben do trúng phong độc ở tỳ phế
- Chuẩn bị: Uy linh tiên, kinh giới tuệ, đồng vân, hà thủ ô đỏ, chích cam thảo và vạn kim tử bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem tất cả dược liệu nghiền thành bột mịn và bảo quản trong lọ dùng dần. Mỗi lần dùng 4g thuốc bột uống với rượu ấm sau khi ăn.
17. Bài thuốc trị thấp nhiệt, nóng trong gây lở loét ngoài da, vùng tổn thương rỉ nước vàng
- Chuẩn bị: Kinh giới, nhẫn đông hoa, cây cù đèn, cam thảo, hà thủ ô đỏ, bạch dương tiên, đăng tâm, đồng vân, thương truật, mộc thông và hạn liên tử bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
18. Bài thuốc trị can thận bất túc gây xơ cứng động mạch, xương khớp đau nhức và râu tóc nhanh bạc
- Chuẩn bị: Hạn liên cao, hắc chi ma cao, hy thiêm thảo, tang thầm cao, kim anh tử cao và thỏ ty tử mỗi thứ 500g, hà thủ ô đỏ 2.25kg, sinh địa 120g, tang diệp, ngưu tất, trinh nữ tử và đỗ trọng mỗi thứ 250g.
- Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bột mịn, sau đó với các dược liệu đã được chế thành cao và luyện với mật làm thành viên hoàn nặng 10g. Mỗi lần uống 1 hoàn, ngày dùng 2 lần.
19. Bài thuốc chữa chứng dương nuy (rối loạn cương dương) ở nam giới
- Chuẩn bị: Cao ban long và trâu cổ mỗi thứ 8g, sa nhân 6g, hà thủ ô đỏ, ý dĩ, kỷ tử, rễ đinh lăng, cám nếp, hoàng tinh và long nhãn mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu ấm sắc lấy nước uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi chức năng cương cứng được phục hồi trở lại.
20. Bài thuốc chữa chứng thiếu máu
- Chuẩn bị: Thục địa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh và rễ củ đinh lăng mỗi thứ 100g, tam thất 20g.
- Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi ngày sử dụng 100g thuốc bột sắc lấy nước uống. Chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
21. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp
- Chuẩn bị: Trần bì, quế chỉ (bỏ vào sau) mỗi thứ 4g, rễ đinh lăng 20g, cối xay, rễ cỏ xước, huyết rồng, thiên niên kiện và hà thủ ô đỏ.
- Thực hiện: Cho các vị vào ấm, sau đó sắc với 800ml đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Mỗi lần dùng 150ml, ngày dùng 2 lần. Nên dùng bài thuốc khi còn ấm và cần kiên trì dùng trong 10 ngày liên tục để nhận thấy chuyển biến rõ rệt.
22. Bài thuốc trị mất ngủ, khó ngủ, táo bón, đau đầu do tâm hỏa thịnh
- Chuẩn bị: Hắc táo nhân, hà thủ ô đỏ chế, bạch linh và hoàng liên mỗi thứ 10g, hoa hòe, đương quy, cam thảo và chi tử mỗi thứ 12g, cỏ mần trầu và trinh nữ mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
Dùng hà thủ ô đỏ ngâm rượu
1. Rượu ngâm từ hà thủ ô và thổ phục linh giúp bổ can thận, lưu thông khí huyết và khử phong thấp
- Chuẩn bị: Thổ phục linh, quế chi, hà thủ ô, thiên niên kiện, tục đoạn, ngưu tất, đỗ trọng, mộc qua và ngũ gia bì mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Đem ngâm tất cả dược liệu với 2 lít rượu trắng trong bình thủy tinh. Mỗi ngày dùng 1 lần, mõi lần uống 1 ly nhỏ (khoảng 30ml).
2. Rượu hà thủ ô đậu đen giúp bồi bổ sức khỏe
- Chuẩn bị: Đậu đen xanh lòng 0.5kg, hà thủ ô đỏ khô 1.5kg, 1 lít nước vo gạo và rượu trắng 40 độ 6 – 8 lít
- Thực hiện: Đem hà thủ ô ngâm với nước vo gạo trong 1 – 2 ngày để bỏ bớt vị chát và tính nóng. Nên thay nước vo gạo 2 lần/ ngày để tránh tình trạng nước lên men ảnh hưởng đến dược tính của dược liệu. Sau đó rang đậu đen cho thơm và để nguội. Cho tất cả dược liệu đã sơ chế vào bình ngâm, thêm rượu vào và ngâm trong 3 tháng là có thể dùng được.
3. Rượu hà thủ ô đỏ đường phèn bổ máu
- Chuẩn bị: Đường phèn 0.5kg, hà thủ ô đỏ đỏ khô 1kg và rượu trắng 3 lít.
- Thực hiện: Cho tất cả nguyên liệu vào bình, đổ rượu vào và đậy kín. Sau 2 tháng có thể dùng. Mỗi lần dùng 2 – 3 ly nhỏ sau bữa ăn chính, ngày dùng từ 1 – 2 lần.
4. Rượu hà thủ ô đỏ mật ong tốt cho xương khớp, bổ máu và kéo dài tuổi thọ
- Chuẩn bị: Hà thủ ô khô 1 kg, rượu gạo 40 độ 5 lít, mật ong 250g.
- Thực hiện: Cho tất cả vào bình thủy tinh, đóng chặt nắp và đem ngâm trong vòng 1 thang là dùng được. Mỗi ngày dùng 3 ly rượu nhỏ uống ngay trong bữa ăn.
Một số cách dùng khác
1. Trà sinh địa hà thủ ô hỗ trợ chữa chứng mỡ máu cao, bệnh mạch vành, tinh trùng loãng, râu tóc bạc trước tuổi
- Chuẩn bị: Thục địa 30g (tẩm rượu) và hà thủ ô đỏ (chế) 16g.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, đổ nước sôi vào hãm trà. Dùng trà uống hằng ngày để giảm mỡ máu, bổ huyết và cải thiện sức khỏe.
2. Trà hà thủ ô đỏ độc vị giúp bổ huyết
- Chuẩn bị: Bột hà thủ ô 1 – 2g.
- Thực hiện: Đem hòa với 1 ly nước sôi, khuấy đều và đợi khoảng 10 phút để nước nguội bớt. Sau đó nên dùng khi trà còn ấm.
Lưu ý khi dùng vị thuốc hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô đỏ có nhiều công dụng đối với sức khỏe – đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên trước khi sử dụng vị thuốc này, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi dùng hà thủ ô đỏ, phải chế biến với đậu đen để loại bỏ tính nóng và vị chát của dược liệu.
- Trong thời gian dùng bài thuốc từ hà thủ ô, cần tránh dùng cải củ, tỏi, hành, tiết canh và tiết của động vật da trơn.
- Hà thủ ô đỏ kỵ sắt nên cần bảo quản trong vật dụng bằng thủy tinh hoặc sành sứ.
- Người có đường huyết thấp và huyết áp thấp nên thận trọng khi dùng món ăn và bài thuốc từ hà thủ ô.
- Sử dụng quá liều (liều khuyến cáo 30g/ ngày) có thể gây sốt , buồn nôn, nôn mửa và đau bụng.
- Người đại tiện lỏng, đàm thấp và tỳ hư tuyệt đối không dùng hà thủ ô đỏ.
- Trường hợp dùng để trị sốt rét nên sử dụng sinh thủ ô (hà thủ ô tươi). Còn nếu dùng để bổ ích tinh huyết thì nên dùng chế thủ ô.
- Rượu hà thủ ô đỏ có tác dụng bồi bổ sức khỏe và tốt cho xương khớp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng 2 – 3 ly nhỏ/ ngày. Lạm dụng rượu quá mức có thể gây tổn thương gan thận và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Phụ nữ mang thai, người đang cho con bú và trẻ nhỏ không được dùng rượu ngâm từ hà thủ ô đỏ.
- Cần chú ý phân biệt với hà thủ ô trắng/ dây sữa bò (Streptocaulon juventas Merr.) – thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Loại thảo dược này có tác dụng bổ can thận và bổ huyết.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin liên quan đến dược liệu hà thủ ô đỏ – vị thuốc quý trong Đông y. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn đọc nên trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh và món ăn bồi bổ sức khỏe từ dược liệu này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!