Đông trùng hạ thảo: Tác dụng, cách sử dụng tăng cường sức khỏe
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền Trung Hoa và Tây Tạng. Hiện nay, thảo dược này đã được khoa học công nhận về tác dụng điều biến hệ miễn dịch, kiểm soát đường huyết, hỗ trợ điều trị ung thư, cải thiện sinh lý nam,…
Đông trùng hạ thảo là gì? Giải thích tên gọi
Đông trùng hạ thảo (Ophiocordyceps sinensis) là thảo quý có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Thảo dược này thực chất là một dạng ký sinh giữa nấm túi (Cordyceps sinensis) với ấu trùng bướm thuộc chi Hepialus (thường gặp nhất ở loài bướm Hepialus armoricanus).
Vào mùa đông, nấm túi ký sinh lên ấu trùng, làm chết sâu non và hút hết chất dinh dưỡng. Sau đó, nấm bắt đầu phát triển vào mạnh vào mùa xuân và mùa hè, mọc dần ra khỏi thân của ấu trùng đã chết và vươn lên khỏi mặt đất.
Đông trùng hạ thảo chỉ phát triển ở những vùng cao nguyên có độ cao so với mức độ biển từ 3500 – 5000m, tập trung nhiều nhất ở cao nguyên Tây Tạng, Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hy,…
Giải thích tên gọi:
Tên gọi Đông trùng hạ thảo xuất phát từ hình dáng và đặc điểm phát triển của loại thảo dược này. Vào mùa đông, nấm túi vẫn ký sinh bên trong ấu trùng bướm (côn trùng) và chỉ phát triển thành thảo dược vào mùa hè. Hiện nay, thảo dược này không chỉ được dùng trong y học cổ truyền mà đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả qua nhiều nghiên cứu khoa học.
Trong những năm gần đây, nhu cầu khai thác quá mức khiến Đông trùng hạ thảo ở Nepal đang có nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn sự đa dạng sinh thái và đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay Đông trùng hạ thảo đã được nuôi trồng nhân tạo ở nhiều nơi trên thế giới.
Mô tả về Đông trùng hạ thảo
1. Đặc điểm của Đông trùng hạ thảo
Khi còn sống, Đông trùng hạ thảo có hình dáng như con sâu có đuôi nhỏ, mọc lá. Thảo dược này có mùi tanh như cá sau khi sấy khô nhưng lại tỏa mùi thơm đặc trưng khi đốt lên. Đầu của sâu non có hình dáng như con tằm, đường kính khoảng 0.3 – 0.8cm, dài 3 – 5cm và có màu nâu đỏ. Đông trùng hạ thảo có khoảng 8 cặp chân nhưng thường chỉ nhìn rõ 4 cặp ở giữa.
Toàn thân có màu nâu vàng hoặc vàng sẫm với 20 – 30 vằn khía. Phần đuôi mọc lá dài khoảng 4 – 11cm thực chất là sợi nấm dính liền với đầu của ấu trùng mà thành. Đông trùng hạ thảo dễ bẻ gãy, ruột bên trong có màu trắng ngà hơi vàng, căng đầy.
2. Nơi phân bố
Như đã đề cập, Đông trùng hạ thảo chủ yếu phát triển ở những cao nguyên với độ cao trên 4000m như Cao nguyên Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc,… Hiện nay, số lượng thảo dược ở ngoài tự nhiên rất ít do bị khai thác quá mức. Vì vậy trong những năm gần đây, thảo dược này đã được nghiên cứu và nuôi trồng trong môi trường nhân tạo.
3. Bộ phận dùng, thu hoạch và sơ chế
Toàn bộ Đông trùng hạ thảo đều được sử dụng để làm thuốc. Vì thảo dược này phát triển mạnh vào mùa hè nên tháng 3 – 7 hằng năm là thời điểm thu hoạch phù hợp nhất. Đông trùng hạ thảo được sơ chế bằng cách rửa sạch và sấy khô.
Sau đó, thảo dược có thể được dùng để ngâm rượu, hãm lấy nước uống hoặc chế biến các món ăn bổ dưỡng.
4. Thành phần hóa học
Các nghiên cứu cho thấy, Đông trùng hạ thảo có đến 17 loại axit amin khác nhau, có nhiều khoáng chất (Natri, Kali, Silic, Nhôm,…), lipid và nhiều hoạt chất sinh học đang được nghiên cứu.
Đặc biệt, thảo dược này chứa nhiều hoạt chất có dược tính mạnh và đa dạng như hydroxyethyl-adenosine, adenosine, cordycepin, cordiceptic acid, HEAA (hydroxy ethyl adenosine analogs) và nhiều loại vitamin cần thiết như vitamin A, C, B2, E, K, B12,…
5. Phân loại Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo có đến hàng trăm loại nhưng chỉ có 1 loại từ ấu trùng bướm Cordyceps sinensis được sử dụng để làm thuốc. Hiện nay, dược liệu được chia thành nhiều loại tùy theo nguồn gốc, dạng bào chế và trạng thái.
- Theo nguồn gốc: Bao gồm Đông trùng hạ thảo tự nhiên và Đông trùng hạ thảo nhân tạo. Trong đó, loại tự nhiên chỉ thu hoạch được 1 lần/ năm và số lượng vô cùng hạn chế nên giá thành rất đắt đỏ. Đông trùng hạ thảo nhân tạo có khoảng 60 – 80% dược tính của thảo dược tự nhiên nhưng giá thành rẻ hơn và số lượng dồi dào.
- Theo dạng bào chế: Để tiện lợi khi sử dụng, Đông trùng hạ thảo được sản xuất trong các chế phẩm chăm sóc sức khỏe ở nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng nước, cao lỏng, viên nang,… Tùy theo mục đích sử dụng, bạn có thể lựa chọn chế phẩm phù hợp.
- Theo trạng thái: Đông trùng hạ thảo có 2 trạng thái chính là dạng khô và dạng tươi. Dạng khô dễ bảo quản hơn nhưng dược tính không dồi dào so với dạng tươi. Đông trùng hạ thảo tươi được thu hoạch và bảo quản ở nhiệt độ -50 độ C trong vòng 1 tháng. Chính vì vậy, thảo dược tươi sẽ có giá thành cao hơn so với thảo dược đã được sấy khô.
6. Cách bảo quản
Với Đông trùng hạ thảo sấy khô, nên cho dược liệu vào túi nhựa và cột kín để tránh không khí làm mất dược tính và mùi thơm đặc trưng. Sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh bảo quản với nhiệt độ khoảng 3 – 4 độ C.
Hoặc có thể cho thêm 1 ít tiêu khô vào túi nhựa cùng với Đông trùng hạ thảo, sau đó cột kín và đặt ở những nơi khô ráo, có ánh nắng mặt trời.
Tác dụng của Đông trùng hạ thảo
Từ lâu, Đông trùng hạ thảo đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa và Tây Tạng. Theo Đông y, dược liệu này có vị ngọt, tính ấm, quy vào kinh Phế, Thận và có công năng trừ đờm, chỉ huyết, ích khí,…
Với hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào và nhiều hoạt chất có giá trị dược lý cao, Đông trùng hạ thảo mang đến nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Một số tác dụng của Đông trùng hạ thảo đã được công nhận và kiểm chứng qua thực nghiệm lâm sàng:
1. Tác động đến hệ miễn dịch
Đông trùng hạ thảo là một trong số ít những loại dược liệu vừa có khả năng kích thích miễn dịch vừa ức chế khả năng miễn dịch của cơ thể. Hoạt chất Cordycepin trong thảo dược này có tác dụng nâng cao sức đề kháng, cải thiện hoạt động của các tế bào miễn dịch nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm và tránh sự lây lan nhanh chóng của virus, hại khuẩn.
Bên cạnh đó, Đông trùng hạ thảo còn giúp ức chế hoạt động miễn dịch trong trường hợp phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Một số nghiên cứu được thực hiện vào năm 1996 cho thấy, sử dụng thảo dược cho những bệnh nhân ghép tạng có thể hạn chế hiện tượng đào thải và giữ cho nội tạng mới ghép không bị tấn công, tổn thương.
2. Hỗ trợ điều trị ung thư
Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư của Đông trùng hạ thảo đã được nghiên cứu và chứng minh qua nhiều thực nghiệm lâm sàng. Thảo dược này là một trong số ít loại thực vật có chứa selen – một loại khoáng chất quan trọng có thể làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa ung thư.
Ngoài ra, dược chất Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo cũng có tác dụng ức chế sự phân hạch của các tế bào ác tính, từ đó giúp kiểm soát khối u và ngăn ngừa tình trạng ung thư di căn sang những cơ quan khác.
Không chỉ tác động trực tiếp đến tế bào ung thư, Đông trùng hạ thảo còn giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch với thành phần dinh dưỡng dồi dào. Bằng cơ chế này, thảo dược có thể giúp cơ thể đối kháng với tế bào ác tính, kiểm soát sự phát triển của khối u và tăng khả năng điều trị bệnh.
Hiệu quả hỗ trợ điều trị ung thư của Đông trùng hạ thảo cũng đã được chứng minh lâm sàng. Thực nghiệm tại Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, bệnh nhân tiêm 6g chiết xuất từ thảo dược này mỗi ngày kết hợp với hóa trị trong vòng 60 ngày có kích thước khối u giảm đi đáng kể.
3. Hỗ trợ điều trị các bệnh về thận
Đông trùng hạ thảo có tác dụng bổ thận và cải thiện sức khỏe. Tác dụng này không chỉ được lưu truyền trong y học Trung Hoa và Tây Tạng mà đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Có tất cả 22 nghiên cứu được thực hiện trên 1746 bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính nhận thấy những kết quả khả quan khi thêm Đông trùng hạ thảo vào chế độ ăn hàng ngày.
Các bệnh nhân này có xu hướng giảm protein niệu, giảm creatinine huyết thanh và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh thận. Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn hỗ trợ phục hồi tổn thương ở thận do sử dụng kháng sinh dài hạn và hỗ trợ phòng ngừa viêm nhiễm sau khi phẫu thuật, cấy ghép thận.
Một số nhà khoa học cho biết, tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh thận mãn tính của Đông trùng hạ thảo là nhờ vào khả năng tăng nồng độ 17-ketosteroid và 17-hydroxy-corticosteroid. Với tác dụng hỗ trợ phòng ngừa – điều trị các vấn đề về thận, thảo dược này được ứng dụng trong sản xuất nhiều chế phẩm cải thiện tình trạng thận hư, thận yếu cho nam giới.
4. Đông trùng hạ thảo có tác dụng điều hòa đường huyết
Hoạt chất Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo được chứng minh có hiệu quả phục hồi tuyến tụy, điều hòa đường huyết và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường. Cụ thể, thảo dược này kích thích cơ thể sản xuất insulin để chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng, ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Thực tế cũng đã cho thấy, có đến 95% bệnh nhân giảm đường huyết khi dùng 3g Đông trùng hạ thảo mỗi ngày. Bên cạnh đó, thảo dược cũng cung cấp cho cơ thể nguồn đạm thực vật dồi dào, hỗ trợ phục hồi sức khỏe và giúp bệnh nhân có thể trạng tốt để chống chọi với bệnh tật.
5. Hỗ trợ điều trị các bệnh về tim
Đông trùng hạ thảo chứa nhiều hoạt chất sinh hoạt tốt cho sức khỏe như nucleotide adenosine, deoxy-adenosine, adenosine,… Các thành phần trong thảo dược có tác dụng ổn định nhịp tim, tăng hiệu quả sử dụng oxy của tim và hạn chế tình trạng rối loạn nhịp tim. Đông trùng hạ thảo còn giúp tăng lưu lượng máu trong mạch vành và làm nguy cơ gặp phải các tai biến về tim như nhồi máu cơ tim, suy tim, thiếu máu cục bộ gây đột quỵ,…
Vào năm 1995, các bác sĩ quyết định sử dụng Đông trùng hạ thảo cho 34 bệnh nhân bị suy tim mãn tính. Sau một thời gian nhận thấy thảo dược có khả năng tăng cung lượng tim 60%. Hiện nay, Đông trùng hạ thảo được chứng minh là có triển vọng trong điều trị bệnh tim và hiện tại vẫn đang được nghiên cứu trước khi sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
6. Hỗ trợ điều trị các bệnh về phổi
Trong y học cổ truyền, Đông trùng hạ thảo được ghi nhận là quy kinh Phế (phổi) và thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý hô hấp. Hiện nay, thảo dược này cũng đã chứng minh về hiệu quả điều trị các bệnh lý liên quan đến phổi.
Các hoạt chất sinh hoạt trong Đông trùng hạ thảo có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giãn phế quản và giảm mức độ kích thích của các cơ quan hô hấp. Do đó, dược liệu có thể giảm tình trạng phù nề, hạn chế tiết dịch hô hấp quá mức, cải thiện khả năng hô hấp và hỗ trợ kiểm soát hiện tượng nhiễm trùng ở phổi.
Ngoài ra theo các chuyên gia, tác dụng điều trị các bệnh về phổi của Đông trùng hạ thảo còn nhờ vào cơ chế tăng hiệu năng sử dụng oxy của các tế bào. Thảo dược này đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD),…
7. Chống mệt mỏi, nâng cao thể chất
ATP (Adenosine triphosphate) là phân tử mang năng lượng vận chuyển đến các tế bào giúp cơ thể có thể hoạt động trí não và thế chất. Đông trùng hạ thảo được chứng minh có khả năng tăng sản xuất ATP, từ đó giúp phòng ngừa mệt mỏi, suy nhược và nâng cao thể chất. Chính vì vậy, thảo dược bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị HIV/ AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch).
Ngoài ra, Đông trùng hạ thảo còn có thể làm tăng chỉ số VO2max (chỉ số cho thấy khả năng sử dụng oxy của cơ thể). Việc tăng khả năng sử dụng oxy giúp cơ thể tràn đầy sức sống, khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Chính vì tác dụng này nên Đông trùng hạ thảo thường được dùng để làm thuốc bổ, cải thiện sức khỏe cho người phải làm việc với cường độ cao, suy nhược và phục hồi sức khỏe sau khi ốm dậy.
8. Hỗ trợ phòng ngừa – điều trị giảm chức năng tình dục
Từ hàng trăm năm về trước, Đông trùng hạ thảo đã được sử dụng để cải thiện chức năng sinh lý của cả nam và nữ giới – đặc biệt là trong trường hợp vô sinh hiếm muộn, suy giảm ham muốn,… Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, Adenosine trong thảo dược này có tác dụng điều hòa nội tiết ở cả nam và nữ, làm chậm quá trình lão hóa và hỗ trợ chức năng tình dục rõ rệt.
Trên động vật thực nghiệm, Đông trùng hạ thảo làm tăng trọng lượng của tuyến thượng thận, từ đó tăng quá trình tổng hợp các hormone như androgen, hormone adrenocortical,… Đồng thời làm tăng trọng lượng của tinh hoàn, cải thiện số lượng – chất lượng tinh trùng và phục hồi khả năng sinh sản của nam giới.
Ngoài ra với hàm lượng dinh dưỡng cao, Đông trùng hạ thảo giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng sử dụng oxy và nâng cao thể trạng. Khi sức khỏe được cải thiện, cả nam và nữ giới có thể “bền bỉ” hơn khi yêu, tăng khoái cảm tình dục và hạn chế nguy cơ suy giảm chức năng sinh lý do tuổi tác, chế độ sinh hoạt, ăn uống,…
9. Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan
Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan. Dược chất trong thảo dược này như polysaccharides, cordycepin có khả năng giải độc gan, phục hồi tế bào, chức năng gan và hạn chế sự tích tụ của các mô mỡ ở cơ quan này.
Thực nghiệm lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị viêm gan mãn tính sử dụng viên nang chiết xuất từ Đông trùng hạ thảo (0.25g), mỗi lần 5 viên, 3 lần/ ngày trong liên tục 90 ngày có những chuyển biến tích cực (đạt hiệu quả hơn 75%). Ngoài ra, thảo dược này còn được dùng trong điều trị viêm gan B, C mãn tính và xơ gan để phục hồi tế bào gan hư tổn, hỗ trợ chức năng gan và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
10. Một số tác dụng khác
Ngoài những tác dụng kể trên, Đông trùng hạ thảo còn mang đến nhiều công dụng khác đối với sức khỏe như:
- Giảm cholesterol trong máu: Tăng cholesterol trong máu là yếu tố thuận lợi dẫn đến cao huyết áp và các bệnh lý về tim mạch. Đông trùng hạ thảo được chứng minh có khả năng giảm cholesterol trong máu và duy trì sức khỏe tim mạch.
- Làm chậm quá trình lão hóa: Adenosine, axit nucleotic, vitamin, peptide, polysaccharide,… trong Đông trùng hạ thảo có tác dụng chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa. Với tác dụng ngăn ngừa lão hóa, thảo dược này có thể hỗ trợ phòng ngừa các bệnh mãn tính, duy trì làn da, sắc vóc cho phái nữ và ngăn ngừa mãn dục sớm ở nam giới.
- Tác dụng an thần: Với tác dụng điều hòa huyết áp, nhịp tim và cải thiện sức khỏe, Đông trùng hạ thảo còn giúp làm dịu hệ thống thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Tác dụng cường dương: Đông trùng hạ thảo có tác dụng cường dương và hỗ trợ điều trị chứng liệt dương, rối loạn cương dương ở nam giới. Thảo dược giúp tăng khả năng sử dụng oxy của các tế bào, tăng tuần hoàn máu và nâng cao thể trạng. Những tác động này giúp nam giới có sức khỏe tốt, “bền bỉ” và dễ dàng đạt được độ cương cứng để “thâm nhập”.
Ngoài những tác dụng được tổng hợp trong bài viết, Đông trùng hạ thảo còn có một số lợi ích khác đối với cơ thể. Các tác dụng này hiện đang được nghiên cứu trước khi ứng dụng lâm sàng.
Cách sử dụng Đông trùng hạ thảo để tăng cường sức khỏe
Đông trùng hạ thảo được sử dụng chủ yếu ở dạng ngâm rượu. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thảo dược này hãm lấy nước uống, dùng trong các bài thuốc thang và chế biến thành các món ăn bổ dưỡng giúp cải thiện sức khỏe.
1. Sử dụng Đông trùng hạ thảo ngâm rượu
Sử dụng Đông trùng hạ thảo ngâm rượu là cách phổ biến nhất. Rượu ngâm từ thảo dược này có tác dụng cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch và chức năng sinh lý.
Một số cách ngâm rượu từ Đông trùng hạ thảo bạn có thể tham khảo:
Rượu trùng thảo nhân sâm: Chuẩn bị đông trùng hạ thảo, nhân sâm bằng lượng nhau và rượu tốt một lượng vừa đủ. Đem ngâm trong vòng 10 ngày là dùng được. Mỗi ngày dùng 1 ly nhỏ để cải thiện sức khỏe, hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý và điều trị chứng liệt dương.
Rượu kỷ tử trùng thảo: Ngâm Đông trùng hạ thảo 30g, kỷ tử 30g với 500ml rượu trắng. Ngâm trong 10 ngày là có thể dùng được. Mỗi lần dùng 15ml rượu, ngày dùng đều đặn 2 – 3 lần giúp ích khí sinh tinh, bổ ích can thận. Bài thuốc này thích hợp với nam giới bị xuất tinh sớm và liệt dương.
Rượu lộc nhung trùng thảo: Chuẩn bị Đông trùng hạ thảo 90g và nhung hươu 20g, đem dược liệu ngâm với 1.5 lít rượu trong 10 ngày. Mỗi ngày dùng 20 – 30ml, có thể dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần uống. Bài thuốc này có tác dụng ích tinh dưỡng huyết, tráng dương, ôn thận, thích hợp với người suy giảm chức năng tình dục, thiếu máu, liệt dương, suy nhược cơ thể,…
Trùng thảo tửu dược: Dùng Đông trùng hạ thảo 10g ngâm với rượu trắng 1 lít trong nửa tháng. Mỗi tối dùng 9g và sử dụng đều đặn mỗi ngày. Bài thuốc này có tác dụng tư phế, bổ thận, tích hợp người bị ho lao, suy nhược, di tinh và liệt dương.
Trùng thảo chúc: Chuẩn bị Đông trùng hạ thảo 10g, đại mễ 50g và bạch cập 6g, thêm gạo và đường vừa đủ. Nấu gạo và nước thành cháo, sau đó cho đông trùng và bạch cập vào, trộn đều với đường và nấu thêm 1 ít nước. Chia thành 2 lần và ăn hết trong ngày.
2. Các món ăn từ Đông trùng hạ thảo
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng đông trùng để chế biến các món ăn bồi bổ sức khỏe, chống suy nhược và ngừa mệt mỏi. Bên cạnh đó, một số món ăn từ thảo dược này còn hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp.
Canh đông trùng hùng áp: Chuẩn bị Đông trùng hạ thảo 10g, 1 con 1 vịt đực, gừng tươi, tiêu, rượu trắng và gia vị. Sơ chế vịt, sau đó cho dược liệu vào bụng và hầm với gia vị. Chia thành nhiều lần và ăn hết trong ngày. Mỗi tuần dùng 1 lần giúp bổ phế thận, bồi bổ sức khỏe, ích khí, thích hợp với nam giới suy giảm sinh lý, người bị suy nhược, mới ốm dậy,…
Canh đông trùng thịt gà: Chuẩn bị thịt gà và Đông trùng hạ thảo 20g. Đem dược liệu tiềm với thịt gà cho mềm, sau đó nêm nếm vừa ăn và dùng 1 lần/ ngày trong vài ngày để bổ máu, trị di tinh và liệt dương.
Ba ba hầm đông trùng: Chuẩn bị ba ba 1 con (khoảng 1kg), đem cơ chế và cắt làm tư. Sau đó cho táo đỏ 20g và Đông trùng hạ thảo 10g, gia vị vào và chưng cách thủy trong 2 giờ. Sau đó nên ăn nóng tuần 2 – 4 lần để trị kinh nguyệt không đều, xuất tinh sớm, liệt dương và thận hư yếu.
Canh gà ác đông trùng: Chuẩn bị hoài sơn 50g, Đông trùng hạ thảo 15g và thịt gà ác 100g. Đem nấu canh, nêm nếm vừa ăn và ăn khi canh còn ấm.
Cháo trắng đông trùng: Dùng Đông trùng hạ thảo 1 – 2g nghiền nhỏ, rắc lên cháo trắng hoặc các loại cháo khác ăn 1 lần/ ngày để cải thiện sức khỏe và phục hồi cơ thể sau khi ốm dậy.
3. Dùng bài thuốc Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo thường được sử dụng trong các bài thuốc điều trị di tinh, yếu sinh lý, rối loạn cương dương, các bệnh về thận và bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư:
Bài thuốc trị các chứng bệnh về phổi: Chuẩn bị bắc sa sâm, Đông trùng hạ thảo, mạch đông, tiên đông, phục thần, đương quy thân, hạ khô thảo và xuyên bối mẫu mỗi thứ 60g, bắc sa sâm, bắc câu kỷ và quy bản mỗi thứ 120g, thục địa hoàng 240g, ngũ vị tử, viễn chĩ, bạch truật, tử sân sâm và ngân sài hồ mỗi thứ 48g, cam thảo 24g, xuyên hoàng linh 30g, toan táo nhân, xuyên luyện nhục mỗi thứ 36g. Đem sắc với lửa nhỏ, lấy nước thứ nhất và thứ hai. Sau đó bỏ bã, thêm đường phèn và mật ong vào chế thành cao. Mỗi lần dùng 10 – 15g uống với nước ấm, ngày dùng 3 lần
Bài thuốc trị hen suyễn, viêm phế quản mạn và lao phổi: Dùng Đông trùng hạ thảo 6g, bách hợp 20g và tiên hạc thảo 15g. Cho dược liệu vào ấm sắc với nước và 1 ít đường phèn, dùng mỗi ngày 1 thang cho đến khi khỏe.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư: Dùng bột bào tử linh chi 240g và Đông trùng hạ thảo 120g trộn đều. Mỗi lần dùng 3g uống với nước ấm, ngày dùng 2 làn trong thời gian hóa xạ trị để tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài thuốc điều trị hen suyễn và viêm phế quản: Dùng linh chi 10g và Đông trùng hạ thảo 3g. Đem linh chi tán bột và cho vào nồi sắc 2 lần, mỗi lần sắc trong vòng 60 phút. Sau đó dùng Đông trùng hạ thảo trộn với nước sắc. Ngày dùng 2 lần (sáng – chiều) liên tục trong 1 – 2 tháng.
Bài thuốc điều trị thiếu máu: Chuẩn bị nhân sâm và Đông trùng hạ thảo mỗi thứ 6g, hà thủ ô và hoàng kỳ mỗi thứ 30g, bạch thược 15g, dâm dương hoắc và đương quy mỗi thứ 10g, nữ trinh tử, câu kỷ tử và kê huyết đằng mỗi thứ 12g. Cho dược liệu vào nồi đất, sắc 2 lần với lửa nhỏ trong 1 giờ. Chắt lấy nước, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày (nên dùng lúc bụng đói).
4. Một số cách sử dụng khác
Nếu dùng để cải thiện sức khỏe, bạn có thể dùng các loại trà từ đông trùng:
Trà trùng thảo nhân sâm: Chuẩn bị nhân sâm 3 – 5g và Đông trùng hạ thảo 5g. Đem dược liệu hãm trong bình kín với nước sôi trong 10 phút là dùng được. Sử dụng trà uống trong ngày. Trà trùng thảo nhân sâm có tác dụng ích thận sinh tinh, tráng dương, bổ khí, thích hợp với nam giới xuất tinh sớm, liệt dương, giảm ham muốn và vô sinh – hiếm muộn.
Trà đông trùng hạ thảo: Dùng từ 1 – 2g Đông trùng hạ thảo Tây Tạng (nếu dùng thảo dược nhân tạo thì dùng 5 – 10g). Đem hãm với 200ml nước sôi trong bình kín từ 15 – 20 phút. Sau đó nên uống nước và ăn cả cái để cải thiện sức khỏe, ngừa thiếu máu và ngăn ngừa lão hóa.
Một số lưu ý khi sử dụng Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là thảo dược quý và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách, thảo dược này có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Do đó trước khi sử dụng Đông trùng hạ thảo để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh lý, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không sử dụng Đông trùng hạ thảo nếu đang mang thai, cho con bú, rối loạn đông máu, người vừa phẫu thuật hoặc chuẩn bị phẫu thuật, mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, đa xơ cứng, trẻ nhỏ, người đang bị chảy máu,…
- Đông trùng hạ thảo có thể tương tác với thuốc chống đông máu, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc trị tiểu đường, thuốc ức chế miễn dịch,… Trước khi dùng phối hợp với thuốc, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Không sử dụng thuốc đang thời gian hành kinh.
- Cần kiêng thực phẩm cay nóng, chất kích thích trong thời gian sử dụng Đông trùng hạ thảo.
- Để đảm bảo an toàn, nên chế biến và sử dụng Đông trùng hạ thảo đúng liều lượng. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, chỉ sử dụng 1 – 2g đông trùng Tây Tạng/ ngày, 5 – 10g đông trùng được nuôi nhân tạo và 6 – 12g đông trùng ở dạng rượu thuốc.
- Sử dụng Đông trùng hạ thảo quá liều có thể gây thiếu máu, chóng mặt, rối loạn nhịp thở,…
Đông trùng hạ thảo là thảo dược quý hiếm, mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe của cả nam và nữ giới. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, cần lựa chọn dược liệu chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng đông trùng giả có thể làm giảm tác dụng điều trị hoặc thậm chí gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!