Khám phá công dụng “vàng” của Selex Protein cho sức khỏe

Bibi Fiber: Phương pháp bổ sung chất xơ cho bé đúng cách

Các sản phẩm waxing và kem dưỡng nổi bật tại Nowax

PQA Nhuận Tràng tốt không? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Bài thuốc Nhất Nam Bình Vị Khang chữa viêm loét dạ dày HP có thực sự hiệu quả? [Review từ chuyên gia và người bệnh]

Mầm sống bị bóp nghẹt bởi áp lực học đường và kỳ vọng xã hội

Phun Môi – Bí Quyết Có Đôi Môi Quyến Rũ Tự Nhiên

Mụn trứng cá: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Mua que thử rụng trứng ở đâu uy tín?

Điểm danh 6 thói quen có hại đến quá trình điều trị vết thương

Cây chó đẻ: Công dụng chữa bệnh, cách dùng và liều dùng

Cây chó đẻ (Diệp hạ châu) là vị thuốc nam quý. Dược liệu này có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, tác dụng thẩm thấp, minh mục, lợi tiểu và thanh can. Hiện nay, diệp hạ châu không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền mà còn được ứng dụng trong nhiều chế phẩm chữa bệnh.

Cây chó đẻ
Cây chó đẻ còn được gọi là Chó đẻ răng cưa, Diệp hạ châu và Cỏ chó đẻ

  • Tên gọi khác: Chó đẻ răng cưa, Diệp hạ châu, Cỏ chó đẻ, Diệp hòe thái
  • Tên khoa học: Phyllanthus urinaria L
  • Tên dược: Herba Phyllanthi
  • Họ: Thầu dầu/ Đại kích – Euphorbiaceae

Mô tả dược liệu chó đẻ

1. Đặc điểm sinh thái của cây chó đẻ răng cưa

Chó đẻ là cây thân cỏ mọc hằng năm, thân nhẵn, mọc thẳng đứng, cứng, có màu đỏ và chiều cao khoảng 20 – 40cm. Lá kép, mọc so le, dài khoảng 5 – 15mm, rộng 2 – 5mm, phiến lá thuôn dài, mép nguyên nhưng có răng cưa rất nhỏ. Lá chiết không có cuống hoặc cuống rất ngắn, mặt trên có màu xanh lục, mặt dưới có màu xanh lơ nhạt.

tác dụng của cây chó đẻ
Cây chó đẻ có chiều cao khoảng 20 – 40cm, lá mọc so le, hình kép, dài 5 – 15mm và rộng 2 – 5mm

Hoa có kích thước nhỏ, màu nâu đỏ, thường mọc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, hoa cái và hoa đực nằm 1 gốc, thường không có cuống hoặc cuống rất ngắn. Quả màu xanh lơ, nằm dưới lá và có đường kính khoảng 2mm, quả chứa hạt nhỏ, hình trứng, màu nâu nhạt, 3 cạnh và có vân ngang.

2. Phân bố

Diệp hạ châu mọc hoang tại nhiều địa phương ở nước ta và một số nước nhiệt đới khác.

3. Bộ phận sử dụng

Toàn cây chó đẻ được sử dụng để làm thuốc, được nhân dân gọi là diệp hạ châu.

4. Thu hái – sơ chế, bảo quản

Dược liệu được thu hái vào mùa hè. Sau đó rửa với nước sạch, phơi nắng đến khi gần khô thì đem phơi trong râm đến khi khô hoàn toàn.

Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc và nhiệt độ cao. Có thể đem phơi lại nếu lâu ngày không sử dụng để phòng ngừa mối mọt và ẩm mốc.

5. Thành phần hóa học

Cây chó đẻ chứa các thành phần hóa học như dẫn xuất phenol, alkaloid, acid ellagic, acid phenolic, flavonoid, coderacin,…

Vị thuốc diệp hạ châu

tác dụng của cây chó đẻ
Diệp hạ châu có vị đắng ngọt, tính mát, tác dụng thanh can, minh mục, giải độc và thẩm thấp

1. Tính vị – quy kinh

  • Vị hơi ngọt, đắng, tính mát.
  • Quy vào kinh Can và Thận.

2. Tác dụng theo y học cổ truyền

  • Công năng: Lợi tiểu, thẩm thấp, minh mục và thanh can
  • Chủ trị: Phù thủng do viêm thận, sỏi bàng quang, trẻ con bị cam tích, họng sưng đau, viêm ruột, nhiễm trùng đường tiểu, thương hàn, kiết lỵ, hoàng đản,…

3. Tác dụng theo y học hiện đại

Không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, cây chó đẻ cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và được ứng dụng trong nhiều chế phẩm chữa bệnh.

Dưới đây là một số tác dụng của cây chó đẻ đã được y học hiện đại công nhận:

  • Điều trị viêm gan: Diệp hạ châu được nghiên cứu trong nhiều công trình và được ứng dụng trong các chế phẩm chữa bệnh như Hepamarin. Dược liệu này được công nhận có hiệu quả điều trị viêm gan mãn tính, viêm gan do virus và rượu.
  • Tác dụng miễn dịch: Cao lỏng từ cây chó đẻ được chứng minh về hiệu quả ức chế sự phát triển của virus HIV bằng cách ngăn chặn quá trình nhân đôi của virus.
  • Tác dụng điều trị các bệnh tiêu hóa: Các hoạt chất trong cây chó đẻ có khả năng kích thích trung tiện, ăn uống ngon miệng và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Hiện nay, dược liệu được ứng dụng trong nhiều chế phẩm chữa táo bón, viêm gan, vàng da, viêm đại tràng và đau dạ dày.
  • Tác dụng lợi tiểu: Các nhà khoa học phát hiện diệp hạ châu chứa một loại alkaloid có tác dụng chống co thắt cơ trơn, cơ vân nhằm lợi tiểu và hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật.
  • Tác dụng giảm đường huyết: Thực nghiệm vào năm 1995 trên các bệnh nhân tiểu đường nhận thấy, sử dụng diệp hạ châu liên tục trong 10 ngày có thể làm giảm lượng đường huyết đáng kể.
  • Tác dụng giảm đau: Thực nghiệm cho thấy, diệp hạ châu có tác dụng giảm đau mạnh gấp 3 lần so với Morphin và gấp 4 lần so với Indomethacin. Tác dụng giảm đau được xác định là do sự hiện diện của hỗn hợp steroid (beta-sitosterol, stigmasterol), ester ethyl và acid gallic có trong dược liệu.
  • Tác dụng khác: Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng điều trị viêm phế quản, ho, hen suyễn, lao phổi, sốt rét, viêm da thần kinh,…

4. Cách dùng – liều lượng

Cây chó đẻ được sử dụng ở dạng tươi, sao khô sắc hoặc tán bột mịn. Liều dùng 20 – 60g/ ngày (dược liệu tươi) và 15 – 30g/ ngày (dược liệu khô).

Một số bài thuốc chữa bệnh từ diệp hạ châu

hình ảnh cây chó đẻ
Cây chó đẻ được sử dụng để chữa viêm gan do siêu vi, suy gan do rượu, nhiễm độc, mụn nhọt, sỏi thận

1. Bài thuốc chữa bệnh viêm gan do siêu vi B

  • Chuẩn bị: Sài hồ, hạ khô thảo và nhân trần mỗi thứ 12g, chi tử 8g, diệp hạ châu 30g.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, sắc uống ngày dùng 1 thang.

2. Bài thuốc chữa sốt rét

  • Chuẩn bị: Dây gắm, thường sơn, lá mãng cầu tươi, dây hà thủ ô và thảo quả mỗi thứ 10g, diệp hạ châu 8g, ô mai, binh lang (hạt cau) và dây cóc mỗi thứ 4g.
  • Thực hiện: Sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 2 lần uống, sử dụng trước cơn sốt rét 2 giờ đồng hồ. Có thể gia thêm sài hồ 10g nếu triệu chứng không thuyên giảm.

3. Bài thuốc chữa nhiễm độc gan do môi trường, suy gan do rượu, nổi mụn và mẩn ngứa do huyết nhiệt

  • Chuẩn bị: Cam thảo đất và cây chó đẻ mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống hằng ngày, có thể dùng thay trà.

4. Bài thuốc chữa mụn nhọt và đinh râu

  • Chuẩn bị: Lá chó đẻ tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch, để ráo nước, giã nát và đắp lên nốt mụn vài lần trong ngày giúp giảm đau, tiêu viêm.

5. Bài thuốc chữa vàng da do gan và viêm ruột gây tiêu chảy

  • Chuẩn bị: Cây dành dành 12g, mã đề 20g và diệp hạ châu 40g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, chia nước sắc thành nhiều lần uống.

6. Bài thuốc trị viêm gan do siêu vi

  • Chuẩn bị: Vỏ bưởi (phơi khô, sao) 4g, nhân trần nam và diệp hạ châu mỗi thứ 16g, thổ phục linh 12g và hậu phác 8g. Nếu nhiệt nhiều, gia thêm rau má và hạt dành dành mỗi thứ 12g, báng tích nhiều gia vỏ đại 8g, cơ thể suy nhược gia thêm rễ đinh lăng 12g.
  • Thực hiện: Rửa sạch, sắc uống ngày dùng 1 thang.

7. Bài thuốc trị sỏi thận và sỏi mật

  • Chuẩn bị: Cây chó đẻ 24g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước và chia nước sắc thành 2 lần uống. Có thể gia thêm hậu phác hoặc sinh khương nếu ăn uống kém và bụng đầy.

8. Bài thuốc chữa viêm gan cấp, viêm gan mãn mức độ nhẹ đến trung bình

  • Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi và chua ngút mỗi thứ 15g, diệp hạ châu 40g.
  • Thực hiện: Sắc với 3 bát nước (600ml) còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống hết trong ngày. Lặp lại nhiều đợt cho đến khi khỏi hoàn toàn.

9. Bài thuốc trị nhọt độc gây viêm sưng và đau nhức

  • Chuẩn bị: Một nắm diệp hạ châu tươi và 1 ít muối.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, để ráo nước và giã nát. Sau đó cho muối vào, thêm 1 ít nước, khuấy đều chắt lấy nước cốt uống. Dùng bã đắp lên nhọt để giảm đau và tiêu viêm.

10. Bài thuốc trị xơ gan cổ trướng thể nặng

  • Chuẩn bị: Cây chó đẻ răng cưa (sao khô) 100g và đường 150g.
  • Thực hiện: Sắc dược liệu 3 lần, trộn đều và thêm đường vào, khuấy tan. Chia nước sắc thành nhiều lần uống trong ngày, liệu trình kéo dài 30 – 40 ngày. Lặp lại nhiều liệu trình cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
  • Lưu ý: Trong thời gian dùng bài thuốc phải hạn chế dùng thực phẩm giàu đạm và muối.

11. Bài thuốc giúp cầm máu và trị vết thương do té ngã

  • Chuẩn bị: Vôi và cây chó đẻ tươi.
  • Thực hiện: Giã nát, trộn đều và đắp trực tiếp vào vết thương.

12. Bài thuốc chữa viêm thận gây tiểu đỏ, viêm ruột đi ngoài ra nước, mắt sưng đau và vàng da do viêm gan

  • Chuẩn bị: Dành dành 12g, mã đề 20g và chó đẻ răng cưa 40g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

13. Bài thuốc trị vết thương gây ứ máu

  • Chuẩn bị: Lá, cành của cây chó đẻ và mần tưới, mỗi thứ 1 nắm.
  • Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và giã nát, sau đó cho nước đồng tiện vào. Vắt lấy nước uống hoặc hòa thêm bột đại hoàng 8 – 12g uống, dùng bã đắp lên vết thương để làm tan máu và giảm đau.

14. Bài thuốc chữa chứng tưa lưỡi ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Toàn bộ cây chó đẻ tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch, giã nát lấy nước cốt và thoa vào lưỡi của trẻ.

15. Bài thuốc chữa vết thương lở loét, chậm liền miệng

  • Chuẩn bị: Lá thồm lồm và diệp hạ châu mỗi thứ 1 ít, đinh hương 1 nụ.
  • Thực hiện: Giã nát và đắp vào vết thương, thay 1 lần/ ngày đến khi vết thương liền miệng.

16. Bài thuốc trị chứng ứ huyết ở sản hậu

  • Chẩn bị: Cây chó đẻ khô 8 -16g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày đến khi khỏi.

17. Bài thuốc trị đau bụng, sốt cao, ăn uống không ngon miệng và nước tiểu sẫm màu

  • Chuẩn bị: Xuyên tâm liên và lá cây chó đẻ mỗi thứ 1g, nhọ nồi 2g.
  • Thực hiện: Đem các vị phơi trong bóng râm, sau đó tán thành bột mịn, đem sắc và uống hết 1 lần. Mỗi ngày dùng 3 lần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

18. Bài thuốc chữa chứng suy gan do nhiễm độc, ứ mật, nhiễm sán lá, lỵ amip và sốt rét

  • Chuẩn bị: Cam thảo đất sao khô và cây chó đẻ khô mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày, mỗi ngày dùng 1 thang.

19. Bài thuốc chữa viêm gan do virus

  • Chuẩn bị: Vỏ cây đại và hậu phác mỗi thứ 8g, vỏ bưởi khô 5g, bồ bồ và diệp hạ châu mỗi thứ 16g, chi tử, tích huyết thảo, thổ phục linh và rễ đinh lăng mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Lưu ý khi sử dụng dược liệu diệp hạ châu

Cây chó đẻ đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách, dược liệu này có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng không mong muốn.

hình ảnh cây chó đẻ
Không sử dụng bài thuốc chứa cây chó đẻ cho phụ nữ mang thai

Để hạn chế tác dụng ngoại ý khi sử dụng dược liệu, cần lưu ý những thông tin sau:

  • Cây chó đẻ có tính mát nên dùng lâu ngày hoặc sử dụng liều cao có thể khiến Tỳ Vị hư hàn.
  • Đối với những trường hợp có Tỳ Vị hư hàn nên phối hợp với dược liệu có vị cay, tính ấm để cân bằng tính mát của diệp hạ châu.
  • Phụ nữ mang thai không sử dụng bài thuốc từ cây chó đẻ.
  • Cần phân biệt với cây Chó đẻ quả tròn và Chó đẻ hoa vàng (hy thiêm/ cỏ đĩ)

Cây chó đẻ (diệp hạ châu) là vị thuốc quý, được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da, viêm gan, viêm ruột gây tiêu chảy, cầm máu và giảm đau vết thương. Trước khi sử dụng dược liệu này, bạn nên tham vấn y khoa để được hướng dẫn về bài thuốc cụ thể và cân chỉnh liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Dược liệu khác

4 chế phẩm

Hồng sâm: Tác dụng và cách dùng bồi bổ sức khỏe

Hồng sâm là “thần dược” có nguồn gốc từ của những củ nhân sâm 6 tuổi giàu giá trị dinh dưỡng. Với nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời, hiện...

Huyền sâm: Tác dụng của vị thuốc và cách dùng chữa bệnh

Huyền sâm (hắc sâm) là vị thuốc quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Khoa học cũng đã nghiên cứu và công nhận dược liệu này có...

Nấm linh chi: Tác dụng và liều lượng sử dụng tốt cho sức khỏe

Nấm linh chi: Tác dụng và liều lượng sử dụng tốt cho sức khỏe

Nấm linh chi là một loại dược liệu quý có tính hàn, vị hơi đắng. Theo ghi nhận của Y học cổ truyền, vị thuốc có công dụng dưỡng tâm,...

Hoàng liên chân gà: Dược liệu quý với nhiều tác dụng trị bệnh

Hoàng liên chân gà là cây thuốc quý, phát triển chủ yếu ở những vùng núi cao từ 1500 - 2500m. Dược liệu có vị rất đắng, không mùi, tính...

Nhục thung dung: Vị thuốc vàng cho sức khỏe nam giới

Từ lâu, nhục thung dung đã được sử dụng để cải thiện sức khỏe và chức năng sinh lý của phái mạnh. Các bài thuốc uống, rượu ngâm và món...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn