Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Viêm khớp cùng chậu là gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị

Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Viêm khớp háng: Dấu hiệu và cách điều trị

Bệnh viêm khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Chữa viêm đau khớp gối bằng thuốc nam với các thảo dược dễ kiếm

10+ bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm khớp cực hay

Viêm đa khớp là gì? Biểu hiện nhận biết và hướng điều trị

Các thuốc kháng viêm giảm đau xương khớp và lưu ý khi dùng

Viêm quanh khớp vai: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ đề cập đến tình trạng tổn thương mô mềm bao xung quanh khớp vai (bao thanh dịch, bao khớp, gân cơ, dây chằng,…). Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng khớp đau nhức và hạn chế khả năng vận động. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn có sự khác biệt rõ rệt ở từng thể lâm sàng. 

viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Viêm quanh khớp vai là gì?

Viêm quanh khớp vai (Periarthritis humeroscapularis) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng khớp đau nhức và giảm khả năng vận động do tổn thương các thành phần bao xung quanh khớp (chủ yếu là bao khớp, dây chằng, gân cơ), đồng thời KHÔNG có tổn thương thực thể tại bao hoạt dịch, sụn khớp và các đầu xương. Dựa vào triệu chứng cơ năng và thực thể, bệnh được chia thành 3 thể bệnh, bao gồm thể đơn thuần, thể tắc nghẽn (đông đặc) và thể rối loạn vận mạch.

Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi – đặc biệt là người hay chơi các môn thể thao phải vận động khớp vai thường xuyên, lao động nặng nhọc và có tiền sử chấn thương, tai nạn. Bệnh lý này gây ra không ít phiền toái trong quá trình lao động và sinh hoạt. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, tổn thương xung quanh khớp vai có thể tiến triển nặng, dẫn đến teo cơ và cứng khớp.

Triệu chứng của viêm quanh khớp vai theo từng thể bệnh

Viêm quanh khớp vai có biểu hiện tương đối đa dạng với mức độ khác nhau. Mỗi thể bệnh sẽ có các triệu chứng lâm sàng riêng biệt, bao gồm:

1. Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần

Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần thường xảy ra sau khi chấn thương hoặc khi vận động khớp vai quá mức. Thể bệnh này đặc trưng bởi cơn đau ở khớp vai có tính chất cơ học.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần gây đau nhức mỏm cùng vai và xung quanh khớp vai

Triệu chứng cơ năng của viêm quanh khớp vai thể đơn thuần:

  • Đau nhức ở mỏm cùng vai, vùng cơ delta, xung quanh khớp vai
  • Mức độ đau tăng lên khi cử động khớp vai – đặc biệt là khi xoay vai đột ngột
  • Cơn đau làm hạn chế biên độ và phạm vi cử động của khớp, nhất là trong các động tác duỗi, gấp, khép và dạng khớp vai

Thể bệnh này chỉ gây viêm gân, không xuất hiện tổn thương thực thể tại bao thanh dịch và các mô mềm khác. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể xuất hiện tình trạng lắng đọng canxi tại dây chằng và gân cơ do viêm mãn tính.

Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần thường gây đau nhức trong khoảng vài tuần. Sau thời gian này, bệnh có thể tự khỏi nhưng tỷ lệ tái phát cao.

2. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (đông đặc/ tắc nghẽn)

Thể đông đặc là thể bệnh thường gặp nhất của viêm quanh khớp vai và xảy ra chủ yếu ở người lao động chân tay, chơi các bộ môn thể thao phải hoạt động khớp vai thường xuyên như tennis, cầu lông, bóng bàn,… Thể bệnh này xảy ra do bao khớp vai dày lên và co cứng, dẫn đến tình trạng khớp đau và hạn chế khả năng vận động.

Các triệu chứng nhận biết viêm quanh khớp vai thể đông đặc:

  • Đau khớp vai có mức độ từ nhẹ đến trung bình, đau nhiều khi về đêm và cơn đau có tính chất cơ học
  • Khả năng vận động bị hạn chế khá nhiều, bệnh nhân gần như không thể thực hiện các động tác như xoay vai, duỗi vai,…
  • Khớp vai gần như bị cứng hoàn toàn

Viêm quanh khớp vai thể đông đặc có thể gây cứng khớp vai hoàn toàn, teo cơ và mất chức năng vận động nếu không tiến hành điều trị.

3. Viêm quanh khớp vai thể rối loạn vận mạch (thể Sudeck)

Viêm quanh khớp vai thể rối loạn vận mạch có các triệu chứng lâm sàng tương tự thể đông đặc. Thể bệnh này xuất hiện thương tổn xung quanh khớp vai kèm theo rối loạn thần kinh vận động ở bàn tay.

Viêm quanh khớp vai thể rối loạn vận mạch đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

  • Khớp vai đau ít nhưng hạn chế khả năng vận động nhiều
  • Bàn tay và cẳng tay có hiện tương phù nề, da có màu đỏ hoặc đỏ tím
  • Da lạnh, teo cơ do rối loạn dinh dưỡng
  • Ngón tay, bàn tay bị đau nhức nhiều về đêm và khả năng vận động giảm rõ

Viêm quanh khớp vai thể rối loạn vận mạch có thể tiến triển nặng dẫn đến teo cơ, cứng khớp và giảm trương lực cơ nếu không được điều trị sớm.

Lưu ý: Trên thực tế, các thể trên có thể kết hợp với nhau.

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu ở người trong độ tuổi trung niên, cao tuổi và được xem là có liên quan đến tính chất công việc, thói quen sinh hoạt và ảnh hưởng của một số bệnh lý nội khoa.

viêm quanh khớp vai bệnh học
Chấn thương khi chơi thể thao, sinh hoạt và lao động có thể gây viêm quanh khớp vai

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra bệnh viêm quanh khớp vai:

  • Tuổi tác: Tuổi tác là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Bởi thống kê cho thấy, viêm quanh khớp vai chủ yếu ảnh hưởng đến người trên 50 tuổi. Tuổi tác cao khiến các cơ quan bao quanh khớp bị thoái hóa, dễ tổn thương và sưng viêm khi có tác động. Đây cũng chính là yếu tố thuận lợi gây ra hàng loạt các bệnh lý xương khớp khác.
  • Tinh chất nghề nghiệp: Người lao động nặng nhọc, vận động viên tennis, bóng bàn,… thường xuyên phải thực hiện các hoạt động liên quan đến khớp vai. Các hoạt động này lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể gây tổn thương gân cơ, bao khớp và làm tăng nguy cơ viêm quanh khớp vai.
  • Chấn thương: Chấn thương là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm quanh khớp vai. Khi có tác động cơ học, cấu trúc phần mềm bao quanh khớp (bao khớp, túi thanh dịch, gân cơ,…) có thể bị tổn thương và sưng viêm. Ban đầu, chấn thương chỉ gây đau vai cấp tính. Tuy nhiên nếu không điều trị, đau khớp vai có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính (viêm quanh khớp vai thể đơn thuần).
  • Ảnh hưởng của một số bệnh nội khoa: Viêm quanh khớp vai thường xảy ra ở người mắc các bệnh lý nội khoa như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gout,… Nguyên nhân là các bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa khớp khiến khớp vai suy yếu, tổn thương và đau nhức.
  • Vô căn: Thực tế có một số trường hợp bị viêm quanh khớp vai nhưng không tìm thấy nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh viêm quanh khớp vai cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố sau:

  • Thời tiết lạnh ẩm
  • Chơi thể thao không đúng cách
  • Không cử động khớp vai một thời gian dài sau phẫu thuật (làm tăng nguy cơ viêm gân và vôi hóa phần mềm)
  • Lạm dụng thuốc ngủ, căng thẳng thần kinh

Viêm quanh khớp vai có nguy hiểm không?

Viêm quanh khớp vai là một trong những vấn đề xương khớp thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh lý này đa phần diễn tiến lành tính và có thể thuyên giảm sau vài tuần đến vài tháng nếu tích cực điều trị. Mặc dù có nguy cơ tái phát nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh bằng một số biện pháp phòng ngừa.

viêm quanh khớp vai chữa thế nào
Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần có thể tiến triển dẫn đến thể đông cứng và giả liệt

Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh có thể tiến triển xấu và gây ra các biến chứng sau:

  • Thoái hóa gân: Gân là cơ quan bị tổn thương chủ yếu ở bệnh nhân viêm quanh khớp vai. Nếu không điều trị kịp thời, gân có thể bị thoái hóa – thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi. Thoái hóa gân có thể gây đau nhiều, hạn chế khả năng vận động, hình thành gai xương, gãy mỏm bả vai – cánh tay.
  • Giả liệt khớp vai: Khớp vai bị tổn thương nặng do đứt cơ delta đột ngột. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi và xuất hiện khi gắng sức cử động khớp vai, dẫn đến tình trạng đứt gân thoái hóa. Giả liệt khớp vai đặc trưng bởi cơn đau dữ dội, xuất hiện đám bầm tím và hạn chế khả năng vận động.
  • Cứng khớp vai: Cứng khớp vai xảy ra do bao khớp dày lên khiến ổ khớp bị đông đặc, tê cứng, đau nhức và giảm khả năng vận động. Biến chứng này là hệ quả do rối loạn thần kinh dinh dưỡng lan tỏa không được điều trị và xử lý kịp thời. Cứng khớp vai gây ra tình trạng đau nhức, đau nhiều về đêm và có tính chất cơ học. Đồng thời gây hạn chế khả năng vận động, cả thụ động và chủ động.

Có thể thấy, viêm quanh khớp vai ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động, từ đó làm giảm chất lượng giấc ngủ, hiệu suất lao động và tác động không nhỏ đến cuộc sống. Do đó, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và tích cực điều trị để kiểm soát các ảnh hưởng của bệnh lý này.

Chẩn đoán viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có các biểu hiện tương đối đa dạng, trong đó triệu chứng điển hình là đau khớp và hạn chế khả năng vận động. Trước khi đưa ra phương án điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:

viêm quanh khớp vai chữa thế nào
Chẩn đoán viêm quanh khớp vai bao gồm khám lâm sàng, chụp X-Quang, xét nghiệm máu, siêu âm
  • Khám lâm sàng: Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong chẩn đoán viêm quanh khớp vai. Bác sĩ sẽ thu thập triệu chứng cơ năng và quan sát triệu chứng thực thể để xác định thể bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm loại trừ các khả năng như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do gout, nhiễm khuẩn và tổn thương khớp do các bệnh rối loạn tự miễn khác. Nếu bị viêm quanh khớp vai, xét nghiệm máu thường cho kết quả âm tính.
  • X-Quang: X-Quang cho phép bác sĩ quan sát rõ tình trạng khớp vai và hiện tượng vôi hóa tại gân. Ngoài ra, hình ảnh từ X-Quang còn giúp loại trừ các bệnh xương khớp do tổn thương sụn, màng bao hoạt dịch và xương khớp vai.
  • Siêu âm: Hình ảnh từ siêu âm giúp bác sĩ phát hiện tổn thương ở khớp vai và xác định được thể bệnh lâm sàng. Ngoài ra, siêu âm còn có thể phát hiện được biến chứng của bệnh như đứt gân thoái hóa (thể giả liệt) và cứng khớp vai.

Với những trường hợp không điển hình, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số chẩn đoán khác nhằm phân biệt với hoại tử vô mạch đầu xương cánh tay, đau vai do tổn thương cột sống cổ, viêm khớp do lao, viêm khớp mủ, canxi hóa sụn khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp và bệnh gout.

Các phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai

Điều trị viêm quanh khớp vai phụ thuộc vào giai đoạn bệnh (đợt cấp – duy trì). Hiện tại, chưa có biện pháp đặc hiệu đối với bệnh lý này. Do đó, điều tri cần kết hợp giữa sử dụng thuốc, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và can thiệp ngoại khoa trong trường hợp cần thiết.

1. Xây dựng chế độ vận động hợp lý

Trước khi sử dụng thuốc và can thiệp các phương pháp y tế, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn xây dựng chế độ vận động hợp lý theo giai đoạn bệnh. Cụ thể:

  • Trong giai đoạn đau vai cấp, cần hạn chế vận động khớp và tránh tuyệt đối các tác động cơ học trong thời gian dài. Cử động khớp trong giai đoạn cấp có thể làm tăng phản ứng viêm và đẩy nhanh tốc độ tổn thương gân cơ, bao thanh dịch,…
  • Khi bệnh chuyển sang giai đoạn duy trì, cần tập thể dục để phục hồi chức năng, tránh teo cơ và cứng khớp vai – đặc biệt là với thể đông đặc.
  • Tránh các hoạt động phải nâng hoặc sử dụng khớp vai quá mức.
  • Hạn chế lao động nặng khi bị viêm quanh khớp vai. Với những người làm công việc phải sử dụng khớp thường xuyên, nên cân nhắc thay đổi công việc nếu cần thiết.

2. Sử dụng thuốc điều trị viêm quanh khớp vai

Sử dụng thuốc điều trị viêm quanh khớp vai có tác dụng giảm đau, chống viêm và hỗ trợ phục hồi tổn thương phần mềm bao xung quanh khớp. Ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá thể bệnh, mức độ triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để chỉ định loại thuốc phù hợp.

viêm quanh khớp vai chữa thế nào
Sử dụng thuốc thường được chỉ định trong giai đoạn cấp của bệnh

Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm quanh khớp vai:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Thuốc giảm đau thông thường bao gồm Paracetamol và nhóm thuốc giảm đau gây nghiện (opioids). Lựa chọn ưu tiên là dùng Paracetamol vì có độ an toàn và hiệu quả tương đối nhanh. Với những trường hợp đau nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng chế phẩm kết hợp giữa Paracetamol + Codein (opioids) hoặc các opioids có hoạt tính nhẹ như Tramadol.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng chính là chống viêm và giảm đau. NSAID thường được dùng để điều trị viêm quanh khớp vai thường là Diclofenac, Celecoxib, Meloxicam và Piroxicam. Thuốc có thể tăng nguy cơ loét, xuất huyết tiêu hóa và đột quỵ nên chủ yếu được dùng trong điều trị ngắn hạn.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được dùng trong trường hợp đau khớp vai do cơ co thắt quá mức. Loại thuốc giãn cơ được dùng trong điều trị viêm quanh khớp vai thường là Mydocalm hoặc Myonal.
  • Thuốc bôi ngoài da: Các trường hợp đau nhẹ có thể dùng một số thuốc bôi ngoài da như Voltaren emugel, Profenid gel,… để hạn chế tác dụng phụ. Các loại thuốc này hầu như chỉ có tác dụng tại chỗ và hoàn toàn không gây ra phản ứng toàn thân.
  • Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm (Glucosamine, Diacerein) có tác dụng chống viêm, giảm đau và phục hồi mô mềm quanh khớp vai. Vì có hiệu quả chậm nên thuốc thường được dùng liên tục trong vòng 3 tháng hoặc hơn. Trong thời gian chờ thuốc phát huy hiệu lực, bác sĩ có thể chỉ định dùng đồng thời với thuốc giảm đau, NSAID hoặc tiêm corticoid tại chỗ.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Tiêm corticoid tại chỗ được chỉ định cho viêm quanh khớp vai thể đơn thuần và đông đặc khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả. Thuốc được tiêm dưới cơ delta, vào bao thanh dịch và bao gân để giảm viêm. Tuy nhiên, tiêm corticoid tại chỗ có thể gây đứt gân và hoại tử gân nên chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết.

Ngoại trừ thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm, các loại thuốc còn lại chỉ được sử dụng cho đến khi bệnh nhân hết sưng đỏ và đau nhức khớp. Trong trường hợp xảy ra tác dụng phụ có mức độ nặng, bác sĩ có thể đề nghị ngưng dùng thuốc và kiểm soát đau bằng các liệu pháp vật lý trị liệu.

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp có vai trò quan trọng trong điều trị viêm quanh khớp vai – đặc biệt là với thể đông đặc. Phương pháp này có tác dụng giảm cơn đau, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

viêm quanh khớp vai có nguy hiểm không
Vật lý trị liệu giúp kiểm soát cơn đau, cải thiện chức năng và tăng biên độ cử động của khớp

Các phương pháp điều trị vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai:

  • Nhiệt nóng tại chỗ: Các phương pháp nhiệt nóng tại chỗ như siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại hoặc đắp paraffin tại chỗ có tác dụng giãn cơ, giảm đau, giảm xơ dính và chống viêm hiệu quả. Các biện pháp này không gây ra tác dụng phụ nên có thể áp dụng đồng thời với sử dụng thuốc để hạn rủi ro và tác dụng ngoại ý của thuốc giảm đau, chống viêm.
  • Điện phân dẫn thuốc: Để tăng hiệu quả giảm đau và chống viêm, bệnh nhân có thể được chỉ định điện phân dẫn thuốc Salicilate và Novocaine. Với tác động từ dòng điện, thuốc nhanh chóng đi sâu vào phần mềm quanh khớp vai giúp kiểm soát cơn đau và hiện tượng viêm nhanh chóng.
  • Điện xung trị liệu: Điện xung trị liệu là phương pháp sử dụng xung điện có tần số thấp và trung bình tác động đến khớp vai nhằm giảm đau nhức, tăng tuần hoàn và chuyển hóa dinh dưỡng. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phục hồi cơ bị liệt, giảm phù nề và giảm viêm.
  • Kéo giãn, di động khớp: Ngoài các kỹ thuật thụ động, bệnh nhân cũng có thể can thiệp liệu pháp kéo giãn và di động khớp để phục hồi chức năng vận động, hạn chế tình trạng đứt gân và cứng khớp vai.
  • Tập vật lý trị liệu: Sau khi cơn đau được kiểm soát, bệnh nhân cần tập chủ động với các dụng cụ hỗ trợ như ròng rọc, thang tường, gậy, dây hoặc bài tập Codman để tăng sức mạnh cơ vai, phục hồi chức năng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn thực hiện một số hoạt động sinh hoạt phải sử dụng khớp vai như chải tóc, tắm, mặc quần áo,… để hạn chế áp dụng lực lên khớp và tránh cơn đau bùng phát.

4. Nội soi ổ khớp, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Bên cạnh sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, bệnh nhân viêm quanh khớp vai cũng có thể phải thực hiện nội soi ổ khớp và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu.

viêm quanh khớp vai có nguy hiểm không
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có tác dụng phục hồi tổn thương ở mô mềm bao xung quanh khớp vai
  • Nội soi ổ khớp: Nội soi ổ khớp được thực hiện để loại bỏ các tinh thể canxi lắng đọng tại gân cơ và mô mềm bao xung quanh khớp vai. Việc loại bỏ canxi giúp ngăn ngừa hiện tượng gân thoái hóa và đứt gân, đồng thời giảm cơn đau khi vận động khớp.
  • Nội soi gỡ dính: Đối với viêm quanh khớp vai thể đông đặc không có đáp ứng sau khi điều trị từ 3 – 6 tháng, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi gỡ dính và giải phóng bao khớp. Mục đích của phương pháp này là giảm đau nhức, cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa biến chứng cứng khớp vai.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được áp dụng cho bệnh nhân dưới 60 tuổi bị đứt phần gân mũ cơ quay. Sau khi tiêm vào khớp, tiểu cầu thúc đẩy các yếu tố tăng trưởng nhằm phục hồi và tái tạo tổn thương ở mô mềm bao xung quanh khớp vai. Vì sử dụng máu tự thân nên phương pháp này không được thực hiện cho bệnh nhân trên 60 tuổi, do tiểu cầu của người cao tuổi có hiệu quả chữa lành kém.

5. Can thiệp ngoại khoa

Ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp đứt gân khớp vai hoặc viêm quanh khớp vai đã chuyển biến sang thể giả liệt (đứt gân thoái hóa). Phẫu thuật được thực hiện nhằm nối gân bị đứt, từ đó ổn định lại cấu trúc khớp và giúp phục hồi chức năng vận động.

viêm quanh khớp vai có nguy hiểm không
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi viêm quanh khớp vai không có đáp ứng với điều trị bảo tồn

Bệnh nhân trên 60 tuổi chỉ được điều trị ngoại khoa trong trường hợp cần thiết vì khả năng hồi phục của cơ thể kém hơn so với người trung niên. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần khám định kỳ sau 1 – 3 tháng để được kiểm tra tình trạng khớp vai, bao gân và gân cơ.

Phòng ngừa bệnh viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai thường tiến triển từ cơn đau khớp vai cấp tính. Theo thời gian, tình trạng đau có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và dẫn đến thể đông cứng, đứt gân và cứng khớp vai. Đây là bệnh lý có thể tái phát nên sau khi điều trị, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như:

viêm quanh khớp vai là gì
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện độ dẻo dai của khớp vai và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát
  • Hạn chế các hoạt động phải vận động khớp vai quá mức như đánh cầu lông, tennis, bơi lội,…
  • Tránh lao động quá mức.
  • Khởi động đúng cách trước khi chơi thể thao, đồng thời nên thận trọng khi sinh hoạt và tham gia giao thông để hạn chế tối đa chấn thương ở khớp vai.
  • Phát hiện và điều trị sớm trường hợp đau vai cấp và mãn tính. Nếu không xử lý triệt để, tổn thương ở quanh khớp vai có thể tiến triển nặng và gây viêm quanh khớp vai thể đông đặc.
  • Thực hiện các bộ môn nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, yoga,… để cải thiện độ dẻo dai của các khớp xương.
  • Kiểm soát cân nặng, giải phóng stress và tích cực điều trị các bệnh lý nội khoa.
  • Bổ sung cho cơ thể vitamin, khoáng chất, protein, chất chống oxy hóa, nước,… để nâng cao thể trạng và gia tăng sức khỏe của hệ thống xương khớp. Từ đó giảm thiểu nguy cơ bị viêm quanh khớp vai và một số bệnh xương khớp khác.

Viêm quanh khớp vai là bệnh hay gặp ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và tích cực điều trị để bảo tồn ổ khớp và hạn chế biến chứng.

Cùng chuyên mục

Phương pháp chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em

Viêm khớp háng ở trẻ em: Nguyên nhân và thông tin cần biết

Viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh lý xương khớp lành tính và tương đối phổ biến. Dạng viêm khớp gối này thường gặp ở các bé trai trong...

thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Top 8 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất

Việc dùng các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả...

Bệnh viêm khớp dạng thấp trong quan niệm Đông y

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng Đông y, y học cổ truyền

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng Đông y là phương pháp kế thừa tinh hoa y học phương Đông từ ngàn xưa. Trên thực tế, cách chữa bệnh này...

Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp thái dương hàm là một trong những căn bệnh liên quan đến xương khớp và đang có xu hướng tăng cao bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố...

Viêm khớp cổ tay

Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Viêm khớp cổ tay thường gặp ở những người thường xuyên làm các công việc bàn giấy cần gõ máy tính hay viết lách nhiều, hoặc cũng liên quan đến...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn