Viêm phế quản ở trẻ em: Cách điều trị và phòng ngừa
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh lý về đường hô hấp phổ biến ở những em bé 6 tháng – 3 tuổi. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, vấn đề này có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết. Vậy bệnh viêm phế quản ở trẻ có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa thật an toàn, hiệu quả?
Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm phế quản trẻ em (sưng cuống phổi) là một dạng viêm nhiễm đường thở dưới do nấm men, vi khuẩn, virus gây ra. Lúc này, những túi khí bên trong phổi (phế nang) bắt đầu tích mủ và một số chất dịch khác. Vì vậy, khí oxy khó tiếp cận với dòng máu lưu thông qua phổi.
Khi trẻ bị đau họng, cảm cúm, cảm lạnh hay nhiễm trùng xoang mũi, các tác nhân gây bệnh sẽ tận dụng thời cơ xâm nhập vào phế quản. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng viêm đường hô hấp.
Viêm phế quản là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nhất là những em bé thiếu tháng, suy dinh dưỡng, còi xương hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn (sởi, cúm, ho gà…). Tỷ lệ trẻ em mắc phải và tử vong vì căn bệnh này rất cao, đứng thứ hai chỉ sau tiêu chảy.
Nguyên nhân gây bệnh ban đầu là virus, sau đó có thể vi khuẩn. Những vi khuẩn phổ biến nhất là phế cầu khuẩn (H. influenzae), liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn. Chúng thường trú ngụ tại mũi – họng.
Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh mẽ và tấn công ồ ạt. Môi trường ô nhiễm và thời tiết thay đổi đột ngột là các điều kiện thuận lợi để bệnh viêm phế quản ở trẻ em hình thành và phát triển.
Bệnh lý này bao gồm hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Thể mạn tính có xu hướng kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm trong khi dạng cấp tính chỉ bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn.
Các chuyên gia cho biết, trẻ sơ sinh hiếm khi bị viêm phế quản. Trong khi đó, các bé lớn hơn dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản (tình trạng đường hô hấp trong phổi của bé sưng lên và bị đờm lấp đầy). Đối với những trường hợp này, nguyên ngân thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp (respiratory syncytial virus).
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Virus là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất trong giai đoạn đầu. Chúng thường xuất hiện sau khi bé bị viêm đường hô hấp trên (cúm, ho, sổ mũi, cảm lạnh, viêm xoang…).
Nếu bệnh lý không điều trị dứt điểm, virus sẽ nhanh chóng lây lan đến hai cuống phổi, dẫn tới hiện tượng tấy đỏ, sưng phồng khí quản và tiết nhiều dịch nhầy bên trong lá phổi. Vì đường thở đang bị viêm nhiễm và tiết dịch nên trẻ sẽ thở mệt và ho nhiều.
Lúc này, bệnh nhân bắt đầu sốt cao trong vài ngày và ho khan khoảng 2 – 3 tuần liên tục, sau đó bé ho nhiều hơn, cảm thấy đau rát cổ họng, xuất hiện đờm đục màu xanh hoặc vàng, mệt mỏi, đau ngực, chán ăn và nôn ói.
Bên cạnh đó, căn bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ việc thường xuyên hít phải hơi độc, bụi bẩn, khói thuốc lá. Trẻ em sống trong môi trường nhiều khói thuốc hoặc các thanh thiếu niên nghiện thuốc lá rất dễ bị viêm phế quản mạn tính.
Theo các chuyên gia, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Độ tuổi (18 – 24 tháng tuổi)
- Môi trường (ô nhiễm, chật chội, ẩm mốc, nhiều bụi bẩn – khói thuốc và có độ ẩm cao)
- Di truyền
- Bị thừa cân, béo phì hoặc dị ứng với phấn hoa, lông động vật…
Triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Vào giai đoạn tiền phát, các triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em không thực sự rõ ràng và thường tương tự dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm họng hoặc bệnh sốt ho thông thường. Thế nên, các bậc phụ huynh rất khó xác định bệnh lý một cách chính xác.
Điều này khiến bệnh tình của bé kéo dài và trở nặng theo thời gian, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như: viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia cho biết, sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh khoảng 24 – 72 tiếng, trẻ sẽ biểu hiện những triệu chứng đầu tiên như: sốt, nôn ói, chán ăn, bỏ bú/bú ít, quấy khóc vì khó thở, đau ngực, trong đó triệu chứng sốt và ho thường kéo dài trên 2 tuần.
Kể từ tuần thứ 2 – 3, những cơn ho dai dẳng sẽ khiến trẻ bị đau rát, tích đờm ở cổ họng. Lúc này, cục đờm có màu xám, xanh hoặc xanh hơi ngả vàng.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em gồm 3 giai đoạn. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết điển hình ứng với từng giai đoạn cụ thể:
- Giai đoạn khởi phát: ho khan, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sốt nhẹ
- Giai đoạn phát bệnh: thở bằng miệng/thở khò khè, sốt nặng hơn, da dẻ xanh xao, tím tái, rối loạn tiêu hóa nhẹ
- Giai đoạn nguy hiểm: mệt mỏi, chân tay yếu mềm, sốt cao trên 39 độ, đổ mồ hôi, da và môi khô, khó thở, bỏ ăn, ho theo cơn kéo dài, có thể có đờm (gần giống triệu chứng ho lao, ho gà), thở bằng miệng/thở khò khè, tim đập nhanh, ngón chân tím tái, da dẻ xanh xao, tiêu chảy, nôn ói, thậm chí nằm li bì, hôn mê, co giật, mạch yếu nhưng tim đập nhanh
Cha mẹ hãy đưa con trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức khi phát hiện các biểu hiện nghiêm trọng sau:
- Sốt cao trên 39 độ C
- Ho liên tục, dữ dội hoặc ho ra máu
- Khó thở, thở khò khè, thở nhanh hơn bình thường
- Khó nuốt, chảy nước dãi
- Lo lắng, kích động
- Mệt mỏi, uể oải quá mức
- Miệng, mũi, móng tay chuyển sang màu xanh hoặc xám
- Môi, lưỡi khô (do mất nước) và không tiểu tiện trong nhiều giờ
Biến chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Suy hô hấp, viêm phổi nặng và nhiễm khuẩn huyết là ba biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm phế quản ở trẻ em.
- Suy hô hấp: Bệnh nhân thở gấp, tím tái toàn thân, rút lõm lồng ngực, xuất hiện dấu hiệu thiếu oxy trầm trọng như thể vừa lao động nặng nhọc.
- Viêm phổi nặng: Nếu bệnh lý không được kiểm soát kịp thời, tình trạng nhiễm trùng sẽ nhanh chóng lan rộng, dẫn đến bệnh viêm phổi nặng. Lúc này, lá phổi của bé sẽ xơ hóa và tái cấu trúc. Do đó, niêm mạc đường thở trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh và kéo theo hiện tượng viêm nhiễm tái phát nhiều lần.
- Nhiễm khuẩn huyết: Các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi có thể dễ dàng xâm nhập vào máu, từ đó gây ra biến chứng sốc nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết. Vì vậy, phụ huynh hãy đưa bé đi cấp cứu ngay nếu phát hiện triệu chứng thở nhanh, rùng mình, sốt cao, ớn lạnh, tim đập nhanh, tiêu chảy, nôn ói, đau dạ dày, thậm chí rối loạn tâm thần.
Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Nếu phát hiện từ sớm và điều trị đúng hướng, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Trên thực tế, nhiều bé tự hết bệnh trong 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số triệu chứng vẫn có thể kéo dài đến 2 tuần sau đó. Hầu như không có bất cứ ca tử vong nào vì căn bệnh này. Trong khi đó, một số ít trường hợp gặp phải biến chứng viêm tai giữa hoặc viêm phổi.
Trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi và trẻ sinh non) thường bị viêm phế quản rất nặng trong khi các biểu hiện lâm sàng lại khá mơ hồ, khó đoán. Do đó, khi thấy bé bỏ bú, bú kém, khó thở, sụt cân, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc nôn trớ), tím tái, tạm thời ngừng thở, sùi bọt mép, phụ huynh cần đưa con đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Nếu được điều trị tích cực, trẻ sẽ đỡ tím tái, khó thở, sốt cao chỉ sau vài ngày, sau đó tự khỏi bệnh. Thế nhưng, thay vì ép con ăn nhiều, bạn nên cho bé uống nhiều nước lọc và dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa (cháo, súp, canh). Sau khi bé khỏe lại, người mẹ cần theo dõi cẩn thận và chăm sóc chu đáo (giữ ấm, tránh lạnh, ưu tiên bồi bổ cơ thể) nhằm chủ động phòng ngừa tái phát.
Điều trị theo phương pháp Tây y
Nguyên tắc chữa bệnh viêm phế quản ở trẻ em cơ bản nhất là giữ ấm và làm sạch đường phế quản (tìm cách tống thải đàm nhớt ra ngoài để cuống phổi thông thoáng hơn). Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý.
Nếu trẻ bị viêm phế quản do nhiễm khuẩn, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê thuốc kháng sinh, chống viêm, giãn phế quản nhằm đẩy lùi triệu chứng, đồng thời hướng dẫn người mẹ cách giúp loãng đờm cho bé thông qua thói quen uống nước đúng cách. Thế nhưng, những loại thuốc này không thể phát huy hiệu quả khi bé bị bệnh do virus.
Để giảm đau và hạ sốt, độc giả có thể cho trẻ dùng thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen với liều lượng thích hợp. Bạn tuyệt đối không để bé uống aspirin vì loại thuốc này dễ khiến con mắc phải hội chứng Reye (một tình trạng hiếm gặp có thể dẫn đến tử vong). Đối với trường hợp viêm phế quản thể nặng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống cortisone (dexamethasone).
Phụ huynh không tự ý cho bé dùng thuốc ho hay thuốc cảm lạnh không kê đơn vì tác dụng phụ của chúng có thể khiến các triệu chứng càng thêm trầm trọng. Mặt khác, phản xạ ho không chỉ giúp con khạc đờm hiệu quả mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục so với việc dùng thuốc.
Những bé còn quá nhỏ, phản xạ ho không nhiều hoặc yếu sức, không thể tự tống đờm ra ngoài cần được đưa đi hút đờm nhớt hoặc tập vật lý trị liệu hô hấp.
Thông thường, việc điều trị nội khoa có thể ẩn chứa nhiều tác dụng không mong muốn đối với trẻ nhỏ, cũng như chưa trực tiếp tác động vào căn nguyên sâu xa của bệnh lý là tái cấu trúc đường thở (khiến bệnh dễ dàng tái phát).
Áp dụng bài thuốc dân gian
Thuốc kháng sinh điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, nhiều phụ huynh đã tìm hiểu và lựa chọn điều trị bệnh viêm phế quản cho con bằng thảo dược tự nhiên. Dưới đây là 5 mẹo chữa bệnh dân gian an toàn, lành tính và hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
Bài thuốc từ mật ong
Mật ong mang đặc tính chống khuẩn, kháng virus, giúp làm dịu cổ họng, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Người đọc hấp cách thủy hỗn hợp bao gồm 1 muỗng cà phê mật ong nguyên chất với 1 lát chanh tươi hoặc một trái tắc nhỏ, sau đó gạn lấy nước cho bé uống hàng ngày.
Bài thuốc từ củ tỏi
Với hàm lượng allicin và vitamin dồi dào, củ tỏi giúp cải thiện quá trình lưu thông máu, nhờ đó, hoạt động hô hấp diễn ra dễ dàng hơn. Nếu đang cho con bú, người mẹ nên bổ sung tỏi tươi vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Trong khi đó, nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, chị em có thể chế biến nhiều món ăn từ tỏi hoặc cho bé uống trực tiếp hỗn hợp tỏi – mật ong.
Bài thuốc từ củ gừng
Gừng tươi có khả năng giảm ho, chống viêm, kháng histamin, chống dị ứng và ngăn ngừa tình trạng co thắt cơ trơn. Đặc biệt, hoạt chất cineol từ vị thuốc cũng có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Với mẹo dân gian này, cha mẹ hãy nấu sôi vài lát gừng tươi giã nhuyễn rồi cho trẻ thưởng thức.
Bài thuốc từ củ cải
Với vị cay – ngọt, tính mát – bình, củ cải có công dụng chữa khỏi một số bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu… Độc giả có thể chế biến củ cải thành nhiều món ăn hàng ngày để giúp bé cải thiện bệnh viêm phế quản.
Bài thuốc từ lá tía tô
Hoạt chất luteolin từ lá tía tô có khả năng chống dị ứng, ức chế vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu tan máu. Vì vậy, đây là loại thảo dược không thể thiếu của nhiều bài thuốc trị ho, long đờm. Nếu bé bị thở gấp, ho nặng, cha mẹ hãy tán 20g hạt tía tô thành bột mịn, sau đó nấu sôi, gạn bỏ bã và cho con dùng ngay khi nước còn ấm.
Để đảm bảo an toàn, trước khi áp dụng các bài thuốc trên, phụ huynh cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa. Hãy đưa con em đi thăm khám ngay lập tức nếu bé xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: cơ thể tím tái, sốt cao, rút lõm lòng ngực, khó thở…
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa
Các chuyên gia cho biết, biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ em tương đối đơn giản. Trong quá trình điều trị cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, phụ huynh cần lưu ý:
- Nếu đang mang thai, chị em nên ăn uống điều độ để tăng cường sức đề kháng cho thai nhi. Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu tiên
- Luôn giữ ấm cơ thể của bé, tránh bị nhiễm lạnh
- Cho con uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả hoặc trà thảo mộc
- Vệ sinh tai – mũi – họng của trẻ thường xuyên và cẩn thận bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý 0.9%
- Chườm ấm khi bé sốt dưới 38.5 độ C và cho con uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nếu sốt trên 38.5 độ C
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong phòng riêng của trẻ, đồng thời lau chùi thiết bị kỹ lưỡng theo hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất
- Nếu không có máy tạo độ ẩm không khí, người mẹ có thể bế bé vào phòng tắm rồi xả vòi nước ấm trong vòng 10 – 15 phút để bé hít thở nhẹ nhàng và cảm thấy dễ chịu hơn
- Khuyến khích con nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn
- Kê gối cao để trẻ dễ thở hơn khi nằm ngủ
- Vệ sinh nhà cửa định kỳ, đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng mát và ấm áp
- Cách ly bé với những người đang bị bệnh về đường hô hấp
- Giữ con tránh xa môi trường ẩm mốc, khói bụi, ô nhiễm
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp
- Đưa bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cho con dung nạp nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất như: sữa bò, đậu hũ, trứng gà, sữa chua, ngũ cốc, rau xanh, trái cây
- Ưu tiên chế biến thức ăn dạng lỏng mịn, dễ tiêu hóa (canh, súp, cháo…)
- Chia nhỏ bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày
- Nhắc bé kiêng cữ bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, nhiều muối, giàu dầu mỡ hoặc thực phẩm đóng hộp
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em không lây nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh lý này. Do đó, cha mẹ cần tập cho con em thói quen rửa tay thường xuyên, ăn ngủ đúng giờ, đồng thời giữ ấm cơ thể, đảm bảo bé tránh xa môi trường độc hại, khói bụi, cũng như chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!