Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1: Cách nhận biết và điều trị
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 là mức độ nhẹ nhất của bệnh. Lúc này tổn thương chỉ mới ảnh hưởng đến phạm vi dưới 1/3 diện tích cổ tử cung. Cần thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời để nhận được kết quả tốt nhất, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 là gì?
Lộ tuyến cổ tử cung là một dạng sang thương lành tính. Đề cập đến tình trạng các tế bào tuyến bên trong cổ tử cung phát triển quá mức, tràn ra bên ngoài và xâm lấn vào cổ tử cung. Đây hoàn toàn không phải tế bào ác tính và rất ít có khả năng chuyển biến thành ung thư.
Các tế bào tuyến phát triển ở ngoài cổ tử cung rất dễ tiếp xúc với các loại vi khuẩn, nấm men, virus và ký sinh trùng. Từ đó có nhiều khả năng bị tổn thương và viêm nhiễm.
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung đề cập đến tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở vùng lộ tuyến. Bệnh lý này được chia làm 3 cấp độ, bao gồm độ 1, độ 2 và độ 3.
Trong đó viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 là giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, tổn thương chỉ mới ảnh hưởng trong phạm vi dưới 1/3 diện tích của cổ tử cung. Các triệu chứng thường chưa rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh.
Viêm lộ tuyến độ 1 thường không nguy hiểm và dễ dàng điều trị triệt để. Điều quan trọng là nữ giới cần chú ý đến những bất thường của vùng kín và kịp thời thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Cách nhận biết bệnh viêm lộ tuyến độ 1
Như đã đề cập, viêm lộ tuyến độ 1 là mức độ nhẹ nhất của bệnh. Lúc này, tổn thương chỉ ảnh hưởng trên phạm vi nhỏ. Người bệnh có thể chưa gặp phải các triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng còn chưa thật sự rõ ràng.
Cần chú ý đến một số dấu hiệu sau đây:
- Khí hư ra nhiều hơn bình thường. Có thể màu trắng đục hoặc vàng nhẹ và có mùi khó chịu.
- Vùng kín có thể bị ngứa nhẹ.
- Giảm ham muốn tình dục, bị đau rát khi quan hệ.
- Không ở trong kỳ kinh nhưng bụng dưới vẫn bị đau âm ỉ.
Các triệu chứng này thường rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Tốt nhất nữ giới nên chủ động thăm khám để bác sĩ xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến độ 1
Trên thực tế, bệnh viêm lộ tuyến độ 1 có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân được cho là có liên quan trực tiếp:
– Vệ sinh vùng kín không đúng cách:
Vùng kín của nữ giới là khu vực nhạy cảm, thường tiết nhiều khí hư. Cần được chăm sóc và vệ sinh kỹ lưỡng hằng ngày. Trường hợp vùng kín không được giữ sạch sẽ sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập và sinh sôi. Từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm tại vùng lộ tuyến.
– Quan hệ tình dục không an toàn:
Việc quan hệ tình dục không an toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Điển hình như lậu, sùi mào gà, giang mai… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho vùng lộ tuyến bị tổn thương và viêm nhiễm.
– Rối loạn nội tiết tố:
Cụ thể là sự tăng giảm thất thường của nội tiết tố estrogen. Điều này khiến cho khả năng tự bảo vệ bộ phận sinh dục của nữ giới bị xáo trộn. Ngoài khiến cho các tế bào tuyến phát triển bất thường thì còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
– Nạo hút thai không an toàn:
Thủ thuật nạo hút thai cần phải diễn ra trong điều kiện đảm bảo vô trùng. Trường hợp thực hiện ở các cơ sở y tế không đảm bảo thì rủi ro rất dễ phát sinh. Cụ thể là vùng cỏ tử cung của nữ giới rất dễ bị bào mòn và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
– Thủ thuật ngoại khoa:
Một số thủ thuật ngoại khoa thực hiện ở cơ quan sinh dục nữ như đặt vòng tránh thai, mổ u xơ tử cung, hút thai… thường vô tình gặp phải tình trạng xói mòn cổ tử cung. Điều này cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm lộ tuyến.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 nguy hiểm không?
Viêm lộ tuyến độ 1 là mức độ còn nhẹ. Do đó đa phần các trường hợp đều không gây ra quá nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe và cuộc sống của nữ giới.
Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể gặp phải một số vấn đề sau:
– Ảnh hưởng đến sinh hoạt:
Viêm lộ tuyến độ 1 gây ra không ít phiền toái đến vấn đề sinh hoạt thường ngày của nữ giới. Đặc biệt là các triệu chứng ra nhiều khí hư bất thường, vùng kín ngứa ngáy, ẩm ướt, bụng dưới đau âm ỉ… Chúng gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý chị em. Khiến cho chị em cảm thấy không thoải mái và rất khó tập trung vào các hoạt động thường ngày.
– Ảnh hưởng đời sống tình dục:
Mặc dù các triệu chứng của bệnh còn chưa rõ ràng nhưng chị em vẫn có tâm lý lo sợ và e ngại khi gần gũi bạn tình. Bởi trên thực tế, việc quan hệ tình dục có thể khiến triệu chứng tồi tệ hơn. Đặc biệt là gây đau rát và nghiêm trọng hơn là chảy máu bất thường.
– Nguy cơ viêm nhiễm lây lan:
Tình trạng viêm mới đầu chỉ ảnh hưởng đến khoảng dưới 1/3 diện tích cổ tử cung. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì nhiễm trùng có thể lan rộng. Lúc này, bệnh sẽ tiến triển sang các giai đoạn nặng và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm lộ tuyến độ 1 có ảnh hưởng đến khả năng mang thai?
Đa phần các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa đều có ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phái nữ. Do đó, rất nhiều chị em thắc mắc viêm lộ tuyến độ 1 có ảnh hưởng tới khả năng mang thai hay không?
Các chuyên gia cho biết, lộ tuyến cổ tử cung là vùng rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Hơn nữa, các tác nhân này rất dễ gây viêm ngược dòng. Từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm nội mạc tử cung, viêm tắc vòi trứng, viêm tiểu khung… Các bệnh lý này gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của nữ giới.
Hơn nữa, khi bị viêm lộ tuyến độ 1, cổ tử cung thường sẽ tiết rất nhiều dịch nhầy. Điều này khiến cho môi trường âm đạo bị thay đổi độ pH. Hơn nữa, dịch viêm còn chứa các bạch cầu có khả năng thực bào và tiêu diệt tinh trùng. Do đó, tinh trùng khi vào âm đạo sẽ rất khó sống sót. Nếu có sống sót thì cũng bị suy giảm số lượng và chất lượng, khó di chuyển đến thụ tinh với trứng.
Đặc biệt, bệnh viêm lộ tuyến độ 1 không sớm can thiệp có thể phát triển thành độ 2, độ 3. Lúc này, khả năng mang thai của chị em phụ nữ sẽ càng bị suy giảm nặng nề.
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1
Các triệu chứng của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 thường không rõ ràng. Do đó rất nhiều chị em chủ quan khiến cho bệnh không được điều trị sớm. Điều này ngoài khiến bệnh tiến triển nặng nề thì còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trên thực tế, bệnh viêm lộ tuyến độ 1 càng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng dễ dàng và nhận được hiệu quả tốt. Phương pháp điều trị có thể là dùng thuốc kết hợp chăm sóc tốt tại nhà. Thủ thuật ít khi được sử dụng nhưng sẽ được cân nhắc trong các trường hợp thật sự cần thiết.
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc được cho là phương pháp điều trị chính của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tác nhân gây bệnh và mức độ tổn thương để kê toa thuốc phù hợp.
Do bệnh còn ở mức độ nhẹ nên thuốc đặt âm đạo được dùng phổ biến. Nhóm thuốc này có tác dụng tại chỗ nên ít gây ra các tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc uống.
Một số thuốc đặt có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:
- Colposeptine: Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời hỗ trợ làm ổn định nồng độ pH trong âm đạo. Người bệnh thường được khuyến cáo đặt 1 viên/ ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tuyệt đối không dùng thuốc Colposeptine quá 2 tuần.
- Promestriene: Loại thuốc này có chứa thành phần kháng sinh. Tác dụng chính là ức chế vi khuẩn gây bệnh và làm giảm viêm. Liều dùng thông thường là 1 viên/ ngày trong liên tục 20 ngày.
- Fluomizin: Loại thuốc này có khả năng tiêu diệt cả vi khuẩn gram âm, gram dương và các loại nấm men gây viêm lộ tuyến. Liều dùng được khuyến cáo là 1 lần/ ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thời gian sử dụng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Natizio: Thường được chỉ định trong trường hợp bị viêm lộ tuyến độ 1 do nhiễm nấm Candida hay trùng roi Trichomonas. Liều dùng thông thường là 1 – 2 lần/ ngày. Phụ nữ mang thai hay đang nuôi con bú tuyệt đối không dùng Natizio.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp các loại kháng sinh và chống nấm đường uống để nâng cao hiệu quả điều trị. Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ để hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh và đảm bảo hiệu quả điều trị.
2. Áp dụng thủ thuật khi cần thiết
Trong một số trường hợp, việc dùng thuốc có thể không đáp ứng tốt với bệnh viêm lộ tuyến độ 1. Điều này khiến bệnh tiến triển nặng nề, các triệu chứng ngày càng biểu hiện rõ ràng.
Bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa. Đa phần các thủ thuật đều đơn giản, dễ áp dụng và mang lại hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành.
Các thủ thuật có thể được áp dụng bao gồm:
– Đốt lộ tuyến:
Phương pháp này giúp loại bỏ các mô tế bào tuyến phát triển ngoài cổ tử cung. Bác sĩ có thể dùng điện hay tia laser để phá hủy các tế bào tuyến. Phương pháp đốt lộ tuyến có thể cho hiệu quả lên đến 90%.
Tuy nhiên quá trình đốt điện thường sẽ gây đau và rất dễ để lại sẹo. Trong một số trường hợp còn hình thành sẹo xơ cứng khiến cho cổ tử cung bị chít hẹp. Ngoài ảnh hưởng đến khả năng thụ thai thì còn cản trở máu kinh thoát ra bên ngoài.
– Áp lạnh:
Đây là phương pháp dùng nitơ hóa lỏng ở nhiệt độ thấp để làm đông các tế bào tuyến bên ngoài cổ tử cung. Theo thời gian, các tế bào này sẽ chết dần và được đào thải ra bên ngoài cùng với dịch tiết âm đạo.
Ưu điểm của phương pháp áp lạnh là thường không gây đau. Tuy nhiên dễ để lại sẹo cứng ở cổ tử cung, hơn nữa chi phí lại cao hơn phương pháp đốt lộ tuyến.
– Phương pháp dùng dao Leep:
Dao Leep còn được gọi với tên khác là dao sóng điện cao tần hay dao lợi phổ. Tiểu phẫu bằng dao Leep là phương pháp điều trị viêm lộ tuyến độ 1 được áp dụng phổ biến.
Phương pháp này có ưu điểm là cho hiệu quả nhanh, ít gây tổn thương các tổ chức xung quanh, ít gây đau đớn và đảm bảo tính thẩm mỹ cho bề mặt cổ tử cung. Tuy nhiên chi phí của phương pháp này tương đối cao và một số đối tượng không thể áp dụng. Ví dụ như bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường hay mắc bệnh tim mạch.
Phương pháp sử dụng dao Leep vẫn có thể áp dụng cho bệnh viêm lộ tuyến độ 2 và độ 3. Sau quá trình phẫu thuật, cần chăm sóc đúng cách để đảm bảo tốc độ hồi phục tổn thương.
3. Chăm sóc và dự phòng
Viêm lộ tuyến độ 1 là bệnh lý không quá khó để điều trị. Tuy nhiên sau đó, bệnh có khả năng tái phát rất cao. Do đó người bệnh cần chú ý đến việc thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và dự phòng. Ngoài giúp thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương thì còn ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh.
Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khô thoáng. Nên dùng nước ấm để rửa vùng kín 2 lần/ ngày. Tuyệt đối không thụt rửa vào sâu bên trong âm đạo. Sau khi vệ sinh cần lau khô rồi mới mặc quần lót.
- Có thể dùng sản phẩm dung dịch vệ sinh. Tuy nhiên cần ưu tiên dùng các sản phẩm có thành phần dịu nhẹ, lành tính và an toàn. Không nên sử dụng các sản phẩm có chứa xà phòng hay hương liệu.
- Ưu tiên chọn các loại quần lót có chất liệu cotton. Không mặc trang phục chật chội, hầm bí hay còn ẩm ướt, chưa khô hoàn toàn.
- Khi đến kỳ hành kinh nên thay quần lót và băng vệ sinh thường xuyên. Nên sử dụng băng vệ sinh dạng miếng lót thay cho tampon.
- Không quan hệ tình dục khi đang trong quá trình điều trị bệnh. Chỉ quan hệ trở lại khi bác sĩ cho phép. Chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh thai an toàn. Nên chung thủy với 1 bạn tình và tuyệt đối không quan hệ tình dục phóng túng.
- Không nên dùng thuốc tránh thai kéo dài. Bởi tăng estrogen một cách đột ngột có thể gây tái phát bệnh viêm lộ tuyến. Nên tránh thai bằng cách dùng bao cao su hay vòng tránh thai.
- Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Nên tăng cường rau củ quả tươi, sữa chua và các thực phẩm lành mạnh. Bổ sung đủ nước cho cơ thể, ngủ đúng giờ đủ giấc, dành thời gian cho hoạt động thể chất.
- Tái khám đúng lịch hẹn. Đồng thời nên dành thời gian thăm khám phụ khoa định kỳ. Điều này giúp phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề bất thường nếu có.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 1 mặc dù còn ở mức độ nhẹ nhưng cần nghiêm túc điều trị. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe sinh sản cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống. Hãy chủ động thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!