Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Viêm khớp háng: Dấu hiệu và cách điều trị

Bệnh viêm khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Viêm khớp cùng chậu là gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị

Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm đa khớp dạng thấp nên ăn gì để hỗ trợ điều trị tốt

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không? Nhận định từ chuyên gia

Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Chữa viêm đau khớp gối bằng thuốc nam với các thảo dược dễ kiếm

Viêm khớp háng: Dấu hiệu và cách điều trị

Viêm khớp háng là tình trạng ổ khớp bị tổn thương và sưng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thoái hóa là nguyên nhân phổ biến nhất. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng khớp đau nhức, tê cứng, sưng đỏ và phát ra âm thanh khi đi lại. Tuy nhiên ở giai đoạn nặng, khớp có thể bị biến dạng và mất hoàn toàn khả năng vận động.

Viêm khớp háng
Viêm khớp háng là tình trạng khớp háng bị tổn thương, sưng viêm và đau nhức

Viêm khớp háng là gì?

Viêm khớp háng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng khớp háng bị tổn thương, đau nhức và sưng viêm. Trong đó, thoái hóa khớp là dạng viêm khớp thường gặp nhất. Ngoài ra, viêm khớp háng còn có thể xảy ra do nhiễm trùng, ảnh hưởng của bệnh vảy nến và hệ quả của một số bệnh rối loạn tự miễn khác. Dựa vào nguyên nhân, viêm khớp háng được chia thành các loại phổ biến sau:

  • Thoái hóa khớp háng (viêm khớp do thoái hóa)
  • Viêm khớp vảy nến
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Gout (viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin)

Trong đó, viêm khớp háng do thoái hóa là tình trạng thường gặp nhất. Các dạng viêm khớp khác tương đối ít gặp hoặc chỉ xuất hiện ở khớp đầu gối, khớp ngón chân, ngón tay và rất hiếm khi ảnh hưởng đến khớp háng.

Khớp háng là khớp có kích thước lớn nhất cơ thể. Khớp giữ vai trò vận động, di chuyển và nâng đỡ phần thân trên. Khi ổ khớp bị tổn thương, bệnh nhân gặp phải nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt và lao động. Chính vì vậy ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

Dấu hiệu của bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng có triệu chứng tương đối đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, tiến triển của bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân. Trong đó, viêm khớp háng do chấn thương, nhiễm trùng có tiến triển nhanh, triệu chứng khởi phát đột ngột và dễ nhận biết. Ngược lại, viêm khớp háng do thoái hóa thường tiến triển chậm, triệu chứng mờ nhạt hoặc thậm chí không khởi phát triệu chứng ở giai đoạn đầu.

viêm khớp háng điều trị
Viêm khớp háng gây đau nhức khớp kèm theo một số triệu chứng như cứng khớp, khớp sưng viêm,…

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp háng:

  • Khớp đau nhức: Đau nhức khớp là triệu chứng phổ biến nhất của các vấn đề xương khớp, bao gồm cả viêm khớp háng. Cơn đau có mức độ âm ỉ, đau nhẹ, sau đó tăng dần lên theo thời gian. Triệu chứng này có xu hướng nặng hơn khi đi lại, cử động, ho, xoay người và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi.
  • Khớp cứng: Cứng khớp là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp háng. Triệu chứng này xuất hiện chủ yếu vào sáng sớm sau khi ngủ dậy. Ở thời gian đầu, khớp có thể cử động lại ngay sau 1 – 2 phút. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể mất từ 10 – 15 phút xoa bóp để khớp cử động như bình thường.
  • Ổ khớp nóng đỏ, sưng viêm: Khi khớp bị tổn thương, các đầu xương va chạm mạnh dẫn đến kích thích phản ứng viêm ở mô mềm bao xung quanh. Vì vậy ở một số trường hợp, khớp có thể bị nóng đỏ và phù nề. Triệu chứng này đặc biệt rõ rệt ở những trường hợp bị viêm khớp háng do chấn thương, rối loạn tự miễn và nhiễm trùng.
  • Phát ra âm thanh khi cử động: Khi sụn khớp bị bào món, các đầu xương va chạm mạnh vào nhau khi đi lại, cử động dẫn đến hiện tượng phát ra âm thanh “lục cục”. Triệu chứng này thường gặp ở trường hợp viêm khớp háng do thoái hóa.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm khớp háng còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như khớp ứ mủ, bề mặt da bên ngoài có tổn thương khô ráp, bong vảy trắng (viêm khớp vảy nến), cơ thể mệt mỏi, nổi ban đỏ,… Hoặc có thể xuất hiện hội chứng nhiễm trùng (môi khô, rét run, hơi thở hôi, rêu lưỡi bẩn,…) trong trường hợp viêm khớp háng xảy ra do nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp có xu hướng nặng dần theo thời gian. Chính vì vậy, bệnh nhân cần chủ động điều trị trong thời gian sớm nhất để bảo tồn chức năng vận động và dự phòng các biến chứng nặng nề.

Nguyên nhân gây viêm khớp háng

Viêm khớp háng xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó thoái hóa là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, bệnh cũng có thể bùng phát do một số nguyên nhân ít gặp hơn như rối loạn tự miễn, nhiễm trùng,…

viêm khớp háng điều trị
Viêm khớp háng có thể xảy r nhiều nguyên nhân như thoái hóa, chấn thương, rối loạn tự miễn,…

Các nguyên nhân có thể gây viêm khớp háng:

  • Ảnh hưởng của quá trình thoái hóa: Như đã đề cập, thoái hóa khớp háng là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh xảy ra do mất cân bằng quá trình tổng hợp – phá hủy sụn dẫn đến tình trạng sụn suy yếu, xơ hóa và nứt rách. Viêm khớp háng do thoái hóa chủ yếu ảnh hưởng đến người từ 55 tuổi trở lên, bệnh có tiến triển chậm và tương đối lành tính.
  • Nhiễm trùng: Tổn thương ở khớp háng còn có thể bắt nguồn từ hiện tượng nhiễm trùng. Trong đó tác nhân phổ biến nhất là lậu cầu, trực trùng coli, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh,… Các tác nhân gây nhiễm trùng có thể đi qua vết thương hở ở da, mô mềm, sau đó di chuyển đến khớp háng và tấn công vào cơ quan này.
  • Chấn thương: Khớp háng là một trong những khớp có biên độ vận động lớn. Do đó, khớp có thể bị tổn thương và sưng viêm do chấn thương. Tùy vào mức độ chấn thương, ổ khớp có thể bị sưng đỏ, đau nhức nhẹ hoặc bị đứt giãn dây chằng, rách sụn và trật khớp.
  • Rối loạn tự miễn: Viêm khớp háng có thể là hệ quả do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Ở người mắc bệnh, hệ miễn dịch tự tạo ra kháng nguyên để tấn công màng hoạt dịch, dây chằng và mô sụn của ổ khớp, dẫn đến tình trạng khớp đau nhức, phù nề, viêm đỏ và biến dạng. Viêm khớp háng do rối loạn tự miễn thường là viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến. Ngoài ra, tổn thương ở khớp háng còn có thể là ảnh hưởng của các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống.
  • Nguyên nhân khác: Viêm khớp háng còn có thể xảy ra do gout (viêm khớp do rối loạn chuyển hóa), hệ quả của bệnh tiểu đường,…

Viêm khớp háng là bệnh xương khớp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là khi có những yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến,… Mặc dù không phải là yếu tố “chủ chốt” nhưng nghiên cứu di truyền học cho thấy, các bệnh lý xương khớp đều có tính chất gia đình.
  • Béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp như viêm khớp háng, thoái hóa đốt sống thắt lưng, viêm khớp gối, viêm khớp cổ chân,… Nguyên nhân là do cân nặng vượt mức làm tăng áp lực lên khớp xương và đẩy nhanh quá trình phá hủy mô sụn.
  • Tính chất công việc cũng góp phần gây ra viêm khớp háng và một số bệnh xương khớp thường gặp. Đa phần người mắc bệnh lý này đều phải lao động chân tay, làm việc nặng nhọc hoặc ngồi – đứng liên tục trong thời gian dài.
  • Tuổi tác cao
  • Phụ nữ sau khi mãn kinh có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp. Nguyên nhân là do hormone estrogen suy giảm làm gián đoạn quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi. Hơn nữa ở giai đoạn này, cân nặng có xu hướng tăng lên nhanh chóng và tạo ra áp lực mạnh lên đốt sống, khớp háng và khớp gối.
  • Thiếu dinh dưỡng – đặc biệt là protein, canxi và khoáng chất.

Viêm khớp háng có nguy hiểm không?

Viêm khớp háng là một trong những dạng viêm khớp khá phổ biến. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động, đời sống sinh hoạt và hiệu suất lao động. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh lý này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể.

Trong trường hợp xảy ra do chấn thương và nhiễm khuẩn, tổn thương ở khớp háng có thể kiểm soát hoàn toàn chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Trong khi đó, viêm khớp háng do thoái hóa và rối loạn tự miễn gần như không thể điều trị hoàn toàn. Hiện nay, các phương pháp y tế được áp dụng chỉ giúp cải thiện triệu chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh. Do đó, bệnh nhân phải sống chung với bệnh gần như trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên nếu can thiệp điều trị sớm, tổn thương ở khớp háng hoàn toàn có thể kiểm soát. Thực tế cũng cho thấy, hầu hết bệnh nhân bị viêm khớp háng đều có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt, lao động và duy trì được chất lượng cuộc sống nếu tích cực điều trị và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ.

Ngược lại với những trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển dần theo thời gian và gây ra các ảnh hưởng nặng nề như:

  • Hạn chế khả năng vận động
  • Dính khớp, biến dạng khớp
  • Teo cơ, yếu liệt chi dưới
  • Tàn phế

Chẩn đoán bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định loại viêm khớp và đánh giá mức độ tổn thương.

viêm khớp háng điều trị
Chẩn đoán viêm khớp háng bao gồm thăm khám thực thể, chụp X-Quang, CT và MRI

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm khớp háng, bao gồm:

  • Khám thực thể: Bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp khớp háng để xem xét một số triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải như đau nhức, cứng khớp, khớp phù nề, sưng nóng,… Để đánh giá chức năng khớp, bệnh nhân cần thực hiện một số động tác theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Dịch khớp là yếu tố quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân gây viêm khớp háng. Thông qua xét nghiệm dịch khớp, bác sĩ có thể xác định được tổn thương ở khớp xảy ra do nhiễm trùng (có vi khuẩn), rối loạn tự miễn (tăng kháng thể trong dịch khớp), chấn thương (dịch khớp có màu hồng do chảy máu) và thoái hóa (dịch khớp là dịch thoái hóa).
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như X-Quang, MRI, CT và chụp xạ hình xương có thể được thực hiện để xem xét tình trạng của ổ khớp, xác định được nguyên nhân cụ thể và đánh giá mức độ tổn thương ổ khớp. Xét nghiệm này còn giúp loại trừ một số khả năng như loãng xương, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, u xương, ung thư xương,…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu chỉ được thực hiện nếu nghi ngờ viêm khớp háng xảy ra do rối loạn tự miễn hoặc nhiễm khuẩn. Với trường hợp do rối loạn tự miễn, xét nghiệm máu nhận thấy kháng thể kháng nhân, proten phản ứng C và có yếu tố thấp khớp. Trong khi đó với viêm khớp nhiễm khuẩn, xét nghiệm máu nhận thấy tốc độ lắng máu tăng, tỷ lệ bạch cầu và bạch cầu trung tính tăng lên đáng kể.

Mục đích của các kỹ thuật chẩn đoán là xác định được nguyên nhân gây viêm khớp háng, loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra và đánh giá mức độ tổn thương ổ khớp. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ cân nhắc và lên phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Cách điều trị bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng cần phải được điều trị triệt để trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa biến chứng – đặc biệt là viêm khớp do chấn thương và nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm khớp háng do thoái hóa, rối loạn tự miễn, mục đích của điều trị là kiểm soát triệu chứng, bảo tồn chức năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Điều trị bệnh lý này được cá thể hóa tùy theo nguyên nhân, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý điều trị bằng cách dùng thuốc không kê toa và các bài thuốc Đông y chưa rõ hiệu quả. Thay vào đó, cần tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.

Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến nhất hiện nay:

1. Dùng thuốc

Sử dụng thuốc được chỉ định trong hầu hết các trường hợp bị viêm khớp háng. Trong đó, thuốc được chia thành 2 nhóm chính là thuốc làm giảm triệu chứng và thuốc đặc trị (kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thấp khớp,…). Loại thuốc được sử dụng phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây viêm khớp háng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

bệnh viêm khớp háng và cách điều trị
Thuốc được dùng để điều trị viêm khớp háng gồm có thuốc giảm đau, chống viêm, NSAID, kháng sinh,…

Một số loại thuốc được dùng để điều trị viêm khớp háng, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Là nhóm thuốc thông dụng nhất, được sử dụng trong trường hợp khớp phù nề, viêm đỏ và đau nhức. Tùy theo mức độ cơn đau và khả năng đáp ứng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng Paracetamol, NSAID, opioids (thuốc giảm đau gây nghiện),… Thuốc giảm đau, chống viêm chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn vì không tác động đến tiến triển của bệnh.
  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được dùng trong trường hợp viêm khớp háng xảy ra do nhiễm khuẩn. Tùy theo chủng vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh Nafcillin, Gentamycin, Cefrazidim, Oxicallin, Vancomycin, Clindamycin,… Kháng sinh có thể được dùng ở đường tiêm hoặc đường uống tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp dẫn lưu dịch và rửa ổ khớp nếu khớp có hiện tượng ứ mủ.
  • DMARDs (Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm): DMARDs là nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, được dùng trong trường hợp viêm khớp háng xảy ra do rối loạn tự miễn (viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp,…). Nhóm thuốc này cho hiệu quả chậm nên thường được dùng đồng thời với thuốc giảm đau, chống viêm cho đến khi thuốc phát huy hiệu lực.
  • Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Bao gồm Chondroitin, MSM, Collagen type II, Glucosamine,… được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng và khớp gối. Các loại thuốc này có tác dụng phục hồi, tái tạo mô sụn, tăng khả năng hấp thu canxi và làm chậm quá trình lão hóa. Thuốc có tác dụng chậm nên thường được dùng liên tục trong ít nhất 3 – 6 tháng.
  • Corticoid dạng uống, tiêm: Corticoid (corticosteroid) là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch. Vì có hoạt tính mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên thuốc chỉ được sử dụng khi khớp đau nhức và phù nề nặng.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài ra ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc giãn cơ, viên uống bổ sung canxi, vitamin D,…

Lưu ý: Khớp háng không có cấu trúc kín như khớp gối. Do đó, viêm khớp háng do thoái hóa không có chỉ định tiêm acid hyaluronic như thoái hóa khớp gối.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp háng được đánh giá cao. Phương pháp này có thể giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm, đồng thời phục hồi chức năng vận động của ổ khớp. Do đó song song với sử dụng thuốc, bệnh nhân nên kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm.

bệnh viêm khớp háng và cách điều trị
Vật lý trị liệu giúp giảm nhẹ cơn đau và phục hồi chức năng vận động đáng kể

Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng để điều trị viêm khớp háng, bao gồm:

  • Kích thích thần kinh qua da (TENS)
  • Chườm lạnh, chườm ấm
  • Massage trị liệu
  • Siêu âm trị liệu
  • Chiếu tia hồng ngoại
  • Vận động khớp chủ động

Vật lý trị liệu mang lại hiệu quả chậm hơn so với dùng thuốc. Tuy nhiên, biện pháp này có thể bảo tồn chức năng vận động, ngăn ngừa biến chứng và hoàn toàn không gây ra tác dụng phụ như khi sử dụng thuốc.

Vật lý trị liệu thường được áp dụng để phục hồi viêm khớp háng sau chấn thương và nhiễm trùng. Đối với những trường hợp bị tổn thương khớp háng mãn tính (do thoái hóa, rối loạn tự miễn,…) nên áp dụng vật lý trị liệu đều đặn theo từng đợt để kiểm soát tiến triển của bệnh, ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và phải can thiệp phẫu thuật.

3. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là lựa chọn cuối cùng khi viêm khớp háng tiến triển nặng và không có đáp ứng với các phương pháp bảo tồn. Thực tế, phương pháp này chỉ được thực hiện khi khớp háng bị tổn thương nặng do chấn thương, viêm khớp nhiễm khuẩn đã dẫn lưu dịch nhiều lần nhưng thất bại và viêm khớp do thoái hóa, rối loạn tự miễn chuyển biến nặng, sụn khớp bị bào mòn hoàn toàn, hình thành gai xương và gây biến dạng khớp.

bệnh viêm khớp háng và cách điều trị
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi khớp háng bị tổn thương nặng và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn

Các phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng cho bệnh nhân viêm khớp háng, bao gồm:

  • Nội soi cắt bỏ gai xương
  • Mài sụn khớp
  • Nội soi chỉnh hình cấu trúc ổ khớp
  • Nội khớp dẫn lưu mủ và dịch khớp bị nhiễm khuẩn
  • Phẫu thuật thay khớp háng (bán phần/ toàn phần)

Hầu hết các phương pháp điều trị ngoại khoa đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng và có chi phí cao hơn so với điều trị bảo tồn. Hơn nữa sau khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Để hạn chế phải can thiệp ngoại khoa, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và tích cực điều trị ngay từ giai đoạn đầu.

4. Các biện pháp hỗ trợ

Song song với các phương pháp y tế, bệnh nhân nên kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Các biện pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt – đặc biệt là với những trường hợp viêm khớp háng do thoái hóa và rối loạn tự miễn.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp háng bệnh nhân có thể thực hiện:

  • Chườm ấm – chườm lạnh: Chườm ấm và chườm lạnh là biện pháp giảm đau an toàn, dễ thực hiện. Nếu cơn đau không có mức độ quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể chườm ấm/ chườm lạnh lên khớp từ 15 – 20 phút để giảm sưng đỏ và đau nhức. Phương pháp này có độ an toàn cao nên bệnh nhân có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
  • Dùng thiết bị hỗ trợ: Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể dùng nạng hoặc đeo nẹp để cố định cấu trúc khớp, đồng thời làm giảm áp lực lên mô sụn và màng bao hoạt dịch. Hơn nữa, các thiết bị hỗ trợ còn giúp giảm mức độ đau nhức ở khớp háng khi cử động và đi lại.
  • Giảm cân: Thừa cân – béo phì làm tăng áp lực lên khớp háng và hệ thống xương khớp. Để kiểm soát tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần chủ động giảm cân với chế độ ăn uống và tập luyện khoa học. Cân nặng vừa phải giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt và tạo điều kiện để khớp háng phục hồi và tái tạo nhanh chóng.
  • Điều chỉnh thói quen: Khớp háng có thể bùng phát cơn đau và tổn thương nặng hơn nếu bệnh nhân tiếp tục duy trì các thói quen xấu. Do đó bên cạnh các phương pháp y tế, người bệnh nên điều chỉnh các thói quen như đi giày cao gót, lao động nặng nhọc, ngồi xổm, ngồi hoặc đứng quá lâu,…
  • Tập thể dục: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn ổn định, bệnh nhân có thể thực hiện một số bộ môn nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, yoga và bơi lội để cải thiện chức năng vận động của khớp háng. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp kiểm soát cân nặng và làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp.

Mặc dù là các biện pháp hỗ trợ nhưng nếu thực hiện đều đặn, tình trạng đau nhức do viêm khớp háng sẽ được cải thiện đáng kể. Hơn nữa, việc kết hợp giữa điều trị y tế và các biện pháp này giúp tăng tốc độ phục hồi khớp háng và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả.

Phòng ngừa viêm khớp háng

Viêm khớp háng là bệnh xương khớp khá phổ biến. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động, chất lượng cuộc sống và có thể gây tàn phế, teo cơ nếu không điều trị kịp thời.

bệnh viêm khớp háng và cách điều trị
Tập thể dục là phương pháp phòng ngừa viêm khớp háng và các bệnh xương khớp hiệu quả

Mặc dù không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn nhưng nguy cơ bị viêm khớp háng có thể giảm đi đáng kể nếu chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm da và mô mềm. Thực tế cho thấy, viêm khớp háng do nhiễm khuẩn thường khởi phát sau khi bị viêm nhiễm mô mềm.
  • Phòng ngừa viêm khớp háng do viêm nhiễm bằng cách quan hệ tình dục an toàn (có thể lây nhiễm lậu cầu) và thực hiện các thủ thuật ngoại khoa tại những cơ sở y tế uy tín.
  • Hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên khớp háng như ngồi xổm, mang vác nặng, đứng hoặc ngồi quá lâu,…
  • Dành 20 – 30 phút/ ngày để tập thể dục – đặc biệt là với những người thừa cân, béo phì và người làm công việc văn phòng.
  • Bổ sung canxi, magie, phospho, protein, Omega 3,… qua chế độ dinh dưỡng. Người từ 50 tuổi trở lên có thể sử dụng TPCN và các viên uống bổ sung để duy trì hệ xương khớp chắc khỏe, dẻo dai và ngăn ngừa các bệnh xương khớp do thoái hóa.
  • Thận trọng khi chơi thể thao, tham gia giao thông và lao động để giảm thiểu nguy cơ chấn thương khớp háng.

Viêm khớp háng là bệnh xương khớp khá phổ biến. Bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động, hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống. Do đó ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Cùng chuyên mục

Chữa viêm đau khớp gối bằng thuốc nam với các thảo dược dễ kiếm

Chữa viêm đau khớp gối bằng thuốc nam với các thảo dược dễ kiếm

Chữa viêm đau khớp gối bằng thuốc nam với các thảo dược là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị được nhiều người bệnh áp dụng và mang...

Phương pháp chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em

Viêm khớp háng ở trẻ em: Nguyên nhân và thông tin cần biết

Viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh lý xương khớp lành tính và tương đối phổ biến. Dạng viêm khớp gối này thường gặp ở các bé trai trong...

thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Top 8 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất

Việc dùng các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả...

Viêm khớp cổ tay

Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Viêm khớp cổ tay thường gặp ở những người thường xuyên làm các công việc bàn giấy cần gõ máy tính hay viết lách nhiều, hoặc cũng liên quan đến...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn