Viêm họng hạt ở trẻ em và các phương pháp điều trị
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viêm họng hạt ở trẻ em là tình trạng viêm họng mạn tính, xuất hiện khi sự viêm nhiễm kéo dài và tái phát nhiều lần tại amidan cùng niêm mạc vòm họng. Các dấu hiệu nhận biết của vấn đề này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý tương tự. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng hướng, viêm họng hạt ở trẻ em sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường.
Bệnh viêm họng hạt ở trẻ em là gì?
Viêm họng hạt ở trẻ em xuất hiện khi amidan, niêm mạc họng bị viêm nhiễm quá mức và tái phát nhiều lần. Lúc này, các tế bào lympho ở thành sau cổ họng sẽ bắt đầu phình to, hoạt động liên tục và sinh ra nhiều hạt có kích thước khác nhau.
Những hạt mềm này khiến bệnh nhân cảm thấy cổ họng ngứa rát, vướng víu, nói chuyện và nhai nuốt khó khăn. Thêm vào đó, chúng rất dễ bị viêm nhiễm, hình thành nhiều ổ nhiễm trùng nghiêm trọng, gây khó khăn trong công tác điều trị và có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé.
Với triệu chứng đau rát và khó nuốt, theo thời gian, người bệnh có xu hướng biếng ăn, chán ăn, thiếu chất, suy nhược cơ thể cũng như chậm phát triển về mặt thể chất và trí tuệ.
Nếu cha mẹ không chủ động đưa con em đi thăm khám kịp thời, bé có thể phải đối diện với nhiều biến chứng như: viêm amidan, viêm VA, viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tai giữa, áp xe họng, viêm cầu thận, viêm màng ngoài tim, nhiễm trùng huyết…
Tuy nhiên, nhìn chung, đây là bệnh lý mạn tính không quá nguy hiểm, không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nếu được phát hiện từ sớm và điều trị đúng hướng, bệnh viêm họng hạt ở trẻ em sẽ không để lại biến chứng đặc biệt nghiêm trọng.
Triệu chứng của bệnh viêm họng hạt ở trẻ em
Các biểu hiện của bệnh viêm họng hạt ở trẻ em rất khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng và nguyên nhân hình thành. Những dấu hiệu nhận biết tiêu biểu của tình trạng này bao gồm:
- Phù nề niêm mạc họng: Khi bị bệnh viêm họng hạt, cổ họng của bé sẽ sưng đỏ, phù nề, thậm chí nổi rõ mạch máu tại khu vực vòm họng.
- Xuất hiện hạt ở vòm họng: Lúc này, dưới đáy lưỡi và trên bề mặt vòm họng nhú lên những hạt li ti với kích thước đa dạng, từ nhỏ bằng đầu tăm đến lớn cỡ hạt đậu.
- Ngứa rát cổ họng: Những hạt lympho phình to sẽ kích thích niêm mạc cổ họng, gây ra cảm giác ngứa ngáy và đau rát cổ họng.
- Nuốt vướng: Quá trình hình thành các hạt lympho có thể khiến bé nuốt vướng và cảm thấy bên trong cổ họng có dị vật.
- Ho khan, ho có đờm: Trẻ thường bị thay đổi giọng nói và ho húng hắng.
- Sốt vừa hoặc sốt cao: Bé bị sốt, chóng mặt, ớn lạnh, mất cân bằng, thậm chí co giật.
- Khát nước, khô họng
- Amidan sưng lớn
- Ngoài ra, trẻ có thể khó thở, đau tai, sổ mũi, hắt hơi, ho ra máu, khàn tiếng, sưng hạch góc hàm…
Trẻ em có sức đề kháng yếu hơn so với người lớn. Do đó, khi các con bị viêm họng hạt, phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết thông qua dấu hiệu chán ăn, uể oải và quấy khóc. Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn hãy chủ động đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám ngay lập tức.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng hạt ở trẻ em
Bệnh viêm họng hạt ở trẻ em có thể bắt nguồn từ một trong các nguyên nhân sau:
- Viêm mũi mạn tính, viêm xoang: Khi chảy từ các xoang, hốc mũi xuống thành họng, dịch tiết đường hô hấp sẽ mang theo virus, vi khuẩn đến niêm mạc cổ họng. Lúc này, niêm mạc cổ họng đã mất dần lớp nhầy bảo vệ. Vì vậy, các tác nhân có hại được tạo điều kiện thuận lợi để tấn công gây bệnh.
- Trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày – tá tràng: Chất dịch đường tiêu hóa chứa nhiều axit và vi khuẩn có thể bị trào ngược lên vòm họng, làm tổn thương niêm mạc cổ họng và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Viêm amidan mạn tính
- Nhiễm trùng (nấm, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…)
- Sở thích dùng nhiều thực phẩm cay nóng, đồ ăn – thức uống lạnh
- Thói quen vệ sinh răng miệng chưa đúng cách
- Từng mắc phải một số bệnh lý về đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản, tràn dịch màng phổi…
- Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói thuốc lá, hóa chất và bụi bặm
- Ngoài ra, bệnh lý này cũng thường xuất hiện ở những đứa trẻ thiếu cân, sinh non hoặc cơ địa miễn dịch kém.
Viêm họng hạt ở trẻ em có lây không? Có chữa khỏi được không?
Nhiều người cho rằng, tương tự viêm họng thông thường, bệnh viêm họng hạt không lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Trên thực tế, bệnh lý này có thể lây nhiễm dễ dàng thông qua việc tiếp xúc trực tiếp (nước bọt, dịch mũi…) hay gián tiếp (dùng chung chén, ly, muỗng…).
Hiện nay, y học hiện đại đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm họng hạt an toàn, hiệu quả. Thế nhưng, tình trạng này vẫn có thể tái phát nhiều lần và rất khó để điều trị dứt điểm. Bất cứ khi nào gặp được điều kiện thuận lợi, viêm họng hạt sẽ tái phát và lây lan nhanh chóng trong cộng động.
Phương pháp chữa bệnh viêm họng hạt ở trẻ em
Theo các chuyên gia, chúng ta có thể điều trị bệnh viêm họng hạt ở trẻ em một cách an toàn, đơn giản nhờ vào các bài thuốc dân gian tại nhà, phương pháp Đông y và phương pháp Tây y.
Áp dụng bài thuốc dân gian
Với nguồn dược liệu tự nhiên, quen thuộc và dễ kiếm, phương pháp này rất phù hợp với những ca viêm họng hạt thể nhẹ. Tuy nhiên, công dụng chữa bệnh của các bài thuốc dân gian phụ thuộc vào cơ địa từng bé và thường không mang đến hiệu quả ngay lập tức. Nếu trẻ bị viêm họng hạt thể nặng, cha mẹ cần đưa con thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị triệt để.
- Bài thuốc từ nước muối: Để giúp bé làm dịu cũng như vệ sinh cổ họng, người mẹ cần hướng dẫn con ngậm và súc họng bằng nước muối sinh lý tối thiểu 3 lần/ngày.
- Bài thuốc từ cam thảo: Hãm vài lát cam thảo trong trà nóng khoảng 15 phút, sau đó cho bé uống nhiều lần trong ngày, áp dụng hàng ngày.
- Bài thuốc từ tía tô: Rửa sạch 10 lá tía tô tươi với nước muối pha loãng, xay nhuyễn lấy nước cốt. Thêm vào dung dịch 1 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều, sau đó cho trẻ ngậm và nuốt từ từ.
- Bài thuốc từ lá húng chanh: Rửa sạch 20 lá húng chanh tươi trong nước muối pha loãng, cắt nhỏ rồi trộn đều cùng 10g đường phèn. Hấp cách thủy hỗn hợp khoảng 10 – 20 phút và cho bé dùng 2 – 3 lần/ngày.
- Bài thuốc từ chanh tươi và mật ong: Ngâm vài lát chanh mỏng trong một ly trà mật ong nóng khoảng 20 phút, cho trẻ uống 2 lần/ngày (lưu ý, tuyệt đối không cho bé dưới 1 tuổi dùng mật ong vì vị thuốc này có thể khiến con ngộ độc).
Chữa bệnh theo phương pháp Đông y
Cách chữa bệnh viêm họng hạt theo y học cổ truyền được nhiều phụ huynh đánh giá cao vì mức độ an toàn, lành tính, khả năng phát huy hiệu quả lâu dài, không dẫn đến tác dụng phụ và không gây ra nguy hiểm ngay cả khi dùng thuốc quá liều.
Bài thuốc 1
- Chuẩn bị 4g cam thảo, 4g cát cánh, 6g bạc hà, 12g kinh giới, 12g liên kiều, 12g sinh địa, 12g cương tàm, 12g huyền sâm, 12g ngưu bàng tử và 20 kim ngân
- Rửa sạch tất cả dược liệu
- Sắc kỹ 1 thang mỗi ngày
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Dùng hết trong ngày, uống vào lúc đói
Bài thuốc 2
- Chuẩn bị 4g xạ đan, 8g bạc hà, 8g cỏ nhọ nồi, 8g tang bạch bì, 12g kim ngân, 12g sinh địa, 12 huyền sâm và 16g kinh giới
- Rửa sạch tất cả dược liệu
- Sắc kỹ 1 thang mỗi ngày
- Chia thành 2 phần bằng nhau
- Dùng hết trong ngày, uống vào lúc đói
Bài thuốc 3
- Chuẩn bị dây vằng, hà thủ ô, bạch đồng nữ, hoa ngũ sắc, ké đầu ngựa
- Phơi khô toàn bộ vị thuốc
- Sắc kỹ tất cả thảo dược
- Uống 2 – 3 lần/ngày đều đặn trong khoảng 1 tuần
Bài thuốc 4
- Chuẩn bị cát cánh, kinh giới, hoàng bá, liên kiều, xạ can, sinh địa, tuyền hồ, thăng ma, huyền sâm, ngưu bàng tử, thổ phục linh…
- Rửa sạch tất cả dược liệu
- Sắc kỹ với 1 lít nước cho đến khi nước thuốc cạn còn khoảng 300ml
- Dùng 1 thang/ngày
- Uống hết trong ngày, uống vào lúc đói
Điều trị theo phương pháp Tây y
Sử dụng thuốc Tây và phẫu thuật can thiệp là hai giải pháp chữa bệnh viêm họng hạt ở trẻ em theo Tây y.
Sử dụng thuốc Tây
Quá trình điều trị bệnh viêm họng hạt ở trẻ em bằng thuốc Tây y tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát và đẩy lùi triệu chứng. Cụ thể:
- Thuốc kháng sinh (amoxicillin, cefixim, erythromycin, penicillin): Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trẻ em bị viêm họng hạt do vi khuẩn. Thông thường, liệu trình dùng loại thuốc này kéo dài 5 – 7 ngày.
- Thuốc giảm đau – hạ sốt (paracetamol, ibuprofen, aspirin): Bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn paracetamol với liều lượng 10 – 15mg/kg cân nặng và tối đa 60mg/kg cân nặng trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, các bé trên 6 tuổi có thể dùng ibuprofen để hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không để trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng aspirin.
- Thuốc giảm ho: Dextromethorphan thường được chỉ định cho các trường hợp ho nhiều dẫn đến kiệt sức. Phụ huynh cần thận trọng với neocodion và codein vì chúng có thể gây ức chế trung tâm hô hấp.
- Thuốc chống viêm: alphachymotrypsin, dexamethason, methylprednisolon, prednisolon…
- Thuốc long đờm: bisolvon, N-acetylcystein…
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày: esomeprazole, rabeprazole, lansoprazole, misoprostol…
Việc điều trị bệnh viêm họng hạt ở trẻ nhỏ bằng thuốc Tây có thể gây ngộ độc nếu sử dụng quá liều. Do đó, cha mẹ hãy chú ý thời gian và liều lượng dùng thuốc, đồng thời tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm giúp con yêu chủ động phòng tránh biến chứng suy thận, viêm gan, sốc thuốc…
Phẫu thuật xâm lấn
Thủ thuật này chỉ được cân nhắc thực hiện khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc Tây hoặc đang gặp phải biến chứng viêm VA, viêm amidan. Phương pháp điều trị này giúp trẻ ít bị viêm họng và nhiễm trùng cũng như thở bằng mũi dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phẫu thuật xâm lấn cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, đồng thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của bé về mặt lâu dài. Do đó, trước khi quyết định cho con em phẫu thuật, phụ huynh cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa để nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết.
Một số thủ thuật xâm lấn điều trị bệnh viêm họng hạt ở trẻ em phổ biến nhất hiện nay là:
- Đốt điện
- Đốt thu nhỏ kích thước hạt lympho bằng tia laser
- Đốt hạt họng nhờ nitơ lỏng
- Cắt bỏ hạt nội soi
- Cắt bỏ VA và amidan (nếu bé gặp phải biến chứng)
Hiện nay, nội soi là một trong những kỹ thuật phổ biến nhất. Dạng phẫu thuật này sẽ được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng ở các bệnh viện/trung tâm phẫu thuật ngoại trú. Với thủ thuật nội soi, bé sẽ được gây mê tổng quát trong suốt ca mổ.
Đa số bệnh nhân có thể về nhà sau khi phẫu thuật khoảng 4 – 5 giờ. Lúc này, bác sĩ sẽ dặn dò cha mẹ chế độ chăm sóc con em cụ thể và cẩn thận. Sau khi hoàn thành ca mổ, bé sẽ cảm thấy đau họng trong vòng 2 – 3 tuần đầu tiên. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Phụ huynh cần bổ sung cho con lượng nước cần thiết nhằm hạn chế tình trạng mất nước. Nếu được dưỡng ẩm tốt, bé sẽ ít bị đau họng hơn hẳn. Bên cạnh đó, thay vì để trẻ ăn nhiều thức ăn cay nóng, cứng giòn theo sở thích, trong 2 tuần đầu tiên, bạn hãy khuyến khích con dùng kem, sữa chua, bánh pudding, canh thịt bò, rau củ hầm và uống nước ấm hoặc nước ép trái cây.
Ngoài ra, để giúp bé mau lành vết thương, cha mẹ nên chườm đá phía trước cổ con hàng ngày cũng như tránh cho trẻ vui đùa, hoạt động mạnh trong 1 tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật. Sau 3 – 5 ngày nghỉ ngơi – thư giãn tại nhà, con có thể quay lại trường học nếu bác sĩ cho phép.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm họng hạt tại nhà
Trong quá trình điều trị bệnh viêm họng hạt, bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc Tây, cha mẹ cần đảm bảo chăm sóc trẻ tại nhà thật chu đáo bằng cách:
- Khuyến khích con yêu uống nhiều nước, có thể cho bé dùng oresol để bù nước khi thấy có dấu hiệu mất nước
- Chườm mát nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ C
- Chế biến thức ăn mềm lỏng, dễ nuốt nhằm hạn chế tổn thương niêm mạc cổ họng
- Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu kẽm, vitamin (A, C, E), omega-3 và khoáng chất
- Cho trẻ thư giãn, nghỉ ngơi hoàn toàn
- Không cho con chạy nhảy, vui đùa quá mức hoặc nói chuyện quá nhiều
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong không gian sống, nhất là ở phòng ngủ của con
- Hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách với tần suất ít nhất 2 lần/ngày vào hai buổi sáng – tối
- Tập cho trẻ thói quen nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý
- Dặn dò con tránh xa các tác nhân gây dị ứng đường hô hấp như: nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật…
- Chú ý giữ ấm cơ thể và chủ động đeo khẩu trang trước khi đi ra ngoài
- Không cho con tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh về đường hô hấp hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người khác
- Hướng dẫn bé uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, hợp lý, kiêng cữ thức uống lạnh
- Tái khám đúng hẹn
Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm họng hạt ở trẻ em. Tuy không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của bé nhưng bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, tác động tiêu cực tới trí tuệ và sức khỏe của bé. Vì vậy, phụ huynh cần đưa con em thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!