U xơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bệnh u xơ tử cung có nguy hiểm không? Biến chứng như thế nào?

Mổ u xơ tử cung bằng phương pháp nội soi: Thông tin cần biết

Mổ u xơ tử cung ở bệnh viện nào tốt tại TPHCM và Hà Nội?

U xơ cổ tử cung có nguy hiểm không? Có gây ung thư không?

Có nên điều trị u xơ tử cung bằng Thuốc Nam?

Bị u xơ cổ tử cung kiêng ăn gì, nên ăn gì để hỗ trợ điều trị

U xơ tử cung kích thước bao nhiêu thì mổ? Giải đáp

Sau mổ u xơ tử cung cần phải kiêng những gì?

Chữa u xơ tử cung bằng Tam Thất có hiệu quả không?

U xơ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

U xơ tử cung (Uterine fibroids) là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Các khối u xơ hầu hết là lành tính nhưng nếu chủ quan không điều trị thì chúng hoàn toàn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng để kịp thời thăm khám và điều trị khi cần thiết.

u xơ tử cung
Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị u xơ tử cung

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung (Uterine fibroids) đề cập đến sự xuất hiện của các khối u lành tính tại cơ trơn tử cung. Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khoảng từ 25 – 50 tuổi. Trên thực tế, các khối u xơ hiếm có khả năng chuyển biến thành các khối u ác tính. Đồng thời cũng sẽ không làm tăng nguy cơ bị ung thư tử cung.

Tuy nhiên, nếu không can thiệp điều trị, khối u xơ có thể phát triển kích thước. Từ đó gây xuất huyết tử cung bất thường và chèn ép lên xương chậu. Hơn nữa còn ảnh hưởng tới các cơ quan bên trong buồng tử cung như vòi trứng, buồng trứng…

Trong một số trường hợp, sự xuất hiện của các khối u xơ có thể gây biến dạng lòng tử cung. Điều này sẽ làm giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ sảy thai. Ngoài ra còn dẫn đến một số vấn đề xấu như sinh non, nhau bong non, thai chậm tăng trưởng…

Căn cứ vào vị trí xuất hiện, khối u xơ được chia thành 5 loại chính, bao gồm:

  • U xơ tử cung kẽ: Đề cập đến các khối u xơ hình thành ngay bên trong thành tử cung. Chúng có thể phát triển với kích thước lớn và gây chèn ép vùng tiểu khung.
  • U xơ dưới niêm mạc: Đề cập tới những khối u hình thành và phát triển ở niêm mạc tử cung. Các khối u này thường là những khối dài và có cuống.
  • U xơ trong lòng cổ tử cung: Là những khối u hình thành và phát triển ở trong lòng cổ tử cung. Chúng thường có xu hướng phát triển về phía âm đạo.
  • U xơ ở eo tử cung và cổ tử cung: Các khối u phát triển ở vị trí này rất phức tạp. Kích thước của chúng có thể lớn và gây chèn ép lên các bộ phận khác.
  • U xơ dưới phúc mạc: Là các khối u lành tính hình thành tại mặt ngoài tử cung nhưng có chân trong lớp cơ tử cung. Chúng có xu hướng phát triển về phía hố chậu, ổ bụng và gây chèn ép lên niệu quản.

Nguyên nhân gây bệnh u xơ tử cung

Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể gây bệnh u xơ tử cung vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng, sự hình thành các khối u xơ phụ thuộc vào hormone estrogen cùng 1 phần hormone progesterone. Do đó, bệnh phụ khoa này phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản – đặc biệt là phụ nữ mang thai.

nguyên nhân gây u xơ tử cung
Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị u xơ tử cung hơn các đối tượng khác

Một số yếu tố được cho là có liên quan tới quá trình phát triển của khối u lành tính ở cơ trơn tử cung bao gồm:

  • Hormone: U xơ thường xuất hiện khi nồng độ estrogen và progesterone tăng cao. Tình trạng này phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Trong đó, hơn 70% trường hợp u xơ tử cung bắt đầu hình thành ở giai đoạn mang thai. Tuy nhiên đến thời kỳ sau mãn kinh thì kích thước khối u lại có xu hướng giảm do nội tiết tố suy giảm.
  • Yếu tố di truyền: Nữ giới có khả năng bị u xơ tử cung cao nếu có mẹ, chị/ em gái hay bà từng mắc bệnh lý này.
  • Cấu trúc nền phát triển quá mức (ECM): ECM (Extracellular matrix) là vật liệu giúp cho các tế bào kết dính để tạo thành niêm mạc. Tuy nhiên, ECM tăng lên 1 cách đột ngột sẽ gây hình thành khối u xơ bất thường ở cơ trơn tử cung.
  • Yếu tố khác: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các yếu tố tăng trưởng có thể gây ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của u xơ.

Ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị u xơ tử cung bao gồm:

  • Nữ giới có kinh nguyệt quá sớm
  • Thừa cân – béo phì
  • Thiếu vitamin D, dung nạp ít rau củ quả tươi và dùng nhiều thịt đỏ
  • Tiêu thụ nhiều rượu bia
  • Phụ nữ da đen có nguy cơ bị u xơ tử cung với các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với phụ nữ ở các chủng tộc khác

Triệu chứng nhận biết u xơ tử cung

Theo các nghiên cứu, triệu chứng của bệnh u xơ tử cung không có đặc tính điển hình và đồng nhất. Đa phần nữ giới mắc bệnh lý này đều không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Trong khi đó, một số trường hợp, khối u có thể gây ra các triệu chứng nặng nề, khởi phát đột ngột và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.

1. Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng khởi phát do sự xuất hiện của u xơ tử cung thường bắt nguồn từ sự chèn ép lên vùng chậu. Các triệu chứng cơ năng có thể bao gồm:

  • Ra huyết từ buồng tử cung: Đây là triệu chứng chính có thể gặp trong khoảng 60% trường hợp. Thể hiện dưới dạng cường kinh và dần dần kinh nguyệt sẽ bị rối loạn. Chị em có thể bị rong kinh kéo dài và ra nhiều máu.
  • Toàn thân bị thiếu máu, trở nên xanh xao và gầy sút nếu ra máu kéo dài.
  • Đau tức ở vùng hạ vị hay hố chậu. Kiểu đau nặng bụng dưới gặp phải ở 40% trường hợp. Thường kích hoạt do khối u chèn ép vào các tạng bên cạnh. Hoặc cũng có thể do viêm ở khung chậu.
  • Ra nhiều khí hư loãng hay ra khí hư do viêm niêm mạc tử cung, viêm âm đạo.
  • Đau và dễ bị chảy máu khi quan hệ tình dục. Nhất là trong trường hợp u xơ xuất hiện ở đáy và mặt trước tử cung.
  • Khó thụ thai.
  • Nếu khối u xoắn hay u xơ thoái hóa thì có thể gây đau cấp tính kèm theo sốt nhẹ. Mức độ đau sẽ tăng lên khi chạm vào vùng dưới.
triệu chứng u xơ tử cung
Triệu chứng đau nặng bụng dưới phổ biến ở 40% trường hợp bị u xơ tử cung

2. Các triệu chứng trong thai kỳ

Ở một số trường hợp, u xơ tử cung có thể phát triển trong thai kỳ. Triệu chứng đặc trưng xảy ra phổ biến thường là:

  • Thai chậm phát triển
  • Sảy thai, sinh non
  • Khối u chèn ép khiến ngôi thai bất thường
  • Tăng nguy cơ bị băng huyết khi sinh

3. Triệu chứng thực thể

Đây là các triệu chứng mà bác sĩ sẽ căn cứ vào để chẩn đoán bệnh u xơ tử cung. Có thể bao gồm:

  • Nhìn có thể thấy khối u gồ lên tại vùng hạ vị, nhất là với các khối u to.
  • Nắn bụng: Có thể thấy khối u (nếu lớn) ở vùng hạ vị, có mật độ chắc và di động liên quan tới tử cung.
  • Đặt mỏ vịt: Có thể phát hiện thấy polyp có cuống nằm ngoài cổ tử cung.
  • Thăm âm đạo kết hợp nắm bụng sẽ thấy toàn bộ tử cung to và chắc. Đôi khi còn có nhiều khối u bất thường nổi trên bề mặt tử cung. Khi di dộng cổ tử cung có thể thấy các khối u di động theo.

Mức độ nguy hiểm của bệnh u xơ tử cung

Theo số lượng thống kê, đa phần các trường hợp u xơ tử cung đều lành tính và không có triệu chứng rõ rệt. Do đó, bệnh lý này thường sẽ không đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, khối u có thể tăng kích thước và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Bệnh u xơ tử cung không được điều trị có thể gây ra một số biến chứng sau:

  • U thoái hóa: Sau một thời gian phát triển, các khối u xơ thường có xu hướng thoái hóa kinh, thoái hóa dạng vôi hay thoái hóa nang. U thoái hóa có thể gây đau cấp, sốt nhẹ và làm tăng bạch cầu trong máu.
  • Thiếu máu: Đây đa phần là hệ quả của tình trạng rong kinh và cường kinh kéo dài. Nữ giới bị u xơ tử cung hầu hết đều có thể trạng kém, người xanh xao, da mặt kém sắc, hay mệt mỏi và thiếu tập trung.
  • Nhiễm trùng: U xơ có thể sẽ bị nhiễm trùng và hoại tử. Đặc biệt là sau khi phá thai, sảy thai hay sau khi sinh. Biến chứng này điển hình bởi các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau hạ vị dữ dội, toàn thân suy sụp…
  • Xoắn khối u: Biến chứng này thường gặp ở trường hợp u xơ có cuống. Biểu hiện bởi tình trạng đau bụng dữ dội, choáng, nôn mửa liên tục, ngất do đau và bí trung đại tiện. Đặc biệt, xoắn khối u có thể dẫn tới viêm phúc mạc hay tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
  • Sảy thai: Nồng độ estrogen và progesterone tăng mạnh khi mang thai. Do đó khối u xơ thường có xu hướng tăng kích thước trong thai kỳ. Điều này sẽ gây chèn ép lên thai nhi và kích thích tử cung co bóp quá mức. Từ đó làm tăng nguy cơ sảy thai.
  • Hiếm muộn vô sinh: Sự xuất hiện bất thường của khối u xơ ở cơ trơn tử cung sẽ gây khó khăn cho quá trình trứng gặp tinh trùng. Hơn nữa, khối u xơ không được điều trị sớm có thể dẫn tới biến dạng lòng tử cung và làm giảm khả năng thụ thai.
  • Hoại tử vô khuẩn u xơ: Đề cập tới tình trạng khối u xơ bị hoại tử không phải do nhiễm trùng. Biến chứng này thường xảy ra ở phụ nữ mang thai khi các mạch máu phát triển không kịp với tốc độ tăng trưởng của khối u. Từ đó dẫn tới khối u xơ hoại tử do bị thiếu máu nuôi dưỡng.
biến chứng u xơ tử cung
Bệnh u xơ tử cung khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai

Ngoài ra, u xơ tử cung phát triển trong thai kỳ còn gây ra nhiều ảnh hưởng khác. Điển hình như hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi, tăng khả năng sinh mổ hay rau bong non. Đồng thời còn làm tăng nguy cơ bị viêm niêm mạc tử cung ở thời kỳ hậu sản.

Chẩn đoán bệnh u xơ tử cung ở nữ giới

Như đã đề cập, hầu hết nữ giới bị u xơ tử cung đều không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng đột ngột, nặng và có tính điển hình cao.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần tiến hành thăm khám lâm sàng. Đồng thời yêu cầu người bệnh thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết. Cụ thể như sau:

1. Chẩn đoán xác định

Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh. Một số câu hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh sẽ được đặt ra. Sau đó là thăm khám lâm sàng, sử dụng mỏ vịt để quan sát rõ hơn phía trong.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán. Bao gồm:

  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm sẽ giúp bác sĩ phát hiện khối u lành tính nằm trên thành tử cung. Ngoài ra còn giúp loại trừ được khả năng bị u nang buồng trứng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI được đánh giá là kỹ thuật giúp chẩn đoán u xơ tử cung một cách chính xác. Hình ảnh từ MRI sẽ giúp bác sĩ xác định rõ kích thước cũng như vị trí của khối u. Tuy nhiên kỹ thuật này có chi phí cao nên thường chỉ được dùng khi chẩn đoán gặp khó khăn. Hoặc để loại trừ khả năng bị Sarcoma mô mềm.
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu (UIV): Kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ chèn ép của khối u xơ lên thận và niệu quản.

Dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định về bệnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp xây dựng phương án điều trị phù hợp cho từng đối tượng.

2. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh u xơ tử cung cần được chẩn đoán phân biệt với một số vấn đề bệnh lý khác có triệu chứng tương tự. Cụ thể như sau:

  • Với tử cung có thai: Bác sĩ cần hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, thử thai và siêu âm.
  • Khối u buồng trứng: Thường có vị trí và di động biệt lập so với tử cung. Bác sĩ cần siêu âm để xác định rõ hơn.
  • Ung thư niêm mạc tử cung: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, siêu âm và thực hiện xét nghiệm tế bào học.

Các phương pháp điều trị bệnh u xơ tử cung

Trên thực tế, u xơ tử cung là khối u lành tính. Trường hợp khối u không gây ra triệu chứng bất thường thì bác sĩ có thể yêu cầu theo dõi. Sau đó sẽ đánh giá xem có cần thiết phải can thiệp điều trị hay không.

điều trị u xơ tử cung
Cần sớm tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị

Mục đích của việc điều trị là cải thiện các triệu chứng lâm sàng. Đồng thời làm giảm kích thước khối u. Hiện nay việc điều trị u xơ tử cung chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Khối u kích hoạt các triệu chứng lâm sàng.
  • Điều trị dự phòng trong trường hợp nữ giới có u xơ dưới niêm mạc và có ý định mang thai để tránh rủi ro sảy thai.
  • Điều trị dự phòng với trường hợp khối u gây chèn ép niệu quản. Mục đích là để hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn đường tiểu.

Lựa chọn điều trị u xơ tử cung cần cá thể hóa cho từng trường hợp cụ thể. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả và hạn chế các can thiệp không cần thiết. Bác sĩ cần căn cứ vào vị trí và kích thước khối u, triệu chứng lâm sàng, độ tuổi người bệnh và nguyện vọng của cá nhân người bệnh cũng như người nhà để lựa chọn giải pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị u xơ tử cung phổ biến bao gồm:

1. Điều trị theo dõi

Với các trường hợp u xơ tử cung không gây ra triệu chứng lâm sàng thì bác sĩ sẽ đề nghị điều trị theo dõi. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm nhằm xác định khối u xơ và loại trừ khả năng bị u buồng trứng.

Việc theo dõi được thực hiện với chu trình 6 tháng – 1 năm/ lần để đánh giá quá trình tăng trưởng của khối u. Trên thực tế, các khối u xơ ở cơ trơn tử cung có xu hướng thoái triển sau sinh và mãn kinh. Do đó đa phần không phải can thiệp y tế.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị nội khoa được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp u xơ tử cung phát sinh triệu chứng. Các loại thuốc được dùng sẽ giúp ức chế hoạt động sản sinh estrogen của buồng trứng. Từ đó làm giảm sự hình thành và phát triển của khối u. Đồng thời cải thiện tình trạng chảy máu tử cung bất thường.

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:

– Progestin:

Đây là một dạng progesterone được dùng để ức chế hormone estrogen và hỗ trợ làm teo nội mạc tử cung. Thuốc có thể được bào chế ở nhiều dạng khác nhau.

Dạng được dùng phổ biến nhất là mirena (vòng tránh thai nội tiết). Tác dụng chính là để ngừa thai, giảm cường kinh và thu nhỏ thể tích khối u. Được áp dụng cho các trường hợp có triệu chứng nhẹ và có mong muốn ngừa thai.

Trên thực tế, Progestin có khả năng làm giảm kích thước nhân xơ. Tuy nhiên khi ngưng thuốc thì khối u có thể tăng kích thước trở lại.

thuốc điều trị u xơ tử cung
Dùng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến với bệnh u xơ tử cung

– Chất đồng vận GnRH: 

Chất này được sử dụng qua đường tiêm bắp hay tiêm dưới da vùng bụng. Chất đồng vận GnRH có tác dụng làm giảm từ 35 – 60% thể tích khối u xơ sau khoảng 3 tháng điều trị. Loại thuốc này thường được dùng trước khi mổ bỏ nhân xơ, phụ nữ tiền mãn kinh hay các trường hợp chưa muốn can thiệp phẫu thuật.

– Thuốc ngừa thai phối hợp:

Thuốc ngừa thai phối hợp được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng cường kinh và rong kinh. Tuy nhiên, bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng loại thuốc này cho người dưới 16 tuổi. Bởi một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc ngừa thai sớm có thể làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung trong tương lai.

– Danazol:

Thuốc Danazol thường được sử dụng trong điều trị chứng đa kinh, xơ nang vú hay lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, loại thuốc này còn có tác dụng kiểm soát tình trạng cường kinh, rong kinh và hỗ trợ thu nhỏ thể tích khối nhân xơ tử cung. Danazol hoạt động bằng cách làm giảm sự phóng thích nội tiết tố Gonadotropin. Từ đó ức chế buồng trứng sản xuất estrogen.

– GnRH đối vận:

GnRH đối vận có tác dụng lâm sàng giống với GnRH đồng vận nhưng có hiệu quả nhanh hơn. Tuy nhiên, GnRH đối vận có hiệu quả không kéo dài và  phải tiêm hằng ngày nên ít khi được dùng trong điều trị u xơ tử cung.

– Các loại thuốc khác:

Ngoài các thuốc được đề cập ở trên, bác sĩ có thể kê toa một số thuốc khác để hỗ trợ điều trị. Ví dụ như Gestrinone, Antiprogestins (thuốc ngừa thai khẩn cấp)… Các thuốc này mặc dù cho hiệu quả tốt nhưng tác dụng phụ nhiều. Do đó chỉ được dùng trong các trường hợp thật sự cần thiết.

3. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp điều trị ngoại khoa chỉ được áp dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết. Bao gồm:

  • U xơ có biến chứng rong huyết, rong kinh. Điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.
  • U xơ kết hợp với các tổn thương khác. Điển hình như loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục, u nang buồng trứng…
  • U xơ to và gây ra nhiều chèn ép.
  • U xơ khiến buồng tử cung bị biến dạng.
  • U xơ dưới niêm mạc gây chảy máu và nhiễm khuẩn.

Mục đích của điều trị ngoại khoa là phẫu thuật lấy khối nhân xơ hoặc cắt tử cung toàn phần để cải thiện triệu chứng. Đồng thời dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

phẫu thuật chữa u xơ tử cung
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp ngoại khoa để điều trị u xơ tử cung

Tuy theo độ tuổi, số lần có thai và mong muốn có thai của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các biện pháp can thiệp ngoại khoa phù hợp. Các biện pháp được áp dụng phổ biến bao gồm:

– Bóc nhân xơ tử cung:

Phương pháp này được thực hiện với những người bệnh mong muốn giữ tử cung để bảo toàn khả năng sinh con. Để bóc nhân xơ, bác sĩ sẽ tiến hành mở bụng, nội soi buồng tử cung rồi cắt đường âm đạo. Kỹ thuật này giúp loại bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn được tử cung. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát bệnh sau đó là tương đối cao.

– Mổ u xơ tử cung:

Đây được cho là giải pháp cần thiết cho những người bệnh có khối u lớn và điều trị nội khoa không hiệu quả. Các chuyên gia cho biết, khối u có kích thước trên 80mm thì nên chỉ định phẫu thuật. Hiện nay có 2 phương pháp mổ chính là mổ hở và mổ nội soi. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch 1 đường nhỏ ở bụng rồi xác định vị trí và cắt bỏ khối u.

– Cắt tử cung:

Cắt tử cung toàn phần được chỉ định với những chị em không muốn có con khi điều trị nội khoa thất bại. Hoặc khi mắc đồng thời bệnh tăng sinh nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung hay u buồng trứng. Ngoài ra, cắt tử cung còn được cân nhắc trong các trường hợp bệnh nặng và mong muốn điều trị triệt để.

– Thuyên tắc động mạch tử cung:

Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu có tác dụng làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng khối u. Từ đó khiến cho khối u teo dần theo thời gian. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp nữ giới muốn bảo tồn tử cung nhưng lại không có ý định sinh con trong tương lai.

Cần chú ý bởi bất cứ phương pháp điều trị ngoại khoa nào cũng luôn tiềm ẩn các rủi ro và biến chứng. Chính vì vậy, bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ định khi thật sự cần thiết.

U xơ tử cung nên ăn gì và kiêng gì?

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị y tế thì chị em cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Bởi đây là yếu tố có nhiều ảnh hưởng tới triệu chứng bệnh và sự phát triển của khối u.

Việc thiết lập và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể góp phần ngăn chặn khối u phát triển. Từ đó giúp cho quá trình kiểm soát bệnh trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

điều trị u xơ tử cung
Ăn uống lành mạnh giúp ích rất nhiều cho quá trình kiểm soát u xơ tử cung

Các thực phẩm nên ăn bao gồm:

  • Trái cây và rau xanh: Đây là nhóm  thực phẩm có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao. Đặc biệt là các loại trái cây họ cam quýt, ổi… chứa nhiều carotene giúp thúc đẩy mô lành mạnh phát triển và hỗ trợ thu hẹp các mô bệnh.
  • Các loại thịt trắng: Nhóm thực phẩm này có chứa các acid béo lành mạnh giúp hỗ trợ giảm viêm và làm dịu các mô bị sưng. Chị em nên ăn các loại cá hồi, cá thu, thịt gia cầm… để bổ sung dưỡng chất và cải thiện hệ thống miễn dịch.
  • Sữa và chế phẩm sữa: Theo nghiên cứu, sữa, phô mai và sữa chua có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào bất thường. Ngoài ra, các dưỡng chất magie, canxi và photpho trong sữa còn hỗ trợ làm chậm sự tăng trưởng của chúng.

Các thực phẩm nên kiêng bao gồm:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường: Đây là nhóm thực phẩm có thể khiến khối u phát triển nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc ăn nhiều đồ ngọt còn để lại nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe. Nhất là làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường.
  • Thực phẩm giàu chất béo: Nữ giới bị u xơ tử cung nên kiêng các thực phẩm giàu chất béo. Điển hình như đồ ăn chiên xào, thịt hun khói, bơ, bánh quy, mỡ động vật, lòng đỏ trứng… Bởi chúng có thể làm tăng nồng độ estrogen và thúc đẩy khối u phát triển.
  • Các loại thịt đỏ: Tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ kích thích sản sinh estrogen. Từ đó kích thích khối u phát triển mạnh. Ngoài ra, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu… còn dễ gây co thắt cơ trơn và chảy máu cổ tử cung.

Phòng ngừa bệnh u xơ tử cung

Như đã đề cập, hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây bệnh u xơ tử cung vẫn chưa được xác định. Do đó không có phương pháp phòng ngừa hoàn toàn đối với bệnh lý này.

phòng bệnh u xơ tử cung
Nữ giới nên hoạt động thể chất đều đặn để phòng bệnh u xơ tử cung

Tuy nhiên, chị em có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh với một số biện pháp sau đây:

  • Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập phù hợp để kiểm soát tốt cân nặng. Bởi trọng lượng cơ thể cao có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung khoảng 10 – 20%.
  • Dành tối thiểu 20 – 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Cố gắng duy trì ít nhất 3 buổi mỗi tuần. Ngoài giúp ngăn ngừa bệnh phụ khoa thì còn giúp duy trì thể trạng khỏe mạnh và làm chậm quá trình lão hóa.
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, giấc ngủ ban đêm nên kéo dài tối thiểu 6 tiếng. Điều tiết thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp để hạn chế gây căng thẳng thần kinh hay rối loạn nội tiết tố.
  • Trường hợp muốn sử dụng các loại chế phẩm chứa estrogen thì cần tham khảo trước ý kiến bác sĩ. Bởi việc tăng sinh nội tiết tố quá mức là nguyên nhân phổ biến kích thích khối u bất thường xuất hiện ở cơ trơn tử cung.
  • Tăng cường bổ sung rau củ quả tươi, sữa chua, thực phẩm giàu vitamin D và các chất chống oxy hóa vào chế độ ăn hằng ngày. Hạn chế ăn thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ, muối đường và đồ uống có chứa cồn.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 năm/ lần để sớm phát hiện và điều trị các vấn đề bất thường nếu có.

U xơ tử cung là bệnh phụ khoa phổ biến ở phái nữ trong độ tuổi sinh sản. Mặc dù đây là khối u lành tính nhưng cần chủ động thăm khám và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chức năng sinh sản.

Cùng chuyên mục

Mổ u xơ tử cung bằng phương pháp nội soi

Mổ u xơ tử cung bằng phương pháp nội soi: Thông tin cần biết

Mổ u xơ tử cung bằng phương pháp nội soi là một hình thức điều trị đạt khá nhiều hiệu quả. Bởi đặc biệt không chỉ giúp người bệnh hồi...

mổ u xơ tử cung ở bệnh viện nào tốt

Mổ u xơ tử cung ở bệnh viện nào tốt tại TPHCM và Hà Nội?

Mổ u xơ tử cung ở bệnh viện nào tốt là vấn đề được rất nhiều chị em quan tâm. Bởi trong một số trường hợp, can thiệp ngoại khoa...

u xơ tử cung có gây ra ung thư không

U xơ cổ tử cung có nguy hiểm không? Có gây ung thư không?

U xơ cổ tử cung là căn bệnh phụ khoa rất phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Nhiều người thắc mắc liệu bệnh u xơ cổ...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ẩn