Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh (Wonder Week) và những điều cần biết
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh hay Wonder Week là thuật ngữ dùng để chỉ các giai đoạn trẻ hình thành một hoặc nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, ở những tuần khủng hoảng này khiến trẻ có những biểu hiện “khó ở” như chán ăn, hay quấy khóc về đêm, bám mẹ nhiều hơn. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều bà mẹ bỉm sữa lo lắng, stress vì không rõ nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đột ngột của bé.
Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh (Wonder Week) là gì?
Tuần khủng hoảng hay The Wonder Week là khái niệm được đưa ra bởi nhà khoa học Frans Plooij và Hetty van de Rijt xuất hiện trong cuốn sách cùng tên “The Wonder Week” và được rất nhiều phụ huynh quan tâm, tìm đọc.
Theo đó, khái niệm cũng đã chỉ ra tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh là các giai đoạn trẻ sẽ học được những kỹ năng và phát triển trí tuệ ở 2 năm đầu đời. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này trẻ cũng xuất hiện các biểu hiện “khó ở, khó chiều” điển hình như hay quấy khó, ngủ ít về đêm dẫn đến suy giảm chất lượng giấc ngủ, biếng ăn, bám mẹ.
Những chuyên gia đầu ngành đã tóm gọn lại Wonder Week bằng từ khoa 3C: Crankiness (Bực bội, gắt gỏng), Clingy (bám người thường xuyên chăm sóc trẻ) và Crying (Khóc quấy). Các biểu hiện này sẽ biến mất sau khi trẻ hoàn thành quá trình học được một hay nhiều kỹ năng mới. Lúc này, bé sẽ trở lại sinh hoạt như bình thường hoặc chuyển sang lối sinh hoạt mới.
Để giải thích cho các biểu hiện quấy khóc, biếng ăn, hay thức đêm, bám mẹ,… Các chuyên gia đã lý giải do ở tuần khủng hoảng là thời điểm trẻ bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cũng như nhận thức, khả năng hoạt động sẽ tác động trực tiếp đến bé.
Điều này khiến bé trở nên khó chịu vì vẫn chưa thể thích ứng được trước những cảm nhận mới mẻ cũng như các kỹ năng mới của mình. Do đó, ba mẹ thay vì lo lắng về các biểu hiện của trẻ thì nên có các biện pháp hỗ trợ trẻ giúp quá trình học hỏi, tiếp nhận các kỹ năng mới được diễn ra tốt hơn.
Biểu hiện của trẻ trong tuần khủng hoảng (Wonder Week)
Ba mẹ có thể dễ dàng nhận biết con mình trong tuần Wonder Week thông qua các dấu hiệu điển hình như sau:
- Trẻ hay cáu giận, khóc nhiều hơn và ỉ ôi
- Tâm trạng không ổn định, có thể đang vui nhưng chuyển sang cáu giận nhanh chóng hoặc ngược lại
- Muốn ba mẹ dành nhiều thời gian cho trẻ nhiều hơn, đó là lý do trẻ bám ba mẹ không rời
- Có cư xử, hành động ngọt ngào với ba mẹ
- Nghịch ngợm và quậy phá nhiều hơn
- Xuất hiện các cơn giận bất thường (có thể đang chơi một trò chơi rất vui vẻ nhưng bỗng nhiên ném hết đồ chơi và la hét)
- Ghen tị khi ba mẹ quan tâm đến người khác, nhất là những đứa trẻ khác
- Trẻ có biểu hiện nhút nhát với người lạ (với những trẻ trước đây không có tình trạng ấy)
- Trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu hoặc đang ngủ dậy quấy khóc. Thường dậy sớm hơn và ngủ muộn hơn
- Biếng ăn, ăn ít, khó ăn
- Mút tay nhiều hơn
- Có dấu hiệu ngủ mơ nhiều hơn trước đây
- Đôi lúc trẻ ngồi yên một chỗ, thường nghĩ ngợi vẩn vơ
- Có xu hướng tìm kiếm vật gì ôm ngủ nếu không có ba mẹ ở cạnh
- Có những thói quen trước được bé lặp lại như bò với những bé đã biết đi, đòi mẹ cầm bình sữa khi bú dù đã tự cầm được
- Một số bé bú sữa mẹ có thể đòi ti
10 thời điểm dự báo tuần khủng hoảng và kỹ năng bé đạt được
Theo các thống kê cho thấy, phần lớn trẻ trong 2 năm đầu đời sẽ có 10 giai đoạn xuất hiện tuần khủng hoảng. Tuy nhiên, các giai đoạn này có thể không giống nhau tùy thuộc vào sự phát triển, thể trạng của trẻ và môi trường sống của trẻ.
Wonder Week ở 5 tuần tuổi
Ở tuần tuổi này trẻ bắt đầu có những chuyển biến mạnh về giác quan. Quá trình trao đổi chất của bé và có xu hướng phát triển mạnh mẽ vào tuần thứ 5, sau khi đầy tháng trẻ sẽ trở nên khó chiều.
Đa số bé khi bước vào tuần tuổi này sẽ học hỏi một hoặc nhiều kỹ năng do đó sẽ trở nên “khó chiều”. Do đó, các bà mẹ hay truyền kinh nghiệm rằng “ Khi ra tháng, em bé sẽ quấy khóc, ngủ ít hơn bình thường”.
Tuy nhiên, khi vượt quá Wonder Week đầu tiên này, trẻ sẽ học hỏi được kỹ năng chú ý vào mọi vật nhiều hơn, nhất là các vật có màu sắc nổi bật, muốn chạm vào mọi vật, nhạy cảm hơn với mùi hương và bắt đầu biết cười.
Wonder Week ở 8 tuần tuổi
Sau giai đoạn quấy khóc, lười bú, ngủ ít ở tuần khủng hoảng thứ 2 này, bé sẽ trở nên cứng cáp hơn, giữ ổn định phần đầu tốt hơn, thường quay đầu về phía âm thanh, quan tâm đến đồ chơi, quan sát và khám phá những bộ phận trên cơ thể của người đối diện và mình, làm những âm thanh gầm gừ nhỏ.
Wonder Week ở 12 tuần tuổi
Đây được xem là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến lớn trong quá trình hình thành kỹ năng và nhận thức của trẻ. Lúc này trẻ sẽ biết lật sấp, lẫy, lật ngửa, nhạy cười hơn, ngóc đầu và chú ý đến những âm thanh có tần số khác nhau.
Sự phát triển lớn về nhận thức này sẽ đồng nghĩa với việc mẹ phải đối mặt với tình trạng bé quấy khóc, bỏ ăn, thức đêm không ngủ.
Wonder Week ở 19 tuần tuổi
Sau tuần khoảng này, bé sẽ biết cầm nắm các đồ vật cho vào miệng hay mút tay, đẩy ti ra sau khi bú no, nhìn theo bố mẹ.
Wonder Week ở 26 tuần tuổi
Sau tuần khủng hoảng này, bé sẽ học được kỹ năng cầm nắm chặt, nhổm người, ngồi dậy, xác định khoảng cách phát triển và bắt đầu cười to, la hét. Các biểu hiện ở tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh tuy khiến ba mẹ mệt mỏi vì sự thay đổi bất thường của con, nhưng khi thấy bé phát triển về kỹ năng cũng như nhận thức, ba mẹ sẽ vui vẻ, mọi mệt mỏi cũng sẽ biến mất.
Wonder Week ở 37 tuần tuổi
Giai đoạn này được xem là “chìa khóa” của trẻ sơ sinh, giúp trẻ có khả năng nhận biết những sự khác biệt, có sự phân biệt giữa loại này với loại khác.
Các biểu hiện chán ăn, quấy khóc, bám mẹ ở tuần khủng hoảng sau khi biến mất, trẻ sẽ có thể hiểu được một số từ ngữ, thể hiện tâm trạng, bắt chước hành động của người, cảm nhạc và đung đưa theo điệu nhạc, muốn chơi trò chơi và bắt đầu tập bò (tuy nhiên có một số trẻ bỏ qua giai đoạn học bò).
Wonder Week ở 46 tuần tuổi
Lúc này sẽ học nói những từ ngữ đơn giản, bắt đầu hiểu trình tự, trả lời một số câu hỏi ngắn, sẽ nhìn chăm chú vào đồ vật mình muốn, xếp chồng các đồ vật.
Wonder Week ở 55 tuần tuổi
Các biểu hiện “khó chiều” ở tuần khủng hoảng thứ 8 biến mất, bé sẽ học được kỹ năng đi chập chững hoặc đi vũng, thích vẽ, cầm những đồ vật đưa ra xa, tự cởi hoặc mặc quần áo.
Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh thứ 9 (64 tuần tuổi)
Các kỹ năng sau tuần khủng hoảng này bé học được như pha trò, bắt chước hành động hoặc biểu cảm của người khác, nũng nịu mẹ.
Wonder Week ở 75 tuần tuổi
Khoảng 20 tháng tuổi, lúc này trẻ đã dần hoàn thiện kỹ năng như đi, chạy nhảy, xâu chuỗi những sự kiện lại thành hệ thống, thay đổi các hành vi phù hợp với hoàn cảnh.
Tuần khủng hoảng cuối cùng này là bước phát triển vô cùng quan trọng của trẻ bắt đầu phát triển về tính đồng cảm, sự ích kỷ và kỹ năng phát triển ngôn ngữ.
Cần làm gì khi con trong tuần khủng hoảng (Wonder Week)?
Wonder Week là giai đoạn mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng sẽ trải qua, do đó ba mẹ không cần quá lo lắng. Thay vào đó, hãy hỗ trợ giúp con phát triển các kỹ năng tốt hơn, cùng con vượt qua tuần khủng hoảng một cách tốt nhất.
Dưới đây là một số lưu ý giúp ba mẹ hỗ trợ bé vượt qua Wonder Week:
- Cho trẻ ngủ đêm sớm hơn bình thường từ 30 – 45 phút. Giảm bớt 1 giấc ngủ ngày ( ba mẹ có thể áp dụng với những tuần 12 – 26 hoặc 37 – 55 hay 64). Phụ huynh trước khi giảm bớt giấc ngủ của bé cũng nên tìm hiểu các dấu hiệu cắt giấc.
- Ở các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh, ba mẹ không nên ép trẻ ăn, tránh trường hợp khiến chứng biến ăn của trẻ thành biếng ăn tâm lý. Do đó, ba mẹ hãy đợi đến khi bé đói và muốn ăn thì hãy cho ăn.
- Dành nhiều thời gian quan tâm bé nhiều hơn, cùng con chơi các trò chơi giúp phát triển các kỹ năng mà bé đang học. Thể hiện tình yêu thương với trẻ nhiều hơn.
- Khi bé quấy khóc, khó chịu, ba mẹ có thể khắc phục bằng cách làm những hoạt động mà bé thích nhất, cho bé ra ngoài vui chơi, massage cho bé, để bé nghịch nước.
Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh (Wonder Week) không phải là bệnh lý. Đây chỉ là giai đoạn bé học hỏi và phát triển các kỹ năng, do đó ba mẹ hãy là người đồng hành cùng con, hỗ trợ con tốt hơn trong quá trình phát triển nhận thức. Bên cạnh đó, ba mẹ cần duy trì nếp sinh hoạt của con, chú ý quan sát và lắng nghe con nhiều hơn, đây sẽ là khoảng thời gian “quý giá” khi chứng kiến được những sự thay đổi của bé qua từng giai đoạn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!