Trẻ bại não thể nhẹ: Dấu hiệu và các biện pháp phục hồi chức năng
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Trẻ bại não thể nhẹ thường ít có những triệu chứng điển hình, tuy nhiên bệnh vẫn gây ra nhiều xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hàng ngày của trẻ. Việc hiểu và nắm rõ những dấu hiệu cụ thể sẽ giúp các bậc cha mẹ hỗ trợ con điều trị bệnh sớm, hạn chế xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Trẻ bại não thể nhẹ là gì?
Bại não tức là vùng não bộ của trẻ bị tổn thương gây ra nhiều vấn đề như rối loạn vận động, chậm phát triển. Tuy nhiên trẻ mắc bệnh bại não thể nhẹ có nghĩa là bệnh đang ở mức độ nhẹ, chưa nghiêm trọng để dẫn đến các nguy cơ suy giảm chức năng phát triển trong cơ thể.
Người bệnh vẫn có khả năng tự phát âm, đi lại, đi học mầm non, tiểu học ở trường một cách bình thường. Trong một số trường hợp có hơi gặp trở ngại về vấn đề đọc viết hoặc nghe không rõ.
Chứng bại não thể nhẹ ở trẻ thường gặp ở hầu hết các độ tuổi, có thể mắc từ khi trong bụng mẹ, trong hoặc sau khi sinh, kể cả khi được vài năm tuổi. Theo các bác sĩ thì trẻ mắc căn bệnh này thường do tình trạng sinh non gây ra, so với chứng bại não thể thất điều có tỉ lệ mắc bệnh thấp nhất thì bại não thể nhẹ lại chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 50% trong tất cả các thể bại não.
Tuy ở mức độ nhẹ nhưng cũng tùy thuộc vào vùng não bộ bị tổn thương mà sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đến khả năng giao tiếp và vận động của trẻ. Trẻ bại não thể nhẹ thường khó phát hiện sớm bởi vì các dấu hiệu thường không điển hình, ngay cả với bác sĩ chuyên khoa cũng khó nhận thấy bằng mắt thường.
Chỉ khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm lâm sàng cụ thể thì mới phát hiện. Việc khó phát hiện bệnh có thể dẫn đến tình trạng can thiệp và chữa trị chậm trễ, khiến trẻ bị ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất và tinh thần.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ bại não thể nhẹ?
Theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác tuyệt đối gây ra chứng bại não ở trẻ. Dưới đây là tổng hợp các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến trẻ bại não thể nhẹ, các bậc cha mẹ nên nắm rõ, cụ thể:
- Trong quá trình mang thai sức khỏe người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến bào thai trong bụng. Trường hợp mẹ mắc các bệnh lý như nhiễm virut Rubella, Zika, Cytomegalovirus, Toxoplasmosis, mụn rộp sinh dục, giang mai, tiền sản giật, động kinh có thể khiến cho thai nhi bị tác động, khi sinh ra dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm trong có bại não.
- Mẹ không tiêm phòng các mũi vacxin quan trọng trong khi mang thai hoặc người mẹ thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại như methyl, thủy ngân, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá…tất cả những yếu tố này cũng có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng, dẫn đến trường hợp dọa sẩy thai, sinh non, khi sinh ra nhẹ cân, còi cọc, thiểu năng trí tuệ, chậm chạp, trẻ chậm nói, bại não, lú lẫn.
- Các vấn đề quan trọng trong quá trình sinh nở như thời gian chuyển dạ kéo dài quá lâu, khó sinh, vỡ ối sớm, sang chấn lúc sinh, thiếu oxy lên não, rối loạn nhịp tim cũng là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc chứng bại não ở trẻ.
- Sau khi sinh trẻ không may gặp các vấn đề như co giật, viêm màng não, chấn thương đầu, rối loạn đông máu, nồng độ bilirubin trong máu vượt mức cho phép. Những trường hợp này rất dễ khiến trẻ mắc các thể bại não.
- Có nhiều trẻ sau khi sinh ra khỏe mạnh bình thường, nhưng trong quá trình sinh hoạt ở nhà hoặc ở trường học không may bị tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến vùng đầu và não bộ dẫn đến một số tình trạng không mong muốn như bại liệt các chi, bại não, tàn phế suốt đời.
Nhận biết các triệu chứng trẻ bại não thể nhẹ
Trẻ bại não thể nhẹ thường không có những triệu chứng điển hình như bại não thể co cứng, tuy nhiên trong đời sống hàng ngày trẻ vẫn gặp rất nhiều các trở ngại liên quan đến vấn đề vận động, ăn uống hay ngôn ngữ, cụ thể như:
1. Vấn đề dinh dưỡng và ăn uống
Trẻ bại não thể nhẹ thường do rối loạn hoặc tổn thương vùng não bộ gây ra, do đó ảnh hưởng rất lớn các cơ và dây thần kinh mặt khiến cho bộ phận miệng của trẻ thường bị há và chảy dãi. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cho thức ăn vào miệng, nhai, cắn và nuốt, khó khép miệng, đồng thời khi ăn trẻ sẽ cảm thấy không ngon miệng, không thích ăn.
Tình trạng này diễn ra lâu dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như: Trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, chiều cao hạn chế, ngắn tứ chi; Khó hấp thụ chất, hay bị nôn ói, sặc lâu dần có thể khiến trẻ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi.
2. Ảnh hưởng đến thính giác, thị giác, ngôn ngữ
Trẻ bại não thể nhẹ thường do phần não bộ bị tổn thương, mà trên vùng não lại chứa rất nhiều các dây thần kinh chi phối và điều khiển các hoạt động của thính giác, thị giác, vị giác, ngôn ngữ.
Khi mắc chứng bại não trẻ sẽ gặp các vấn đề liên quan đến các bộ phận này như: Khó khăn phát âm, nói chậm không rõ ràng, ngại giao tiếp với mọi người, lãng tai, nghe kém, mắt nhìn không sáng sủa như đối với những đứa trẻ bình thường khác.
3. Trẻ chậm phát triển trí tuệ, tư duy
Khi mắc chứng bại não thể nhẹ trẻ vẫn có khả năng đến trường bình thường, nhưng trong quá trình học tập trẻ lại rất khó tiếp thu, thường không phân biệt được vị trí như trước sau, trên dưới, tay chân của bản thân, luôn bị lẫn lộn, không tập trung do chậm phát triển tư duy và trí tuệ.
Nếu đã phát hiện và biết trẻ mắc chứng bại não thể nhẹ thì các bậc phụ huynh nên cho con theo học các trường giáo dục đặc biệt để hỗ trợ trẻ vừa học vừa điều trị bệnh sẽ tốt hơn.
Còn những trường bình thường sẽ khiến con trẻ không theo kịp bạn bè đồng trang lứa, lâu dần trẻ sẽ tự ti, chán nản, ngại giao tiếp, co mình vào một không gian riêng và có thể dẫn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nguy hiểm.
4. Trẻ gặp vấn đề rối loạn hành vi
Bại não thể nhẹ sẽ khiến cho trẻ gặp khó khăn và trở ngại trong vấn đề xử lý thông tin, hình ảnh ở não bộ, đồng thời việc kết nối thông tin mà trẻ nhận được qua các giác quan như thính giác, thị giác cũng bị hạn chế.
Khi mắc chứng bại não thể nhẹ trẻ thường rất hiếu động, chạy nhảy liên tục, đứng ngồi không yên, bướng bỉnh, khó chịu và hay lo lắng, sợ hãi. Thiếu tự tin và ngại tiếp xúc với những người xung quanh. Một số ít có thể gặp chứng động kinh khiến nhiều người lo sợ, hoảng hốt.
Trẻ bại não thể nhẹ có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, trẻ mắc chứng bại não thể nhẹ thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Chỉ ảnh hưởng nhẹ đến các vấn đề ăn uống, sinh hoạt, khả năng tiếp thu, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bệnh thường có ít những dấu hiệu điển hình nên thường khó phát hiện ra.
Trường hợp phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp con hạn chế được các vấn đề khó khăn trong vận động và giao tiếp. Còn nếu những trường hợp chờ đến khi có những triệu chứng cụ thể mới được khám và phát hiện có thể dẫn đến một số biến chứng như co rút cơ, trầm cảm nhẹ, rối loạn hô hấp, tim, phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, cơ bắp bị biến dạng.
Phương pháp điều trị bệnh bại não thể nhẹ ở trẻ
Y học phát triển hiện đại nên hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị chứng bại não. Điển hình như các liệu pháp trị liệu, phẫu thuật, sử dụng thuốc tây y, đông y, châm cứu, bấm huyệt, cấy ghép tế bào gốc, cấy chỉ.
Tuy nhiên, trường hợp trẻ bại não thể nhẹ các triệu chứng và mức độ bệnh còn nhẹ nên thường được các bác sĩ khuyến khích áp dụng các phương pháp trị liệu đơn giản bằng các bài tập trị liệu, cụ thể:
1. Tập luyện vận động
Trẻ bại não thể nhẹ vẫn đi đứng và hoạt động bình thường, tuy nhiên nếu so với các bạn đồng trang lứa thì con vẫn kém hơn. Do đó, các bậc cha mẹ nên cố gắng giúp con thực hiện tập luyện vận động để giúp trẻ nhanh nhẹn, lanh lợi, không để trẻ có cảm giác tự ti khi phải thua bạn bè. Một số bài tập vận động đơn giản cho trẻ bại não thể nhẹ có thể áp dụng ngay tại nhà, tại lớp học hay bệnh viện như:
- Điều chỉnh các tư thế bất thường ở các chi cho trẻ.
- Tập luyện các bài tập liên quan đến đầu, tay, chân như: Nâng đầu, xoay khớp háng, khớp cổ tay chân, tập ngồi thăng bằng, tập đi đứng thẳng lưng.
- Nếu trẻ trong độ tuổi đi học mầm non, tiểu học thì nên tổ chức cho trẻ các trò chơi vận động mang tính rèn luyện thể chất và nhận thức.
- Trường hợp trẻ còn nhỏ dưới 2 tuổi thì nên tập cho trẻ tư thế ngồi ăn, tập đi lại, nằm võng đúng cách, giữ thăng bằng, xoay lẫy, mẹ cũng nên chú ý các tư thế ẵm, bế nách, địu phía trước hoặc sau.
- Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho con đi bơi hoặc tham gia các trò chơi giải trí ngoài trời, công viên như trượt cầu trượt, chơi nhà banh, đu quay, đu dây văng.
2. Rèn luyện kỹ năng hàng ngày
Việc tập luyện các kỹ năng hàng ngày không chỉ giúp quá trình điều trị bệnh của trẻ tốt hơn, mà còn giúp con nhận thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của bản thân cần hoàn thành, không dựa dẫm vào cha mẹ hay anh chị, người thân trong gia đình.
Cha mẹ cũng như thầy cô trong trường nên tập cho trẻ những kỹ năng cơ bản như: Tự bưng và xúc ăn, tự lấy nước uống, thực hiện vệ sinh cá nhân như tự chải tóc, tắm rửa, gội đầu, đánh răng, chọn và mặc quần áo.
Nếu được huấn luyện và dạy đúng cách sớm cho trẻ về các kỹ năng này, khi lớn lên trẻ sẽ biết cách tự lập, cha mẹ không phải lo lắng con gặp khó khăn khi hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
3. Rèn luyện ngôn ngữ và giao tiếp xã hội
Trẻ bại não thể nhẹ vẫn có thể giao tiếp bình thường với những người xung quanh, tuy nhiên trong vấn đề nhận thức và tiếp thu trong quá trình học hành vẫn kém hơn so với những đứa trẻ bình thường.
Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để giúp trẻ rèn luyện ngôn ngữ bằng cách: Dạy trẻ tập nghe, tập nói, tập hát, thường đọc truyện, đọc sách cho bé nghe, phát triển ngôn ngữ qua các trò chơi trí tuệ.
Nên tập cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn để có thể giao tiếp tốt với bạn bè và những người xung quanh. Có thể cho trẻ học ngoại khóa ngoài trời, tham gia các hoạt động nghệ thuật, cho trẻ ra ngoài trời hay công viên để đi dạo.
4. Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị bệnh
Khi mắc chứng bại não nói chung và bại não thể nhẹ nói riêng, hầu hết các trẻ thường gặp khó khăn về vấn đề ăn uống do các dây thần kinh ở miệng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó việc khó ăn, khó nuốt, khó hấp thụ chất lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, kiệt sức, thấp còi.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ khó ăn khó nuốt thì mẹ nên chọn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hàm lượng chất bổ cao. Đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn cho bé, nên nấu cháo, hầm nhừ hoặc xay nhuyễn để bé dễ nuốt.
Những nhóm thực phẩm bổ dưỡng mà cha mẹ cần bổ sung khi trẻ khi mắc chứng bại não hoặc đang trong quá trình điều trị như:
- Nhóm Protein: Chất này có nhiều trong trứng, các loại thịt, cá, pho mát, quả hạch, hạt khô, đậu lăng, đậu phụ, sữa chua ít béo, sữa bột công thức.
- Glucid: Nhóm chất này có công dụng cung cấp chất xơ hạn chế táo bón, tạo cảm giác no và giảm cholesterol hiệu quả. Glucid có nhiều trong các loại gạo, ngũ cốc, khoai sắn, ngô, chất tinh bột.
- Lipid: Thành phần này có công dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, có nhiều trong các thực phẩm như vừng, đậu nành, đậu lạc, dầu tinh luyện, bơ thực vật, thịt, cá, thủy sản.
- Vitamin, khoáng chất: Nhóm chất này có nhiều trong các loại rau xanh, hoa quả tươi. Trẻ bại não nên ăn rau lang, mùng tơi, rau dền, các loại rau cải, đu đủ chín, táo, lê, mận, chuối tiêu.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần phối hợp ăn ý với bệnh viện, nhà trường hoặc các trung tâm giáo dục đặc biệt để giúp con hoàn thành các phương pháp trị liệu. Bởi vì chữa trị chứng bại não thể nhẹ mặc dù các triệu chứng không điển hình, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn phải cần thời gian điều trị lâu dài, kiên trì thì mới có tiến triển tốt.
Cách phòng ngừa chứng bại não thể nhẹ ở trẻ tốt nhất
Theo các chuyên gia, bệnh bại não không có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa triệt để. Khi mắc chứng bại não thể nhẹ tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng trẻ có thể gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, nói năng.
Do đó, trong quá trình mang thai hoặc nuôi dạy con các bậc cha mẹ nên chú ý thực hiện tốt những điều cơ bản dưới đây để hạn chế khả năng mắc bệnh ở mức thấp nhất cho con.
- Nên chú ý độ tuổi sinh đẻ, không nên mang thai ngoài và sinh con ngoài độ tuổi 40, vì nguy cơ sẩy thai và con sinh ra có khả năng mắc dị tật, các bệnh lý nguy hiểm cao.
- Trong quá trình thai kỳ nên chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là các mũi tiêm phòng các bệnh về virut rubella, não.
- Khi mang thai mẹ nên hạn chế tiếp xúc và sử dụng các loại hóa chất độc hại hoặc rượu bia, thuốc lá nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Khi thấy trẻ có những triệu chứng như vàng da, còi xương, khó khăn trong việc phát âm, đi lại thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các loại động vật, thú cưng trong nhà vì có thể bị nhiễm độc tố nguy hiểm trong phân và đất.
- Tập cho trẻ thói quen đội mũ bảo hiểm để phòng ngừa các tai nạn giao thông ảnh hưởng đến não bộ. Đồng thời cũng nên tập cho trẻ biết bơi để tránh ngạt nước, khó thở khi xuống nước.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, nếu không may trẻ mắc các chứng bệnh nguy hiểm sẽ sớm được phát hiện, có phương pháp xử lý kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đây là tổng hợp các thông tin hữu ích về chứng bệnh bại não thể nhẹ ở trẻ cụ thể như triệu chứng, mức độ nguy hiểm, cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Các bậc phụ huynh nên tham khảo để biết rõ hơn về căn bệnh này.
Tốt nhất khi thấy trẻ có những dấu hiệu khả nghi hoặc bất thường trong sinh hoạt hàng ngày thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay, việc phát hiện và chữa trị bệnh sớm có tỉ lệ giảm bệnh cao hơn, tốn ít chi phí và thời gian điều trị.
THÔNG TIN HỮU ÍCH CHO MẸ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!