Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu) là gì? Dấu hiệu và cách chữa
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Trầm cảm ẩn là một trong các dạng trầm cảm không điển hình được che giấu với các biểu hiện đau nhức cơ thể, đau đầu, nhức mỏi chân tay, rối loạn tiêu hóa và một số trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng. Điều này gây nên rất nhiều cản trở đối với quá trình phát hiện và chẩn đoán, khiến cho việc điều trị trở nên chậm trễ và gặp nhiều khó khăn hơn.
Trầm cảm ẩn là gì?
Trầm cảm ẩn hay còn gọi là trầm cảm che giấu (tên tiếng anh là Masked Depression) là một trong các dạng trầm cảm không điển hình mà người bệnh thường cố gắng để che giấu, không thừa nhận về tình trạng sức khỏe tinh thần của họ. Phần lớn những người mắc phải chứng trầm cảm này sẽ phải đối diện với những khó khăn về mặt thể chất, họ liên tục than vãn về sự mệt mỏi, đau nhức cơ thể, khó tiêu, chóng mặt, buồn nôn nhưng không thể xác định rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng rối loạn về tâm thần sẽ được che lấp đi bởi những triệu chứng thể chất khiến cho người bệnh khó có thể duy trì tốt các công việc hàng ngày, làm suy giảm về chất lượng cuộc sống. Đối với tình trạng trầm cảm ẩn, người bệnh đôi khi cũng không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của bản thân. Khi họ được hỏi về những sang chấn tâm lý thì sẽ có xu hướng chỉ nói qua loa hoặc có thể phủ nhận về sự bất ổn đó.
Tình trạng này gây nên rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt hơn, chứng trầm cảm ẩn có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào, kể cả trẻ em và gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống nếu không được can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết của trầm cảm ẩn
Dấu hiệu của trầm cảm ẩn thường không rõ ràng và rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý về thể chất khác. Người bệnh thường không bộc lộ rõ về những cảm xúc tiêu cực, tồi tệ giống như các chứng trầm cảm thông thường, thay vào đó họ sẽ liên tục than vãn về tình trạng sức khỏe thể chất.
Rất khó để phát hiện ra một người đang mắc phải chứng trầm cảm che giấu, thậm chí ngay cả bản thân họ còn không thể xác định cụ thể về tình trạng tinh thần của bản thân nên việc can thiệp gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Tuy nhiên, nếu chú ý quan sát, bạn cũng có thể nhận ra những sự bất thường thông qua một số dấu hiệu như:
1. Luôn tỏ ra hạnh phúc, vui vẻ
Phần lớn những người mắc phải chứng trầm cảm ẩn luôn cố gắng để tỏ ra hạnh phúc trước mặt người khác. Nếu chỉ đánh giá một cách khách quan bên ngoài thì bạn sẽ thấy họ là một người vui vẻ, hòa đồng và hoàn toàn không mắc phải các vấn đề tâm lý, tâm thần nào.
Mặt khác, những người mắc phải chứng trầm cảm che giấu thường không muốn chia sẻ và gần gũi quá mức với bất kỳ ai vì họ lo sợ người khác sẽ phát hiện ra những điểm yếu về cảm xúc của chính mình. Do đó, nếu có cơ hội được trao đổi, tâm sự với những người mắc bệnh, bạn cũng sẽ dễ dàng nhận thấy được sự bất thường thông qua lời nói, suy nghĩ và hành vi của họ.
2. Thay đổi bất thường về chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt của người mắc bệnh trầm cảm ẩn sẽ thay đổi một cách đột ngột và nhanh chóng. Họ có thể không biểu hiện nhiều về mặt cảm xúc, các triệu chứng về tinh thần bị che lấp nhưng các rối loạn về sinh hoạt sẽ trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Phần lớn những người mắc bệnh sẽ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ, trằn trọc không ngủ được, thường xuyên mơ gặp ác mộng, thức giấc nhiều lần trong đêm và không thể chợp mắt lại. Ngoài ra, một số trường hợp còn thay đổi về thói quen ăn uống, họ trở nên chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn một cách quá mức.
Ngoài ra, cũng có một số người liên tục sử dụng rượu bia, các chất kích thích để giúp họ giải tỏa, che lấp những cảm xúc trống rỗng, khó lý giải trong lòng. Điều này gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cả sinh hoạt đời sống hàng ngày, khiến cho họ không còn hứng thú và năng lượng để làm bất cứ công việc gì.
3. Có xu hướng che giấu, không thừa nhận bệnh trầm cảm
Những người mắc phải chứng trầm cảm ẩn sẽ luôn có xu hướng muốn che giấu đi cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Họ thường không chấp nhận việc bản thân đang bị bệnh trầm cảm và cố chấp cho rằng đó chỉ là những sự biến đổi đơn thuần về mặt tâm lý do ảnh hưởng của áp lực cuộc sống.
Một số trường hợp có thể đặt lịch hẹn để gặp bác sĩ nhưng sau đó họ lại quyết định hủy hẹn và không muốn nói về tình trạng bệnh lý của mình nữa. Chính vì thế, khi một người trầm cảm ẩn tìm đến sự hỗ trợ của bất kỳ ai cũng đồng nghĩa với việc họ đang thực sự bế tắc và mệt mỏi.
4. Cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải
Các triệu chứng đau mãn tính được xem là biểu hiện đặc trưng nhất của những trường hợp mắc bệnh trầm cảm che giấu. Người bệnh sẽ liên tục than vãn và nói về những sự mệt mỏi thể chất của mình, nhất là vào buổi sáng khi vừa thức dậy. Tuy nhiên, khi tiến hành thăm khám sẽ không thể xác định được nguyên nhân thực thể gây ra các vấn đề này.
Cụ thể một số biểu hiện thường thấy như:
- Đau đầu, đau nửa đầu
- Đau nhức chân tay, đau lưng, đau vai gáy,…
- Gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, khó tiêu, táo bón, đầy hơn, đau bụng,…
- Cơ thể mệt mỏi, tay chân bủn rủn, không có sức sống.
5. Hay nói về triết lý
Khi mắc phải chứng bệnh trầm cảm ẩn, nhiều người thường hay nói về những triết lý xoay quanh cuộc sống, họ bắt đầu chiêm nghiệm về ý nghĩa, mục đích sống. Thông qua cách nói chuyện và các chủ đề mà họ hướng đến, bạn cũng có thể phần nào nhận ra được sự bất thường trong suy nghĩ, cảm xúc và tinh thần của người bệnh.
6. Cảm xúc dễ thay đổi
Cảm xúc của những người bệnh trầm cảm che giấu thường có sự thay đổi khác lạ, họ có thể trở nên xúc động, dễ khóc lóc và cũng dễ nóng giận hơn so với bình thường. Chỉ cần một hình ảnh, một tình huống buồn bã xuất hiện cũng khiến cho họ cảm thấy tồi tệ, tổn thương. Hoặc chỉ vì một vấn đề nhỏ xảy ra trong cuộc sống cũng có khả năng làm họ kích động, nóng giận quá mức.
Nguyên nhân gây ra trầm cảm ẩn
Cũng tương tự như những dạng rối loạn trầm cảm khác, trầm cảm ẩn hiện nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra những triệu chứng nguy hiểm về tinh thần và thể chất đối với từng người bệnh. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các nhà khoa học và một số thông tin theo nghiên cứu thì chứng trầm cảm ẩn có thể liên quan đến một vài yếu tố như:
- Yếu tố nội sinh: Những sự biến đổi về các chất dẫn truyền bên trong não bộ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát, chi phối cảm xúc, nhận thức và hành vi của con người, từ đó gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe thần kinh, trong đó có trầm cảm ẩn.
- Sang chấn tâm lý: Các sự kiện gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng như gia đình ly tán, mất người thân, tai nạn giao thông, phá sản có thể tạo nên những bất ổn về tinh thần.
- Ảnh hưởng từ bệnh thực thể: Một số căn bệnh thực thể liên quan đến não bộ như viêm não, u não, chấn thương sọ não,…có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển rối loạn trầm cảm ẩn ở nhiều đối tượng khác nhau.
- Tình trạng nghiện chất: Theo đánh giá của các chuyên gia thì những người có thói quen lạm dụng và nghiện các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá sẽ có nguy cơ bị trầm cảm ẩn và đối diện với các biểu hiện thể chất cao hơn so với bình thường.
Trầm cảm ẩn và những hệ lụy nguy hiểm
Không giống với căn bệnh trầm cảm điển hình, trầm cảm ẩn là chứng rối loạn khó nhận biết nên quá trình can thiệp, điều trị sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức hơ so với bình thường. Đồng thời, nhiều người bệnh không hợp tác, không chấp nhận về tình trạng bất ổn tâm lý của bản thân nên họ liên tục từ chối về việc áp dụng các biện pháp khắc phục từ bác sĩ chuyên gia, điều này có thể làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng, phức tạp hơn.
Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh trầm cảm che giấu, không chỉ là những rối loạn cảm xúc tồn tại bên trong tâm trí mà họ còn phải liên tục đối diện với những cơn đau nhức bên ngoài thể chất. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục tốt sẽ gây ra rất nhiều cản trở đối với đời sống, khiến bệnh nhân không thể duy trì tốt bất kỳ công việc, hoạt động nào.
Tuy nhiên, nếu xét về mức độ nguy hiểm thì trầm cảm ẩn không ảnh hưởng quá lớn đối với người bệnh, đặc biệt là họ không có quá nhiều sự thôi thức về hành vi tự sát. Mặc dù thế, bệnh nhân vẫn rất cần sự hỗ trợ và can thiệp trong giai đoạn sớm để có thể mau chóng phục hồi sức khỏe, căn bằng tốt đời sống cá nhân, hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Cách chữa trị hiệu quả bệnh trầm cảm ẩn
Việc nhận biết và hỗ trợ áp dụng các biện pháp điều trị đối với bệnh nhân trầm cảm ẩn được xem là một trong các thách thức lớn đối với bác sĩ chuyên khoa và cả bản thân người bệnh. Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện được trong giai đoạn sớm thì bệnh nhân sẽ có thêm nhiều cơ hội để phục hồi sức khỏe toàn diện, ngăn chặn tốt các hệ lụy tiêu cực mà bệnh gây ra.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để lên phác đồ cải thiện với các biện pháp như:
1. Liệu pháp tâm lý
Trong những năm trở lại đây, liệu pháp tâm lý được xem là một trong các phương pháp hiệu quả và an toàn luôn được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp bị trầm cảm, trong đó có cả trầm cảm ẩn. Người bệnh sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu để chia sẻ về vấn đề khó khăn mà mình đang gặp phải, từ đó dễ dàng tháo gỡ những nút thắt trong lòng, điều chỉnh tốt về cảm xúc, hành vi sai lệch của bản thân.
Tuy nhiên, quá trình trị liệu tâm lý cho người bệnh trầm cảm ẩn cũng cần phải mất nhiều thời gian bởi lúc đầu họ có thể chưa thực sự hoàn toàn tin tưởng vào người trị liệu và luôn có xu hướng che giấu, chia sẻ một cách sơ sài về tình trạng tâm lý của bản thân. Do đó, chuyên gia tâm lý cần phải có trình độ chuyên môn cao, biết cách kết hợp nhiều liệu pháp phù hợp để giúp bệnh nhân cởi mở, thoải mái hơn trong việc đáp ứng trị liệu.
Quá trình trị liệu cho bệnh nhân trầm cảm ẩn sẽ tập trung vào việc tìm kiếm nguyên nhân cốt lõi gây ra những tổn thương tâm lý kéo dài dai dẳng ở người bệnh. Sau đó, chuyên gia sẽ giúp họ nhìn nhận rõ hơn về vấn đề của bản thân, tìm cách để giải tỏa cảm xúc, tháo gỡ những mâu thuẫn trong nội tâm và từ đó gúp cho họ cân bằng được cảm xúc, thuyên giảm những triệu chứng về thể chất.
2. Điều trị bằng thuốc
Mặc dù được biểu hiện đặc trưng bởi các triệu chứng về thể chất nhưng người bệnh sẽ không được hỗ trợ cải thiện thông qua các loại thuốc giảm đau, giảm nhức mỏi, chống viêm. Thay vào đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để kê đơn thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, thuốc điều hòa cảm xúc, an thần để giúp bệnh nhân dần giảm bớt những bất ổn về mặt tâm lý.
Sau khi cảm xúc được cân bằng và ổn định thì cá biểu hiện đau nhức bên ngoài cơ thể cũng sẽ tự động biến mất. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bởi những loại thuốc hỗ trợ can thiệp cho trầm cảm ẩn đều có khả năng gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
3. Hỗ trợ can thiệp tại nhà
Điều chỉnh và duy trì một lối sống lành mạnh cũng là một trong các biện pháp luôn được khuyến khích áp dụng cho người bệnh trầm cảm ẩn. Việc xây dựng được một thói quen sinh hoạt tích cực cũng góp phần giúp bạn có được đời sống tinh thần khỏe mạnh, dễ dàng vượt qua được những căng thẳng, áp lực xoay quanh công việc, gia đình, xã hội.
Cụ thể một số thói quen cần thiết lập cho người bệnh trầm cảm ẩn như:
- Tăng cường tập luyện thể thao, vận động lành mạnh mỗi ngày.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các loại dưỡng chất từ thực phẩm an toàn, tươi sống.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng và rèn luyện thói quen ngủ – thức cùng một khung giờ.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, các chất kích thích. Thay vào đó hãy uống nhiều nước mỗi ngày, tăng cường bổ sung vitamin thông qua các loại nước ép rau củ, trái cây.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh làm việc quá sức.
- Trang bị cho bản thân những kỹ năng thư giãn nhanh chóng để đối phó tốt với căng thẳng. Ví dụ như ngồi thiền, hít thở sâu, yoga, đọc sách, đi dạo,…
- Học cách chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh, giải tỏa cảm xúc bằng cách nói ra những sự buồn phiền trong lòng.
- Viết nhật ký cũng được xem là thói quen tích cực để giúp cho người trầm cảm ẩn giải tỏa phiền muộn.
Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu) tuy là một dạng trầm cảm không điển hình và ít phổ biến nhưng lại có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống của bệnh nhân. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh, bạn cần nhanh chóng tiến hành thăm khám, chẩn đoán để kịp thời can thiệp, điều trị trong giai đoạn sớm.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!