Mòn sụn khớp gối: Cách phòng ngừa và điều trị phục hồi

Hẹp khe khớp gối là gì? Nguy hiểm không? Cách nhận biết

Thoái hóa khớp thái dương hàm là gì? Cách nhận biết

Chế độ ăn cho người thoái hóa khớp giúp phòng bệnh hiệu quả

Bị khô khớp gối có nên đi bộ không? Bác sĩ giải đáp

Rách sụn chêm khớp gối: Nguyên nhân và cách điều trị

Đau khớp gối khi lên xuống cầu thang và cách khắc phục

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì, kiêng gì để giúp bệnh mau khỏi

Khô khớp gối ở người trẻ: Cách điều trị, ăn uống giúp hồi phục

Bệnh khô khớp gối nên ăn gì để tăng dịch nhờn cho khớp

Thoái hóa khớp gối ở người già: Cách phòng ngừa, điều trị

Thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp phổ biến ở người già. Bệnh thường gây đau nhức ổ khớp đi kèm với tình trạng cứng khớp, khớp phát ra âm thanh khi đi lại và giảm khả năng vận động. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh lý này dứt điểm. Mục tiêu của việc điều trị là giảm triệu chứng lâm sàng, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

thoái hóa khớp gối ở người già
Thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp mãn tính thường gặp ở người già (trên 60 tuổi)

Thoái hóa khớp gối ở người già và dấu hiệu nhận biết

Thoái hóa khớp gối là hệ quả của quá trình sinh học và cơ học dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa tốc độ hủy hoại và tổng hợp sụn, xương dưới sụn. Ở người bị thoái hóa khớp gối, tốc độ hủy hoại sụn, xương diễn ra nhanh hơn so với tốc độ phục hồi, tái tạo khiến cho ổ khớp bị tổn thương và suy yếu.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh lý này là tình trạng thay đổi hình thái, phân tử, sinh hóa và cơ sinh học của mô sụn. Theo thời gian, sụn bị nhuyễn hóa, hình thành vết nứt, mòn sụn khớp và gây xơ hóa các mô xương nằm bên dưới sụn. Nếu không kịp thời điều trị, gai xương sẽ phát triển ở những mô sụn bị bào mòn gây biến dạng khớp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.

Thống kê cho thấy, thoái hóa khớp gối thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (chiếm khoảng 80% trường hợp). Khác với các bệnh xương khớp cấp tính, thoái hóa khớp có tiến triển chậm, âm thầm nên đa phần bệnh nhân đều không phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Ở nước ta, thoái hóa khớp gối chiếm đến 56.5% các trường hợp bị thoái hóa khớp.

bệnh thoái hóa khớp gối ở người già
Thoái hóa khớp gối đặc trưng bởi cơn đau xuất hiện ở ổ khớp có tính chất cơ học

Chính vì diễn tiến âm thầm nên thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi gần như không phát sinh triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn đầu. Khi mô sụn bắt đầu bị nứt rách và bào mòn, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Đau nhức ổ khớp là triệu chứng đầu tiên của thoái hóa khớp gối. Cơn đau thường khởi phát từ từ, mức độ đau âm ỉ và có xu hướng nặng dần khi đi lại, vận động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cứng khớp gối (đặc biệt là vào sáng sớm sau khi ngủ dậy). Bệnh nhân thường phải gấp duỗi nhẹ nhàng hoặc xoa bóp một lúc mới có thể vận động bình thường trở lại. Thời gian cứng khớp kéo dài dưới 30 phút và có xu hướng tăng dần theo thời gian.
  • Ổ khớp phát ra âm thanh “lạo xạo” khi cử động
  • Trường hợp nặng có thể gây biến dạng khớp do gai xương chèn ép (một số trường hợp còn bị sưng đỏ vùng da xung quanh khớp gối do gai xương chèn ép vào các mô và mạch máu)
  • Giảm biên độ vận động, khó khăn khi đi lại, sinh hoạt và lao động. Những trường hợp chậm trễ trong điều trị có thể phải đối mặt với biến chứng tàn phế, yếu liệt chi và mất hẳn khả năng vận động.

Trên thực tế, một số bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối có thể không phát sinh bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. Tuy nhiên khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các biểu hiện thoái hóa ở ổ khớp sẽ biểu hiện rõ qua hình ảnh của X-Quang và MRI.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối ở người già

Tương tự như các bệnh xương khớp do thoái hóa khác, thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi có thể xảy ra do ảnh hưởng của tuổi tác (thoái hóa khớp nguyên phát) và các nguyên nhân khác (thoái hóa khớp thứ phát).

1. Thoái hóa khớp nguyên phát (do tuổi tác cao)

Tuổi táo cao được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý xương khớp do thoái hóa. Thống kê cho thấy, nguyên nhân này chiếm hơn 80% trường hợp bị thoái hóa khớp gối. Khi tuổi tác tăng cao, khả năng tái tạo và tổng hợp của mô sụn giảm dần, dẫn đến tình trạng sụn khớp bị bào mòn, tổn thương và nứt rách. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao các bệnh xương khớp mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên và cao tuổi.

bệnh thoái hóa khớp gối ở người già
Ảnh hưởng của quá trình lão hóa chính là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh thoái hóa khớp gối ở người già

Đặc điểm của thoái hóa khớp gối nguyên phát là khởi phát muộn (thường sau 60 tuổi), ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp và tiến triển tương đối chậm. Chính vì vậy, thoái hóa khớp gối ở người già chủ yếu xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa.

Mặc dù tuổi tác cao là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thoái hóa mô sụn nhưng tốc độ thoái hóa có thể diễn ra nhanh hơn nếu có một số yếu tố nguy cơ như mãn kinh, tiểu đường, mắc các bệnh hệ thống, thừa cân – béo phì,…

2. Thoái hóa khớp gối thứ phát (do các nguyên nhân khác)

Thoái hóa khớp gối thứ phát đề cập đến tất cả các nguyên nhân có khả năng gây thoái hóa mô sụn – trừ yếu tố tuổi tác. Các nguyên nhân thường gặp, bao gồm:

  • Chấn thương (gãy xương, trật khớp,…) khiến ổ khớp thay đổi, làm tăng ma sát khi vận động và hậu quả là đẩy nhanh quá trình thoái hóa
  • Giải phẫu ổ khớp bất thường (khớp gối quay vào trong, khớp gối quay ra ngoài,…)
  • Tổn thương viêm tại khớp gối do ảnh hưởng của các bệnh lý khác (bệnh Hemophilia, bệnh gout, viêm khớp nhiễm khuẩn, lao khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp,…)

Khác với thoái hóa khớp gối nguyên phát, thoái hóa khớp gối thứ phát có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có thể tiến triển nhanh (ít trường hợp). Ở người cao tuổi, các yếu tố này có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa sụn khiến ổ khớp bị tổn thương nặng và ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động.

Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến. Bệnh có tiến triển chậm, âm thầm và hầu như không đe dọa trực tiếp đến tính mạng như các bệnh lý nội khoa. Tuy nhiên, thoái hóa khớp gối là bệnh lý không thể điều trị hoàn toàn. Bệnh tiến triển dần theo thời gian và có thể chuyển biến nặng nếu không can thiệp kịp thời.

thoái hóa khớp gối ở người già
Thoái hóa khớp gối có tiến triển nặng dần theo thời gian và có thể gây biến dạng khớp

Trong một số trường hợp, người cao tuổi có thể phải đối mặt với một số biến chứng nặng nề như:

  • Biến dạng khớp
  • Tạo gai xương
  • Hình thành hốc xương dưới sụn
  • Giảm khả năng vận động
  • Tàn phế

Ngoài những biến chứng trên, bệnh thoái hóa khớp gối ở người già còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng giấc ngủ và hiệu suất lao động. Ở một số trường hợp, cơn đau khởi phát thường xuyên còn hình thành tâm lý căng thẳng và lo âu quá mức.

Có thể thấy, mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi

Thoái hóa khớp gối được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ACR của Hội thấp khớp học Mỹ. Bệnh được chẩn đoán khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Xuất hiện gai xương ở rìa khớp (thông qua hình ảnh trên X-Quang)
  • Cứng khớp dưới 30 phút
  • Xét nghiệm dịch khớp nhận thấy dịch thoái hóa
  • Tuổi trên 38
  • Tràn dịch khớp (do phản ứng viêm của màng bao hoạt dịch)
  • Biến dạng khớp (do gai xương chèn ép gây thoát vị màng hoạt dịch hoặc lệch trục khớp)

Thoái hóa khớp gối ở người già được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

thoái hóa khớp gối ở người già
Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng, X-Quang, MRI,…
  • Siêu âm khớp: Siêu âm khớp giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tràn dịch khớp, gai xương, hẹp khe khớp, đo độ dày của sụn khớp và màng bao hoạt dịch. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp bác sĩ phát hiện các mô sụn thoái hóa bong ra trong ổ khớp.
  • Chụp X-Quang: Chụp X-Quang là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị nhất đối với các bệnh xương khớp do thoái hóa – đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Hình ảnh từ X-Quang cho phép bác sĩ quan sát rõ gai xương, hẹp khe khớp và hiện tượng biến đổi cấu trúc xương dưới sụn.
  • Nội soi ổ khớp: Nội soi khớp giúp quan sát rõ tổn thương do thoái hóa ở mô sụn. Ngoài ra trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để phân biệt thoái hóa khớp với một số khả năng khác có thể xảy ra.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI biểu thị rõ hình ảnh 3 chiều của ổ khớp, từ đó giúp bác sĩ quan sát rõ tổn thương ở mô sụn, tình trạng của màng hoạt dịch và dây chằng bao xung quanh khớp gối. Chụp cộng hưởng từ được thực hiện nhằm đánh giá mức độ thoái hóa của ổ khớp và phân biệt với một số bệnh lý khớp khác.
  • Xét nghiệm khác: Xét nghiệm dịch khớp được thực hiện để đếm tế bào dịch khớp (thường dưới 1000 tế bào/ mm3). Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu và sinh hóa để phân biệt với các vấn đề xương khớp khác. Ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp, xét nghiệm máu và sinh hóa đều cho kết quả bình thường. Trường hợp tốc độ lắng máu tăng, nguyên nhân có thể do các bệnh xương khớp nhiễm khuẩn hoặc do rối loạn tự miễn.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối ở người già

Như đã đề cập, thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp mãn tính, tiến triển âm thầm và không thể điều trị hoàn toàn. Hiện nay, mục tiêu của việc điều trị là giảm đau trong các đợt tiến triển, ngăn ngừa biến dạng khớp, phục hồi chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Đối với người cao tuổi, cần chú ý tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc. Bởi chức năng gan thận của nhóm đối tượng này thường kém hơn so với người ở độ tuổi trung niên. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương khớp và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị sau:

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với thoái hóa khớp gối ở người già. Thuốc được chia thành 2 nhóm, bao gồm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh và thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm.

thoái hóa khớp gối ở người già
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị chính đối với bệnh thoái hóa khớp gối

– Các loại thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh:

Nhóm thuốc này thường chỉ được sử dụng khi khớp phát sinh cơn đau, ổ khớp sưng đỏ, nóng rát, tê cứng,… Các loại thuốc được sử dụng phổ biến, gồm có:

  • Thuốc giảm đau: Được sử dụng phổ biến nhất là Paracetamol với liều lượng 1 – 2g/ ngày (chia thành 3 – 4 lần uống). Loại thuốc này được đánh giá tương đối an toàn ở liều điều trị và có thể sử dụng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, Paracetamol cho hiệu quả giảm đau tương đối hạn chế. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chế phẩm phối hợp giữa Paracetamol với thuốc giảm đau gây nghiện (opioids). Hoặc chỉ định các opioids có hoạt tính nhẹ để kiểm soát cơn đau do thoái hóa khớp gối gây ra.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID là lựa chọn khi Paracetamol không mang lại hiệu quả. Nhóm thuốc này đem lại hiệu quả rõ rệt đối với ổ khớp bị sưng đỏ và đau nhức (thường do phản ứng viêm của màng bao hoạt dịch). Tuy nhiên, NSAID có thể gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và tăng nguy cơ đột quỵ nên chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn.
  • Tiêm corticoid: Trong trường hợp khớp sưng đau nhiều, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticoid tại chỗ. Thuốc có tác dụng giảm sưng đau và ức chế phản ứng miễn dịch mạnh. Tuy nhiên do rủi ro cao nên tiêm corticoid chỉ được thực hiện khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân chỉ được tiêm corticoid nội khớp không quá 3 lần/ năm.
  • Tiêm axit hyaluronic: Axit hyaluronic là dịch nhờn có chức năng sinh lý tương tự như chất nhờn được màng bao hoạt dịch sản sinh. Bác sĩ có thể đề nghị tiêm axit hyaluronic để làm giảm ma sát bên trong ổ khớp và hạn chế cảm giác đau nhức khi đi lại, vận động.

– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm:

Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm thường được chỉ định sớm (thường là ngay sau khi chẩn đoán) và được khuyến cáo dùng trong thời gian dài. Ở đợt cấp, thuốc được dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị triệu chứng nhanh để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm.

Các loại thuốc được sử dụng phổ biến, bao gồm:

  • Diacerein: Diacerein là thuốc điều trị thoái hóa khớp gối dài hạn. Thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm chậm và hỗ trợ phục hồi mô sụn bị tổn thương. Loại thuốc này được đánh giá khá an toàn và không gây ra quá nhiều tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài.
  • Các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm như Chondroitin, Glucosamine, Collagen type II, MSM,… Các loại thuốc này có khả năng phục hồi mô sụn, cải thiện xương dưới sụn và ổn định cấu trúc khớp gối. Vì không tác động đến phản ứng viêm đau nên thuốc thường được dùng với thuốc giảm đau, chống viêm trong các đợt cấp.

Hiện nay ngoài tân dược, nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị bằng các bài thuốc Đông Y. Tuy nhiên, thuốc Đông y cho hiệu quả khá chậm và tác dụng phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Do đó, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các bài thuốc từ thảo dược chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn và tính hiệu quả.

2. Vật lý trị liệu

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân nên thực hiện phối hợp với một số biện pháp vật lý trị liệu để kiểm soát cơn đau, hỗ trợ phục hồi và tái tạo mô sụn bị thoái hóa. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp.

Các biện pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối, bao gồm:

  • Chiếu hồng ngoại: Chiếu hồng ngoại sử dụng đèn hồng ngoại chiếu trực tiếp lên khớp gối nhằm thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu và tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại ổ khớp thoái hóa. Phương pháp này có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như đau nhức, co cứng khớp và hỗ trợ tái tạo mô sụn bị tổn thương.
  • Nhiệt trị liệu: Nhiệt trị liệu bao gồm các phương pháp sử dụng nhiệt lên vùng khớp thoái hóa như chườm muối nóng, đắp paraffin, chườm ngải cứu,… Phương pháp này có tác dụng tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ và làm giãn không gian trong ổ khớp. Tuy nhiên, nhiệt trị liệu không được áp dụng trong trường hợp khớp sưng đỏ và nóng rát.
  • Siêu âm trị liệu: Siêu âm trị liệu mang lại hiệu quả như tiêm corticoid tại chỗ. Tác động từ sóng âm có thể làm giảm hiện tượng viêm, sưng đau và thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngoài ra, siêu âm trị liệu còn giúp tăng chuyển hóa dinh dưỡng và làm giảm tình trạng khô khớp gối ở người cao tuổi.
  • Tập vật lý trị liệu: Bên cạnh các phương pháp thụ động, bệnh nhân nên tập các động tác vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bài tập này có khả năng phục hồi chức năng, giảm tình trạng đau nhức khi đi lại, vận động và hạn chế tối đa tình trạng biến dạng khớp.
  • Một số phương pháp khác: Ngoài những phương pháp trên, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật vật lý trị liệu khác như xoa bóp bấm huyệt, liệu pháp suối khoáng, bùn, cấy chỉ,…

Vật lý trị liệu được xem là phương pháp tối ưu đối với người cao tuổi vì hoàn toàn không gây ra tác dụng phụ, có thể áp dụng lâu dài và ít bị phụ thuộc như dùng thuốc. Ngoài tác dụng giảm các triệu chứng lâm sàng, phương pháp này còn giúp phục hồi chức năng vận động và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp.

3. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Hiện nay ngoài sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối cũng có thể can thiệp phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Phương pháp này sử dụng máu được lấy ở đường tĩnh mạch, sau đó đem quay ly tâm để tách chiết lấy tế bào tiểu cầu và tiêm trực tiếp vào ổ khớp. Tế bào tiểu cầu có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi mô sụn, xương dưới sụn, từ đó giúp cải thiện cấu trúc khớp gối và tăng khả năng vận động.

thoái hóa khớp gối ở người già
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có tác dụng phục hồi và tái tạo tổn thương ở mô sụn bị thoái hóa

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể lấy tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hoặc tế bào gốc từ tủy xương tự thân để tiêm vào ổ khớp. Các phương pháp này đều có hiệu quả trong việc phục hồi mô sụn bị xơ hóa, nứt rách và làm chậm quá trình lão hóa của ổ khớp.

4. Điều trị ngoại khoa

Trên thực tế, khả năng phục hồi sụn khớp ở người cao tuổi thường kém hơn so với người ở độ tuổi trung niên. Do đó ở một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp ngoại khoa nếu điều trị nội khoa không mang lại kết quả sau 6 tháng. Ngoài ra, điều trị ngoại khoa cũng được cân nhắc khi khớp hình thành gai xương, biến dạng nghiêm trọng và mô sụn bị bào mòn hoàn toàn.

thoái hóa khớp gối ở người già
Điều trị ngoại khoa được cân nhắc trong trường hợp ổ khớp bị biến dạng và tổn thương nặng

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:

  • Cắt lọc và rửa ổ khớp: Được thực hiện trong trường hợp đã hình thành gai xương, mô sụn bị bào mòn và rơi vào ổ khớp dẫn đến tình trạng cứng khớp, khó khăn khi vận động. Bác sĩ sẽ tạo đường rạch nhỏ ở khớp gối, sau đó cắt bỏ gai xương và rửa sạch các mô sụn bong tróc, thoái hóa.
  • Khoan kích thích tạo xương: Phương pháp này được thực hiện thông qua kỹ thuật nội soi. Bác sĩ sẽ tạo các lỗ nhỏ ở xương dưới sụn. Sau đó, đưa tủy xương vào bên trong để kích thích sự sản sinh và phục hồi của mô sụn.
  • Cấy ghép tế bào sụn: Cấy ghép tế bào sụn sử dụng các sụn khớp nhân tạo để giảm ma sát trong quá trình đi lại và vận động. Trước khi cấy ghép sụn mới, bác sĩ sẽ loại bỏ các mô sụn bị xơ hóa và nứt rách.
  • Thay khớp nhân tạo: Thay khớp nhân tạo được chỉ định khi ổ khớp bị tổn thương nặng và gây suy giảm chức năng vận động. Phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân trên 60 tuổi để giảm nguy cơ tái phẫu thuật thay khớp nhân tạo lần 2. Tùy vào mức độ tổn thương của khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định thay 1 phần hoặc toàn bộ khớp.

Cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi

Thoái hóa khớp gối ở người già là hệ quả do ảnh hưởng của quá trình lão hóa cùng với một số yếu tố tác động khác. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

thoái hóa khớp gối ở người già
Tập thể dục là biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở người già hiệu quả nhất

Do đó, người từ 50 tuổi trở lên nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở người già, bao gồm:

  • Thừa cân – béo phì là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp – đặc biệt là khớp gối và khớp háng. Do đó, người cao tuổi nên xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để kiểm soát cân nặng.
  • Tránh các hoạt động làm tăng áp lực lên ổ khớp như ngồi xổm, ngồi quá lâu, đứng quá lâu, mang vác nặng và thay đổi các tư thế xấu. Duy trì các thói quen này trong thời gian dài có thể khiến sụn khớp bị bào mòn và tăng tốc độ lão hóa.
  • Phát hiện sớm các dị tật khớp bẩm sinh và thăm khám, xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần điều trị chấn thương theo đúng hướng dẫn để phục hồi khớp và giảm thiểu nguy cơ sụn khớp thoái hóa.
  • Người từ 50 tuổi trở nên có thể dùng các sản phẩm bổ sung canxi, Glucosamine, MSM, Collagen II, Chondrotin,… để làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì độ dẻo dai và chắc khỏe của hệ thống xương khớp.
  • Tập thể dục đúng cách là biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả nhất. Do đó, người cao tuổi nên dành 20 – 30 phút mỗi ngày thực hiện các bộ môn nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,…
  • Thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường ở khớp gối và can thiệp xử lý trong thời gian sớm nhất.

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở người già (trên 60 tuổi). Bệnh không thể điều trị hoàn toàn và có tiến triển nặng dần theo thời gian. Chính vì vậy, người cao tuổi nên chủ động phòng ngừa bệnh và tìm gặp bác sĩ ngay khi khớp gối xuất hiện cơn đau, khớp tê cứng và giảm khả năng vận động.

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu giãn dây chằng đầu gối và cách luyện tập phục hồi

Giãn dây chằng đầu gối là hiện tượng dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau bị kéo giãn quá mức. Tình trạng này biểu hiện qua các dấu...

bài tập yoga cho người thoái hóa khớp gối

7 bài tập yoga cho người thoái hóa khớp gối đơn giản nhất

Những người bị thoái hóa khớp gối thường được khuyến khích luyện tập đơn giản tại nhà để giảm đau và cải thiện các triệu chứng bệnh nhanh chóng. Mục...

thuốc tăng chất nhờn cho khớp

Top 8 Thuốc Tăng Chất Nhờn Cho Khớp, tái tạo sụn tốt nhất

Thuốc tăng chất nhờn cho khớp sẽ cải thiện tình trạng khớp bị khô quá mức, nhờ đó làm giảm tình trạng ma sát và làm giảm những cơn đau...

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi: Bệnh chớ xem thường

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi: Bệnh chớ xem thường

Theo các chuyên gia đầu ngành, biểu hiện thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở những đối tượng trên 55 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này có...

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì, kiêng gì để giúp bệnh mau khỏi

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì, kiêng gì để giúp bệnh mau khỏi

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì, kiêng gì để giúp bệnh mau khỏi là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi chế độ dinh dưỡng góp phần quan...

Bị khô khớp gối có nên đi bộ không? Bác sĩ giải đáp

Bị khô khớp gối có nên đi bộ không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Theo các chuyên gia, người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện bộ môn...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ẩn