Thoái hóa khớp: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thoái hóa khớp là căn bệnh liên quan đến xương khớp mãn tính, các biểu hiện của bệnh lý thường xuất hiện ở đối tượng có độ tuổi từ 40 – 60. Thoái hóa khớp có thể là hệ quả của thói quen sinh hoạt không khoa học, ảnh hưởng tuổi tác, dị tật ở khớp, di truyền,… Các triệu chứng của bệnh lý thường diễn tiến chậm nhưng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thoái hóa khớp là gì?
Bệnh thoái hóa khớp có xu hướng khởi phát ở những người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng thoái hóa loạn dưỡng ở khớp dẫn đến mô sụn bị xơ hóa, bào mòn, lâu dần trên bề mặt của khớp sẽ xuất hiện các gai xương.
Thoái hóa khớp chính là hệ quả của sự mất cân bằng của quá trình hủy hoại và hoạt động tổng hợp mô sụn, xương dưới sụn với. Trong đó, những trường hợp bị thoái hóa khớp quá trình hủy hoại sẽ diễn ra nhanh hơn hoạt động tổng hợp dẫn đến xương, sụn bị tổn thương và suy yếu, thoái hóa dần theo thời gian.
Sự mất cân bằng này có thể xuất hiện ở nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn chuyển hóa, yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt, ảnh hưởng tuổi tác, lao động nặng nhọc,…
Các triệu chứng bệnh thoái hóa khớp thường diễn tiến chậm và âm thầm, nhưng không thể điều trị dứt điểm. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể khiến sụn khớp biến đổi về cấu trúc, hình thái dẫn đến hình thành xương gai, nhuyễn hóa, bào mòn, nứt, ảnh hưởng đến vận động, nghiêm trọng hơn có thể gây tàn phế.
Theo các thống kê cho thấy, có hơn 80% trường hợp bị thoái hóa khớp ảnh hưởng đến khớp gối và một số khớp như khớp vai, khớp háng, cổ tay, cổ chân,… Thoái hóa khớp thường có xu hướng khởi phát ở nữ giới cao hơn nam giới.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Y học hiện vẫn chưa xác định được căn nguyên gây thoái hóa khớp. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và chữa trị, các chuyên gia đầu ngành nhận thấy cơ chế khởi phát bệnh lý có mối liên hệ với các yếu tố như tuổi tác, di truyền, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, lao động nặng nhọc. Căn cứ vào các yếu tố trên, nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp có thể chia thành 2 nhóm, bao gồm nguyên nhân thứ phát và nguyên nhân nguyên phát.
Thoái hóa khớp nguyên phát
Trường hợp thoái hóa khớp nguyên phát khởi phát chủ yếu do yếu tố tuổi tác. Khi cơ thể bước qua độ tuổi từ 40 – 60, các cơ quan sẽ có dấu hiệu suy giảm chức năng. Trong đó có các sụn khớp, lúc này cơ quan này sẽ giảm khả năng tổng hợp, tái tạo, làm tăng tốc độ hư hại và gây ra tình trạng xơ hóa bề mặt.
Bên cạnh yếu tố tuổi tác, bệnh lý còn liên quan mật thiết với các tác nhân như bệnh tiểu đường, di truyền, các bệnh lý mãn tính,… Tình trạng thoái hóa khớp nguyên phát có xu hướng khởi phát ở những đối tượng từ 60 tuổi và có thể xuất hiện ở một hay nhiều khớp.
Thoái hóa khớp thứ phát
Khác với thoái hóa khớp nguyên phát, thoái hóa khớp thứ phát có thể gặp ở mọi đối tượng và lứa tuổi bởi các tác nhân khác nhau:
- Chấn thương: Các trường hợp bị trấn thương có thể khiến những trục khớp bị thay đổi, ổ khớp mất ổn định, lúc này sẽ kích thích quá trình hủy hoại sụn diễn ra nhanh chóng, bề mặt khớp sẽ bị biến đổi và gây ra tình trạng thoái hóa.
- Bất thường ở trục khớp bẩm sinh: Ổ khớp được cấu thành bởi nhiều bộ phận, khi cấu trúc của cơ quan này bị bất thường, quá trình vận động sẽ gia tăng áp lực lên màng dịch hoạt, bề mặt sụn,… Từ đó thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng. Do đó, những đối tượng có ổ trục bất thường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn so với những người bình thường.
- Ảnh hưởng các bệnh xương khớp: Các bệnh lý lao khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, chảy máu khớp, viêm cột sống dính khớp,… Có thể thúc đẩy quá trình bào mòn mô sụn diễn ra nhanh, rối loạn chuyển hóa và dẫn đến hình thành thoái hóa khớp.
Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh thoái hóa khớp:
- Người bị thừa cân, béo phì
- Lười vận động
- Lao động nặng nhọc trong thời gian dài
- Thiếu hụt canxi
- Duy trì những tư thế sai lệch
- Lạm dụng thuốc chống viêm chứa steroid, thuốc ức chế bơm proton,…
Theo các thống kê, đa số các trường hợp bị thoái hóa khớp chủ yếu do nhiều yếu cộng hưởng và nhiều nguyên nhân khác nhau. Các trường hợp bệnh lý khởi phát do yếu tố tuổi tác thường chiếm tỉ lệ thấp.
Các triệu chứng bệnh thoái hóa khớp
Sụn khớp có chức năng bảo vệ đầu xương giúp làm giảm ma sát trong quá trình vận động và giúp khớp vận động dễ dàng, trơn tru hơn. Hiện tượng thoái hóa khớp sẽ khiến lớp sụn bị bào mòn, hủy hoại, giảm tính đàn hồi và xơ hóa nhanh chóng.
Khi sụn khớp bị tổn thương có thể kích thích phản ứng viêm ở những mô xung quanh, từ đó làm mất dần sự ổn định của ổ khớp và khởi phát các triệu chứng sau:
- Khớp bị đau nhức âm ỉ, kéo dài dai dẳng, cơn đau có xu hướng nặng nề hơn khi vận động mạnh, đi lại
- Mức độ đau của khớp sẽ thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi
- Thường xuyên bị cứng khớp vào buổi sáng, hiện tượng này xuất hiện dưới 30 phút
- Khi vận động, khu vực ổ khớp phát ra âm thanh “lục cục”
- Hiện tượng thoái hóa khớp diễn tiến lâu dần có thể dẫn đến biến dạng khớp
- Khó khăn trong việc đi lại, hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khả năng vận động
- Màng hoạt dịch có thể bị tổn thương dẫn đến tràn dịch đến ổ khớp
- Bề mặt của khớp bị sưng đỏ, nóng, đau nhức
Mức độ của các biểu hiện thoái hóa khớp sẽ trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì, vận động nặng và đi lại nhiều,… có thể khiến các triệu chứng bệnh lý trở nên nặng nề, bùng phát thường xuyên.
Bệnh thoái hóa khớp nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp là bệnh lý về xương khớp thường xuất hiện ở những người trung niên, cao tuổi. Bệnh lý tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng các triệu chứng thường diễn tiến chậm. Việc người bệnh chủ động thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ kiểm soát bệnh lý hiệu quả, hỗ trợ phục hồi các mô sụn, làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
Đối với những trường hợp chủ quan không can thiêp điều trị hoặc điều trị không đúng cách, duy trì lối sống, sinh hoạt không khoa học sẽ khiến tình trạng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Hạn chế khả năng vận động: Sụn khớp đóng vai trò quan trọng trong ổ khớp. Khi cơ quan này bị tổn thương, hư hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động, hoạt động đi lại. Theo thống kê cho thấy, khoảng 80% trường hợp bệnh thoái hóa khớp bị hạn chế khả năng vận động và 20% người bệnh không thể hoạt động đi lại thường ngày.
- Hình thành các gai xương: Các gai xương hình thành khi mô sụn bị bào mòn, nứt nẻ do nhuyễn hóa sụn khớp. Sự xuất hiện của các gai xương có thể gây mất ổn định ở ổ khớp dẫn đến tình trạng đau nhức, sưng viêm, cứng khớp, giảm khả năng vận động.
- Tàn phế: Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp tuy diễn tiến chậm nhưng nếu không được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách, lâu dần sẽ khiến sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn, lúc này phần xương dưới sụn sẽ bị biến đổi, ổ khớp mất ổn định và gây tàn phế.
Thoái hóa khớp tuy không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng trực tiếp khả năng vận động, công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Các phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp
Đa số các trường hợp mắc bệnh thoái hóa khớp đều không có biểu hiện điển hình cao. Do đó sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp chẩn đoán lâm sàng, nhằm xác định mức độ tổn thương từ đó đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.
- Chụp X-quang: Đây là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Thông qua hình ảnh chụp lại từ kỹ thuật này, bác sĩ sẽ xác định chính xác mức độ tổn thương cũng như giai đoạn tiến triển của bệnh lý.
- Siêu âm khớp: Phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp bác sĩ nhận biết được các biểu hiện thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, tràn dịch khớp, hình thành gai xương. Bên cạnh đó, siêu âm khớp còn giúp phát hiện những mảnh sụn khớp bị thoái hóa bong ở ổ khớp, đo được độ dày của sụn khớp và tình trạng viêm màng hoạt dịch.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI sẽ giúp bác sĩ quan sát các khớp toàn diện, từ đó phát hiện màng hoạt dịch, tổn thương ở mô sụn, dây chằng,…
- Nội soi khớp: Kỹ thuật chẩn đoán này giúp quan sát rõ tổn thương sụn do bệnh lý gây ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nội soi khớp, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành sinh thiết màng hoạt dịch nhằm chẩn đoán để phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện tương tự.
- Các xét nghiệm khác: Ngoài các kỹ thuật xét nghiệm trên, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, dịch khớp, sinh hoạt nhằm loại trừ những khả năng khác.
Bệnh thoái hóa khớp được xác định thông qua các tiêu chuẩn sau:
- Trên 38 tuổi
- Bị cứng khớp dưới 30 phút
- Xét nghiệm dịch khớp là dịch thoái hóa
- Xuất hiện các xương gai ở rìa khớp
- Khớp bị biến dạng
- Tràn dịch khớp
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành chẩn đoán để phân biệt với những bệnh lý sau:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp vảy nến
- Bệnh gout
- Viêm khớp lupus
Điều trị bệnh thoái hóa khớp
Bệnh thoái khớp thuộc bệnh mãn tính và không thể điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị giúp cải thiện các cơn đau, phục hồi chức năng của khớp, đồng thời phòng ngừa phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, điều trị thoái hóa khớp còn giúp bảo tồn chức năng của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên đối với các trường hợp thoái hóa khớp. Bởi phương pháp này có tính an toàn cao, thích hợp với những bệnh nhân lớn tuổi, không gây ra tác dụng phụ, đồng thời cải thiện các cơn đau ở khớp hiệu quả.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị thoái hóa khớp không sử dụng thuốc mà bạn có thể tham khảo:
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này có tác dụng cải thiện tình trạng cứng khớp, giảm đau, đồng thời phục hồi chức năng vận động. Một số biện pháp vật lý trị liệu được áp dụng điều trị thoái hóa khớp như chườm nóng, dùng tia hồng ngoại, liệu pháp suối khoáng, siêu âm, các bài tập phục hồi chức năng,…
- Sử dụng đai: Mang đai bảo vệ sẽ giúp làm giảm áp dụng lên ổ khớp, từ đó cải thiện tình trạng đau nhức hiệu quả. Bên cạnh đó, liệu pháp này còn làm chậm quá trình tiến triển của các triệu chứng bệnh lý, hạn chế ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh khớp.
- Giảm cân: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể gia tăng áp lực lên ổ khớp, từ đó thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng. Để kiểm soát bệnh lý hiệu quả, bạn cần áp dụng các biện pháp giảm cân, duy trì chỉ số cân nặng phù hợp.
- Hạn chế hoạt động nặng: Người bệnh thoái hóa khớp cần hạn chế các hoạt động gia tăng áp lực lên khớp nư mang vác nặng, chạy bộ, ngồi xổm,…
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp không sử dụng thuốc giúp cải thiện các cơn đau nhức, đồng thời làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì áp dụng trong thời gian dài giúp mang lại kết quả điều trị như mong muốn.
2. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Các loại thuốc điều trị thóa hóa khớp thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp cơn đau ở khớp trở nên nặng nề và khởi phát thường xuyên. Việc sử dụng thuốc điều trị có ưu điểm phát huy tác dụng nhanh, bên cạnh khắc phục các cơn đau hiệu quả, thuốc còn cải thiện các biểu hiện đi kèm.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận, gan, nhất là ở những đối tượng có bệnh lý nền và người cao tuổi. Do đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc Tây điều trị trong giai đoạn bệnh tiến triển.
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh thoái hóa khớp như:
- Nhóm thuốc chống viêm, giảm đau: Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc Paracetamol giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức khó chịu, bởi các hoạt chất trong thuốc khá an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng, bao gồm người cao tuổi. Với những trường hợp không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc chống viêm không steroid ( Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen,…)
- Các loại thuốc điều trị tại chỗ: Thuốc bôi (Voltaren) có tác dụng giảm đau nhức và chống viêm hiệu quả, hạn chế phát sinh tác dụng phụ. Thuốc được chỉ định bôi trực tiếp lên bề mặt khớp, mỗi ngày bôi từ 2 – 3 lần. Tuy nhiên, các loại thuốc bôi ngoài da này không được sử dụng trong trường hợp bề mặt khớp xuất hiện vết lở, loét.
- Thuốc chống thoái hóa: Glucosamine, Chondroitin sulfate, Diacerein,… là các loại thuốc chống lão hóa thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp. Các hoạt chất có trong thuốc có tác dụng tái tạo xương, phục hồi mô sụn, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa mô sụn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này phát huy tác dụng khá chậm nên thường được kết hợp với các loại thuốc cải thiện triệu chứng trong giai đoạn bệnh tiến triển.
- Corticoid đường tiêm: Với những trường hợp bị thoái hóa khớp không đáp ứng với các loại thuốc điều trị trên, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng corticoid ở dạng tiêm, tiêm trực tiếp vào ổ khớp như Betamethasone dipropionate, Hydrocortisone, Methylprednisolon,… Hoạt chất Corticoid có khả năng giảm đau, chống viêm mạnh, từ đó kiểm soát các triệu chứng bệnh lý hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
- Thuốc tiêm acid hyaluronic: Hoạt chất Acid hyaluronic tương tự như dịch nhầy ở ổ khớp. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định tiêm Acid hyaluronic với những trường hợp bị khô khớp nhằm cải thiện chức năng vận động, giảm ma sát. Tuy nhiên, thuốc tiêm chỉ áp dụng với những khớp nhất định.
3. Phương pháp điều trị ngoại khoa
Trường hợp không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị ngoại khoa. Cụ thể với những trường hợp khớp bị tổn thương nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động. Phương pháp điều trị ngoại khoa với bệnh thoái hóa khớp hiện nay bao gồm điều trị nội soi khớp và thay khớp nhân tạo.
Nội soi khớp được chỉ định với những trường hợp quá trình hủy hoại sụn diễn ra nhanh, mô sụn ở khớp thoái hóa bong nhiều, khớp bị đau nhức dai dẳng, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém điều trị nội khoa.
Các kỹ thuật soi được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp:
- Cấy ghép các tế bào sụn
- Khoan thúc đẩy quá trình tạo xương
- Cắt lọc nhằm cải thiện bề mặt sụn, rửa ổ khớp
Trường hợp mô sụn bị hủy hoại nặng nề, suy giảm chức năng vận động hoàn toàn. Lúc này bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc thay khớp nhân tạo. Các khớp nhân tạo có tuổi thọ từ 10 – 20 năm nên chỉ được thực hiện với bệnh nhân trên 60 tuổi. Căn cứ vào mức độ tổn thương ở khớp mà bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị hay toàn bộ hoặc một phần khớp.
Phương pháp thay khớp nhân tạo có thể cải thiện khả năng vận động, ổn định ổ khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống, Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa thường đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, trước khi thực hiện, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của phương pháp.
4. Biện pháp điều trị mới
Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể cân nhắc áp dụng một số biện pháp điều trị mới, bao gồm:
- Cấy ghép tế bào gốc: Những tế bào gốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp được chiết xuất từ các mô mỡ tự thân hay trích từ tủy xương tự thân. Bác sĩ sẽ sử dụng tế bào gốc này tiêm trực tiếp vào ổ khớp giúp tái tạo tế bào xương, phục hồi mô sụn, từ đó cải thiện chức năng vận động.
- Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng máu của bệnh nhân, áp dụng kỹ thuật ly tâm để tách tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu, kế đó sẽ tiêm tiểu cầu vào ổ khớp để cải thiện mật độ xương, thúc đẩy tái tạo sụn, đồng thời ức chế quá trình lão hóa.
Những phương pháp điều trị mới này hiện chưa được áp dụng tại các cơ sở y tế ở nước ta. Bên cạnh đó, liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu và cấy ghép tế bào gốc đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, các thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến.
Các biện pháp kiểm soát bệnh thoái hóa khớp hiệu quả
Như đã đề cập, bệnh thoái hóa khớp có tính chất mãn tính và không có phương pháp điều trị dứt điểm. Do đó, song sonh với việc áp dụng các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc đúng cách nhằm kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả, tăng khả năng phục hồi mô sụn, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa.
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc nhằm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh lý tiến triển hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:
- Với những trường hợp thừa cân, béo phì cần chủ động giảm cân, duy trì cân nặng phù hợp với cơ thể. Tình trạng béo phì, thừa cân còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, tim mạch, gút,…
- Tránh các hoạt động gây ảnh hưởng trực tiếp đến xương khớp như chạy bộ, ngồi xổm, mang vác nặng,… Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi một số tư thế sai lệch nhằm làm giảm áp lực lên các khớp cũng như cột sống.
- Duy trì luyện tập thể dục, thể thao sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa ở khớp, tăng khả năng phục hồi mô sụn và chức năng của khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên ưu tiên một số bộ môn vận động với cường độ nhẹ như đi bộ, yoga, thiền, bôi lội,…
- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Tuy không tác động trực tiếp đến ổ khớp nhưng việc thiết lập lối sống lành mạnh, loại bỏ những thói quen xấu sẽ hỗ trợ hoạt động chuyển hóa, tăng cường sức đề kháng và làm chậm quá trình thoái hóa khớp hiệu quả.
- Chủ động theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện sớm và chữa trị kịp thời những dị tật ở cấu trúc khớp như khớp bị vẹo ngoài, vẹo trong, lệch trục khớp,…
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý thường xuất hiện ở đối tượng người trung niên, cao tuổi. Các triệu chứng bệnh lý thường diễn tiến chậm, không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu thoái hóa khớp, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!