Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Nguy hiểm không?
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Rối loạn tiền đình ngoại biên là một bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và không phân biệt giới tính. Khi khởi phát, cơ thể người bệnh sẽ có những biểu hiện đặc trưng. Nếu tinh ý quan sát, sẽ phát hiện và điều trị kịp thời, giúp sức khỏe sớm hồi phục ổn định.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình ngoại biên là một trong hai dạng của bệnh rối loạn tiền đình. Hoặc có thể hiểu là hội chứng những cấu trúc trong tai (thuộc dây thần kinh số 8) bị rối loạn chức năng với triệu chứng điển hình là chóng mặt khi thực hiện thay đổi tư thế. Đồng thời, người bệnh có cảm giác như bản thân đang bị dịch chuyển, cơ thể xoay tròn theo các vật xung quanh hoặc các vật xung quanh tự xoay tròn.
Rối loạn tiền đình ngoại biên gồm 2 mức độ. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường xuyên bị chóng mặt và cơn chóng mặt không kéo dài lâu, mà chỉ thoáng qua trong một khoảng thời gian ngắn. Ở mức độ nặng, người bệnh ngoài chóng mặt trong thời gian dài thì còn khó thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi và kèm theo rất nhiều triệu chứng khác (ù tai, buồn nôn, giảm nhịp tim, nôn, khó tập trung, hồi hộp, nặng đầu, vã mồ hôi, sợ ánh sáng, choáng váng, da tái xanh, giảm thính lực hai hoặc một bên tai,…).
Về cơ bản, rối loạn tiền đình ngoại biên là một bệnh lý lành tính nếu được thăm khám kịp thời và điều trị đúng phương pháp. Trường hợp kéo dài, có thể khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong công việc. Nặng hơn, có thể phát triển thành mạn tính, khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện hoặc gặp nguy hiểm khi đi thang cuốn, tham gia giao thông,….
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, rối loạn tiền đình ngoại biên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Xác định chính xác nguyên nhân chính là cơ sở để đưa ra đúng phương pháp điều trị và giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe được như ban đầu.
Cụ thể như sau:
- Tác dụng phụ của thuốc thuộc nhóm kháng sinh aminosid (gentamicin, streptomycin, kanamycin,…): Nhóm thuốc kháng sinh aminosid chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn đối với những trường hợp đặc biệt. Bởi khi dùng từ 2 đến 4 tuần, có thể khiến cho người bệnh mất thính giác hoặc hai bên mê đạo bị tổn thương vĩnh viễn.
- Tác dụng phụ của những loại thuốc lợi tiểu (acid ethacrynic, furosemid,…): Những loại thuốc lợi tiểu có thể gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên với các triệu chứng điển hình như điếc tai, ù tai, chóng mặt. Thông thường, sẽ hồi phục không cần điều trị, nhưng trong trường hợp đã dùng thuốc với liều lượng cao sẽ rất khó để hồi phục hoàn toàn.
- Viêm dây tiền đình bởi virus: Những bệnh khởi phát bởi virus như zona, cảm cúm, thủy đậu,… có thể khiến dây tiền đình bị viêm. Kéo theo đó là những cơn chóng mặt xảy ra nhiều lần (tái đi tái lại) hoặc một lần duy nhất, nhưng tiên lượng luôn tốt vì ốc tai không bị ảnh hưởng.
- Mắc một số bệnh lý liên quan: Theo các chuyên gia và bác sĩ, rối loạn tiền đình ngoại biên còn có thể bắt nguồn từ bệnh lý viêm mê nhĩ, xơ cứng tai, viêm tai xương chũm (cấp độ mạn tính), thoái hóa cột sống cổ, u dây VIIII (u góc cầu tiểu não),….
- Nguyên nhân khác: Chấn thương, uống rượu, tác dụng phụ của thuốc salicylate và quinine khi dùng liều cao (gây chóng mặt và ù tai), sinh sống và làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn, ít vận động, thời tiết thay đổi một cách đột ngột, mệt mỏi, căng thẳng và áp lực kéo dài,….
Chữa trị rối loạn tiền đình ngoại biên
Chữa trị rối loạn tiền đình ngoại biên phải tuân thủ theo hai nguyên tắc. Đó là chữa trị theo nguyên nhân gây bệnh và ưu tiên xử lí các cơn chóng mặt cấp ở mức độ dữ dội để đề phòng các tai nạn có thể xảy ra đối với người bệnh.
Mặt khác, người bệnh cần tránh ánh sáng, nằm nghỉ nếu cảm thấy chóng mặt và kết hợp dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng nếu không muốn gặp phải những phản ứng phụ ngoài ý muốn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân. Bởi mỗi loại thuốc sẽ có tác dụng, cách dùng và phù hợp với những đối tượng khác nhau.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để chữa trị bệnh là:
- Thuốc an thần kinh: Tiêu biểu như diazepam 5mg x 1 – 2 viên/ngày.
- Chữa trị nôn: Thường được bác sĩ chỉ định dùng metoclopramide dạng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Chữa trị chóng mặt: Ví dụ như tanganil (acetyl dl leucin) dạng viên hoặc uống.
- Cải thiện tuần hoàn cho não: Người bệnh có thể được kê đơn piracetam dạng tiêm tĩnh mạch chậm hoặc uống với liều lượng khoảng 1 – 4 gram/ngày.
Phòng tránh rối loạn tiền đình ngoại biên
Để phòng tránh rối loạn tiền đình ngoại biên, bạn cần cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, thư thái, sảng khoái và nỗ lực giảm stress, áp lực, căng thẳng, mệt mỏi trong công việc và cuộc sống. Song song đó, hạn chế làm các công việc nặng nhọc hoặc quá sức, bởi chúng sẽ gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe và dễ khiến bệnh khởi phát.
Ngoài ra, bạn cần phải xây dựng cho bản thân một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lí để cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Ví dụ như uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, không dùng chất kích thích, không uống rượu bia, không nhịn ăn hoặc bỏ bữa, hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ,….
Đồng thời, bạn cần dành thời gian để tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày với các bài tập phù hợp như chạy xe, đi bộ, chạy bộ,…. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình sử dụng các loại thuốc chữa trị bệnh khác, bạn thấy bản thân gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có những triệu chứng điển hình của rối loạn tiền đình ngoại biên, nên thông báo với bác sĩ phụ trách hoặc đến bệnh viện thăm khám để đảm bảo an toàn tối đa.
Trên đây là những giải đáp chi tiết về “Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Nguy hiểm không?” và những thông tin liên quan (nguyên nhân gây bệnh, cách chữa trị và phòng tránh). Hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong những tình huống thực tế và nếu cơ thể gặp phải các dấu hiệu bất thường, nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và nhận lời khuyên từ chuyên gia hoặc bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!