Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Giải đáp
NỘI DUNG BÀI VIẾT
“Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?” là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Việc bị muỗi vằn mang virus nhiễm bệnh đốt là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan và bùng phát dịch bệnh. Dịch sốt xuất huyết có xu hướng khởi phát theo chu kỳ từ 3 – 5 năm/ lần, bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Theo số liệu thống kê cho thấy, thời kỳ cao điểm diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết trong nước ta vào tháng 6 đến tháng 10 mỗi năm. Theo đó, tỷ lệ ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, cụ thể năm 2000 tiếp nhận 24.434 đến năm 2009 tiếp nhận 105.370 và năm 2011 là 69.680 ca. Có hơn 85% ca nhiễm bệnh và khoảng 90% số ca tử vong do dịch bệnh gây ra tại các tỉnh miền Nam của Việt Nam. Trong đó, hơn 90% trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra ở nhóm đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi.
Tuy chưa thể kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn nhưng nước ta đã và đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể vào năm 2005 đến nay, số ca tử vong do sốt xuất huyết gây ra có xu hướng giảm theo tỉ lệ dưới 1 ca/ 1.000 ca bệnh.
Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Giải đáp
Theo các chuyên gia đầu ngành, sau khi người bệnh bị nhiễm virus gây sốt xuất huyết từ muỗi vằn, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 3 đến 14 ngày (tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, thời gian ủ bệnh cũng sẽ khác nhau). Giai đoạn ủ bệnh là khoảng thời gian có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất bởi lúc này cơ thể người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết sẽ khởi phát theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 độ và rất khó hạ sốt. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh thường nhầm lẫn với một số bệnh sốt, cảm thông thường, điều này dẫn đến điều trị không đúng cách hoặc chủ quan điều trị làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm. Tình trạng sốt cao do bệnh sốt xuất huyết gây ra thường kéo dài trong 7 ngày và có xu hướng thuyên giảm khi virus gây bệnh không còn trong máu. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sốt cao và có thể kềm theo các triệu chứng sau:
- Đau nhức đầu dữ dội
- Nhức ở sau hốc mắt
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đau mỏi xương khớp, mỏi cơ
- Sưng hạch bạch huyết
- Nổi mẩn ngứa hoặc phát ban rải rác khắp cơ thể
Sau giai đoạn đầu là giai đoạn xuất huyết, đây là giai đoạn bệnh nghiêm trọng khởi phát vào ngày thứ 3 – 7 khi bệnh bùng phát. Thời gian này nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể phát sinh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Lúc này, thân nhiệt của cơ thể có xu hướng giảm xuống nhưng bệnh chưa hồi phục hoàn toàn. Người bệnh cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu nhận thấy các biểu hiện sau đây cần đến bệnh viện ngay để được xử lý đúng cách:
- Chảy máu chân răng
- Nôn mửa kéo dài
- Đau bụng dữ dội
- Khó thở, thở gấp
- Nôn ra máu
- Cơ thể mệt mỏi, khó chịu
Bệnh sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết não
- Xuất huyết dạ dày
- Suy tạng nặng
- Tình trạng thoát huyết tương có thể gây ứ hoặc sốc dịch và có thể kèm theo suy hô hấp
- Tăng nguy cơ tử vong
Theo các chuyên gia, tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng khi các triệu chứng bệnh lý tiến triển gây hạ huyết áp, suy tuần hoàn, huyết áp bị kẹt (lúc này chỉ số huyết áp tâm thấp và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 20mmHg). Lúc này nếu không được cấp cứu có thể gây tử vong. Tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra thường diễn sau 8 giờ đến 24 giờ khi xuất hiện các dấu hiệu suy tuần hoàn.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Muỗi vằn mang mầm bệnh sốt xuất huyết đốt là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát dịch bệnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa bệnh lý tốt nhất là loại bỏ môi trường sinh sản và phát triển của muỗi vằn. Khi số lượng bọ gậy, trứng và lăng quăng giảm thì số lượng muỗi gây bệnh cũng sẽ giảm. Từ đó, làm giảm nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết được nhiều người áp dụng mà bạn có thể tham khảo:
- Ngăn chặn muỗi vằn tiếp xúc với môi trường sinh sản bằng cách làm sạch, quản lý những nơi thuận lợi cho việc đẻ trứng như các vật dụng chứa nước sinh hoạt, nước mưa, nơi ẩm ướt,…
- Mỗi tuần vệ sinh các vật dụng chứa nước ít nhất 1 lần nhằm loại các trứng muỗi, lăn quăng, tránh ấu trùng, nhộng phát triển tiến thành muỗi gây bệnh.
- Bạn cần xử lý các chất thải đúng cách, đồng thời loại bỏ môi trường sống nhân tạo của muỗi vằn
- Có thể dùng thuốc tiêu diệt côn trùng hoặc cho thêm muối vào những thùng chứa nước để ngoài trời. Bên cạnh đó, bạn cần đậy kín những vật chứa nước này tránh để muỗi sinh sản bên trong.
- Sử dụng các loại thuốc diệt muỗi, côn trùng trong nhà ở và khu vực xung quanh, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Đây là một trong những biện pháp giúp kiểm soát các vật trung gian truyền nhiễm bệnh khẩn cấp
- Chủ động trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh sốt xuất huyết như mặc quần áo dài tay, ngủ mùng (kể cả ban ngày), sử dụng thuốc diệt muỗi, trồng cây xua muỗi,…
- Tham gia và kêu gọi mọi người thực hiện chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết. Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
- Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường trên cơ thể và nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết. Hãy chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời, tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?” và một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bệnh sốt huyết có nguy cơ lây lan, bùng phát thành dịch, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Do đó, khi nghi ngờ nhiễm bệnh, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!