Mòn sụn khớp gối: Cách phòng ngừa và điều trị phục hồi

Hẹp khe khớp gối là gì? Nguy hiểm không? Cách nhận biết

Thoái hóa khớp thái dương hàm là gì? Cách nhận biết

Chế độ ăn cho người thoái hóa khớp giúp phòng bệnh hiệu quả

Bị khô khớp gối có nên đi bộ không? Bác sĩ giải đáp

Rách sụn chêm khớp gối: Nguyên nhân và cách điều trị

Đau khớp gối khi lên xuống cầu thang và cách khắc phục

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì, kiêng gì để giúp bệnh mau khỏi

Khô khớp gối ở người trẻ: Cách điều trị, ăn uống giúp hồi phục

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi: Bệnh chớ xem thường

Mòn sụn khớp gối: Cách phòng ngừa và điều trị phục hồi

Mòn sụn khớp gối là tình trạng mô sụn bị bào mòn, dẫn đến hiện tượng khớp đau nhức và giảm khả năng vận động. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy khớp gối đang trong giai đoạn thoái hóa. Nếu không điều trị kịp thời, khớp gối có thể bị tổn thương nặng và gây ra không ít biến chứng.

Mòn sụn khớp gối
Mòn sụn khớp gối là tình trạng sụn khớp bị bào mòn và tổn thương

Mòn sụn khớp gối là gì?

Mô sụn là cơ quan bao bọc các đầu xương với chức năng chính là phân tán lực, giảm ma sát và giúp khớp cử động linh hoạt, nhẹ nhàng. Tuy nhiên theo thời gian, mô sụn có thể bị bào mòn dẫn đến hiện tượng khớp đau nhức, giảm biên độ vận động và phát ra âm thanh khi đi lại. Tình trạng mô sụn ở khớp gối bị bào mòn được gọi là mòn sụn khớp gối.

Thực tế, mòn sụn khớp gối là dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa khớp gối. Nếu không khắc phục kịp thời, hình thái và cấu trúc của mô sụn có thể bị thay đổi, dẫn đến hiện tượng sụn xơ hóa, đồng thời làm biến đổi cấu trúc xương dưới sụn và gây ra tình trạng thoái hóa ổ khớp.

Mòn sụn khớp gối
Mòn sụn khớp gối là dấu hiệu ban đầu của bệnh thoái hóa khớp gối

Mòn sụn khớp gối có tiến triển tương đối chậm và hiếm khi khởi phát các triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu. Chỉ khi sụn khớp bị bào mòn đáng kể, bệnh nhân mới nhận thấy khớp đau nhức, sưng đỏ và giảm khả năng vận động đáng kể.

Nguyên nhân gây mòn sụn khớp gối

Mô sụn được cấu tạo từ 2 thành phần chính là chất căn bản (proteoglycan và collagen) chiếm hơn 90% và tế bào sụn chiếm dưới 10%. Sụn có độ đàn hồi, dẻo dai và chịu lực tốt. Đây là lý do vì sao khớp gối không bị đau nhức khi đi lại và vận động.

Tuy nhiên vì một số nguyên nhân, sụn khớp gối có thể bị bào mòn và thoái hóa. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Tuổi tác cao: Tuổi tác cao là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh xương khớp mãn tính. Khi tuổi tác tăng, cơ thể phải đối mặt với quá trình lão hóa. Quá trình này khiến cho tất cả cơ quan trong cơ thể bị suy giảm, tăng tốc độ phá hủy và giảm khả năng phục hồi, tái tạo. Chính vì vậy, nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mô sụn có thể bào mòn dần theo thời gian.
  • Lao động nặng: Mô sụn là cơ quan phân tán lực đồng đều giúp ổ khớp tránh được tình trạng đau nhức. Tuy nhiên nếu vận động ổ khớp và lao động nặng thường xuyên, sụn khớp có xu hướng tăng giải phóng các enzyme gây phá hủy các chất căn bản của sụn như collagen và proteoglycan. Do đó, nguy cơ bị mòn sụn và thoái hóa khớp gối có xu hướng tăng lên ở những người làm công việc chân tay.
  • Lối sống thiếu khoa học: Các chất căn bản trong sụn như proteoglycan và collagen được tổng hợp từ các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm. Nếu có chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ, sụn khớp có thể bị suy yếu và bào mòn dần theo thời gian.
  • Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, mòn sụn khớp gối còn có thể xảy ra do những nguyên nhân như ảnh hưởng của chấn thương khớp gối, bất thường trục khớp bẩm sinh, ảnh hưởng của các bệnh xương khớp khác.

Mòn sụn khớp gối ít khi xảy ra do một nguyên nhân cụ thể mà thường là hệ quả do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động. Vì vậy, đa phần các trường hợp mắc phải bệnh lý này đều không thể xác định được nguyên nhân chính xác.

Dấu hiệu nhận biết mòn sụn khớp gối

Như đã đề cập, mòn sụn khớp gối có tiến triển khá chậm. Vì vậy ở giai đoạn đầu, bệnh gần như không phát sinh các triệu chứng bất thường. Khi mô sụn bị bào mòn đáng kể, cơn đau và một số triệu chứng khác có thể bùng phát do các đầu xương va chạm mạnh với nhau. Tuy nhiên, triệu chứng của mòn sụn khớp không có sự khác biệt rõ rệt so với các vấn đề xương khớp khác.

Mòn sụn khớp gối
Khớp đau nhức âm ỉ và giảm khả năng vận động là các dấu hiệu nhận biết mòn sụn khớp gối

Một số dấu hiệu nhận biết mòn sụn khớp gối:

  • Khớp đau nhức âm ỉ, nhất là khi đi lại nhiều và mang vác vật nặng
  • Có cảm giác ổ khớp thiếu dịch nhờn, kém linh hoạt và thường phát ra âm thanh khi cử động
  • Cứng khớp vào sáng sớm sau khi thức dậy
  • Ở một số trường hợp, mô sụn bị bào mòn có thể bị rơi vào ổ khớp dẫn đến tình trạng ổ khớp viêm đỏ, sưng nóng và đau nhức

Trên thực tế, đa phần các trường hợp bị mòn sụn khớp gối đều không khởi phát triệu chứng điển hình. Các triệu chứng thường có mức độ nhẹ, tiến triển âm ỉ và chuyển biến nặng dần theo thời gian.

Mòn sụn khớp gối có nguy hiểm không?

Sụn khớp có vai trò quan trọng đối với chức năng của ổ khớp. Khi cơ quan này bị tổn thương, khả năng vận động, đi lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Chính vì vậy, mòn sụn khớp gối có thể gây nhiều biến chứng nếu không thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo thời gian, mô sụn có thể bị bào mòn hoàn toàn và gây ra các biến chứng sau:

  • Thoái hóa khớp
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Hình thành gai xương
  • Teo cơ, tăng nguy cơ tàn phế

Chẩn đoán mòn sụn khớp gối bằng cách nào?

Mòn sụn khớp gối không có các biểu hiện điển hình. Do đó trước khi áp dụng các biện pháp điều trị, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ để thực hiện một số chẩn đoán cần thiết.

Mòn sụn khớp gối
Chẩn đoán mòn sụn khớp gối được thực hiện thông qua X-Quang, siêu âm khớp,…

Một số kỹ thuật chẩn đoán mòn sụn khớp gối:

  • Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ khai thác tiền sử bệnh lý và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Qua đó, bác sĩ có thể khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra và chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán phù hợp với từng trường hợp.
  • X Quang: X-Quang là kỹ thuật cận lâm sàng có giá trị nhất trong chẩn đoán các bệnh xương khớp mãn tính. Qua hình ảnh từ xét nghiệm này, bác sĩ có thể nhận thấy sự biến đổi của mô xương dưới sụn và phát hiện khe khớp lớn hơn bình thường (do sụn bị bào mòn).
  • Siêu âm khớp: Siêu âm khớp có thể phát hiện một số vấn đề bất thường ở khớp như khe khớp lớn, gai xương, tràn dịch khớp và đo độ dày của sụn khớp. Ngoài chụp X-Quang, siêu âm khớp cũng là một trong những kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán mòn sụn khớp gối.
  • Một số kỹ thuật khác: Ngoài ra tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán khác như nội soi khớp, MRI (chụp cộng hưởng từ), xét nghiệm sinh hóa,… để loại trừ một số khả năng có thể xảy ra.

Cách điều trị và phục hồi mòn sụn khớp gối

Mòn sụn khớp gối là dấu hiệu ban đầu của bệnh thoái hóa khớp gối. Vì vậy ngay khi nhận được kết quả chẩn đoán, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo tồn mô sụn và phục hồi chức năng vận động. Can thiệp điều trị sớm có thể ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa các biến chứng nặng nề.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị và phục hồi mòn sụn khớp gối:

1. Sử dụng thuốc

Mòn sụn khớp gối là dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm của các chất căn bản như collagen và proteoglycan. Vì vậy để phục hồi mô sụn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc có tác dụng phục hồi sụn và ức chế các enzyme gây ra quá trình thoái hóa. Ngoài ra với những bệnh nhân bị đau nhức và sưng đỏ ổ khớp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng.

Mòn sụn khớp gối
Bệnh nhân bị mòn sụn khớp gối nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng tổng hợp và tái tạo sụn

Các loại thuốc điều trị mòn sụn khớp gối được sử dụng phổ biến:

  • Glucosamine: Glucosamine là thành phần bổ sung được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý có liên quan đến thoái hóa mô sụn. Thành phần này được chiết xuất từ vỏ hải sản, sụn bò,… với tác dụng chính là kích thích tổng hợp proteoglycan, tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể và điều hòa hoạt động sản xuất dịch nhờn. Bên cạnh đó, Glucosamine còn giúp tiêu trừ các enzyme gây hư hại mô sụn và làm chậm quá trình thoái hóa.
  • Chondroitin: Tương tự như Glucosamine, Chondroitin cũng có tác dụng quan trọng đối với sụn khớp. Thành phần này giúp giữ nước, cải thiện lượng dịch nhờn trong ổ khớp và tăng độ dẻo dai, linh hoạt của mô sụn. Bên cạnh đó, Chondroitin cũng có khả năng tăng độ liên kết giữa các tế bào sụn, từ đó giúp khớp cử động trơn tru và nhịp nhàng.
  • MSM: MSM (Methyl Sulfonyl Methane) là hợp chất lưu huỳnh hữu cơ có trong các loại thảo dược tự nhiên. Hợp chất này đã được chứng minh có tác dụng giảm viêm, cải thiện cơn đau do các bệnh xương khớp và đẩy nhanh tốc độ hồi phục của mô sụn. Hiện nay, MSM thường được bổ sung đồng thời cùng với Chondroitin và Glucosamine để tăng hiệu quả tái tạo mô sụn và ngăn ngừa thoái hóa xương khớp.
  • Collagen type 2: Collagen type 2 là một trong những thành phần quan trọng trong cấu tạo xương và sụn khớp. Thành phần này có tác dụng tăng liên kết giữa các mô giúp sụn khớp linh hoạt, bền chắc và đẩy nhanh quá trình tái tạo các tế bào sụn hư tổn. Thiếu hụt collagen type 2 là nguyên nhân gây mòn sụn khớp gối và thoái hóa khớp. Vì vậy, bệnh nhân có thể dùng các chế phẩm bổ sung collagen type 2 để cải thiện sức khỏe của mô sụn.

Hiện nay, các viên uống chứa Collagen type 2, MSM, Chondroitin và Glucosamine được xếp vào nhóm thực phẩm chức năng, không phải là thuốc. Tuy nhiên, hiệu quả tái tạo và phục hồi mô sụn của các thành phần này đã được chứng minh lâm sàng. Vì vậy, bệnh nhân hoàn toàn có thể sử dụng để cải thiện tình trạng thoái hóa và mòn sụn khớp.

Trong trường hợp khớp đau nhức và sưng đỏ, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc như:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol, Opioids (thuốc giảm đau gây nghiện),…
  • Thuốc chống viêm: NSAID (thuốc chống viêm không steroid), corticosteroid (hiếm khi được sử dụng),…
  • Có thể tiêm acid hyaluronic để giảm ma sát lên ổ khớp, từ đó giảm thiểu áp lực lên mô sụn và giúp sụn khớp có thời gian để phục hồi, tái tạo

Các loại thuốc điều trị triệu chứng thường chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn. Lạm dụng các loại thuốc này quá mức có thể gây tổn thương gan, thận và làm phát sinh nhiều rủi ro, tác dụng không mong muốn. Hơn nữa, thuốc chỉ giúp kiểm soát cơn đau, giảm viêm nhưng hoàn toàn không hỗ trợ phục hồi hay tái tạo sụn khớp.

2. Tập vật lý trị liệu

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân nên thực hiện đồng thời với vật lý trị liệu. Phương pháp này giúp phục hồi chức năng, tăng tốc độ hồi phục mô sụn và giảm nhẹ các triệu chứng do mòn sụn khớp gối gây ra. Kết hợp vật lý trị liệu cùng với sử dụng thuốc có thể tăng hiệu quả điều trị, đẩy nhanh tiến độ phục hồi mô sụn và kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng lâm sàng.

Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân bị mòn sụn khớp gối:

  • Liệu pháp nhiệt
  • Sử dụng sóng âm
  • Dùng tia hồng ngoại
  • Tập vật lý trị liệu

Ngoài ra trong quá trình tập vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số động tác giúp giảm thiểu áp lực lên khớp gối trong quá trình đi lại, sinh hoạt, lao động,… Điều này cũng góp phần không nhỏ trong quá trình phục hồi và điều trị mòn sụn khớp gối.

3. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Mòn sụn khớp gối có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng. Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học giúp bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu để tổng hợp các chất căn bản của sụn khớp như collagen và proteglycan. Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong một số loại thực phẩm còn giúp tiêu trừ gốc tự do, giảm viêm và hạn chế hoạt động phóng thích enzyme gây hủy hoại mô sụn.

Mòn sụn khớp gối
Thay đổi chế độ dinh dưỡng có tác động tích cực đến tiến triển của bệnh mòn sụn khớp gối

Chế độ dinh dưỡng cho người bị mòn sụn khớp gối:

  • Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Glucosamine và Chondroitin tự nhiên như thịt bò, thịt gà, thịt heo – đặc biệt sụn và xương heo, các loại cá, hạnh nhân, một số loại đậu,… Các loại thực phẩm này giúp tăng tổng hợp các chất căn bản của mô sụn và ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa sụn khớp.
  • Thêm các loại thực phẩm giàu canxi vào chế độ dinh dưỡng như các loại đậu, cá, sữa, các loại rau có màu xanh lá đậm,… Canxi giúp xương chắc khỏe, từ đó làm giảm áp lực lên sụn khớp và giúp các tế bào sụn có thời gian phục hồi, tái tạo.
  • Omega 3 là loại axit béo không no tốt cho xương khớp – đặc biệt là mô sụn. Ngoài ra, thành phần này còn giúp ức chế tổng hợp prostaglandin (chất trung gian trong phản ứng gây viêm). Do đó, bệnh nhân bị mòn sụn khớp gối nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega 3 như cá hồi, các loại ngũ cốc, rau màu xanh lá đậm,…
  • Protein là thành phần quan trọng để tổng hợp collagen type 2. Vì vậy, người bị mòn sụn khớp gối nên tăng cường bổ sung một số loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cân đối như nước hầm xương, thịt heo, thịt gà, đậu nành, bông cải xanh,…

Ngoài các loại thực phẩm trên, bệnh nhân cũng nên bổ sung thêm một số nhóm thực phẩm lành mạnh như nước, thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa hoặc ăn uống quá mức.

4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp ít được áp dụng trong điều trị mòn sụn khớp gối. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy máu của bệnh nhân thông qua đường tĩnh mạch. Sau đó, tiến hành quay ly tâm để chiết tách lấy tiểu cầu ra khỏi hồng cầu, bạch cầu và một số thành phần khác.

Tiểu cầu được tiêm trực tiếp vào ổ khớp bị mòn sụn và thoái hóa. Các tế bào này có khả năng đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tái tạo và giúp sụn khớp đàn hồi, dẻo dai hơn. Ngoài ra, tiểu cầu còn có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa và cải thiện các cơ quan tổn thương trong khớp gối.

Phương pháp này thích hợp với những trường hợp mòn sụn khớp gối không có tiến triển khi thay đổi chế độ ăn, tập vật lý trị liệu và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có chi phí khá cao và đòi hỏi phải thực hiện nhiều lần nên ít khi được áp dụng.

Phòng ngừa mòn sụn khớp gối bằng cách nào?

Mòn sụn khớp gối là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi. Đây thực chất là dấu hiệu ban đầu của thoái hóa khớp gối. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và lao động.

Mòn sụn khớp gối
Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa mòn sụn khớp gối và một số vấn đề xương khớp khác

Để bảo tồn chức năng vận động và mô sụn khớp gối, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tránh tuyệt đối các hoạt động gây tổn thương khớp gối như đi lại quá nhiều, đứng quá lâu, mang vác vật nặng,… Trong trường hợp lao động tay chân, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ khi mang vác để giảm áp lực lên mô sụn khớp gối.
  • Người trung niên và người cao tuổi nên dành 3 – 4 buổi/ tuần để tập các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội,… Vận động nhẹ nhàng giúp sụn khớp dẻo dai, duy trì được độ đàn hồi và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa.
  • Điều chỉnh các thói quen ăn uống thiếu khoa học như dùng nhiều thức ăn nhanh, chứa nhiều gia vị, chất bảo quản, sử dụng rượu bia,… Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh để cải thiện hệ thống xương khớp nói chung và sụn khớp nói riêng.
  • Người từ 50 tuổi trở lên có thể dùng các loại TPCN bổ xương khớp để phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính. Tuy nhiên nếu có các bệnh lý nội khoa (tiểu đường, rối loạn đông máu, cao huyết áp,…), nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân – béo phì. Bởi cân nặng vượt mức có thể làm tăng áp lực lên khớp gối và khiến mô sụn bị bào mòn dần theo thời gian.
  • Người từ 55 tuổi trở lên nên kiểm tra sức khỏe tổng quát và sức khỏe xương khớp 6 tháng/ lần. Việc thăm khám định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu mòn sụn khớp gối và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời.

Mòn sụn khớp gối là dấu hiệu ban đầu của thoái hóa khớp gối. Nếu không khắc phục kịp thời, sụn khớp có thể bị bào mòn, dẫn đến hình thành gai xương và giảm khả năng vận động. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định để kiểm soát tiến triển và phòng ngừa các biến chứng nặng nề.

Cùng chuyên mục

Hẹp khe khớp gối là gì? Nguy hiểm không? Cách nhận biết

Hẹp khe khớp gối là một dạng tổn thương thực thể của bệnh thoái hóa khớp gối, đặc trưng bởi sự thu hẹp của khoảng cách giữa 2 đầu xương....

thoái hóa khớp thái dương hàm

Thoái hóa khớp thái dương hàm là gì? Cách nhận biết

Thoái hóa khớp thái dương hàm được đặc trưng bởi các triệu chứng như đau nhức ở thái dương hàm, khi há hay ngậm miệng đều nghe thấy lục.. Bệnh...

Chế độ ăn cho người thoái hoá khớp

Chế độ ăn cho người thoái hóa khớp giúp phòng bệnh hiệu quả

Chế độ ăn cho người thoái hóa khớp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện và phòng tránh bệnh tái phát sau điều trị. Kết hợp...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn