Đau dạ dày có nên uống cafe? Lời khuyên từ bác sĩ
NỘI DUNG BÀI VIẾT
“Đau dạ dày có nên uống cafe không?” là thắc mắc chung của nhiều người bệnh đau dạ dày, đặc biệt là những tín đồ trung thành của thức uống này. Mời bạn theo dõi lời giải đáp của các chuyên gia trong bài viết dưới đây.
Giải đáp: Đau dạ dày có nên uống cafe không?
Cafe là một trong những thức uống nổi tiếng và được ưa chuộng nhất thế giới. Nhiều người thích uống cafe vào buổi sáng để tinh thần thêm tỉnh táo, phấn chấn cho một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích tuyệt vời như tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa đột quỵ và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, tiểu đường… cafe còn chứa các kích thích gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của những người bị đau dạ dày. Nếu dùng cafe thường xuyên, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với hàng loạt biến chứng nguy hiểm.
Để giải đáp câu hỏi “Đau dạ dày có nên uống cafe không?”, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này một cách chuyên sâu và bài bản. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị đắng của cà phê có thể kích thích quá trình sản xuất axit trong dạ dày. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh bị ợ nóng, buồn nôn, khó tiêu, trào ngược axit… sau khi uống cafe. Do đó, câu trả lời của thắc mắc này là người bị đau dạ dày không nên uống cafe.
Tại sao uống cafe lại gây đau dạ dày?
Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời không thể chối cãi, cafe tạo ra hàng loạt phiền toái cho chúng ta về mặt sức khỏe. Đối với những người bị đau dạ dày và các bệnh lý liên quan, việc dùng nhiều cafe sẽ dẫn đến những hậu quả sau:
1. Tăng lượng axit trong dạ dày
Cafe chứa nhiều axit, dầu và một số hợp chất khác, trong đó có Caffeine. Chất này có thể kích thích lớp niêm mạc, khiến dạ dày sản sinh một lượng lớn axit clohydric (HCl). Đặc biệt, nếu uống cafe vào buổi sáng, khi đang đói bụng, bạn sẽ bị đau bụng, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi, đau nhói ở bụng…
Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, người bệnh sẽ bị viêm loét, tổn thương tại dạ dày. Theo thời gian, những vết loét ấy sẽ trở nên nghiêm trọng và khó trị hơn rất nhiều, gây ra các bệnh lý sau: viêm dạ dày, viêm đại tràng co thắt, bệnh Crohn, thậm chí là xuất huyết, ung thư dạ dày.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, cơ thể con người có thể tự động điều chỉnh lượng axit trong dạ dày vào từng thời điểm khác nhau sao cho phù hợp. Tuy nhiên, ở những người bị đau dạ dày, khả năng này bị giới hạn rõ rệt khi uống cafe.
2. Đầy hơi
Khi dạ dày không tiết đủ axit, cơ thể sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi vào đến ruột non, thức ăn chưa được tiêu hóa xong sẽ tạo điều kiện để hại khuẩn đường ruột sinh sôi và phát triển (tiết ra khí ga gây đầy hơi). Đây chính là lý do bệnh nhân cảm thấy đầy bụng, khó tiêu và đau thắt dạ dày sau khi uống cafe.
3. Ợ nóng, trào ngược dạ dày
Bằng cách làm giãn cơ vòng thực quản dưới (cơ này có tác dụng đóng kín nhằm đảm bảo thức ăn và axit trong dạ dày không trào ngược vào thực quản), cafe có thể dẫn đến hiện tượng ợ nóng và trào ngược dạ dày.
4. Rối loạn tiêu hóa
Cafe làm suy giảm khả năng hấp thụ khoáng chất (kẽm, canxi, magie…) của thận. Đó là các chất khoáng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hóa thức ăn, duy trì sức đề kháng. Sự thiếu hụt các thành phần này khiến những bệnh lý đường tiêu hóa càng thêm nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh đau dạ dày sẽ bị rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng…
5. Mất nước, đi tiểu nhiều
Khi vào bên trong cơ thể, caffeine hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu. Việc uống nhiều cafe có thể tăng nhanh dịch lỏng chảy qua thận, gây mất nước, mất khoáng chất cùng các dưỡng chất quan trọng khác thông qua việc đi tiểu nhiều lần.
Bạn có biết, tình trạng mất nước sẽ khiến chúng ta tăng cân theo vòng tuần hoàn. Khi bị mất nước, cơ thể cần bổ sung rất nhiều nước. Tuy nhiên, bộ não lại nhầm lẫn và cho đó là dấu hiệu của cảm giác đói. Điều này khiến chúng ta ăn nhiều hơn (thay vì uống nước), do đó tăng cân nhanh chóng. Ngoài ra, khi dùng nhiều cafe, bạn còn phải đối diện với nguy cơ táo bón cao (do mất quá nhiều nước).
6. Thiếu máu dạ dày
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hợp chất Tanin (một dạng Polyphenol) trong cafe có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt của cơ thể. Theo thời gian, hiện tượng thiếu sắt (thiếu máu) thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nội tạng, trong đó có dạ dày.
7. Làm thủng dạ dày
Bên cạnh tác dụng kích thích bộ não và hệ thần kinh trung ương, giúp chúng ta trở nên tỉnh táo, năng động hơn, Caffeine còn đẩy mạnh sự tiết dịch vị tại dạ dày. Việc sử dụng kết hợp cafe và sữa làm tổn thương ở niêm mạc dạ dày càng thêm trầm trọng. Về lâu dài, tác nhân này sẽ khiến người bệnh bị co thắt cơ bụng, thậm chí thủng dạ dày.
8. Gia tăng căng thẳng (mất ngủ, lo lắng, rối loạn nhịp tim)
Việc uống cafe có thể làm gia tăng các hormone làm căng thẳng thần kinh như Norepinephrine, Cortisol, Epinephrine (Adrenaline), dẫn đến hiện tượng hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh, huyết áp tăng đồng thời kích thích các phản ứng phòng vệ. Thêm vào đó, sự gia tăng của các hormone này còn ức chế quá trình cung cấp máu cho dạ dày. Đây có thể là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.
Làm sao để uống cafe mà không bị đau dạ dày?
Nếu không thể cưỡng lại sức hấp dẫn không thể chối từ của ly cafe ấm nóng, người bị đau dạ dày cần cố gắng dùng càng ít cafe càng tốt đồng thời tuân theo một số hướng dẫn sau đây:
- Uống từng ngụm cafe một cách chậm rãi giúp dạ dày cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn
- Tuyệt đối không dùng cafe khi đang đói bụng
- Nên uống cafe trong lúc ăn trưa vì điều này giúp làm giảm mức độ hấp thụ caffeine của cơ thể
- Chọn hạt cafe tối màu vì chúng (được rang lâu hơn, ở nhiệt độ cao hơn) có tính axit thấp hơn.
- Dùng cafe lạnh: Một số nghiên cứu phát hiện rằng cafe lạnh mang tính axit thấp hơn cafe nóng.
- Chỉ tiêu thụ cafe chất lượng (không trộn thêm ngô hoặc đậu nành rang cháy) và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
- Nếu thích uống cafe sữa nhưng cơ thể không dung nạp được đường lactose thì bạn có thể chuyển sang uống cafe với sữa đậu nành hoặc hạnh nhân.
Như vậy, trong quá trình chữa bệnh đau dạ dày hoặc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, người bệnh cần hạn chế tối đa việc uống cafe. Tuy nhiên, nếu không thể hoàn toàn chấm dứt thói quen này, bạn nên dùng thức uống này theo các lưu ý phía trên với liều lượng hợp lý. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!