Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này có tác dụng tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại chỗ, làm chậm quá trình thoái hóa và giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng. Cấy chỉ được chỉ định trong trường hợp bệnh có mức độ nhẹ và chưa xảy ra hiện tượng chèn ép rễ thần kinh.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ là phương pháp gì?
Cấy chỉ (nhu châm, vùi chỉ, chôn chỉ,…) là phương pháp sử dụng kim châm chuyên dụng đưa chỉ tự tiêu (chỉ catgut) vào bên trong huyệt vị. Chỉ catgut có thể tồn tại từ 14 – 20 ngày, sau đó tự tiêu biến mà không cần phải phẫu thuật loại bỏ.
Phương pháp này được cải tiến từ kỹ thuật châm cứu truyền thống. Châm cứu chỉ tác động lên huyệt vị trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, cấy chỉ kích thích cơ học lên huyệt đạo trong thời gian tương đối dài. Chính vì vậy hiện nay, phương pháp này được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý thường gặp.
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm được thực hiện nhằm giảm đau, tăng chuyển hóa dinh dưỡng ở đĩa đệm bị tổn thương và thúc đẩy tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, phương pháp này còn hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa thoái hóa dây thần kinh và chống teo cơ.
Thực chất, cấy chỉ là một trong những phương pháp vật lý trị liệu được ứng dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm bên cạnh xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu. So với các kỹ thuật truyền thống, cấy chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt và lâu dài hơn.
Chỉ định – Chống chỉ định
Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ catgut vào huyệt vị nhằm tạo ra kích thích cơ học trong 14 – 20 ngày. Tác động từ phương pháp này giúp tăng chuyển hóa dinh dưỡng ở cột sống, thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm các triệu chứng lâm sàng và làm chậm quá trình thoái hóa.
Tuy nhiên, cấy chỉ chỉ được áp dụng trong trường hợp thoát vị đĩa đệm có đáp ứng với điều trị nội khoa. Cụ thể là những trường hợp sau:
- Thoát vị đĩa đệm gây ra cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình
- Thoát vị đĩa đệm chưa phát sinh các triệu chứng chèn ép lên rễ thần kinh
- Thoát vị đĩa đệm giai đoạn phồng lồi, chưa xảy ra thoát vị thực thụ hay thoát vị có mảnh rời
- Hoặc bất cứ trường hợp nào có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Cấy chỉ là phương pháp điều trị nội khoa với tác động khá hạn chế. Do đó, phương pháp này không được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Người có huyết áp không ổn định hoặc huyết áp cao chưa được kiểm soát
- Người đang bị viêm nhiễm
- Phụ nữ mang thai
- Người có tiền sử dị ứng với chỉ catgut (chỉ tự tiêu)
- Bệnh nhân tiểu đường có nồng độ đường huyết cao hơn 140mg/dl hoặc người có chỉ số đường huyết cao nhưng chưa được kiểm soát
- Thoát vị đĩa đệm nặng và đã phát sinh biến chứng
- Trường hợp thoát vị đĩa đệm có chỉ định điều trị ngoại khoa cũng không được thực hiện cấy chỉ
Tương tự như châm cứu, cấy chỉ cho hiệu quả chậm hơn so với sử dụng thuốc. Chính vì vậy ở giai đoạn cấp, bệnh nhân nên dùng thuốc để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm. Sau đó, có thể can thiệp cấy chỉ và một số phương pháp vật lý trị liệu để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
Quy trình cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị nội khoa khá đơn giản. Phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp, thực hiện khá nhanh chóng và không mất nhiều thời gian nghỉ dưỡng như các phương pháp ngoại khoa. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro phát sinh, bệnh nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
1. Giai đoạn chuẩn bị trước khi cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp tác động trực tiếp vào kinh mạch và các huyệt đạo có mối liên hệ mật thiết với cơ quan bị tổn thương. Do đó trước khi thực hiện, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phác đồ cấy chỉ phù hợp. Thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ khác nhau tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị và các triệu chứng đi kèm.
Ngoài ra trước khi tiến hành cấy chỉ, bệnh nhân cần chú ý một số vấn đề sau:
- Trước khi cấy chỉ, cần tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá và một số loại thuốc điều trị (nếu có yêu cầu từ bác sĩ).
- Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái và lạc quan. Bởi tình trạng căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng khi can thiệp phương pháp này.
- Tắm rửa sạch và hạn chế các hoạt động nặng trong ít nhất 5 giờ trước khi cấy chỉ. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên mặc trang phục rộng rãi để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn.
- Cấy chỉ có thể gây choáng đầu và hạ huyết áp nhẹ. Vì vậy, bệnh nhân nên nhờ người nhà đi cùng để hạn chế rủi ro khi di chuyển.
- Trước khi cấy chỉ không được để bụng quá đói hoặc quá no.
2. Các bước cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm
Như đã đề cập, phác đồ chữa thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ được cá thể hóa tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị, tình trạng sức khỏe và một số triệu chứng đi kèm. Do đó, bài viết chỉ đề cập đến những huyệt vị cơ bản và thông dụng nhất.
Cách cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm:
- Cần sát trùng các huyệt vị trước khi cấy chỉ và dùng săng có lỗ phủ lên từng huyệt vị
- Cắt chỉ tự tiêu thành từng đoạn dài 1 – 2cm
- Đưa chỉ vào kim châm chuyên dụng, đẩy kim vào huyệt vị đã được xác định và tiến hành cấy chỉ vào huyệt vị
- Rút kim và dùng băng cá nhân cố định huyệt để tránh chảy máu
Các huyệt vị được ứng dụng trong phương pháp cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm:
- Các huyệt vị được sử dụng thông dụng nhất là huyệt Đại trường du, Thận du, Giáp tích L5-S1, Giáp tích L4-5 để giảm đau, tăng khả năng phục hồi đĩa đệm tổn thương và cải thiện chức năng vận động.
- Trường hợp xuất hiện các triệu chứng ở mặt trước chân, nên gia thêm huyệt Phong thị, Hoàn khiêu, Quang minh, Tuyệt cốt, Dương lăng tuyền,…
- Nếu xuất hiện triệu chứng ở mặt sau đùi và cẳng chân, nên cấy chỉ vào huyệt Ân môn, Trật biên, Thừa sơn, Thừa phù, Côn lôn,…
*Thông tin mang tính chất tham khảo.
3. Chăm sóc sau khi cấy chỉ
Mặc dù có mức độ xâm lấn thấp nhưng cấy chỉ là phương pháp tác động trực tiếp đến huyệt vị. Chính vì vậy sau khi thực hiện, bệnh nhân cần phải tuân thủ một số biện pháp chăm sóc để tăng tốc độ hồi phục và hạn chế rủi ro, biến chứng phát sinh.
Cách chăm sóc sau khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp cấy chỉ:
- Cần ở lại phòng khám/ bệnh viện trong 20 – 30 phút để được theo dõi mạch, tình trạng sức khỏe trước khi trở về nhà. Vì một số bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp đột ngột sau khi cấy chỉ và cần phải điều trị y tế.
- Tránh tắm rửa và tiếp xúc với gió trong ít nhất 4 – 6 giờ đồng hồ. Sau đó, có thể sinh hoạt và làm việc như bình thường. Tuy nhiên, cần hạn chế các hoạt động nặng gây đổ mồ hôi và mất sức.
- Không dùng rượu bia, chất kích thích và thuốc lá trong ít nhất 24 giờ.
- Ngoài ra, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng, kích động quá mức.
- Huyệt vị có thể rỉ máu nhẹ sau khi cấy chỉ. Vì vậy, bệnh nhân nên mặc trang phục rộng rãi và thoải mái để tránh ma sát lên da.
- Không sử dụng các loại thực phẩm có tính hàn, tanh như ốc, cua, ghẹ, cá, tôm, các món ăn từ gạo nếp,…
- Cần kết hợp với lối sống khoa học và nên chủ động thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để cải thiện chức năng vận động, thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng hiệu quả của phương pháp cấy chỉ.
- Chú ý các biểu hiện của cơ thể và thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm an toàn không?
Cấy chỉ là phương pháp nội khoa sử dụng chỉ catgut đưa vào huyệt vị nhằm tạo ra tác động cơ học trong 14 – 20 ngày. Phương pháp này được các chuyên gia đánh giá mang lại hiệu quả lâu dài hơn so với bấm huyệt và không gây tổn thương cơ quan nội tạng như sử dụng thuốc.
Tuy nhiên trên thực tế, bất cứ phương pháp điều trị nào cũng tiềm ẩn rủi ro và biến chứng. Do đó, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Vựng châm: Vựng châm là biến chứng có thể xảy ra khi cấy chỉ và châm cứu. Tình trạng này thực chất là hiện tượng hạ huyết áp đột ngột sau khi tác động vào các huyệt vị nhạy cảm. Vựng châm gây ra các triệu chứng như hạ áp, mạch nhanh, đổ mồ hôi, mặt tái, chóng mặt,… Biến chứng này thường xảy ra do bệnh nhân quá đói hoặc quá no, tâm lý bất ổn và cơ thể suy nhược.
- Chảy máu: Vì có xâm lấn mô nên cấy chỉ có thể gây chảy máu. Thông thường, tình trạng này có thể giảm nhanh sau khoảng vài phút. Tuy nhiên với những người bị rối loạn đông máu, huyệt vị có thể rỉ máu trong thời gian dài. Để hạn chế rủi ro, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng trước khi thực hiện cấy chỉ.
- Viêm nhiễm: Viêm nhiễm hiếm khi xảy ra khi thực hiện phương pháp cấy chỉ. Tuy nhiên nếu thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo vô trùng dụng cụ, huyệt vị có thể bị viêm nhiễm dẫn đến ứ mủ và đau nhức. Ngoài ra, hiện tượng viêm nhiễm cũng có thể xảy ra do bệnh nhân không chăm sóc đúng cách và thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm gây viêm, ứ mủ.
- Dị ứng chỉ tự tiêu: Mặc dù không quá phổ biến nhưng đã có nhiều trường hợp bị dị ứng chỉ catgut khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Những trường hợp dị ứng chỉ tự tiêu không nên cấy chỉ lần 2. Phản ứng dị ứng ở những lần kế tiếp thường có mức độ nặng hơn so với lần đầu tiên.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ có tốt không?
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị bảo tồn được thực hiện khá phổ biến. Phương pháp này có tác dụng tăng chuyển hóa dinh dưỡng, làm chậm quá trình thoái hóa và cải thiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh. So với châm cứu, cấy chỉ tạo ra kích thích cơ học trong thời gian dài (khoảng 14 – 20 ngày). Do đó, bệnh nhân không mất quá nhiều thời gian châm cứu hằng ngày và có thể giảm thiểu được chi phí điều trị.
Ngoài tác động cơ học, chỉ catgut cũng có vai trò trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Theo các chuyên gia, chỉ tự tiêu có khả năng kích thích chuyển hóa dinh dưỡng tại chỗ, từ đó giúp phục hồi tổn thương ở đĩa đệm và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
Bên cạnh đó, chỉ catgut còn đóng vai trò là “dị nguyên” nhằm kích thích phản ứng miễn dịch không đặc hiệu. Các tế bào miễn dịch cũng có khả năng cải thiện độ đàn hồi của đĩa đệm và tiêu trừ các gốc tự do, enzyme gây thoái hóa hệ thống xương khớp.
Mặc dù có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nhưng phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Chính vì vậy, cấy chỉ thường chỉ được thực hiện trong giai đoạn phồng, lồi đĩa đệm và chưa phát sinh các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh mãn tính và gần như không thể điều trị hoàn toàn. Do đó, cấy chỉ chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh. Để kiểm soát bệnh lý này hoàn toàn, bệnh nhân nên kết hợp với các phương pháp y tế khác cùng với lối sống khoa học và lành mạnh.
Cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm có giá bao nhiêu?
Chi phí điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cấy chỉ có giá khoảng vài trăm đến vài triệu đồng/ lần cấy. Chi phí thực tế phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, số lượng huyệt vị cần cấy chỉ, cơ sở thực hiện và một số vấn đề khác. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần cấy chỉ tại các bệnh viện công lập. Tránh thực hiện tại các phòng khám tư không có đủ máy móc, thiết bị và đội ngũ bác sĩ không có chuyên môn, tay nghề kém.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin về phương pháp cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa các rủi ro, biến chứng phát sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!