Body shaming gây tổn thương tâm lý – Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Body shaming dù liên tục bị lên án, tẩy chay nhưng vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, để lại nhiều tổn thương tâm lý sâu sắc cho người bị miệt thị ngoại hình. Hãy cùng lắng nghe chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ về body shaming dưới góc nhìn tâm lý trị liệu.
Body shaming – ranh giới mong manh giữa đùa vui và chế nhạo
Trong quá trình đồng hành với hàng ngàn khách hàng tại Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, chuyên gia Hải Yến nhận thấy rằng body shaming là một nguyên nhân phổ biến gây nên tổn thương tâm lý.
Theo chuyên gia, đây là hiện tượng mà một ai đó đưa một yếu tố về mặt cơ thể của một người khác để trở thành một chủ đề bàn tán, thậm chí là một chủ đề gây cười, một chủ đề trào phúng trong câu chuyện của họ, có thể là câu chuyện 1 – 1, câu chuyện một nhóm nhỏ hoặc cũng có thể là một câu chuyện trước rất nhiều người.
Ngoài đời thường, nó diễn ra rất phổ biến ở nhiều nơi như gia đình, trường học, nơi làm việc. Thậm chí nhiều hoạt động ngoại khóa, chương trình cộng đồng được tổ chức bài bản với chủ đích tuyên truyền và nghiêm túc cũng có lúc mắc phải lỗi giao tiếp này.
Còn trên các kênh truyền thông, body shaming cũng không quá xa lạ khi khi khuôn mặt, vóc dáng, kiểu trang điểm… của ai đó trở thành đề tài để thu hút hàng triệu lượt tương tác. Không ít ngôi sao hàng đầu khi tham gia các chương trình truyền hình phát sóng cho hàng triệu khán giả nhưng vẫn nói “hớ” như MC Trấn Thành, diễn viên Trường Giang.
Có thể mục đích của họ khi thực hiện body shaming chỉ là tạo ra một không khí thoải mái hơn, vui vẻ, một sự giao lưu kết nối nào đó nó gần hơn, nhưng cái cách họ vận dụng chưa tốt đã khiến cho nó có những hệ lụy chưa được tích cực.
Chúng ta đều rất hoan hỉ khi được quan tâm, hỏi han nhưng khi ngoại hình của mình bị mọi người đưa ra cho hàng nghìn người bàn tán thì đùa vui chẳng mấy chốc sẽ biến tướng thành chế nhạo!
Theo chuyên gia Hải Yến, tùy thuộc vào chiều sâu tâm lý, thế giới nội tâm của đối tượng nghe và đang trải nghiệm qua điều đó mà có thể không bị tổn thương hoặc bị tổn thương tâm lý ở những mức độ khác nhau.
Chẳng hạn như trường hợp của MC Trấn Thành và ca sĩ Đức Phúc. Nếu nam ca sĩ có một bản lĩnh hoặc thế giới nội tâm vững vàng, chấp nhận cơ thể đó của mình, hoàn toàn thoải mái và hoan hỉ với những câu trêu đùa của Trấn Thành thì không sao cả. Tuy nhiên, nếu như body shaming nhắc tới một đặc điểm mà bản thân họ cũng tự thấy chưa hài lòng thì sẽ khiến trong lòng họ không thấy thoải mái, cuộc giao tiếp rơi vào trạng thái gượng gạo, không vui vẻ. Ngoài mặc họ vẫn cười nhưng trong lòng có thể đang nén xuống những cảm xúc không tích cực. Bởi vậy, ranh giới giữa tổn thương và không tổn thương rất mong manh.
Body shaming để lại hậu quả gì dưới góc nhìn tâm lý trị liệu?
Chuyên gia Hải Yến chia sẻ rằng “Nếu như bạn có một món quà, có rất nhiều khi cách trao đi còn quan trọng hơn cả giá trị món quà”. Vì vậy trong từng bối cảnh và trường hợp với sự khác biệt về ngôn ngữ, cách diễn đạt, thái độ cảm xúc khi bạn nói đến một đặc điểm của một người nào đó cũng sẽ đưa ra những phản ứng khác nhau của người tiếp nhận. Cho nên sẽ không có công thức chung về sự ảnh hưởng của tâm lý với đối tượng bị body shaming.
Body shaming có thể tạo ra sự hài hước, tích cực khi giao tiếp trong chương trình. Chính vì vậy nhiều người khi dùng body shaming một cách đủ tế nhị thì sẽ tạo nên sự kết nối tốt hơn và giải tỏa bầu không khí căng thẳng. Điều đó đòi hỏi sự khéo léo của người sử dụng body shaming. Nhưng đại đa số trường hợp mà chuyên gia Hải Yến đã biết tới, đặc biệt là thông qua các khách hàng đến với Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam thì hầu như mọi người đều có sự tổn thương khi mình là đối tượng mà người khác sử dụng body shaming.
Nếu như người nào đó một lần bị nói tới nhược điểm của mình, họ sẽ thấy tổn thương nhỏ, giống như một giọt nước nhỏ vào chiếc bát. Nhưng nếu như nhiều người nói hoặc một người nói rất nhiều lần thì nước trong bát sẽ dần dần đầy lên. Và cho đến khi giọt nước tràn ly thì có rất nhiều chuyện chúng ta không thể cứu vãn được nữa vì người ta quyết định buông xuôi, từ bỏ cuộc sống.
Đặc biệt những người làm nghệ thuật cống hiến cho công chúng rất nhiều niềm vui, phút giây thư giãn nhưng họ đa phần hoạt động não bên phải – não của sự sáng tạo, cảm xúc nên có tâm hồn có phần nhạy cảm hơn. Nên sự tổn thương có thể lớn hơn người bình thường.
Trong thực tế chúng ta đã thấy không ít tin tức về các nghệ sĩ lựa chọn những cách tiêu cực để trút ra những căng thẳng bên trong. Thậm chí nhiều người đã bỏ lại mạng sống và cả tương lai của mình ở phía trước khi còn rất trẻ. Tất cả những điều đó được gom góp từ những giọt nước nhỏ mang tên body shaming.
Qua những nghiên cứu và trị liệu thực tế, đứng ở khía cạnh của người làm nghề và với tất cả trái tim của mình chuyên gia Hải Yến kêu gọi mọi người hãy dừng lại những hành động làm cho tổn thương người khác. Chúng ta hãy dừng lại việc trò chuyện về điểm yếu về ngoại hình của ai đó.
Hài hòa trong giao tiếp là nền tảng xây dựng những mối quan hệ hoàn hảo
Vì những trải nghiệm trong quá khứ, những sự kiện ta trải qua, ta được giáo dục và nuôi dưỡng khiến cho mỗi người có một hệ niềm tin, tư duy, những quan điểm cá nhân mình. Vậy nên theo chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến sẽ không đúng, không sai nếu như có quan điểm cho rằng đây chỉ là cách gây cười hài hước nhằm tạo nên những trào phúng cho nơi họ đang ở, sự kiện họ đang góp phần ở trong đó.
Tuy nhiên chúng ta là những người sống trong tập thể và body shaming có chủ thể, đối tượng. Nếu chúng ta tập trung vào đặc điểm gì đó trên cơ thể của họ, khiến đa số những người khác cảm thấy vui, cười mà quên chính đối tượng đó thì có thể làm nhiều người cười nhưng một người đau cũng là không nên. Chúng ta phải nghĩ đến những hệ lụy, chịu trách nhiệm với tất cả những hành vi, lời nói của mình.
Do đó, sự phù hợp và chừng mực là điều cần thiết khi chúng ta giao tiếp ở bất kỳ nơi nào, với ai.
Chính vì vậy chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn, chúng ta nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Nếu chúng ta đang muốn nói về một điều gì đó mà chưa phải là sở trường, điểm mạnh của người khác vậy thì hãy dụng tâm của mình để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, xem xem cách mà mình muốn đưa thông tin, chia sẻ, kết nối có phù hợp với chính đối tượng mình tập trung không. Rồi sau đó bạn hãy tìm ra cách nào đó để mình có thể kết nối mà tất cả mọi người ở đó cùng thấy vui vẻ.
Bạn tưởng tượng rằng nếu mình miệt thị ngoại hình người nào đó thì những người xung quanh đấy có thể cười. Song khi về nhà họ nghĩ lại sẽ cho rằng biết đâu một thời điểm nào khác mình lại chính là đối tượng của body shaming. Điều ấy khiến họ thấy ngại gặp bạn, không muốn đến các hoạt động có bạn tham gia. Và trong một xã hội cởi mở, kết nối đa chiều thị điều đó về lâu dài, tổng thể các mối quan hệ liệu có tốt hay không?
Quan điểm thì không có đúng sai. Bạn có hành vi như thế có thể do chưa từng bị tổn thương bởi body shaming hoặc chứng kiến cảm xúc tiêu cực của người bị miệt thị ngoại hình. Nhưng nhớ rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và hãy lắng nghe, nhìn nhận theo góc độ khác để chúng ta có đủ sự tỉnh táo khi giao tiếp.
Trên quan điểm của người làm nghề về tâm lý thì chuyên gia Hải Yến rất mong chúng ta có thể cộng hưởng, hỗ trợ để giúp các nghệ sĩ tài năng tập trung vào công việc của họ và giúp họ có thể tự tin tỏa sáng, thoải mái tỏa sáng hơn trên tất cả các sân khấu.
Tại NHC Việt Nam, các chuyên gia tâm lý trị liệu vẫn thường chia sẻ với khách hàng rằng: “Cái gì tập trung thì mở rộng, cái gì vận động thì phát triển”. Vì vậy nếu mình tập trung vào những điều tích cực, vào tài năng của họ thì sẽ làm cho những điều đó càng nở rộ, sự cống hiến của họ càng tuyệt vời hơn. Còn nếu như mình tập trung tới những khiếm khuyết của họ thì có thể khiến vấn đề tâm lý của họ trở nên lớn hơn.
Và hơn hết, bản thân chúng ta cần chấp nhận và yêu thương bản thân như chính mình là, xây dựng được sức mạnh nội tại vững vàng. “Nobody is perfect – Không ai hoàn hảo” nhưng bạn là phiên bản duy nhất và luôn đẹp theo cách của riêng mình.
Trích dẫn – “Không phải chỉ khi làm tốt những điều thế gian đòi hỏi bạn mới là người có giá trị, mà chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi.” – Sách “Yêu những điều không hoàn hảo” – Hae Min.
Với những chia sẻ trên, chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến mong rằng mọi người hãy cẩn trọng hơn trong những ngôn từ và giao tiếp để tạo ra những niềm vui, không khí sôi nổi, phá đi những tảng băng trong giao tiếp mà không cần phải đến việc nhắm vào hoặc đưa ra một điểm nào đó trên cơ thể của ai đó mà đó chưa phải điểm mạnh, khiến cho họ tự hào.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!