Bệnh trầm cảm là gì? Dấu hiệu và hướng điều trị hiệu quả
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Ước tính, khoảng 3 triệu người Việt đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Hiện nay, đây là một trong những vấn đề sức khỏe tinh thần hàng đầu được cả xã hội quan tâm.
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm (depression) là một dạng rối loạn khí sắc đặc biệt. Bệnh lý này chủ yếu bắt nguồn từ sự rối loạn hoạt động của não bộ và chịu tác động của một hay nhiều yếu tố tâm lý.
Trầm cảm là trạng thái chán nản, buồn rầu, mất đi động lực, không còn hứng thú trong cuộc sống trong một khoảng thời gian dài, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận, suy nghĩ, cách hành xử của bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, bao gồm: gãy đổ trong sự nghiệp, khó khăn tài chính, áp lực công việc, thất bại trong các mối quan hệ, mất mát người thân, sang chấn tinh thần…
Bên cạnh đó, trầm cảm cũng có thể là hậu quả trực tiếp của thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc kháng sinh hay một số chất kích thích hoặc liên quan mật thiết tới một bệnh lý nào đó (viêm loét dạ dày – hành tá tràng, cao huyết áp, tiểu đường, viêm đa khớp dạng thấp…).
Dạng rối loạn tâm thần này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Vì vậy, đây hoàn toàn không phải dấu hiệu của sự ủy mị, yếu đuối. Những triệu chứng điển hình của căn bệnh này là: mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, khó ngủ hoặc mất ngủ, tăng hay giảm cảm giác thèm ăn, thiếu quyết đoán, suy giảm khả năng tập trung, cảm thấy tội lỗi, vô dụng, tuyệt vọng, nảy sinh ý nghĩ làm đau bản thân, thậm chí có ý định tự sát.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời ở nam giới là 5 – 12% và nữ giới là 10 – 25%, tỷ lệ chung khoảng 15%. Bệnh lý được phân chia thành 3 cấp độ: nhẹ, trung bình và nặng.
Những cảm xúc tiêu cực kéo dài dai dẳng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: thiếu tập trung, mất ngủ, đau lưng, nhức đầu, giảm ham muốn tình dục, bệnh tim mạch, suy giảm hệ miễn dịch, gây rạn nứt các mối quan hệ, gia tăng tệ nạn xã hội, hành hạ bản thân và tự tử.
Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn cần chủ động thăm khám và tích cực điều trị để bảo vệ bản thân trước hàng loạt hiểm họa khó lường từ căn bệnh trầm cảm.
Phân loại bệnh trầm cảm
Các chuyên gia phân chia bệnh lý thành 3 cấp độ là trầm cảm nhẹ, trầm cảm trung bình và trầm cảm nặng, cụ thể:
- Trầm cảm nhẹ được xác định khi bệnh nhân có 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu, 2 trong 7 triệu chứng phổ biến khác, không xuất hiện (hoặc có ít) triệu chứng cơ thể ở mức độ nhẹ và thời gian mắc bệnh tối thiểu 2 tuần.
- Trầm cảm trung bình được xác định khi người bệnh có 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu, 4 trong 7 triệu chứng phổ biến khác, có 2 – 3 triệu chứng cơ thể ở mức độ vừa, thời gian mắc bệnh tối thiểu 2 tuần và gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động xã hội – nghề nghiệp cũng như công việc gia đình.
- Trầm cảm nặng đặc trưng bởi triệu chứng chậm chạp, buồn chán, kích động, thiếu tự tin, cảm thấy vô dụng – tội lỗi, có hành vi tự sát; được xác định khi bạn có cả 3 trong 3 triệu chứng chủ yếu, ít nhất 4 trong 7 triệu chứng phổ biến khác (một số triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng), thời gian mắc bệnh tối thiểu 2 tuần và ít có khả năng tiếp tục những hoạt động nghề nghiệp – xã hội và công việc gia đình.
Bệnh trầm cảm có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:
Trầm cảm nghiêm trọng
Trầm cảm nghiêm trọng (trầm cảm lâm sàng) là dạng trầm cảm thường gặp nhất với các dấu hiệu nhận biết sau: khó chịu, tuyệt vọng, buồn bã, mất hứng thú, thiếu năng lượng, khó tập trung, thay đổi thói quen ăn uống và thường xuyên suy nghĩ về cái chết. Phương pháp điều trị tốt nhất trong trường hợp này là uống thuốc Tây, trò chuyện cùng người thân và thăm khám bác sĩ tâm lý.
Trầm cảm không điển hình
Biểu hiện đặc trưng của chứng trầm cảm không điển hình gồm có: tăng cân vì tăng cảm giác thèm ăn, ngủ nhiều hơn (thường trên 10 tiếng/ngày), phấn khích quá mức trước các sự kiện mang tính tích cực, nhạy cảm hơn với những lời phê bình. Một loại thuốc chống trầm cảm có khả năng ức chế monoamine oxidase mang tên MAOIs chính là giải pháp điều trị những trường hợp này.
Trầm cảm mạn tính
Trầm cảm mạn tính (dysthymia) xuất hiện khi người bệnh chán nản kéo dài trong vòng ít nhất 2 năm. Họ có thể thiếu ngủ hoặc ngủ nhiều, thay đổi khẩu vị, lo lắng, thiếu sức sống, cảm thấy vô vọng, gặp khó khăn trong việc tập trung. Bệnh trầm cảm mạn tính nhẹ hơn so với bệnh trầm cảm nghiêm trọng. Dạng rối loạn tâm thần này có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý và trò chuyện.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là tình trạng tâm trạng thay đổi một cách nhanh chóng, đột ngột và mạnh mẽ, từ phấn khích, hào hứng sang buồn bã, cáu kỉnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng, do dự, khó chịu, đau nhức cơ thể không rõ lý do. Một số tình trạng cực đoan có thể phát triển thành rối loạn tâm thần.
Trầm cảm theo mùa (SAD)
Chứng trầm cảm theo mùa (SAD) thường diễn ra trong những tháng mùa đông, tức thời điểm ngày ngắn đêm dài, số giờ nắng ít hơn. Dấu hiệu nhận biết của tình trạng này là: lo lắng, mệt mỏi (nhất là vào ban ngày), tăng cân và có xu hướng tách biệt xã hội. Loại trầm cảm này thường tự khỏi khi mùa xuân – hè đến và tái phát hàng năm khi mùa thu – đông sang.
Trầm cảm sau sinh
Thống kê cho thấy, khoảng 85% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Dạng trầm cảm này được đặc trưng bởi cảm giác cô đơn, buồn bã, lo sợ tổn thương em bé và mất dần khả năng kết nối với đứa trẻ. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng vài tuần đến vài tháng sau khi sinh con. Khi đó, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế kịp thời, trò chuyện với bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt xuất hiện vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt. Những dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh lý này là cảm thấy vô vọng, buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, khó chịu, chán ăn, thay đổi tâm trạng, không thể tập trung. Trong trường hợp này, người bệnh cần điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống, tập thể dục điều độ cũng như kết hợp uống thuốc chống trầm cảm (nếu cần thiết).
Trầm cảm tình huống
Trầm cảm tình huống (rối loạn điều chỉnh) được kích hoạt khi chúng ta phải đối mặt với một sự kiện thay đổi mang tính bước ngoặt như: xuất ngoại, chấn thương, mất việc, mất mát người thân… Khi đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy vô cùng buồn bã, lo âu, bồn chồn, căng thẳng. Phương pháp tâm lý trị liệu có thể chữa khỏi vấn đề này.
Loạn thần
Loạn thần là tình trạng rối loạn tâm thần khá nghiêm trọng. Những người bị loạn thần có thể gặp ảo giác, hoang tưởng hoặc trải nghiệm nhiều cảm xúc khác thường nhưng không có sự kích thích thực tế. Khoảng 20% bệnh nhân trầm cảm sẽ mắc chứng loạn thần. Lúc này, họ mất đi khả năng suy nghĩ logic, mạch lạc.
Đôi khi, người bệnh trở nên kích động, sau đó tự làm tổn thương bản thân hoặc tấn công người khác. Vì vậy, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng loạn thần.
Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm
Yếu tố di truyền, trạng thái sinh hóa, căng thẳng tinh thần, đặc điểm tính khí, thói quen lạm dụng rượu bia, môi trường sống, sang chấn tâm lý sau biến cố, hoàn cảnh gia đình, tác động bên ngoài xã hội… là những yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh trầm cảm, cụ thể:
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, bệnh trầm cảm có khuynh hướng di truyền, tương tự bản chất của bệnh tim mạch hoặc bệnh tiểu đường.
- Trạng thái sinh hóa: Dạng rối loạn tâm thần này có thể bắt nguồn từ tình trạng mất cân bằng của các chất hóa học bên trong não bộ.
- Căng thẳng tinh thần: Bệnh trầm cảm thường xuất hiện vào những giai đoạn quan trọng, mang tính bước ngoặt của cuộc đời như: bệnh tật, mãn kinh, sinh nở, mất mát người thân. Đây cũng chính là lý do phụ nữ, người trẻ tuổi, người già và những bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh nào đó rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
- Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích: Những chất hóa học độc hại bên trong rượu bia, thuốc lá, ma túy… chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến bệnh trầm cảm.
- Đặc điểm tính khí: Dạng rối loạn tâm thần này thường xuất hiện ở những người nhạy cảm – lo âu quá mức, dễ xúc động – buồn bực và có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với các biến cố trong cuộc sống. Những người quá cầu toàn, tham vọng, thích chỉ trích bản thân có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn hẳn. Thêm vào đó, những người sống quá phụ thuộc vào người khác cũng dễ mắc bệnh này khi họ bị thất vọng, tuyệt vọng.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm hiện là căn bệnh phổ biến nhất thế giới và là gánh nặng bệnh lý lớn thứ hai của toàn cầu, chỉ đứng sau các bệnh mạch vành. Hiện nay, khoảng 350 triệu người đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bệnh trầm cảm.
Hậu quả nặng nề nhất của vấn đề này là hành vi tự sát. Một thống kê cho biết, số người Việt Nam tự tử hàng năm lên đến 36.000 – 40.000 người, cao cấp 3 – 4 lần số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông. Trong đó, 75% số ca tự tử vì trầm cảm, 22% do nghiện cờ bạc, ma túy, rượu bia và chỉ khoảng 3% mất bởi chứng động kinh, tâm thần phân liệt.
Ước tính, khoảng 80% dân số thế giới sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời. Một số đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm hơn những người khác, đó là:
- Phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh
- Trẻ em và thanh thiếu niên (căng thẳng học hành, bị bỏ rơi, cha mẹ ly hôn, chuyển đổi nơi ở, thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì…)
- Người già (cô đơn, mất mát bạn đời, bị bệnh mạn tính…)
- Người làm công việc cường độ cao, áp lực lớn như: y bác sĩ, cán bộ quản lý, công nhân mỏ than…
- Bệnh nhân mắc bệnh nội khoa (các bệnh lý truyền nhiễm, ung thư, nội tiết, tim mạch, thần kinh…)
Nhìn chung, trầm cảm là một bệnh lý phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Thế nhưng, trên thực tế, có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm không được điều trị kịp thời. Điều này có nghĩa là trong 10 trường hợp bị bệnh, chỉ khoảng 2 người được chăm sóc và chữa trị đúng hướng.
Ngoài ra, một số hạn chế về mặt nhận thức (tâm lý xấu hổ, sợ bị chê cười – kỳ thị…) cũng khiến bệnh nhân che giấu hoặc nhầm lẫn bệnh trầm cảm với các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh trầm cảm
Trong giai đoạn đầu, các biểu hiện của bệnh trầm cảm thường rất phân tán, khó phát hiện và dễ bị bỏ sót. Bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biểu hiện toàn thân như: chóng mặt, mệt mỏi, tức ngực, mất ngủ, khó thở, đau lưng, nhức đầu, tê cóng, nhức đầu.
Điều này khiến người bệnh phải lặn lội thăm khám nhiều chuyên khoa nhưng vẫn không tìm được nguyên nhân chính xác. Thống kê cho thấy, khoảng 88% trường hợp rối loạn tâm thần tìm đến các cơ sở thăm khám ban đầu thay vì chuyên khoa tâm thần. Những triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm bao gồm:
Suy giảm tinh thần
Khí sắc suy giảm và biểu hiện rõ nét trên khuôn mặt chính là dấu hiệu trầm cảm dễ nhận thấy nhất. Lúc này, người bệnh thường ủ rũ, buồn bã, xuất hiện nhiều nếp nhăn, ánh mắt vô hồn. Ngoài ra, một số bệnh nhân nhạy cảm quá mức với thế giới xung quanh cũng như thường xuyên bị kích động tâm lý.
Sút cân
Trước tác động của triệu chứng mất ngủ, chán ăn, thay đổi khẩu vị, nhiều người bị sút cân một cách đột ngột, nhanh chóng và không rõ nguyên nhân.
Mất hứng thú
Bệnh nhân mắc chứng trầm cảm thường có biểu hiện suy giảm (thậm chí mất đi) hứng thú đối với sở thích, thú vui, công việc và cuộc sống hiện tại. Họ hay cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi, mất động lực sống và trở nên lãnh đạm với những người xung quanh, kể cả gia đình. Đa số người bệnh đều đánh mất ham muốn tình dục.
Không tập trung
Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của bệnh trầm cảm. Người bệnh hầu như không thể tập trung học tập, làm việc hoặc sinh hoạt bình thường. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khiến họ thiếu quyết đoán và khó đưa ra những quyết định quan trọng.
Ngủ không ngon giấc
Mất ngủ là biểu hiện trầm cảm đầu tiên và thường gặp nhất. Khoảng 95% bệnh nhân gặp phải triệu chứng mất ngủ kéo dài cho đến khi hình thành bệnh lý. Lúc này, bạn sẽ bị khó ngủ, gián đoạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc… dù trước đó cảm thấy rất buồn ngủ và mệt mỏi. Nhiều người bệnh chỉ ngủ được 2 tiếng/ngày, thậm chí thức trắng cả ngày lẫn đêm.
Khó chịu và suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ, tâm lý cùng hành động tiêu cực kéo dài dai dẳng chính là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh trầm cảm. Theo thời gian, cảm giác tự ti, tội lỗi, vô dụng, mệt mỏi… sẽ dẫn đến trạng thái buồn bã, tuyệt vọng. Do đó, họ có thể tự gây tổn thương bản thân, suy nghĩ tới cái chết, thậm chí tự sát.
Ngoài ra, bệnh trầm cảm có thể gây ra những cơn đau nhức khớp xương, hoa mắt chóng mặt, đau mỏi vai gáy, rối loạn tiêu hóa. Thế nhưng, đây không phải biểu hiện điển hình của căn bệnh này.
Trên thực tế, nhiều người đã và đang biểu hiện nhiều triệu chứng trầm cảm thuộc các cấp độ khác nhau nhưng không hề nhận ra. Bảng 10 câu hỏi ngắn gọn dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá liệu bản thân và người thân có đang bị trầm cảm hay không, từ đó tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần kịp thời (trong trường hợp cần thiết).
Trong hai tuần liên tục, bạn có thường xuyên gặp phải những triệu chứng dưới đây không?
1/ Khó ngủ, ngủ ít, ngủ nhiều, thức dậy sớm
2/ Cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, mất sinh lực
3/ Ăn không ngon, ăn ít hay ăn quá nhiều
4/ Mất hứng thú, không quan tâm đến công việc cùng các hoạt động sinh hoạt – giải trí
5/ Cảm giác khó chịu, bực bội, buồn bã, lo âu
6/ Chán nản, có ý nghĩ buông xuôi, bỏ mặc bản thân hay gia đình, buộc tội chính mình hoặc cho rằng bản thân không xứng đáng với cuộc sống hiện tại
7/ Gặp khó khăn khi tập trung làm việc gì đó, ví dụ: học bài, đọc sách báo, xem tivi
8/ Bồn chồn, bứt rứt, lo lắng, đứng ngồi không yên hoặc ăn nói và cử động chậm chạp
9/ Nghĩ đến việc tự gây thương tích cho bản thân hay muốn tự tử
10/ Thường xuyên bất an, lo lắng về những rối loạn đang xảy ra đối với cơ thể (đau bụng, nôn ói, nhức đầu, tức ngực, đau cơ, đổ mồ hôi…)
Nếu trả lời “Có” từ 5 câu trở lên, rất có thể, bạn đang bị trầm cảm. Do đó, hãy chủ động mang bảng câu hỏi này đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám – tư vấn – điều trị hiệu quả.
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần phức tạp. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần của bệnh nhân. Thậm chí, những người bị trầm cảm nặng có thể chọn cách kết liễu cuộc đời.
Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần chủ động thăm khám để được chữa bệnh triệt để. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý thông qua triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng được hướng dẫn thực hiện một số loại xét nghiệm loại trừ khác, bao gồm: FBS, CRX, Anti-HCV, TSH, NGFL…
Sử dụng thuốc Tây
Nếu bị trầm cảm thể nhẹ, bệnh nhân chưa cần dùng thuốc. Độc giả có thể cải thiện triệu chứng bằng cách chủ động điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt. Ngược lại, nếu bệnh lý tiến triển sang giai đoạn trung bình và nặng nề, bạn cần điều trị kéo dài cũng như kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, thậm chí nhập viện.
Những bệnh nhân trầm cảm nặng được chỉ định uống thuốc trong một khoảng thời gian lâu dài và phải trải qua hai giai đoạn, đó là giai đoạn điều trị tấn công và giai đoạn điều trị duy trì. Giai đoạn điều trị tấn công thường diễn ra trong vòng 6 – 12 tuần. Sau đó, khi các triệu chứng trầm cảm đã hoàn toàn biến mất, bạn sẽ phải chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì.
Mục đích chính của công tác điều trị duy trì là phòng ngừa tái phát, nhất là những trường hợp có rủi ro tái phát cao như: có tiền sử trầm cảm, có nhiều giai đoạn trầm cảm, có dấu hiệu tổn hại nặng nề về mặt chức năng (xã hội, học tập), có triệu chứng loạn thần…
Trong quá trình chữa bệnh, sự đáp ứng thuốc của mỗi cá nhân đối với cùng một loại thuốc rất khác nhau. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị trên cùng một bệnh nhân vào những thời điểm khác nhau cũng có thể thay đổi rõ rệt. Để lựa chọn thuốc chống trầm cảm an toàn, phù hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh lý, thể trạng từng người cũng như khả năng dung nạp – đáp ứng với thuốc…
Không chỉ dừng lại ở đó, người bệnh cần cam kết dùng thuốc trong một khoảng thời gian đủ dài (tối thiểu 3 – 4 tuần) theo đúng chỉ định. Trong một vài tuần đầu tiên, bạn có thể gặp phải một số tác dụng không muốn. Do đó, công tác điều trị đòi hỏi bệnh nhân phải thực sự kiên trì và nghiêm túc tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thống kê cho thấy, có đến 80% trường hợp đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm.
Hiện nay, với công dụng ức chế tái hấp thụ chọn lọc serotonin, SSRI là loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất. Ưu điểm vượt trội của loại dược phẩm này là dễ dàng sử dụng và ít gây tác dụng phụ. Một số nhóm thuốc khác cũng được kê toa để chữa bệnh trầm cảm là: MAOIs, thuốc chống trầm cảm không điển hình và thuốc chống trầm cảm ba vòng…
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc chống lo âu và thuốc an thần trong một khoảng thời gian ngắn nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát triệu chứng. Trong quá trình điều trị bệnh lý bằng thuốc Tây, người bệnh cần ghi nhớ:
- Tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa
- Uống thuốc theo hướng dẫn
- Thường xuyên tham gia trị liệu tâm lý
- Hoàn thành mọi bài tập mà bác sĩ giao cho
- Kiêng cữ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
- Tuyệt đối không tự ý dừng thuốc đột ngột khi chưa tham vấn y khoa
Trị liệu tâm lý
Thông qua hình thức giao tiếp giữa bệnh nhân và nhà tâm lý trị liệu, phương pháp trị liệu trầm cảm này giúp tháo gỡ nhiều vấn đề trong cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Cụ thể, nhà tư vấn tâm lý sẽ dẫn dắt cuộc chuyện trò để khách hàng nhận thức những quan điểm tiêu cực/sai lệch của bản thân, sau đó hướng dẫn họ cách đối phó với cảm xúc bất định và giải quyết vấn đề.
Đối với bệnh trầm cảm, liệu pháp tâm lý có thể:
- Xoa dịu lo âu, căng thẳng
- Hỗ trợ người bệnh chấp nhận sự thật
- Gợi mở góc nhìn mới mẻ, lạc quan và toàn diện hơn về rắc rối họ đang gặp phải
- Hướng dẫn cách đối phó và kiểm soát những cảm xúc bi quan, tiêu cực
- Hạn chế tác dụng phụ của thuốc
- Ổn định tâm lý và tinh thần của bệnh nhân
Tâm lý trị liệu được đánh giá là phương pháp điều trị an toàn, tích cực với hiệu quả rất đáng ghi nhận. Một nghiên cứu quy môn lớn trên hơn 400 người bệnh cho thấy, sự kết hợp giữa việc dùng thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý thường mang đến kết quả khả quan.
Các dạng trị liệu tâm lý điều trị bệnh trầm cảm bao gồm:
- Liệu pháp hành vi – nhận thức
- Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân
- Liệu pháp tâm động học
- Liệu pháp phân tâm học
- Liệu pháp giải quyết vấn đề
- Liệu pháp tập trung vào khách hàng
- Liệu pháp gia đình
Tự chăm sóc tại nhà
Đây là phương pháp góp phần hỗ trợ điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh trầm cảm tái phát vô cùng hiệu quả. Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa và tham gia đầy đủ các buổi trị liệu tâm lý, độc giả cần:
- Tìm hiểu cặn kẽ về bệnh trầm cảm: Điều này giúp bạn dễ dàng bám sát kế hoạch điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
- Chú ý dấu hiệu cảnh báo: Bệnh nhân cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý về nguyên nhân phát sinh cũng như yếu tố nguy cơ gây ra chứng bệnh của mình. Thêm vào đó, bạn nên ghi chú những biện pháp đối phó cần thiết nếu triệu chứng trở nên tồi tệ. Hãy thông báo với bác sĩ ngay nếu phát hiện bất cứ biểu hiện bất thường, đồng thời nhờ người thân cùng bạn theo dõi các triệu chứng cảnh báo hành vi tự sát.
- Tránh xa các chất kích thích: Ban đầu, chất kích thích có vẻ làm giảm triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, trên thực tế, về lâu dài, chúng có thể khiến bệnh tình tiến triển nhanh chóng và trở nên nặng nề. Do đó, bạn cần kiêng cữ thuốc lá, ma túy, rượu bia thật nghiêm túc.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao: Các hoạt động thể chất lành mạnh sẽ thúc đẩy bộ não tiết nhiều hai loại hormon chống trầm cảm là serotonin và endorphin. Chạy bộ, bơi lội, yoga, khí công, thái cực quyền, thể dục thẩm mỹ… là những bộ môn vô cùng phù hợp với chị em phụ nữ. Trong khi đó, phái mạnh có thể cân nhắc về võ thiếu lâm, cử tạ, chạy marathon, karate, thể dục dụng cụ…
- Ngủ nhiều hơn: Một giấc ngủ chất lượng có thể giúp người bệnh thêm tỉnh táo và đỡ căng thẳng.
- Tiếp tục công việc: Độc giả cần duy trì công việc dù đang vô cùng chán nản hay mệt mỏi bởi khoảng thời gian rảnh rỗi vô tận sau khi nghỉ việc sẽ khiến bạn chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng, buồn chán.
- Giao tiếp với những người xung quanh: Hãy cố gắng hòa nhập vào cuộc sống sôi động bằng cách thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đi chùa cầu nguyện, đi lễ nhà thờ, tham gia các hoạt động từ thiện – tình nguyện…
- Tắm nước nóng: Mỗi ngày, bạn hãy ngâm mình trong nước ấm (nhiệt độ 35 – 37 độ C) trong vòng 15 phút (có thể thêm một chút muối hạt). Nước ấm có khả năng kích thích máu huyết lưu thông và cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Ăn uống điều độ: Tuy không cảm thấy ngon miệng khi ăn uống nhưng bạn luôn cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Hãy học nấu những món ăn lạ miệng, sau đó nấu những bữa ăn thật ngon lành để chiêu đãi bản thân và gia đình nhé!
- Chơi đùa cùng thú cưng: Đây là mẹo vô cùng đơn giản giúp bạn nuôi dưỡng cảm xúc và tái tạo năng lượng tích cực.
- Hạn chế những thứ ủy mị: Thay vì liên tục xem phim sad-ending hay nghe nhạc buồn, bệnh nhân nên lựa chọn những chương trình giải trí hài hước, thú vị và những bản nhạc tươi vui, sảng khoái.
- Tiếp xúc với ánh sáng: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ánh sáng đèn điện cùng ánh sáng mặt trời có tác dụng ngăn ngừa buồn ngủ và kích thích bộ não tỉnh táo. Do đó, để cải thiện tâm trạng, người bệnh nên thường xuyên dạo phố vào ban ngày đồng thời chiếu sáng phòng riêng vào ban đêm.
- Ngưng than thở: Hãy thay thế những lời nói tiêu cực “Trời ơi!”, “Khổ quá!”, “Chán quá!” bằng những câu chuyện vui vẻ, hài hước, tích cực mà bạn đọc được trong sách vở hay tìm thấy trên mạng xã hội.
- Chăm sóc bản thân: Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và tích cực hơn hẳn khi trở nên sáng sủa, xinh đẹp. Vì vậy, bạn nên tắm rửa sạch sẽ, lựa chọn bộ quần áo yêu thích, trang điểm nhẹ nhàng/cạo râu gọn gàng, xịt thêm chút nước hoa và sẵn sàng ra ngoài dạo chơi.
- Tìm kiếm một sở thích mới: Người bệnh có thể chuyển hướng quan tâm sang những hoạt động thú vị và lành mạnh như: đọc sách, trồng cây, làm vườn, đi bộ, đạp xe, nghe nhạc, thiền định, thậm chí niệm Phật hoặc đọc Kinh Thánh. Đừng cố ép buộc bản thân lãng quên quá khứ. Rồi bạn sẽ dần dần lấy lại cân bằng trong cuộc sống, chỉ cần có thêm thời gian.
- Động viên bản thân: Đứng trước khó khăn, thử thách, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng “Mình có thể vượt qua!”, “Đây chỉ là chuyện nhỏ. Tôi có thể làm được!”, “Tôi rất tự tin và mạnh mẽ. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!”.
Bệnh trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị cũng như tích cực tham gia trị liệu tâm lý. Ngay khi nhận thấy những biểu hiện bất thường, độc giả hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chăm sóc và điều trị dứt điểm. Chúc bạn sớm vượt qua căn bệnh trầm cảm!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Từng trầm cảm, uống thuốc đỡ 1 thời gian xong tái phát, giờ mình k tin vào thuốc nữa. Muốn có cách nào k dùng thuốc mà vẫn khỏi
Có vẻ mình đang ở mức trầm cảm trung bình, vẫn ý thức được hành vi nhưng cảm xúc dâng trào thì sẽ bùng nổ tiêu cực luôn :((((((((((((((
Nhiều lúc cũng muốn đi bác sĩ tâm lý, giải tỏa mấy tiếng mà k biết bên nào uy tín, tính tiền theo từng buổi lẻ nhỉ