Bị sốt xuất huyết có tắm được không? Giải đáp

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Gây tử vong không?

Sốt xuất huyết ở người lớn: Dấu hiệu và cách điều trị

Bị sốt xuất huyết nên ăn gì cho mau khỏi bệnh

Bệnh sốt xuất huyết có lây không? Lây qua đường nào?

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết và các giai đoạn cần biết

Bệnh sốt xuất huyết: Triệu chứng và cách điều trị

Hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Hướng dẫn cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Mẹ bị sốt xuất huyết có nên cho con bú? Giải đáp

Bệnh sốt xuất huyết: Triệu chứng và cách điều trị

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến do muỗi vằn truyền bệnh. Căn bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, tại những khu vực có nhiều ao tù nước đọng. Tỷ lệ tử vong hàng năm khá cao. Hiện nay, tình trạng này vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh lý cấp tính truyền nhiễm do virus dengue gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Thông thường, virus dengue sẽ lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các vết đốt của muỗi vằn.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh lý cấp tính truyền nhiễm do virus dengue gây ra và trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.

Sốt xuất huyết là bệnh lý tương đối nghiêm trọng với biểu hiện tương tự bệnh cúm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tình trạng xuất huyết nặng. Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã tăng lên gấp 30 lần. 

Bệnh sốt xuất huyết được Spaniards lần đầu mô tả vào năm 1764. Virus dengue (nguyên nhân gây bệnh) được Graig và Ashburn phát hiện vào năm 1907. Vì căn bệnh này có số lượng vật trung gian sinh bệnh đông đúc (muỗi vằn) và tính lặp đi lặp lại hàng năm cao nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp sốt xuất huyết vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần được loại bỏ triệt để, đồng thời triển khai điều chế vắc xin cùng thuốc đặc trị thật nhanh chóng. 

Bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp bệnh lần lượt được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp này đều từng xuất hiện ở Việt Nam và luân phiên gây nên dịch bệnh. Vì miễn dịch tạo thành sau khi chúng ta bị bệnh chỉ mang tính đặc hiệu đối với tuýp bệnh tương ứng nên bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần 2, lần 3, lần 4 bởi những tuýp bệnh còn lại.

Nhìn chung, bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ gây phát ban, sốt cao, đau nhức cơ khớp. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết thể nặng khiến bệnh nhân chảy máu nặng, tụt huyết áp đột ngột (sốc), thậm chí tử vong.

Bệnh lý này xảy ra chủ yếu ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là vấn đề phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, kể cả nông thôn lẫn thành thị. Căn bệnh này diễn ra quanh năm và thường bùng phát mạnh mẽ thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là tháng 7, 8, 9 và 10.

Sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hầu hết quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu về tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế sinh bệnh, phương án điều trị thể nặng và biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả vẫn chưa thực rõ ràng, đầy đủ.

Hiện tại, bệnh lý này chưa có thuốc đặc trị. Thông thường, các trường hợp nặng sẽ được hạ sốt, truyền dịch và tích cực chống sốc. Còn những ca thể nhẹ có thể tự khỏi chỉ sau một tuần.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết bao gồm 3 thể là sốt xuất huyết cổ điển, sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue.

Triệu chứng của thể sốt xuất huyết cổ điển

Thông thường, những người lần đầu bị bệnh sốt xuất huyết thường mắc phải thể này, bởi họ chưa miễn dịch với bệnh. Đây là thể bệnh mang nhiều biểu hiện điển hình và không gây ra biến chứng. Sốt xuất huyết cổ điển thường bắt đầu với hiện tượng sốt cao kéo dài trong vòng 4 – 7 ngày kể từ khi muỗi vằn truyền bệnh và đi kèm với các dấu hiệu như:

  • Đau nhức cơ và khớp
  • Sốt cao liên tục, có thể lên đến 40,5 độ C
  • Nhức đầu dữ dội
  • Đau phía sau mắt
  • Phát ban
  • Buồn nôn và ói mửa

Đặc biệt, tình trạng phát ban xuất hiện khoảng 3 – 4 ngày sau khi lên cơn sốt đầu tiên rồi thuyên giảm sau 1 – 2 ngày. Bệnh nhân cũng có thể nổi ban thêm lần nữa vào ngày hôm sau.

Triệu chứng của thể sốt xuất huyết có chảy máu

Dấu hiệu nhận biết của dạng sốt xuất huyết có chảy máu bao gồm toàn bộ triệu chứng cơ bản của dạng sốt xuất huyết thể nhẹ cùng những tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu nướu, chảy máu dưới da, chảy máu cam và bầm tím cơ thể. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng của thể sốt xuất huyết dengue

Sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue) là thể nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết cổ điển đi kèm hiện tượng chảy máu, sốc (huyết áp thấp), huyết tương thoát khỏi mạch máu, sau đó chảy ồ ạt trong và ngoài cơ thể.

Sốt xuất huyết dengue thường diễn ra sau khi bệnh nhân đã miễn dịch chủ động (vì từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do người mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus nào đó. Thể bệnh này khởi phát đột ngột sau 2 – 5 ngày (giai đoạn hạ sốt) bị muỗi đốt. Sốt xuất huyết dengue rất phổ biến ở trẻ em (đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn) và có thể gây tử vong (nhất là trẻ em và thanh thiếu niên).

Nguyên nhân sinh bệnh sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết do 4 loại virus lây truyền thông qua vết muỗi cắn, được ký hiệu là virus DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học aedes aegypti hoặc aedes albopictus. Virus sẽ xâm nhập vào máu của bệnh nhân thông qua vị trí muỗi chích. 

Nguyên nhân sinh bệnh sốt xuất huyết?
Mũi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia, muỗi vằn (nhất là chủng aedes aegypti) là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết. Vì hiện nay, chúng ta chưa thể hiểu rõ hoạt động và đặc điểm sinh sống của loài muỗi này nên công tác ngăn ngừa, phòng chống sốt xuất huyết tại nhà chưa thực sự hiệu quả. Đây chính là lý do cứ vào mùa mưa hàng năm, sốt xuất huyết lại quay trở lại và bùng phát thành dịch mới.

Muỗi vằn có phần thân màu đen và trên chân có nhiều đốm trắng. Muỗi vằn cái có thể chích người để truyền bệnh, hoạt động mạnh mẽ vào ban ngày, đặc biệt là sáng sớm và chiều tối. Chúng thường sinh sống ở những nơi âm u, tối tăm như: góc nhà, chăn màn, quần áo, ao tù, chum vại…

Muỗi vằn sinh sản trực tiếp ở vũng nước, ao hồ, chum vại, lu giếng, bình cắm hoa hay đồ ve chai. Trứng muỗi có thể tồn tại ở điều kiện khô hạn trong nhiều tháng, đồng thời sẽ nở ra khi tiếp xúc trực tiếp với nước. Trong vòng đời của mình, muỗi cái đẻ trứng 5 lần, mỗi lần vài chục trứng. 

Virus gây bệnh sốt xuất huyết sẽ ủ bệnh bên trong cơ thể muỗi khoảng 8 – 10 ngày. Sau khi bạn bị muỗi chích, virus tuần hoàn trong máu 2 – 7 ngày. Trong giai đoạn này, nếu bệnh nhân bị muỗi aedes hút máu thì virus cũng được truyền ngược sang muỗi.

Khi đã hồi phục sức khỏe, thực chất chúng ta mới chỉ miễn dịch với tuýp bệnh tương ứng. Trong khi đó, virus gây sốt xuất huyết bao gồm 4 chủng khác nhau. Vì vậy, độc giả vẫn có thể bị tái nhiễm bởi các loại virus khác. Điều quan trọng nhất là bạn cần xác định chính xác dấu hiệu nhận biết và chủ động thăm khám, điều trị.

Những ai dễ bị bệnh sốt xuất huyết?

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết của các đối tượng sau cao hơn hẳn những người bình thường. 

Những người đang sinh sống hoặc du lịch tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới: Những quốc gia có khí hậu nhiệt đới chính là địa điểm lý tưởng để muỗi vằn sinh trưởng và phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, một số khu vực đặc biệt có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao bao gồm:

  • Đài Loan và Trung Quốc
  • Các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam)
  • Các đảo ở phía Tây Thái Bình Dương
  • Vùng biển Caribbean
  • Khu vực Mỹ La tinh (Chile, Argentina, Mexico…)

Những người có tiền sử mắc sốt xuất huyết: Đây là đối tượng có nguy cơ tái nhiễm khá cao vì như bài viết đã đề cập, virus có đến 4 tuýp khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong những lần tái phát sau, bên cạnh các biểu hiện thông thường, bệnh nhân còn gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng và nặng nề.

Trẻ em: Do bản tính lanh lợi, hiếu động và thói quen vận động thường xuyên nên thân nhiệt cùng nhịp thở của các bé thường cao hơn so với người lớn. Do đó, con trẻ dễ bị muỗi đốt. Ngoài ra, sức đề kháng của trẻ em cũng yếu kém hơn người lớn rất nhiều. Vì vậy, khi bị muỗi vằn truyền bệnh, bé dễ mắc bệnh sốt xuất huyết hơn.

Những ai dễ bị bệnh sốt xuất huyết?
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết nhất.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền như thế nào?

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra. Theo các chuyên gia, bệnh lý này lây truyền thông qua 3 con đường chính:

  • Lây truyền từ muỗi sang người: Muỗi vằn aedes aegypti bị nhiễm bệnh rồi chích người khỏe mạnh để lây truyền virus dengue. Sau khi truyền bệnh, muỗi vẫn có thể tiếp tục trở thành vật trung gian lây truyền virus cho người khác.
  • Lây truyền từ người sang muỗi: Muỗi vằn có thể bị lây bệnh sau khi đốt phải người đang nhiễm virus dengue. Những bệnh nhân này có thể chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu sốt xuất huyết nào. 
  • Lây truyền qua đường máu hoặc dùng chung kim tiêm: Một người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm virus dengue nếu được truyền máu từ người bệnh hay dùng chung kim tiêm với họ. Trên thực tế, đây là con đường lây nhiễm ít phổ biến hơn so với con đường lây lan qua muỗi vằn.

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết

Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế vào năm 2011, bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nhanh chóng với biểu hiện lâm sàng đa dạng. Tình trạng này thường khởi phát đột ngột và trải qua 3 giai đoạn là: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

Triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn sốt bao gồm: sốt cao liên tục và đột ngột, da xung huyết, đau cơ, nhức khớp và hai hố mắt, chán ăn, buồn nôn, nhức đầu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nghiệm pháp dây thắt dương tính.

Triệu chứng cận lâm sàng của giai đoạn này là: dung tích hồng cầu bình thường, số lượng bạch cầu suy giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (vẫn còn trên 100.000/mm3)

Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn nguy hiểm thường diễn ra vào ngày thứ 3 – 7 sau khi bệnh tình khởi phát. Biểu hiện lâm sàng trong khoảng thời gian này là: 

  • Còn sốt hoặc hết sốt
  • Thoát huyết tương (do tính thấm thành mạch tăng lên) trong vòng 24 – 48 giờ
  • Tràn dịch mô kẽ, màng phổi, màng bụng, gan to, phù nề mi mắt
  • Bứt rứt, vật vã, tiểu ít, lạnh đầu chi, ngủ li bì, da lạnh ẩm, kẹt huyết áp (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp
  • Xuất huyết dưới da: các nốt xuất huyết xuất hiện rải rác hoặc tại mặt trong của hai cánh tay, mặt trước của hai cẳng chân, đùi, bụng, mạn sườn
  • Xuất huyết niêm mạc: tiểu ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt xuất hiện sớm hoặc kéo dài
  • Xuất huyết nội tạng, phổi, não là triệu chứng nặng nề

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể biểu hiện suy tạng như: viêm não, viêm gan, viêm cơ tim. Những vấn đề này thường xảy ra ở những người bệnh không sốc hoặc không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ ràng.

Giai đoạn nguy hiểm
Trong giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân cần được chăm sóc chu đáo và theo dõi cẩn thận.

Dấu hiệu cận lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm bao gồm:

  • Dung tích hồng cầu tăng so với giá trị ban đầu của chính bệnh nhân hoặc so với giá trị trung bình của dân số trong cùng độ tuổi
  • Enzym AST và ALT thường tăng lên
  • Có thể bị rối loạn đông máu trong trường hợp nặng
  • Phát hiện tràn dịch màng phổi, màng bụng khi chụp X-quang hoặc siêu âm 

Giai đoạn phục hồi

Sau khi trải qua 24 – 48 tiếng của giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân sẽ từ từ tái hấp thu chất dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn hồi phục diễn ra trong vòng 48 – 72 giờ.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý ở giai đoạn này là:

  • Hết sốt, thèm ăn, tiểu nhiều, huyết động ổn định, thể trạng tốt dần
  • Nhịp tim chậm và có sự thay đổi về điện tâm đồ
  • Có thể bị suy tim hoặc phù phổi nếu người bệnh được truyền dịch quá mức

Những triệu chứng cận lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi là:

  • Dung tích hồng cầu quay về mức bình thường hoặc thấp hơn (vì hiện tượng pha loãng máu sau khi chất dịch được tái hấp thu)
  • Số lượng bạch cầu tăng lên khá sớm kể từ sau giai đoạn hạ sốt
  • Số lượng tiểu cầu dần dần trở lại bình thường, chậm hơn so với tốc độ gia tăng số lượng bạch cầu

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm tương đối nguy hiểm. Căn bệnh này xảy ra quanh năm, nhất là vào mùa mưa, có thể bùng phát dữ dội thành dịch bệnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể diễn ra đột ngột và bất ngờ trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng ngừa.

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Nhìn chung, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn diễn tiến thất thường, phức tạp trong khi triệu chứng bệnh ở trẻ em lại xuất hiện ồ ạt, cụ thể hơn. Thời gian người lớn bị sốt kéo dài hơn, khoảng 11 – 12 ngày trong khi trẻ em thường bị sốt trong vòng 7 ngày. 

Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất khi mạch huyết áp bị tụt/kẹt, từ đó dẫn đến nhiều rủi ro khó lường như: đông máu, suy gan, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Tỷ lệ gặp phải biến chứng vì sốt xuất huyết ở người lớn chiếm 5%. Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Hạ tiểu cầu

Tình trạng hạ tiểu cầu không khiến bệnh nhân mệt mỏi hay sốt cao. Do đó, biến chứng này khó được phát hiện. Đến khi người bệnh bị xuất huyết trầm trọng thì bệnh lý đã bước sang giai đoạn nguy hiểm.

Cô đặc máu

Sự cô đặc máu dễ gây ra nhiều hệ lụy khác nhau cho cơ thể như: sốt cao, buồn nôn, đầu óc lơ mơ, không tỉnh táo, đau nhức toàn thân, cơ thể mệt mỏi.

Xuất huyết tiêu hóa

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở người lớn thường có triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, bao gồm: sốt, ít ho, không phát ban, không sổ mũi. Sau một hoặc hai ngày, người bệnh có thể bắt đầu đi tiêu ra máu (không nhiều) và nổi hạt lấm tấm trên da, cơ thể xanh xao, mệt mỏi.

Xuất huyết não

Dấu hiệu xuất huyết não tương đối khó nhận biết với những biểu hiện không rõ ràng. Ban đầu, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, sau đó tê liệt cánh tay và không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh bị hôn mê sâu rồi tử vong. 

Suy thận, suy tim

Hiện tượng rối loạn tuần hoàn do xuất huyết liên tục có thể gây suy tim. Khi quá trình bơm máu của tim mạch bị cản trở, dịch huyết tương bắt đầu nhiều lên, dẫn đến tình trạng ứ đọng và tràn dịch. 

Điều này khiến tim mạch cùng quá trình tuần hoàn máu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó dẫn đến tình trạng xuất huyết cơ tim. Trong cùng thời điểm, thận phải làm việc quá sức để tăng cường bài tiết huyết tương thông qua nước tiểu. Do đó, bệnh nhân cũng dễ bị suy thận cấp.

Tràn dịch màng phổi

Khi tích tụ bên trong cơ thể với một lượng quá lớn, huyết tương dễ tràn lan sang đường hô hấp, khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Về lâu dài, hiện tượng này sẽ gây ra viêm phổi, viêm đường hô hấp, phù phổi cấp và tràn dịch màng phổi.

Sốc vì mất máu

Bệnh sốt xuất huyết khiến huyết tương thoát ra liên tục và làm cô đặc máu. Khi tình trạng này đạt đến một giới hạn nhất định, máu sẽ bị đẩy ra ngoài ồ ạt, gây ra hiện tượng chảy máu chân răng, chảy máu cam…

Sẩy thai, sinh non

Nếu bị sốt xuất huyết khi mang thai, chị em phải đối diện với nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non rất cao. Khi đó, sản phụ dễ bị chảy máu kéo dài lúc chuyển dạ, tổn thương gan, thận và tiền sản giật.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Dấu hiệu nhận biết của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với bệnh sốt rét, thương hàn, sốt phát ban, xoắn khuẩn vàng da leptospira… Vì vậy, quá trình chẩn đoán gặp phải rất nhiều khó khăn. Để đưa ra kết luận chính xác nhất, bác sĩ chuyên khoa cần kết hợp khai thác bệnh sử, ghi nhận triệu chứng lâm sàng với kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết
Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Xét nghiệm

Thông thường, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ có số lượng bạch cầu, tiểu cầu trong máu suy giảm trong khi thể tích khối hồng cầu lại tăng lên hơn 20%.

  • Xét nghiệm NS1: Công nghệ này giúp chẩn đoán bệnh ngay từ ngày đầu tiên người bệnh phát sốt. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện loại xét nghiệm này sau 1 – 3 ngày xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
  • Xét nghiệm kháng thể IgG hoặc xét nghiệm kháng thể IgM: Dạng xét nghiệm này thường được yêu cầu tiến hành vào ngày thứ 6. Xét nghiệm kháng thể IgG hoặc xét nghiệm kháng thể IgM hỗ trợ bác sĩ xác định xem cơ thể bệnh nhân có đủ sức chống lại virus ở giai đoạn cấp tính hay không. 

Chẩn đoán hình ảnh

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán hình ảnh bệnh lý bằng cách siêu âm ổ bụng hoặc chụp X-quang.

Biện pháp điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu. Các loại thuốc kháng virus không được chỉ định cho vấn đề sức khỏe này. Hiện tại, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung cải thiện triệu chứng, kiểm soát diễn tiến bệnh lý và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. 

Quá trình chữa bệnh sốt xuất huyết cần tuân thủ triệt để phác đồ điều trị đã được các chuyên gia thống nhất áp dụng đối với tất cả bệnh nhân trên toàn thế giới. Khi phát hiện những triệu chứng bất thường, độc giả hãy chủ động đi xét nghiệm sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế uy tín để biết được rằng bản thân có đang bị bệnh hay không. 

Nếu nhận được kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chữa bệnh tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú (căn cứ vào tình trạng bệnh lý). Trong khoảng thời gian này, bên cạnh thuốc hạ sốt paracetamol, người bệnh không được tự ý sử dụng thêm bất cứ loại thuốc nào khác. 

Ngoài ra, bạn cần chú ý duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và dồi dào dưỡng chất, bổ sung nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C và chất xơ, uống nước đầy đủ, hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ.

Sau khoảng 12 ngày tự điều trị và theo dõi tại nhà, bệnh nhân có thể quay lại bệnh viện tái khám theo đúng lịch hẹn. Nếu không xảy ra bất kỳ dấu hiệu hoặc biến chứng bất thường nào thì bạn đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Lưu ý

  • Bệnh nhân sốt xuất huyết thường dễ uể oải, mệt mỏi và mất nước. Do đó, họ phải được bổ sung lượng nước nhiều hơn bình thường. Trẻ em nên uống 1,5 lít nước/ngày trong khi người lớn cần khoảng 2 lít nước/ngày.
  • Tuyệt đối không dùng đồ uống hoặc nước ngọt có gas màu đỏ đậm vì chúng rất dễ gây nhầm lẫn với tình trạng chảy máu dạ dày nếu bệnh nhân nôn ói.
  • Người bệnh chỉ nên dung nạp các loại thức ăn mềm nhuyễn, lỏng mịn như súp, cháo, canh, đồng thời hạn chế tiêu thụ thức ăn chiên xào và giàu dầu mỡ.
  • Tái khám thường xuyên, đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi kịp thời và hướng dẫn điều trị cặn kẽ (ngay cả khi bạn đã ngưng sốt). 
  • Bệnh nhân hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức khi bị buồn nôn, lừ đừ, li bì, xuất huyết, đau bụng dữ dội, lạnh tay chân…

3 sai lầm phổ biến khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến nhanh với nhiều triệu chứng đa dạng, đồng thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và nặng nề. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc xin dự phòng. 

Trên thực tế, tràn dịch màng phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, biến chứng tràn dịch màng phổi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về các nguyên tắc điều trị.

3 sai lầm phổ biến khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng
Việc truyền dịch không đúng cách có thể khiến người bệnh bị tràn dịch màng phổi.

Thông thường, khi mới bị sốt, họ đã yêu cầu bác sĩ tư hoặc các cơ sở y tế tuyến dưới truyền dịch. Điều này dẫn đến hiện tượng ứ nước bên trong cơ thể và khi không thể xử lý kịp thời, người bệnh bị tràn dịch màng phổi.

Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm thường gặp nhất về bệnh sốt xuất huyết:

Chủ quan không đi thăm khám

Sốt xuất huyết được phân chia thành 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Tuy những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ hoàn toàn có thể tự chữa bệnh tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhưng bệnh nhân vẫn cần tái khám thường xuyên và đúng hẹn để được theo dõi cẩn thận. 

Bởi nếu để bệnh tình trở nặng, người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng tồi tệ, bao gồm: tổn thương não, xuất huyết nội tạng, suy tim – thận, tràn dịch màng phổi, hạ tiểu cầu, cô đặc máu, thậm chí tử vong. 

Trong quá trình điều trị tại nhà, bạn nên chủ động nhập viện ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường sau:

  • Nôn ói quá nhiều
  • Mệt mỏi, uể oải, khó chịu trong người ngay cả khi đã hết sốt hoặc giảm sốt
  • Bứt rứt, lạnh tay chân
  • Đau bụng dữ dội
  • Chảy máu cam, xuất huyết miệng

Hết sốt là đã khỏi bệnh

Các chuyên gia cho biết, sau khi trải qua thời gian sốt cao ban đầu, bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Khoảng 2 – 7 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, người bệnh bắt đầu hết sốt và đỡ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn. 

Tuy nhiên, đây chính là thời điểm bệnh lý này cần được theo dõi và kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Khi đó, virus dengue có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu đáng kể. Các biểu hiện bất thường dần trở nên rõ nét (chảy máu cam, xuất huyết dưới da). 

Tùy thuộc vào mức độ sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể bị xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, sốc vì mất máu, thậm chí tử vong. Vì vậy, đây chính là thời kỳ cả bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa đều cần đề cao cảnh giác và theo dõi kỹ lưỡng, sát sao.

Mỗi người chỉ mắc bệnh một lần trong đời

Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue. Chúng bao gồm 4 tuýp, được lần lượt ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Tất cả chủng này có thể luân phiên gây ra dịch bệnh ở nước ta. Trong khi đó, sự miễn dịch với bệnh lý này được hình thành riêng lẻ và chỉ đặc hiệu với tuýp virus tương ứng. Do đó, một người có thể bệnh sốt xuất huyết 4 lần trong đời do 4 chủng virus khác nhau gây ra.

Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm có thể xảy đến với bất kỳ ai. Hàng năm, vấn đề này đã khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong, đồng thời gây hao tốn chi phí y tế khổng lồ. Vì vậy, tất cả chúng ta cần chủ động phòng ngừa bệnh lý.

Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Dọn dẹp nhà cửa là một trong những cách đơn giản nhất giúp bạn chủ động phòng chống dịch.

Độc giả có thể dễ dàng phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà thông qua những hành động đơn giản và thiết thực sau:

  • Đậy kín mọi dụng cụ chứa nước (có thể chứa bọ gậy/lăng quăng) như: giếng nước, chum vại, xô, thùng, chậu, chai, lon, lọ, thùng phuy.
  • Thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu diệt bọ gậy/lăng quăng như: nuôi cá vàng trong dụng cụ chứa nước lớn, lau rửa những dụng cụ chứa nước nhỏ và vừa (bình hoa, chân chạn, khay nước tủ lạnh, máng xối, bể cây cảnh.
  • Lật úp ve chai, phế thải, loại bỏ những hốc nước tự nhiên, chai, hũ, bình, lọ, chum vại, vỏ dừa, bẹ lá, lốp xe…
  • Luôn ngủ trong màn và mặc quần áo dài tay ngay cả ban ngày.
  • Chủ động hỗ trợ, phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng – chống dịch sốt xuất huyết.
  • Bôi kem chống muỗi ở mặt, cổ, tay, chân và những vùng da không được quần áo che chắn.
  • Hạn chế ra ngoài vào sáng sớm và chiều tối (vì đây là thời điểm bên ngoài có rất nhiều muỗi).
  • Đối với môi trường công nghiệp hoặc những không gian rộng lớn, bạn cần thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ các thiết bị chuyên dụng như: máy rửa xe, máy chà sàn, máy hút bụi… 
  • Sử dụng những loại thuốc chống muỗi, diệt muỗi từ tinh chất thảo dược tự nhiên.
  • Mặc quần áo tay dài cho con em cả ban ngày lẫn ban đêm, không cho bé chơi đùa ở khu vực ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thoa kem chống muỗi lên vùng da không được quần áo bảo vệ. 
  • Phát quang bụi rậm, giữ gìn nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ và sáng sủa.
  • Ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh kể trên, bạn hãy đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng.

Tóm lại, thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết ở nước ta là tháng 7, 8, 9 và 10. Do đó, mọi người cần tự giác dọn dẹp nhà cửa và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, loại bỏ nước đọng và phát quang bụi rậm. Khi phát hiện một trong các dấu hiệu nhận biết kể trên, bạn hãy bình tĩnh đi thăm khám bác sĩ để được xét nghiệm kỹ lưỡng và hướng dẫn cụ thể.

Cùng chuyên mục

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết khiến thân nhiệt tăng cao đột ngột và có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được khắc phục kịp thời. Tham khảo...

Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Giải đáp

Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Giải đáp

"Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?" là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Việc bị muỗi vằn mang virus nhiễm bệnh đốt là nguyên nhân...

Sốt xuất huyết có ngứa không? Nguyên nhân vì đâu?

Sốt xuất huyết có ngứa không? Bị ngứa khi nào?

Sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa. Bệnh lý này đi kèm các biểu hiện chóng mặt, sốt cao, xuất huyết dưới da, ngứa ngáy và phát ban....

Bệnh sốt xuất huyết có lây không?

Bệnh sốt xuất huyết có lây không? Lây qua đường nào?

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Bệnh sốt...

Bị sốt xuất huyết nên ăn gì

Bị sốt xuất huyết nên ăn gì cho mau khỏi bệnh

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh luôn cảm thấy người mệt mỏi, khô khốc, không muốn ăn uống gì, tuy nhiên điều này sẽ làm cơ thể suy nhược...

sốt xuất huyết ở người lớn

Sốt xuất huyết ở người lớn: Dấu hiệu và cách điều trị

Sốt xuất huyết ở người lớn là căn bệnh có liên quan đến các yếu tố truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Thậm chí với những người có sức đề...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn