TOP 10 thuốc trị bệnh chàm tốt nhất được đánh giá tốt

Bệnh chàm (Eczema): Triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Nổi mụn nước ở môi là bị gì? Bôi thuốc gì nhanh khỏi?

Cách chữa bệnh chàm bằng lá trầu không theo dân gian hiệu quả

Chàm đồng tiền là gì? Cách nhận biết và điều trị

Bệnh Eczema ở trẻ em – Nguyên nhân và hướng điều trị

Bệnh chàm bìu: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị

3 Cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa an toàn cho bé tại nhà

Chàm vành tai ở trẻ sơ sinh và các biện pháp điều trị an toàn

Cách chữa bệnh chàm bằng lá ổi giảm nhanh triệu chứng

Bệnh chàm bìu: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị

Bệnh chàm bìu đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, bong vảy, ngứa ngáy và sần sùi. Các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm nhanh khi sử dụng thuốc bôi, thuốc uống và áp dụng quang trị liệu. Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát nhiều lần, tiến triển dai dẳng và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh chàm bìu
Bệnh chàm bìu là gì?

Bệnh chàm bìu là gì?

Chàm bìu (tiếng Anh: Srotal dermatitis) là một dạng tổn thương da mãn tính thường gặp ở nam giới. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng da dày sừng, bong vảy, đỏ, ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội, dai dẳng và bề mặt da có dấu hiệu lichen hóa nếu gãi cào liên tục. Hiện nay, chàm bìu chưa được nhìn nhận là một bệnh lý riêng biệt mà được xem là một dạng chàm với tổn thương xảy ra ở vùng bìu (cơ quan sinh dục của nam giới).

Tương tự như các thể chàm – eczema khác, chàm bìu chủ yếu khởi phát khi tiếp xúc tác nhân dị ứng/ kích ứng và yếu tố tâm lý. Ngoài ra, tổn thương ở vùng da bìu cũng có thể bị kích thích do cơ thể thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, nhiễm trùng và ảnh hưởng của các bệnh lý nội khoa.

Cấu trúc da của vùng bìu tương đối lỏng lẻo, mỏng, có nhiều mạch máu và dây thần kinh nên có xu hướng sưng đỏ và phù nề khi tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc khi ma sát với quần áo. Hiện tượng viêm ở vùng da này khiến nam giới có xu hướng gãi, cào để giảm ngứa.

Tuy nhiên tác động cơ học có thể khiến da giải phóng các chất trung gian hóa học gây ngứa ngáy, viêm đỏ và tiếp tục kích thích phản ứng gãi, cào. Vòng xoắn bệnh diễn ra liên tục khiến vùng da bìu có xu hướng lichen hóa, ngứa dữ dội, bỏng rát và làm suy giảm hàng rào bảo vệ da.

Chàm bìu và các thể chàm khác đều không thể điều trị hoàn toàn do căn nguyên có liên quan đến yếu tố cơ địa. Vì vậy, mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa biến chứng và giảm tần suất bệnh tái phát.

Nhận biết bệnh chàm bìu qua từng giai đoạn

Biểu hiện của bệnh chàm bìu không có tính đồng nhất do phụ thuộc vào yếu tố bệnh sinh và chế độ chăm sóc của từng trường hợp. Đối với trường hợp gãi cào thường xuyên và vệ sinh kém, tổn thương ở vùng da bìu có xu hướng nghiêm trọng hơn.

bệnh chàm bìu ở nam giới
Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh chàm bìu ở nam giới được chia thành 4 giai đoạn

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, chàm bìu được chia thành 4 thể chính với các triệu chứng khác nhau:

  • Typ 1 (chàm bìu cấp, có mức độ nhẹ và khô): Chàm bìu typ 1 là giai đoạn bệnh mới phát với tổn thương có mức độ nhẹ. Ở giai đoạn này, bệnh điển hình bởi tổn thương da khô, mức độ nhẹ và ranh giới rõ ràng so với những vùng da lành. Tổn thương da gây rát bỏng và ngứa ngáy nhiều nhưng có xu hướng tự bong vảy và khỏi chỉ sau vài ngày đến vài tuần.
  • Typ 2 (chàm bìu mãn tính, mức độ nặng và khô): Bệnh chàm bìu typ 2 không chỉ ảnh hưởng đến vùng da bìu mà còn có thể lan ra toàn bộ dương vật và vùng bẹn, đùi. Ở giai đoạn này, da có xu hướng giảm sắc tố hoặc có màu đỏ sáng, bong vảy nhẹ đi kèm với cảm giác bỏng rát và ngứa ngáy.
  • Typ 3 (chàm bìu mãn tính, thể ướt): Chàm bìu type 3 có mức độ đau nhiều, bề mặt da có thể bị giãn mao mạch, rỉ nước và có các mảng màu trắng khô, nứt nẻ. Bề mặt da bìu và mặt trong của đùi luôn trong trạng thái ẩm ướt, khó chịu.
  • Typ 4 (chàm bìu thể loét và phù): Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh chàm bìu với các triệu chứng điển hình như da bìu sưng phù, mức độ tổn thương nghiêm trọng, các vùng nứt nẻ xuất hiện vết loét, ứ dịch/ mủ gây đau nhiều. Một số trường hợp có thể đi kèm với hoại tử da nếu không tiến hành điều trị sớm.

Các nguyên nhân gây chàm bìu thường gặp

Nguyên nhân chính xác gây ra chàm bìu và các thể chàm – eczema khác vẫn chưa được xác định. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh lý này chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là tâm lý và tác nhân kích ứng/ dị ứng.

bệnh chàm bìu ở nam giới
Tiếp xúc với bao cao su, chất diệt tinh trùng, hóa chất,… là yếu tố kích thích tổn thương da bùng phát

Các yếu tố có khả năng khởi phát bệnh chàm bìu:

  • Tác nhân dị ứng/ kích ứng: Vùng da bìu tương đối mỏng và nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng/ dị ứng khi tiếp xúc với một số tác nhân như màu nhuộm trong vải quần lót, latex trong bao cao su, chất diệt tinh trùng, các hóa chất (dầu khoáng, dầu nhờn, Diesel), kháng sinh (tím gentian, Neomycin, Gentamycin,…).
  • Tâm lý: Căng thẳng, mất ngủ, suy nhược và các bệnh lý tâm thần có thể kích hoạt tổn thương ở vùng da bìu bùng phát. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về cơ chế bùng phát bệnh do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên qua các nghiên cứu đã được thực hiện, các nhà khoa học nhận thấy hệ thần kinh bị căng thẳng có thể làm tăng độ nhạy cảm và kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.
  • Thiếu vi chất: Thống kê cho thấy, nam giới bị chàm bìu thường bị thiếu hụt kẽm, Nicotinic acid và Riboflavin.
  • Ảnh hưởng của bệnh nội khoa: Nghiên cứu cho thấy, các bệnh lý như tiểu đường và suy thận mãn tính gây rối loạn chuyển hóa và khiến da suy yếu, nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.
  • Nhiễm trùng: Phản ứng chống lại nhiễm trùng của cơ thể có thể vô tình kích hoạt triệu chứng của các bệnh viêm da mãn tính – trong đó có chàm bìu bùng phát. Một số dạng nhiễm trùng có thể làm bùng phát tổn thương ở vùng da bìu, bao gồm sán máng, giang mai, bệnh lime, rận mu, ghẻ, virus HIV,…

Thực tế, những yếu tố trên chỉ là tác nhân kích thích tổn thương ở vùng da bìu khởi phát. Ở một số trường hợp, các tác nhân này hầu như không gây ra bất cứ tổn thương thực thể hay cơ năng nào.

Theo các chuyên gia, chàm bìu chỉ xảy ra ở những trường hợp sau:

  • Hàng rào da suy giảm: Hàng rào bảo vệ có chức năng ngăn chặn sự xâm nhập các chất kích ứng/ dị ứng vào cấu trúc da. Tuy nhiên nếu hàng rào da bị suy giảm, dị nguyên có thể dễ dàng xâm nhập và gây bùng phát các triệu chứng của bệnh chàm.
  • Cơ địa nhạy cảm: Cơ địa được xem là yếu tố “chủ chốt” trong cơ chế bệnh sinh. Thực tế cho thấy, người bị chàm bìu và các dạng chàm khá có gen gây bệnh nằm ở nhiễm sắc thể, mức acetylcholine trong da cao,… Yếu tố này thường được di truyền từ cha mẹ sang con cái.

Ngoài ra, bệnh chàm bìu cũng có thể bùng phát hoặc diễn tiến nặng nề hơn khi có những yếu tố như vệ sinh vùng kín kém, quan hệ tình dục quá mức hoặc quan hệ không an toàn.

Chàm bìu có nguy hiểm không? Có lây không?

Chàm bìu là bệnh ngoài da lành tính và hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe tổng thể. Mặc dù không thể điều trị hoàn toàn nhưng các triệu chứng của bệnh lý này có thể được kiểm soát sau khi sử dụng thuốc và loại trừ yếu tố khởi phát.

Tuy nhiên nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng, da phù nề nặng, có nguy cơ loét và hoại tử. Hơn nữa, vùng da bìu nằm ở vị trí nhạy cảm và dễ bị ma sát nên có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và nấm men cao hơn so với những vùng da thông thường.

 

bệnh chàm bìu ở nam giới
Chàm bìu gây ngứa dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và yếu tố tâm lý

Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tổn thương da ở vùng bìu có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vòng xoắn bệnh lý (ngứa – gãi – giải phóng chất gây ngứa – gãi) còn có thể hình thành các vấn đề tâm lý như căng thẳng, trầm cảm và rối loạn lo âu.

Do tổn thương xuất hiện ở vùng da nhạy cảm nên nhiều người lầm tưởng bệnh lý này có thể lây qua hoạt động tình dục. Tuy nhiên, chàm bìu và các thể chàm khác đều không có khả năng lây nhiễm – ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp.

Phương pháp điều trị bệnh chàm bìu ở nam giới

Trước khi điều trị, bạn cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán nhằm xác định bệnh lý và loại trừ các khả năng có thể xảy ra do nấm nông, hội chứng miệng – mắt – sinh dục, bệnh Pagnet ngoài vú và lichen đơn mãn tính.

Dựa vào tổn thương da, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị như:

1. Loại bỏ yếu tố khởi phát

Để làm giảm tổn thương da và ngăn ngừa tái phát, cần loại trừ yếu tố kích thích bệnh chàm bìu bùng phát. Đối với những trường hợp có dị nguyên nghi ngờ, bác sĩ thường yêu cầu test áp da nhằm xác định tác nhân gây dị ứng.

bệnh chàm bìu và cách chữa trị
Đối với nam giới khởi phát chàm bìu do căng thẳng, trầm cảm,… bác sĩ sẽ áp dụng liệu pháp tâm lý

Trước khi can thiệp các biện pháp điều trị, cần thực hiện loại trừ các yếu tố khởi phát sau:

  • Hỗ trợ tâm lý: Tâm lý căng thẳng, trầm cảm và lo âu là một trong những yếu tố kích thích thương tổn ở vùng bìu bùng phát. Đối với trường hợp có vấn đề về tâm lý, bác sĩ sẽ tiến hành các liệu pháp nhằm giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và định hướng các suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
  • Loại bỏ tác nhân xác định/ nghi ngờ: Tiếp xúc với dị nguyên không chỉ khiến thương tổn da bùng phát mà còn khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nam giới cần loại trừ các tác nhân dị ứng (nghi ngờ hoặc đã được xác định) như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, chất nhuộm vải,…

Ở một số trường hợp chàm bìu nhẹ, tổn thương da có thể thuyên giảm đáng kể sau khi cách ly với yếu tố khởi phát bệnh.

2. Sử dụng thuốc bôi + thuốc uống

Dùng thuốc là biện pháp chính trong điều trị bệnh chàm bìu. Loại thuốc được chỉ định tùy thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng đáp ứng và căn nguyên khởi phát bệnh.

Tuy nhiên sử dụng thuốc chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng cơ năng và thực thể, không có khả năng điều trị bệnh hoàn toàn. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định, đồng thời cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để dự phòng rủi ro và tác dụng phụ.

bệnh chàm bìu và cách chữa trị
Các loại thuốc bôi/ uống được sử dụng có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh chàm bìu

Các loại thuốc bôi + thuốc uống được sử dụng để điều trị bệnh chàm bìu, bao gồm:

  • Kem bôi dưỡng ẩm: Hàng rào bảo vệ suy giảm khiến da bìu có xu hướng khô ráp, bong vảy và tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập. Kem dưỡng ẩm được sử dụng nhằm phục hồi màng lipid (hàng rào bảo vệ da), cấp ẩm, làm mềm các mô da khô ráp và hư tổn. Sản phẩm này thường được dùng với tần suất từ 2 – 4 lần/ ngày tùy vào nhu cầu của từng loại da.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Là loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị bệnh chàm bìu và các thể chàm khác. Thuốc bôi chứa corticoid có khả năng kháng viêm và chống dị ứng. Thuốc có thể làm giảm hiện tượng viêm đỏ và ngứa ngáy do chàm bìu gây ra. Tuy nhiên, corticoid có thể khiến da bị teo, mỏng và giãn mao mạch nếu lạm dụng trong thời gian dài.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được sử dụng nhằm giảm ngứa và cải thiện một số thương tổn ở vùng da bìu. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách đối kháng chọn lọc với histamine – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm. Thuốc kháng histamine (Loratadin, Cetirizin, Clorpheniramin) có độ an toàn khá cao và hầu như chỉ gây buồn ngủ, khô miệng trong thời gian sử dụng.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptyline) có tác dụng an thần và giảm lo âu bằng cách ức chế tái nhập các chất dẫn truyền thần kinh (noradrenalin, serotonin và monoamine) ở các noron monoaminergic. Loại thuốc này được sử dụng để cải thiện triệu chứng ngứa, đau và tình trạng căng thẳng ở người bị chàm bìu mãn tính.
  • Viên uống bổ sung: Các viên uống bổ sung acid nicotinic, kẽm và riboflavin có thể được sử dụng để cải thiện hiện tượng viêm ở vùng da bìu. Nhóm thuốc này thường được chỉ định cho nam giới bị chàm bìu do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
  • Kháng sinh (nếu có bội nhiễm): Kháng sinh được chỉ định trong trường hợp chàm bìu bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm men. Tùy vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng kháng sinh dạng uống hoặc dạng bôi ngoài.

Các loại thuốc trị chàm bìu (trừ kem dưỡng ẩm) chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn ổn định, nên dưỡng ẩm và chăm sóc đúng cách để kiểm soát và ngăn ngừa tổn thương da tái phát.

3. Quang trị liệu

Quang trị liệu là phương pháp sử dụng tia UVB hoặc UVA nhân tạo nhằm cải thiện tổn thương da và các triệu chứng cơ năng đi kèm. Phương pháp này thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh da liễu mãn tính như chàm bìu, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, vảy nến,…

Trong điều trị chàm bìu, bác sĩ thường sử dụng UVB dải hẹp với bước sóng 311nm nhằm giảm phản ứng miễn dịch tại chỗ, từ đó cải thiện tổn thương da, giảm triệu chứng viêm đỏ và ngứa ngáy. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với trường hợp có tiền sử u da, tiền sử điều trị bằng tia xạ, arsenic hoặc mắc hội chứng lupus ban đỏ hệ thống.

Với những trường hợp chỉ định đúng, quang trị liệu có thể làm sạch 70 – 80% tổn thương ở chàm bìu và giảm các tác dụng phụ do lạm dụng thuốc trong thời gian dài. Hơn nữa, quang trị liệu dùng tia UVB dải hẹp có thể hạn chế được các tác dụng phụ khi áp dụng tia UVB dải rộng.

Chăm sóc và phòng ngừa tái phát

Như đã đề cập, chàm bìu và các thể chàm khác đều không thể điều trị hoàn toàn. Ở một số ít trường hợp, bệnh có thể biến mất và hầu như không tái phát trở lại khi trưởng thành. Tuy nhiên có khoảng 50% trường hợp phải đối mặt với tình trạng bệnh tái phát thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục.

Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bạn cần thực hiện chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ kiểm soát tổn thương da và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.

bệnh chàm bìu và cách chữa trị
Để ngăn ngừa chàm bìu tái phát, nam giới nên dành thời gian nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng

Các biện pháp chăm sóc giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa chàm bìu tái phát:

  • Cần kiểm soát các tác động cơ học lên vùng bìu như gãi cào, ma sát với quần áo,… Các tác động này có thể kích thích da giải phóng các chất trung gian hóa học, làm tăng mức độ ngứa ngáy và khiến tổn thương da chuyển biến theo chiều hướng nghiêm trọng.
  • Vệ sinh vùng kín thường xuyên (đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục). Nên rửa với nước ấm và lau khô hoàn toàn bằng khăn sạch trước khi mặc quần áo.
  • Lựa chọn quần lót và trang phục chất liệu cotton có khả năng thấm hút cao, ít gây kích ứng và dị ứng. Ngoài ra, cần hạn chế mặc các trang phục bó sát và có chất liệu thấm hút kém.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về sản phẩm bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, gel bôi trơn, sữa tắm,… an toàn và phù hợp với loại da.
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ và hạn chế lo lắng quá mức. Lối sống lành mạnh có thể giúp nam giới giảm căng thẳng và kiểm soát các triệu chứng của bệnh chàm bìu.
  • Quan hệ tình dục an toàn là một trong những biện pháp ngăn ngừa chàm bìu tái phát. Thực tế cho thấy, các vấn đề sức khỏe lây nhiễm qua đường tình dục (giang mai, rận mu,…) có thể kích thích tổn thương ở vùng bìu bùng phát mạnh.
  • Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố thuận lợi để dị nguyên xâm nhập và gây tổn thương da. Vì vậy, nam giới nên ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe.

Bệnh chàm bìu là vấn đề da liễu mãn tính thường gặp ở nam giới. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có thể tác động xấu đến chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục. Vì vậy, nam giới nên chủ động thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

Cùng chuyên mục

Công dụng lá ổi trong chữa bệnh chàm

Cách chữa bệnh chàm bằng lá ổi giảm nhanh triệu chứng

Chữa bệnh chàm bằng lá ổi là mẹo dân gian đơn giản, an toàn, tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ...

Chàm sữa là bệnh thường gặp, có đến 20% trẻ sinh ra mắc phải bệnh chàm sữa

Bệnh chàm sữa: Biểu hiện, cách chăm sóc và điều trị

Chàm sữa hay lác sữa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, có đến 20% trẻ em sinh ra bị chàm sữa với đặc trưng là các mảng da...

Top 10 cách chữa bệnh chàm theo dân gian mang lại hiệu quả

Top 10 cách chữa bệnh chàm theo dân gian mang lại hiệu quả

10 cách chữa bệnh chàm theo dân gian bằng muối trắng, nghệ vàng, trà xanh, trầu không, lá khế, lá ổi, dưa leo, dầu dừa... tiết kiệm và đơn giản...

Chàm đồng tiền là gì? Cách nhận biết và điều trị

Chàm đồng tiền là gì? Cách nhận biết và điều trị

Chàm đồng tiền là một trường hợp phổ biến của bệnh chàm, các triệu chứng của bệnh thường khởi phát ở nam giới có độ tuổi trung niên. Bệnh kéo...

Cách chữa chàm bằng lá trầu không theo dân gian hiệu quả

Cách chữa bệnh chàm bằng lá trầu không theo dân gian hiệu quả

Chữa bệnh chàm bằng lá trầu không là một trong các mẹo dân gian được rất nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả tích cực. Vậy dùng lá...

Nổi mụn nước ở môi là bị gì? Bôi thuốc gì nhanh khỏi?

Nổi mụn nước ở môi là bị gì? Bôi thuốc gì nhanh khỏi?

Hiện tượng nổi mụn nước ở môi gây ra các triệu chứng đau rát, sưng môi khó chịu. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, các...

Bình luận (1)

  1. Trần bảo says: Trả lời

    Dạ cho em hỏi cái vùng da bìu của em nó bị đỏ và rát, bây giờ nó đã chảy ra huyết tương từ chỗ đỏ đó vậy có nghiêm trọng lắm ko ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn