Bệnh bạch hầu: Biến chứng nguy hiểm và biện pháp phòng tránh
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Trong những ngày gần đây, thông tin về bệnh bạch hầu với khả năng lây lan nhanh chóng cùng tỷ lệ tử vong cao và rất nhiều biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim, thận, thần kinh khiến mọi người vô cùng hoang mang lo lắng. Vậy bệnh bạch hầu là gì, nguy hiểm như thế nào, các phòng tránh ra sao tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium Diphtheria). Đây là bệnh cấp tính với dấu hiệu điển hình là hình thành lớp màng giả ( giả mạc) ở tuyến hầu họng, tuyến hạnh nhân, niêm mạc trong mũi, thanh quản hay trên da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục.
Bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nên gây nên các tổn thương trầm trọng cho người bệnh. Các biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thậm chí là tử vong chỉ trong khoảng 6 – 10 ngày nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, nhất là những người có tiếp xúc với người bệnh hoặc đi đến ổ dịch đều có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 15 có hệ miễn dịch yếu kém là đối tượng dễ bị vi khuẩn bạch hầu xâm nhập và gây bệnh nhất.
Tình hình dịch bệnh bạch hầu tại Việt Nam
Theo các chuyên gia y tế, trong vòng 7 năm trở lại đây, tỉ lệ người mắc bệnh bạch hầu là khá ít, trong đó có đến hơn 90% ca mắc bệnh là người dân tộc thiểu số, trong các vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, dịch bạch bạch hầu có dấu hiệu bùng phát mạnh hơn, đặc biệt ở các vùng cơ sở y tế còn hạn chế khiến phòng phóng tránh và điều trị càng gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu tháng 6/2020, tỉnh Đăk Nông được coi là một trong những ổ dịch đầu tiên với rải rác 12 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại 3 huyện Krông Nô và huyện Đăk Glong. Trong đó, đã có 1 bệnh nhân tử vong và 1 trường hợp nguy kịch phải chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Tối 25/6/2020, tại BV Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận một ca mắc bệnh đầu tại TPHCM của một bệnh nhân nam 20 tuổi. Hàng chục các bác sĩ, y tá, bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân đều được sử dụng các loại thuốc uống điều trị dự phòng. TPHCM được tính là địa phương thứ hai phát hiện người mắc bệnh bạch hầu.
Tính đến ngày 21/7/2020, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 108 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum với tổng 34 xã thuộc 14 huyện lân cận. Trong 108 ca này có 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng bạch hầu. Số người tử vong tính đến thời điểm này là 3 ca, trong đó tại Đắk Nông 2 ca và Gia Lai 1 ca. Số người đi cách ly vì bệnh bạch hầu tại đây cũng đạt đến con số hơn 1200 người.
Mới đây, vào 24/07/2020. Tình Quảng Trị lại thông báo phát hiện thêm 5 ca bệnh tại khu vực xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Các đối tượng mắc bệnh đều trong độ tuổi từ 6 – 9 tuổi, chưa rõ nguồn lây nhiễm bệnh dù cả 5 bệnh nhân đều được tiêm vaccine phòng bệnh trước đó. Ngoại trừ bệnh nhân đầu tiên, cả 4 bệnh nhân sau đều không có các triệu chứng, biểu hiện lâm sàng của bệnh.
Hiện trong 5 ngày liên tiếp chưa phát hiện thêm một ca dương tính nào với bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu từ một căn bệnh xuất hiện rải rác bỗng bùng phát mạnh với khả năng lây nhiễm cao đang là điều khiến các chuyên gia y tế vô cùng đau đầu tìm các khắc phục và ngăn chặn kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Biểu hiện của bệnh bạch hầu
Người bị bệnh bạch hầu có thể ủ bệnh trong 2-5 ngày, đôi khi cũng có thể trong 1-10 ngày. Các triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu chỉ là các cơn ho, sốt, cảm lạnh, viêm amidan thông thường, hoặc có thể xuất hiện thêm một số vấn đề về da.
Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng của bệnh rõ ràng hơn và biểu hiện bằng các dấu hiệu sau
- Bệnh bạch hầu mũi trước: Biểu hiện bằng các triệu chứng sổ mũi, chảy mũi , nước mũi nhầy đặc có thể lẫn máu. Khi khám, có thể phát hiện có lớp màng trắng ở vách ngăn mũi.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân bị sưng tấy cổ họng sưng tấy, nuốt đau, chán ăn, có thể nổi hạch dưới hàm kèm theo sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một vùng hoại tử bên trong cổ họng tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc cũng có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Lúc này có thể các độc tố đã ngấm vào máu nhiều , nếu không điều trị nhanh chóng có thể dẫn đến nhiễm độc toàn thân. Cổ họng bệnh nhân bị sưng phù và nổi hạch dưới hàm làm cổ bạnh ra như cổ bò. Nếu bị nhiễm độc toàn thân bệnh nhân trông phờ phạc, sút cân nhanh chóng, mặt mày xanh tái, mạch đập nhanh, khuân mặt đờ đẫn, có thể hôn mê. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong 6- 10 nếu không điều trị kịp thời.
- Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh khá trầm trọng bởi tốc độ tiến triển vô cùng nhanh chóng. Các dấu hiệu ban đầu thường là sốt, khàn giọng, ho ông ổng nhưng khi khám sẽ thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Các giả mạc này có thể gây chèn ép khí quản khiến bệnh nhân không thở được dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
- Bạch hầu các vị trí khác: Vi khuẩn Corynebacterium Diphtheria có thể gây lở loét ở da, cùng một số vấn đề ở niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.Tuy nhiên tình trạng này khá ít gặp và cũng không quá nguy hiểm, có thể sớm điều trị được.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Đây là loại vi khuẩn có gram dương hiếu khí, kích thước mảnh, có hình dạng như dùi trống hoặc hình que. Khi vi khuẩn bạch hầu bị nhiễm thực khuẩn bào và mang gen độc tố tox gene gây sản sinh toxigenicity khiến cơ thể mắc bệnh.
Corynebacterium diphtheriae có ba type gồm gravis, intermedius, và mitis. Cả ba type tiết ra các độc tố gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu có thể nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa vi khuẩn gây bệnh vừa là tác nhân lan truyền nguồn bệnh sang những người xung quanh.
Bệnh bạch hầu thường lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua đường hô hấp thông qua các hoạt động như nói chuyện, ho, hôn khiến các vi khuẩn lây lan. Bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua việc ăn uống chung bát chén hay tiếp xúc với các đồ vật có dính nước bọt, chất chất bài tiết của người bị nhiễm bệnh.
Do lây nhiễm qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan cực nhanh chóng, nếu không sớm phát hiện nguồn gốc bệnh thì ổ dịch sẽ là rất lớn. Chỉ sau 2 tuần nhiễm khuẩn bạch hầu, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm sang những người khác nếu không có biện pháp phòng tránh đúng cách.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Tùy vào từng vị trí nhiễm khuẩn bạch hầu và các biến chứng của nó cũng khác nhau. Ban đầu bệnh chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, thiếu sức sống, do khó đờm, sổ mũi… Tuy nhiên nếu độc tố nhiễm trùng quá mạnh kết hợp với việc phát hiện bệnh muộn và điều trị không kịp thời thì có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong trong một thời gian ngắn.
Các biến chứng nguy hiểm mà bệnh bạch hầu có thể gây ra bao gồm
- Viêm cơ tim: Biểu hiện với các triệu chứng như mệt mỏi, tức ngực, thở dốc, khó thở, rối loạn nhịp tim và có thể ngất xỉu đột ngột. Với các trường hợp biến chứng nặng hay suy tim người bệnh có thể được chỉ định dùng máy thở để hỗ trợ. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào giai đoạn toàn phát hoặc sau thời gian điều trị bệnh vài tuần. Tình trạng này có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong rất cao.
- Viêm dây thần kinh: Vi khuẩn có thể trú ngụ trong các dây thần kinh, nhất là thần kinh vận động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ của người bệnh. Các triệu chứng thường thấy bao gồm liệt màn khẩu cái (ở tuần thứ ba), liệt các dây thần kinh mãn nhãn, sau đó chân, tay, cơ hoành cũng dần bị liệt khi bước sang tuần thứ năm. Liệt cơ hoành chính là nguyên nhân dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Nếu các biến chứng khác kết hợp lại không gây tử vong thì bệnh hoàn toàn có khả năng hồi phục khá cao và ít để lại di chứng.
- Một số biến chứng khác: Nhiễm vi khuẩn bạch hầu còn có thể gây ra viêm kết mạc mắt , suy hô hấp cấp ở người bệnh, đặc biệt là trẻ em.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu là 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi. Trẻ em dưới 15 tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch còn chưa được hoàn thiện. Những bệnh nhân sau khi mắc bạch hầu sau được điều trị khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể đã được bổ sung miễn dịch lâu dài.
Điều trị bệnh bạch hầu
Hiện nay đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu nên tỷ lệ tử vong do bệnh là khá thấp, thường chỉ xuất hiện ở những trường hợp phát hiện bệnh trễ, ủ bệnh lâu ngày nên khả năng nhiễm độc lây lan nhanh gây tử vong. Tuy nhiên trong thời gian điều trị vẫn có thể gây ra một tác dụng phụ cho tim, hệ thần kinh và thận của người bệnh.
Bệnh nhân sau khi được phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu sẽ được đưa đi cách ly đồng thời làm các xét nghiệm chuẩn đoán để xác định có dương tính với bệnh không. Nếu có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu những người tiếp xúc gần bệnh nhân cũng được đưa đi cách ly và làm một số xét nghiệm để phóng tránh tình trạng lây nhiễm. Khu vực nhà ở của người bệnh cũng được xịt khử trùng để loại bỏ các vi khuẩn.
Nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu phụ thuộc vào diễn biến bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để được ra các phác đồ phù hợp. Thường bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu từ 20.000 đơn vị đến 100.000 đơn vị để ức chế sự sinh sản và lây lan của các vi khuẩn này. Thường bệnh nhân sẽ được thử phản ứng huyết thanh kháng độc trước khi tiêm để tránh một số dị ứng hay biến chứng khác.
- Chống nhiễm khuẩn: Trẻ em được chỉ định tiêm penicillin G liều 25.000 – 50.000 đơn vị/kg/ngày. Người lớn chỉ định tiêm penicillin G liều 1,2 triệu đơn vị /2 lần/ngày. Trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với penicillin thì chỉ định thay bằng erythromycin với liều 40-50 mg/kg/ngày, tiêm tối đa 2 gam/ngày liên tục trong 7 ngày.
- Điều trị dự phòng cho người lành mang vi khuẩn: Trẻ em dưới 6 tuổi được chỉ định tiêm một liều đơn penicillin G benzathin 600.000 đơn vị , trẻ trên 6 tuổi được tiêm 1,2 triệu đơn vị cùng loại. Với trẻ trên 6 tuổi có thể được chỉ định uống erythromycin thay thế với liều 40 mg/kg/ngày; người lớn uống erythromycin 1gam/ngày dùng trong 7-10 ngày liên tiếp.
Hiện tại, thuốc kháng bạch hầu có chi phí khá đắt đỏ lại thuộc nhóm không được bảo hiểm thanh toán nên việc điều trị khá tốn kém. Chưa kể với tình trạng nhiễm khuẩn bạch cầu nặng còn kèm theo các biến chứng khác cần điều trị, vì vậy chi phí có thể lên tới 40 đến 70 triệu đồng.
Chăm sóc và phòng chống bệnh bạch hầu
Việc phòng tránh bệnh bạch cầu có thể thực hiện thông qua việc tiêm vaccine đầy đủ. Tại Việt Nam hiện nay tuy chưa có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên bạn có thể tiêm vaccine phối hợp trong đó có các thành phần kháng nguyên bạch hầu hiệu quả như các nhón vaccine dưới đây.
Ở Chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR):
- Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib): chỉ định tiêm khii trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: chỉ định tiêm cho trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc vắc xin bạch hầu – uốn ván dùng cho người lớn có nguy cơ mắc bệnh cao, người có sức đề kháng yếu tuy nhiên thường chỉ được dùng khi ở trong ổ bệnh hay bệnh có nguy cơ lây lan mạnh chứ không được dùng phổ biến.
Về vắc xin dịch vụ:
- Vắc xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib – viêm gan B hoặc vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – bại liệt :Thường tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vắc xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt: tiêm khi trẻ 4-6 tuổi.
- Vắc xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván: Tiêm cho trẻ trên 4 tuổi, có thể dùng cho cả người lớn. Nhóm vaccine này được khuyến cáo nên tiêm 10 năm một lần.
Cần theo dõi và đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các vaccine để phòng tránh bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, cả trẻ em và người lớn muốn phòng bệnh hiệu quả cần chú ý đến một số biện pháp dưới đây:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn cơm hay tiếp xúc với những đồ vật có thể gây viêm nhiễm để loại bỏ các vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như lý nước, bát chén, hạn chế tiếp xúc với những người đang bị mắc bệnh về hô hấp để tránh nguuy cơ lây nhiễm.
- Che miệng mỗi khi ho, hắt hơi, rửa tay sau khi ho.
- Thường xuyên vệ sinh, sát trùng sạch sẽ các khu vực quanh nhà, sân vườn để ngăn ngừa không cho các vi khuẩn có hại có nguy cơ lây nhiễm.
- Giữ vệ sinh thân thể và tai mũi họng sạch sẽ.
- Luôn đeo khẩu trang trước khi ra ngoài để hạn chế bị các vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập đồng thời phòng tránh các bệnh lây nhiễm thông qua đường hô hấp khi đến những nơi đông người.
- Đảm bảo khu vực nhà ở, vui chơi luôn sạch sẽ thoáng mát, có đầy đủ ảnh sáng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh.
- Nếu phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần phải nhanh chóng tuân thủ các biện pháp cách ly và đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
- Không đi du lịch đến những nơi đang có ổ dịch.
- Với trẻ nhỏ cần cho bé đi tiêm phòng đầy đủ.
Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng phức tạp nhưng hoàn toàn có thể sớm phòng tránh được. Người dân cần nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng tránh cũng như thường xuyên theo dõi tin tức để cập nhật tình hình mới nhất về dịch bệnh bạch hầu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!