Cứ ăn vào là đau dạ dày do đâu? Làm sao khắc phục
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Ăn vào là bị đau dạ dày là tình trạng thường gặp ở người có vấn đề về hệ tiêu hóa. Tình trạng này xuất hiện có thể do lượng thức ăn nạp vào không phù hợp hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Bạn nên xác định nguyên nhân cũng như có cách điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nguyên dân dẫn đến tình trạng ăn vào là đau dạ dày
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ăn vào là bị đau dạ dày:
1. Yếu tố thực phẩm gây đau dạ dày sau khi ăn
Ăn thực phẩm khó tiêu là nguyên nhân khiến cho bạn bị đau dạ dày sau mỗi bữa ăn. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn không phải can thiệp y tế mà có thể tự điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho phù hợp hơn. Tình trạng này xuất hiện có thể do:
- Ăn nhầm thực phẩm gây ngộ độc
Tình trạng đau bụng âm ỉ sau khi ăn rất có thể là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã ăn phải thực phẩm gây ngộ độc. Kèm theo đó, bạn sẽ có cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, người uể oải, nóng sốt, khó chịu. Hiện tương này có thể xuất hiện sau khi ăn vài giờ và rất khó để cảm nhận được ngay các triệu chứng của nó, dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh thông thường.
Trường hợp nhẹ, có thể tự điều trị ngộ độc thực phẩm tại nhà và sẽ khỏi sau vài ngày. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân đau dữ dội, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều axit
Dạ dày của bạn có thể bị kích ứng nếu cùng một lúc nạp quá nhiều thực phẩm giàu axit như cam, bưởi, chanh, quýt,…Nồng độ axit tự nhiên có trong dạ dày tăng đột ngột gây nên tình trạng ăn vào là đau dạ dày.
Không nên chủ quan đối với trường hợp này, nếu bạn cứ tiếp tục ăn không kiểm soát, nguy cơ cao dẫn đến sỏi thận hoặc gặp một số vấn đề về xương khớp.
Ngoài các loại trái cây có chất chua, bạn cũng nên thận trọng với một số thực phẩm đi vào cơ thể có xu hướng tạo ra axit như đường, sữa, một số loại cá, soda, đồ uống có gas, thịt bò, thịt gà tây,…
- Ăn nhiều thực phẩm chứa khí
Khi ăn một số loại thực phẩm có chứa khí sẽ khiến dạ dày căng tức hơn, kéo theo những cơn đau sau khi ăn no. Chúng có thể là hành, các loại đậu, bắp cải, bông cải xanh,…
Ngoài ra, việc bạn sử dụng ống hút để uống nước, nhai kẹo cao su cũng là một trong những yếu tố khiến cơ thể nuốt khí nhiều hơn. Dạ dày chứa nhiều không khí sẽ căng bất thường, dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu, đau dạ dày.
- Ăn thực phẩm cay
Quả ớt có chứa capsaicin, tạo cảm giác cay nóng khi ăn. Chính vì thế, người có vấn đề về dạ dày ăn đồ ăn có ớt dễ bị kích ứng, kéo theo tình trạng đau, nguy hiểm hơn là gây viêm loét dạ dày.
- Ăn quá no
Thông thường người bệnh đau dạ dày sẽ bị đau dữ dội khi bụng đói. Tuy nhiên, chỉ cần lập tức ăn quá no thì cơn đau đó có thể tăng thêm, khiến cơ thể người bệnh khó chịu mỗi khi vừa ăn xong.
Bên cạnh những yếu tố về thực phẩm trên đây, tình trạng đau dạ dày còn do cơ thể hấp thụ nhiều chất béo, thức ăn hay đồ uống chứa chất kích thích,…
2. Tác nhân bệnh lý khiến ăn vào là bị đau dạ dày
Ngoài tác nhân từ thực phẩm khiến bạn cứ ăn vào là bị đau dạ dày thì bệnh lý trong cơ thể cũng là nguyên nhân quan trọng. Một số trường hợp như:
- Dị ứng thực phẩm
Tình trạng dị ứng thực phẩm sẽ xảy ra ở một số người. Lý do gây nên chứng bệnh này là do cơ thể bạn đang nhầm lẫn một số thực phẩm tốt thành dạng nguy hại.
Điều này khiến cơ thể phản ứng lại với những tác nhân đó và làm xuất hiện hiện tượng đau dạ dày, một số người còn bị nổi mẩn ngứa, sưng phù một số bộ phận trên cơ thể nếu ăn phải thực phẩm gây dị ứng.
- Viêm dạ dày
Viêm dạ dày hình thành do niêm mạc trong dạ dày chịu tác động xấu của những dị nguyên gây hại. Lúc này, hiện tượng viêm loét bắt đầu xuất hiện, dẫn đến những cơn đau dạ dày sau khi ăn, kèm theo là dấu hiệu mệt mỏi cơ thể, muốn nôn và trướng bụng khó tiêu.
Tuy nhiên, căn bệnh này có thể cải thiện nếu bạn thay đổi chế độ ăn uống, chọn lọc thực phẩm nên ăn và hạn chế ăn thức ăn có hại cho dạ dày để những tổn thương được phục hồi.
Tốt nhất, bạn nên đi kiểm tra y tế để xác định chính xác mức độ viêm loét dạ dày và điều trị kịp thời. Bởi một số trường hợp bệnh chuyển nặng có thể khiến bạn đau dữ dội sau khi ăn, đi tiêu ra thấy phân lẫn máu,…thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
- Trào ngược dạ dày
Ăn vào là thấy đau kèm theo ợ nóng là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ đang mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Axit và thức ăn trong dạ dày lúc này sẽ trào ngược lên ống thực quản.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy nóng rát ở ngực và cổ họng, triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng nếu thức ăn tiêu thụ chứa những thành phần gây dị ứng hoặc có chứa chất độc hại như cồn, chất kích thích, đồ ăn cay nóng quá mức,…
- Viêm đường ruột
Bệnh viêm đường ruột cũng là nguyên nhân khiến bạn đau mỗi lần ăn xong. Đường tiêu hóa bị rối loạn dẫn đến hiện tượng đau dạ dày, tiêu chảy hoặc đi ngoài ra máu. Nếu viêm ruột hay viêm đường ruột chuyển nặng rất nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh.
- Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, với dấu hiệu phổ biến là tình trạng ăn vào thấy đau dạ dày, chướng bụng, đầy hơi,…Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị cho vấn đề ruột kích thích, bệnh nhân phải thay đổi thói quen sinh hoạt để khắc phục các triệu chứng.
- Bệnh celiac
Đây là căn bệnh rối loạn hệ tiêu hóa, chịu ảnh hưởng do cơ thể dị ứng với gluten có trong lúa mạch, lúa mì,…Bạn sẽ cảm thấy đau sau khi ăn, kèm theo tình trạng táo bón.
- Sỏi mật
Trong túi mật, ống mật sẽ xuất hiện những dị nguyên cứng như sỏi. Bệnh nhân khó nhận biết được bệnh do không có triệu chứng nào cụ thể. Nếu tình trạng kéo dài, nguy cơ sỏi mật sẽ kéo theo bệnh viêm túi mật, khó khăn hơn trong điều trị.
Bạn nên quan sát sơ thể, nếu thấy có những triệu chứng như đau vùng thượng vị, đau lưng, đau mỗi khi ăn xong, khó chịu dạ dày, buồn nôn, cuống họng đau và kèm theo là dịch vàng, đắng…thì đến kiểm tra y tế để được chẩn đoán sớm.
Trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc. Nếu sỏi mật dẫn đến viêm túi mật có thể phải tiến hành phẫu thuật.
- Dấu hiệu của bệnh ung thư
Mỗi khi ăn xong bạn đều cảm thấy đau dạ dày là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể đang mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc ung thư tuyến tụy. Ngoài tình trạng đau sẽ có một số dấu hiệu kèm theo như sụt cân nhanh chóng, thường xuyên mệt mỏi, cảm thấy nhạt miệng, ăn không ngon hoặc chán ăn.
Khi gặp phải những hiện tượng khác thường này, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Nếu phát hiện trong giai đoạn đầu sẽ dễ triều trị và có cơ hội phục hồi cao hơn.
3. Một số nguyên nhân khác khiến ăn vào là đau dạ dày
Bên cạnh những nguyên nhân điển hình kể trên, tình trạng đau dạ dày sau khi ăn còn có thể do một số yếu tố dưới đây:
- Stress, căng thẳng: Cơ thể chịu nhiều áp lực, căng thẳng, stress thường xuyên là nguyên nhân khiến dạ dày bị ảnh hưởng, gây khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Người không cân bằng được công việc và cuộc sống rất hay gặp phải tình trạng này.
- Béo phì: Thừa cân, béo phì là lý do khiến cho những cơn đau dạ dày xuất hiện mỗi khi ăn xong, kèm theo đó là một số triệu chứng như ợ hơi, ợ chua. Theo nghiên cứu, người có cân nặng vượt quá trọng lượng trung bình sẽ dễ gặp các vấn đề về dạ dày hơn người bình thường.
- Táo bón: Người gặp vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là khó tiêu, táo bón thường bị đau dạ dày mỗi khi ăn no. Tình trạng này xuất hiện do hệ tiêu hóa cố gắng loại bỏ những cặn thức ăn của bữa ăn trước đó để nạp vào lượng thức ăn mới, nhưng không thành. Sự cố gắng này vô tình khiến cho cơ thể cứ ăn vào là đau dạ dày ngay.
- Tác dụng phụ của thuốc Tây y: Đau bụng là biểu hiện thường gặp nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc tân dược điều trị bệnh. Kèm theo đó, bệnh nhân thường cảm thấy buồn nôn. Tình trạng này sẽ càng tăng cao sau khi ăn.
Cách khắc phục tình trạng ăn vào là đau dạ dày
Để khắc phục tình trạng cứ ăn vào là đau dạ dày, bạn cần phải xác định được nguyên nhân cũng như mức độ bệnh lý mà bạn đang mắc phải. Nắm được điều này, bạn sẽ lựa chọn được phương án khắc phục phù hợp.
Một số biện pháp bạn có thể tham khảo dưới đây:
1. Sử dụng thuốc Tây
Kiểm soát đau dạ dày sau khi ăn bằng thuốc tây được nhiều người sử dụng. Một số loại thuốc không kê đơn được dùng phổ biến như thuốc chống đầy hơi, thuốc trung hòa axit, thuốc nhuận tràng, ức chế axit,…
Người bệnh tốt nhất nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để việc điều trị diễn ra nhanh chóng, an toàn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, bởi khi sử dụng sai cách có thể kèm theo nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2. Chữa đau dạ dày bằng các mẹo nhỏ
Khi ăn vào cảm thấy đau dạ dày, bạn có thể lựa chọn cách cải thiện tình trạng bằng một số mẹo nhỏ dưới đây. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp cho những trường hợp đau nhẹ, đau dạ dày mới khởi phát:
- Chườm nóng: Nhiều người đã áp dụng và cải thiện được đáng kể tình trạng đau dạ dày. Bạn chỉ cần đun nước ấm, đổ vào một chai thủy tinh, sau đó quấn một cái khăn xung quanh rồi chườm lên bụng. Nếu có túi chườm nóng sử dụng sẽ tiện lợi hơn.
- Massage bụng: Massage sẽ giúp lưu thông máu huyết, hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt tốt cho những người vừa mới ăn no. Massage theo chiều kim đồng hồ quanh vùng bụng trong 10 phút mỗi lần đến khi giảm cơn đau.
- Uống trà thảo mộc: Trà gừng, trà hoa cúc,…là một sự lựa chọn tốt cho chứng đau dạ dày khi ăn. Trà gừng còn giúp làm ấm bụng, giảm cảm giác buồn nôn. Trà hoa cúc giúp chống viêm, khắc phục các triệu chứng đau, thư giãn cơ thể. Bạn có thể lựa chọn một số loại trà thảo mộc khác như mật ong, trà xanh,…
3. Cách lựa chọn thực phẩm hạn chế ăn vào là đau dạ dày
Chọn lựa thực phẩm nạp vào cơ thể cũng sẽ giúp bạn khắc phục được tình trạng cứ ăn vào là đau dạ dày. Một số nguyên tắc bạn cần lưu ý:
- Ưu tiên thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa lúc này đang gặp vấn đề, do đó nếu bạn tiếp tục nạp vào cơ thể những thức ăn khó tiêu, cứng, nhiều dầu mỡ thì dạ dày sẽ hoạt động nhiều hơn, kéo dài cơn đau mà thôi. Chính vì thế, bạn nên lựa chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, hấp thụ.
Tập trung vào những thực phẩm giàu protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin cần thiết cho cơ thể thông qua các món cháo, canh, hầm nhừ dễ ăn.
Cũng cần lưu ý, bạn không nên ăn nhiều một loại thực phẩm, hãy thay đổi món ăn để tạo độ phong phú và không khiến dạ dày chịu nhiều áp lực trong quá trình chuyển hóa.
- Hạn chế ăn quá chua, quá cay khiến dạ dày bị tổn thương
Những món ăn chua, cay hoặc quá nóng là tác nhân nguy hiểm khiến tình trạng viêm loét dạ dày của bạn trầm trọng hơn. Do đó, bạn cần hạn chế tối đa nạp những thực phẩm này.
Người bị đau dạ dày cần tránh ăn nhiều một số loại thực phẩm sau đây:
- Trái cây nhiều chất chua như chanh, cam quýt,…
- Gia vị có vị chua như măng, dấm, me, lá vang,…
- Thức uống có gas, cồn, chất kích thích,…
- Đồ ăn chứa khí như hẹ, dưa muối, hành, giá đỗ,…
- Đặc biệt hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ nướng được tẩm ướp sẵn, thức ăn đóng hộp,…
4. Việc nên làm sau khi ăn để tránh đau dạ dày
Để khắc phục tình trạng ăn vào là bị đau dạ dày bạn nên thực hiện một số việc sau:
- Nghỉ ngơi, thư giãn
Làm việc nặng sau khi vừa ăn xong, hay vừa ăn vừa làm là nguyên nhân làm cho bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn. Lúc này dạ dày bị tác động khiến nó liên tục co bóp, tăng áp lực lên niêm mạc dạ dày, tạo nên những cơn đau, khó chịu mỗi khi ăn no.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, người bị chứng đau dạ dày nên nghỉ ngơi 20 – 30 phút sau khi ăn để cơ thể tập trung vào quá trình chuyển hóa, điều này sẽ giúp dạ dày phục hồi tốt hơn.
- Massage bụng để dễ tiêu hóa
Massage bụng sẽ hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, nhiều người không để ý đến vấn đề này. Cách massage cũng đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện chuyển động tròn theo chiều kim đồng hồ quanh rốn một cách nhẹ nhàng trong vòng vài phút.
Dạ dày nhờ tác động này sẽ kích thích quá trình chuyển hóa thức ăn nhanh hơn, giảm tải áp lực cho thành dạ dày, đồng thời cải thiện chứng đầy hơi, khó tiêu. Massage còn giúp lưu thông máu trong cơ thể tốt hơn, ổn định hoạt động của hệ thống tiêu hóa.
- Đi bộ sau bữa ăn
Vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn sẽ giảm cảm giác căng tức, đau dạ dày, tốt cho hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng, không nên đi quá nhanh hoặc chạy, vì sẽ khiến tình trạng đau nặng hơn.
Trong quá trình đi bộ, cơ thể được kích thích tạo ra enzyme và axit hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Sau khi ăn, bạn nên nghỉ ngơi 30 phút sau đó bắt đầu đi bộ sẽ cải thiện được chứng đau dạ dày.
5. Một số việc nên tránh nếu không muốn cứ ăn vào là đau dạ dày
Bên cạnh những việc nên làm, bạn cũng cần hạn chế những việc sau đây mỗi khi vừa ăn no:
- Ăn trái cây ngay khi ăn bữa chính
Nhiều người có thói quen ăn trái cây khi vừa dùng bữa chính. Tuy nhiên, những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa không nên ăn ngay trái cây, điều này sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.
Việc nạp liên tiếp thức ăn, đặc biệt là sử dụng trái cây có chứa nhiều axit, vitamin,..sẽ gây thêm áp lực cho dạ dày. Lúc này, dạ dày của bạn vẫn chưa làm việc hết với lượng thức ăn trong bữa chính, lại nhận thêm lượng thực phẩm tươi sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý vấn đề này. Không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính, tốt nhất nên nghỉ ngơi 30 phút rồi ăn tráng miệng.
- Sau khi ăn nằm hoặc ngủ ngay
Quá trình tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn nằm hoặc ngủ ngay khi vừa ăn no. Việc này làm cản trở quá trình tiêu hóa, dạ dày không co thắt được bình thường khiến thức ăn không tiêu hóa được hết, đọng lại và có nguy cơ dẫn đến bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản.
- Tắm
Tắm sau khi vừa ăn no là sai lầm mà nhiều người đã và đang mắc phải. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn cản trở quá trình lưu thông máu đến dạ dày. Bởi vì lúc này, máu sẽ đổ dồn về tứ chi, làm cho dạ dày hoạt động kém hơn, quá trình tiêu hóa trì trệ.
Vài người sẽ bị chướng bụng, đầy hơi, thậm chí là đau dạ dày dữ dội nếu vừa mới ăn xong đã vội đi tắm. Tình trạng này kéo dài còn dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm như bệnh cao huyết áp, mỡ máu, và có hại cho hệ tim mạch.
- Vận động mạnh sau khi ăn
Sau khi ăn nếu như bạn làm việc hay tập luyện thể thao, cơ thể không được nghỉ ngơi dạ dày sẽ phải chịu nhiều áp lực. Điều này làm cho cơn đau nặng hơn và khó điều trị. Quá trình co bóp để tiêu hóa thức ăn tăng lên, thành dạ dày căng tức gây nên hiện tượng đầy hơi và chướng bụng.
Bên cạnh đó, không nên quan hệ tình dục sau khi vừa ăn no. Chuyện này cũng không tốt đối với dạ dày của bạn. Dạ dày sẽ không được cung cấp đủ máu dẫn đến ức chế hoạt động, tiêu hóa chậm chạp hơn, không những thế còn ảnh hưởng đến nhịp tim và gây đau đầu.
- Uống nhiều nước
Việc uống nhiều nước khi vừa ăn nó sẽ khiến dạ dày khó tiêu hóa hơn. Chỉ nên bổ sung sau khi ăn từ 20 – 30 phút và uống với vài ngụm nhỏ để dạ dày có thời gian chuyển hóa chất dinh dưỡng từ lượng thức ăn trước đó.
- Hút thuốc lá
Sau khi ăn, việc sử dụng thuốc lá khiến cho độc tố ngấm và cơ thể dễ dàng hơn. Đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến ruột và chức năng của dạ dày. Khói thuốc đi vào phổi và các mô trên cơ thể kéo theo sự tổn hại hệ tiêu hóa và một số cơ quan khác. Không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe dạ dày, bạn cũng cần tránh xa khói thuốc nếu muốn bảo vệ cơ thể.
Trên đây là những thông tin về vấn đề tại sao nhiều người cứ ăn vào là đau dạ dày. Bạn nên lưu ý một số việc cần làm và những việc cần tránh để cải thiện sức khỏe cũng như chức năng của hệ tiêu hóa, giúp dạ dày phục hồi khỏe mạnh hơn.
Nếu tình trạng đau kéo dài một thời gian mà không khỏi dù đã điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!